Mục lục bài viết
Những câu chuyện của Seng Moon và Yang chỉ là hai trường hợp được truyền thông quốc tế đưa ra ánh sáng, song vẫn còn vô số nạn nhân của nạn buôn người ở Trung Quốc [trong đó có cô dâu Việt Nam] đang phải âm thầm chịu đựng trong bóng tối…
Gần đây, đoạn video quay cảnh một người phụ nữ tâm thần bị chồng buộc xích vào cổ và nhốt cả ngày trong căn lều tồi tàn đã gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Bà là Yang, mẹ của 8 đứa con, co ro trong bộ quần áo mỏng manh giữa cái lạnh âm độ cắt da, tại một ngôi làng ở huyện Phong, Từ Châu, tỉnh Giang Tô.
Sau nhiều lần phủ nhận, chính quyền địa phương cuối cùng cũng đã thừa nhận rằng bà Yang đúng là nạn nhân của một vụ buôn người. Chồng của bà sau đó đã bị bắt giam vì tội “giam giữ người trái phép”, BBC đưa tin.
Tăng trưởng kinh tế và sự mở cửa của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc phụ nữ được an toàn hơn. Ngày nay, nạn buôn người vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc và những người nước ngoài cũng trở thành miếng mồi ngon của loại tội phạm này.
Seng Moon, một người tị nạn nghèo khổ ở đông bắc Myanmar, đã bị chị dâu thuyết phục vượt biên sang Trung Quốc để tìm việc làm. Cô đã bất tỉnh trong ô-tô sau khi uống một viên thuốc chống say xe được đưa cho. Khi Seng Moon tỉnh dậy, hai tay cô bị trói sau lưng và cô phải ở cùng một gia đình người Hoa. Vài tháng sau, người chị dâu quay lại chỉ để nói với Seng Moon rằng cô sẽ kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc.
Sau khi được đưa đến một ngôi nhà khác, cô gái tội nghiệp bị trói và nhốt trong một căn phòng. Theo bài đăng của CNN, “người chồng” mới của cô đã mang đồ ăn cho cô rồi sau đó cưỡng hiếp cô. Việc lạm dụng và hãm hiếp đã xảy ra liên tục cho đến khi Seng Moon mang thai. Sau khi sinh một bé trai, cô xin về Myanmar, chồng cô đã đồng ý với điều kiện cô phải để đứa trẻ lại cho anh ta.
Những câu chuyện của Seng Moon và Yang chỉ là hai trường hợp được truyền thông quốc tế đưa ra ánh sáng, song vẫn còn vô số nạn nhân của nạn buôn người ở Trung Quốc đang phải âm thầm chịu đựng trong bóng tối.
Theo “Báo cáo tình hình buôn người năm 2021: Trung Quốc” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “Phụ nữ và các bé gái từ Nam Á, Đông Nam Á và một số quốc gia ở châu Phi bị cưỡng bức lao động giúp việc gia đình, cưỡng bức làm vợ lẽ dẫn đến ép buộc sinh con và là nạn nhân của buôn bán tình dục thông qua hôn nhân lừa đảo và cưỡng bức với đàn ông Trung Quốc”.
Xem video trên kênh YouTube “China Revealed”: https://www.youtube.com/embed/0Ihp02S2POA?feature=oembed
Một chính sách thảm họa
Dưới góc độ nhân khẩu học, buôn bán phụ nữ có thể là hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính hay là “thiếu phụ nữ” ở Trung Quốc, xuất phát từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Chính sách một con của Trung Quốc bắt đầu năm 1980 sau khi dân số Trung Quốc tăng vọt từ khoảng 540 triệu lên 969 triệu trong giai đoạn 1949-1980. Các nhà chức trách cho rằng chính sách này là yếu tố then chốt trong việc hỗ trợ cho bùng nổ kinh tế quốc gia.
Ở các quốc gia khác, các chương trình kế hoạch hóa gia đình được thiết kế để khuyến khích các bậc cha mẹ sinh con với số lượng như mong muốn của họ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các chương trình này bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ và có sự can thiệp của chính phủ, gồm cả việc phạt tiền đối với những người vi phạm và thường kèm theo cưỡng bức phá thai.
Chính sách này đã giới hạn đa số các cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con, với ít trường hợp ngoại lệ. Riêng bộ phận công nhân viên chức của các tổ chức nhà nước, gồm cả các trường đại học, sẽ có nguy cơ bị mất việc làm nếu họ có nhiều hơn một con.
