Nicole Hao
Tại cơ quan lập pháp bù nhìn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào lần gần đây nhất, lãnh đạo Tập Cận Bình đã yêu cầu quân đội nước này tăng cường việc sử dụng luật pháp trong giao tranh quân sự với các quốc gia ngoại quốc.
“Cải thiện việc sử dụng luật pháp trong các vấn đề quân sự liên quan đến ngoại quốc,” ông Tập nói với các đại diện từ quân đội và lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại hội nghị thường niên ở Bắc Kinh.
“Lập một kế hoạch tổng thể [ở ngoại quốc] kết hợp hoạt động quân sự và chiến đấu bằng cách sử dụng luật pháp,” ông Tập, người cũng là Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, cho biết thêm. “Hoàn thiện các luật và quy định [để] quản lý sự giao tranh của quân đội với ngoại quốc.”
Đây là mệnh lệnh mới sau thông báo của chính quyền Trung Quốc về ngân sách quốc phòng cho năm 2022 hôm 05/03, vốn chứng kiến mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất cho đến nay.
Ngân sách Quốc phòng
Hôm 05/03, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dẫn lời Bộ Tài chính Trung Quốc, cơ quan đã báo cáo dữ liệu sau khi xem xét tại hội nghị của cơ quan lập pháp bù nhìn của chính phủ năm 2022 rằng, “Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay [2022] là 1.45 nghìn tỷ nhân dân tệ (229.4 tỷ USD), vốn cao hơn 7.1% so với ngân sách năm 2021.”
Theo dữ liệu chính thức này, Năm 2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 6.6% và vào năm 2021 đã tăng 6.8%.
Trên thực tế, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng liên tục bắt đầu từ 34 năm trước, là thời điểm mà chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên công bố ngân sách quốc phòng vào năm 1988. Tốc độ gia tăng này luôn nhanh hơn tốc độ gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, ước tính rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 206% kể từ năm 2012 khi ông Tập nhậm chức với tư cách là lãnh đạo của Trung Quốc.
Hôm 06/03, ông Tô nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Ngân sách này đã được chi cho quân nhân, bảo trì trang thiết bị và vũ khí, cũng như đầu tư vào các thiết bị và hệ thống mới. Hai khía cạnh đầu tiên, mỗi khía cạnh chiếm 30% ngân sách, còn việc đầu tư vào vũ khí mới chiếm 40% ngân sách.”
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tính toán việc chi tiêu quân sự của Trung Quốc hàng năm, luôn cao hơn ngân sách quốc phòng mà Bắc Kinh công bố.
“Việc chi tiêu quân sự có thể được tài trợ từ một số nguồn ngân sách bổ sung hoặc ngoài ngân sách … Đây là trường hợp của Trung Quốc, quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới,” SIPRI viết vào năm 2017.
Chuẩn bị cho chiến tranh
Tại cuộc họp hôm 07/03, ông Tập đã yêu cầu quân đội và lực lượng cảnh sát vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh.
Hôm 05/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh việc chuẩn bị cho chiến tranh khi ông trình bày Báo cáo Công việc của Chính phủ tại kỳ họp của cơ quan lập pháp bù nhìn này. “[Trung Quốc sẽ] tăng cường toàn diện huấn luyện quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu,” ông Lý nói. “Thực hiện chiến đấu trong quân đội một cách chắc chắn và linh hoạt.”
Ông Lý giải thích rằng trọng tâm quân sự vào năm 2022 nên là hiện đại hóa vũ khí và trang bị, tăng cường cải tiến kỹ thuật, và đào tạo các chuyên gia cho kỷ nguyên mới.
Ông Lý tuyên bố, “Chính phủ các cấp phải hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc phòng và lực lượng vũ trang, vì vậy sự đoàn kết giữa quân đội và chính phủ cũng như giữa quân đội và nhân dân sẽ luôn vững chắc.”
Các chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc ngày càng gây hấn đối với hòn đảo tự trị Đài Loan, cũng như gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Thanh Tâm biên dịch