Một ủy ban lập pháp do đảng cầm quyền ở Nga đứng đầu đã thông qua các biện pháp vào ngày 8/3 nhằm mở đường cho việc quốc hữu hóa tài sản của các công ty phương Tây hiện đang rời khỏi đất nước để phản đối các cuộc tấn công quân sự vào Ukraine.
Đảng Nước Nga Thống nhất, đảng chính trị chiếm đa số tại Hạ viện Nga (Duma Quốc gia), cho biết rằng các biện pháp mới này nhằm ngăn chặn tình trạng phá sản và duy trì việc làm tại các tổ chức có hơn 25% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của các thực thể thuộc “các chính phủ không thân thiện”.
Đề xuất này được đưa ra sau khi một thành viên cấp cao của đảng Nước Nga Thống nhất, Andrei Turchak, đề xuất quốc hữu hóa các doanh nghiệp và nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Đảng Nước Nga Thống nhất đề xuất quốc hữu hóa các nhà máy sản xuất của các công ty đã thông báo rút lui và đóng cửa sản xuất ở Nga trong thời gian diễn ra chiến dịch đặc biệt ở Ukraine”, ông Turchak viết trong một tuyên bố đăng trên trang web của đảng.
Ông Turchak cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa cứng rắn, hành động phù hợp với các luật chiến tranh.”
“Đây là một biện pháp cực đoan, nhưng chúng tôi sẽ không khoan nhượng với việc bị đâm sau lưng, và chúng tôi sẽ bảo vệ người dân của mình”.
Ông nói: “Đây là một cuộc chiến thực sự, không phải chống lại toàn bộ nước Nga mà là chống lại các công dân của chúng tôi.”
Đảng Nước Nga Thống nhất, do Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng đầu, đã thúc đẩy chính phủ Nga kiểm soát hoạt động của hàng chục công ty phương Tây đã ngừng hoạt động tại nước này.
Các biện pháp mới bao gồm một điều khoản cho phép các thành viên của ban giám đốc tại các tổ chức mục tiêu đó, hoặc cơ quan thuế liên bang Nga, bổ nhiệm các nhà quản lý bên ngoài để duy trì hoạt động.
Các chủ sở hữu nước ngoài sẽ vẫn có thể phản đối việc bổ nhiệm quản lý trong vòng năm ngày nếu họ đồng ý tiếp tục hoạt động, hoặc bán cổ phần của họ trong các công ty được chỉ định.
Nếu chủ sở hữu không đáp ứng các yêu cầu đó, tòa án Nga sẽ chỉ định ban quản lý bên ngoài và cổ phần của tổ chức sẽ được rao bán.
Những người mua mới trong nước sẽ phải giữ lại ít nhất 2/3 lực lượng lao động.
Nestle, Coca-Cola, PepsiCo, Philip Morris và Imperial Brands vào ngày 8/3 đã gia nhập danh sách các công ty đa quốc gia rút hoạt động khỏi Nga, khi áp lực gia tăng nhằm chống lại cuộc xâm lược Ukraine.
Procter & Gamble và Unilever đã tạm dừng các khoản đầu tư của họ ở Nga, trong khi McDonald’s vừa tạm dừng hoạt động tại 847 nhà hàng ở Nga.
Ford, Adidas và Nike cũng đã thông báo đóng cửa tạm thời các cửa hàng và nhà máy ở Nga do liên đới với Ukraine và chuỗi cung ứng đối mặt với gián đoạn do xung đột.
Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đã nhắm vào các ngân hàng và giới tài phiệt thuộc sở hữu của Nga, đồng thời không khuyến khích đầu tư nước ngoài vào quốc gia này.
Ủy ban châu Âu được cho là đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các nhà tài phiệt và chính trị gia khác của Nga và ba ngân hàng Belarus.
Vào ngày 8/3, Nhà Trắng thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cấm nhập khẩu dầu của Nga cùng với các lệnh trừng phạt khác của nước này.
Các nhà phân tích cho rằng xung đột kinh tế và cuộc xâm lược Ukraine có thể sẽ dẫn đến giá năng lượng, lương thực và hàng hóa tăng vọt, cũng như thiếu hụt các nguyên liệu chiến lược quan trọng vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau COVID.
Ngân Hà (theo The Epoch Times)