Nếu cha mẹ không nộp phạt, họ sẽ không được đăng ký cho đứa con thứ hai vào hộ khẩu, nghĩa là đứa bé không được công nhận là hợp pháp và sẽ không được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Wall Street Journal đưa tin, năm 2013, đạo diễn phim nổi tiếng Trương Nghệ Mưu cùng vợ là Trần Đình đã bị phạt 1,2 triệu USD vì có ba con.
Nhìn vào những khẩu hiệu từng được tuyên truyền, người ta có thể ngay lập tức cảm nhận được sự hà khắc của chính sách kiểm soát sinh đẻ ở Trung Quốc, chẳng hạn:
- “Nếu một người phạm luật, cả làng sẽ bị triệt sản”,
- “Thà có thêm một nấm mồ còn hơn có thêm một đứa trẻ”,
- “Nếu không thắt ống dẫn tinh, thì sẽ bị phá nhà. Nếu không nạo thai, thì sẽ bị tịch thu bò và ruộng”.
Bên cạnh việc cưỡng ép phá thai và phạt tiền từ phía Nhà nước, chính sách một con cũng dẫn đến hành vi phản ứng từ các gia đình, bao gồm cả phá thai để lựa chọn giới tính hay tàn nhẫn hơn là cố ý giết các bé gái sơ sinh. Nhiều bậc cha mẹ đã cố gắng cho con gái sơ sinh của mình một cơ hội sống sót bằng cách gửi chúng đến các tu viện Phật giáo.
Trong bộ phim tài liệu Girls in the Nunnery (tạm dịch: Những bé gái trong tu viện), nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc Yao Cheng, một tình nguyện viên của Tổ chức Women’s Rights in China (tạm dịch: Quyền lợi cho phụ nữ ở Trung Quốc) có trụ sở tại New York, tiết lộ rằng hàng nghìn bé gái đã được nhận nuôi bởi hàng chục tu viện Phật giáo ở Đồng Thành, An Huy. “Những đứa trẻ sơ sinh được đặt vào trong một chiếc hộp giấy hoặc một cái giỏ có lót một tấm chăn”, ông nói. “Những cháu may mắn được các ni cô nuôi dưỡng, nhưng các ni cô chỉ đủ khả năng để nuôi một vài cháu, hầu hết những cháu bé bất hạnh đã bị chết cóng hoặc bị chó hoang cắn chết. Tất nhiên, nếu gia đình nào muốn nhận một bé gái làm con nuôi, các ni cô sẽ rất sẵn lòng”.
Không may thay, nỗ lực giúp đỡ các bé gái được nuôi trong tu viện tìm lại cha mẹ ruột đã khiến ông Yao chịu án phạt 22 tháng tù ở Trung Quốc vào năm 2013.
Theo ông Yao, trẻ sơ sinh Trung Quốc, dù trai hay gái, đều có thể trở thành nạn nhân của nạn bắt cóc và buôn người.
Chính sách một con chỉ kết thúc vào tháng 1 năm 2016 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận ra những tác động kinh tế và xã hội thảm hại của nó. Đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm và già hóa, ĐCSTQ đã nới lỏng các giới hạn về quy mô gia đình, cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai và cuối cùng đã đưa ra chính sách ba con vào tháng 5 năm 2021.
Tuy vậy, những cải cách này dường như đã quá muộn. Trong một bài báo trên tờ The Guardian vào năm 2019, Yi Fuxian, một nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin ở Madison và là nhà phê bình lâu năm về các chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho biết: “Trung Quốc lẽ ra nên dừng chính sách này từ 28 năm trước”.
Ngày nay, Trung Quốc phải đối mặt với lực lượng lao động ngày càng giảm, già hóa dân số và mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Số liệu từ cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2020 của Trung Quốc cho thấy trong nhóm dân số từ 20-40 tuổi, so với nữ giới, nam giới nhiều hơn tới 17,52 triệu người.
Jiang Quanbao, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Giao thông Tây An, cho biết: “Trong điều kiện bình thường, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Trung Quốc thường là 106 (bé trai trên 100 bé gái)”. Ông nói thêm rằng khoảng 7 triệu trong số 17,52 triệu được báo cáo trong cuộc điều tra dân số có thể là hậu quả của việc phá thai lựa chọn giới tính.
Với hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc chưa vợ, nhu cầu cô dâu cực lớn đã tạo ra một thị trường buôn người. Một cuộc điều tra năm 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phát hiện ra một đường dây buôn bán cô dâu từ miền bắc Myanmar vào Trung Quốc, nơi phụ nữ Myanmar bị các nhà môi giới lừa và bán với giá khoảng 3.000 đến 13.000 USD cho các gia đình Trung Quốc. Sau khi bị bán đi, họ sẽ bị giam giữ và chịu áp lực phải sinh con càng nhanh càng tốt.
Một ngành siêu lợi nhuận
Nói chung, buôn người được định nghĩa là việc mua bán con người với mục đích lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục, hoặc bóc lột tình dục đem lại lợi ích tài chính cho kẻ buôn người hoặc những người khác. Điều này có thể bao gồm việc kiếm cô dâu trong bối cảnh hôn nhân bị ép buộc, hoặc dùng để lấy nội tạng hoặc mô, bao gồm cả việc thay thế và loại bỏ trứng. Theo định nghĩa này, tình hình ở Trung Quốc phức tạp hơn nhiều khi có sự nhúng tay của ĐCSTQ.
Nhà hoạt động Yao Cheng đã tiết lộ rằng, theo thống kê của các tổ chức phi lợi nhuận của Trung Quốc, bao gồm cả Women’s Rights in China, ước tính có khoảng 70.000 đứa trẻ bị bắt cóc hàng năm, chưa tính đến những trẻ bị bỏ rơi. Những đứa trẻ đáng thương đó sau khi bị mua về sẽ trở thành cô dâu nhí – khi đứa trẻ đến độ tuổi thích hợp, sẽ phải kết hôn với một người trong gia đình đó, hoặc trở thành gái mại dâm, thậm chí là bị đưa đi mổ cướp tạng.
Ông Yao nhớ lại đã từng chứng kiến ở Sán Đầu, Quảng Đông những chiếc giường dành cho các bé trai và bé gái bị đưa đến Đông Nam Á để mổ cướp nội tạng. Ông Yao nói rằng bất chấp tất cả các bằng chứng mà ông đã thu thập được, cảnh sát vẫn từ chối điều tra hoặc có bất kỳ hành động nào để trấn áp tội phạm.
Ông Yao nói rằng cảnh sát Trung Quốc chỉ giỏi trong việc truy bắt đối tượng “thù địch” của nhà nước, còn với nhóm buôn người thì họ không ra tay, bởi vì nhiều cảnh sát cũng tham gia vào các hoạt động phi pháp này, tạo thành một chuỗi công nghiệp siêu lợi nhuận. Ông cũng cho rằng các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ đã chống lưng cho những kế hoạch vô nhân đạo này vì một số người trong số họ đã thực hiện cấy ghép nội tạng. “Tại sao nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, được cho là sức khỏe yếu sau khi trải qua các cuộc chiến và những khó khăn gian khổ thời đầu, lại có thể sống đến độ tuổi 90-100?”, ông Yao đặt nghi vấn. “Hãy nhìn Giang Trạch Dân, ông ta đã gần 100 tuổi. Nhu cầu nội tạng ở thị trường Trung Quốc hẳn cũng rất cao”.
Những lời buộc tội của Yao không phải là vô căn cứ. Vào năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua H.Res.343, một mục trong nghị quyết thể hiện mối quan ngại về “bày tỏ quan ngại trước các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống và được nhà nước bảo trợ từ tù nhân lương tâm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Hạ nghị sĩ Eliot L. Engel phát biểu tại phòng họp Hạ viện: “Những cáo buộc này đặc biệt nghiêm trọng: Chính quyền các nhà tù Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các tù nhân chỉ vì tín ngưỡng của họ và sau đó kiếm lời bằng cách buôn bán nội tạng của những tù nhân này. Tôi không thể tưởng tượng nổi điều gì kinh tởm hơn thế”.
Fox News vào năm 2019 đã đưa tin rằng sau 12 tháng đánh giá độc lập tất cả các bằng chứng hiện có, Tòa án Trung Quốc do Liên minh Quốc tế khởi xướng để Chấm dứt Nạn Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), đã công bố những phát hiện cuối cùng vào tháng Sáu. Tòa án nhấn mạnh rằng “thời gian chờ đợi nội tạng sẵn sàng cho cấy ghép là cực kỳ ngắn” và nhiều trang web thậm chí rao bán tim, phổi và thận – cho thấy một ngành công nghiệp theo nhu cầu.
“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm và các học viên Pháp Luân Công đã là một nguồn cung cấp nội tạng và có lẽ là nguồn chính”, báo cáo kết luận, vén màn góc khuất về ngành công nghiệp cấy ghép đang phát triển với trị giá hơn 1 tỷ USD.
Hơn nữa, sau nhiều năm âm thầm nghiên cứu và phân tích, Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc (China Organ Harvest Research Center – COHRC) cũng đã làm chứng trước Tòa án Trung Quốc, công bố một báo cáo vào tháng 7 năm 2019 cho biết “việc giết các tù nhân lương tâm theo nhu cầu được thực hiện theo chỉ đạo của nhà nước, vận hành ở quy mô công nghiệp và có sự tham gia của các cơ quan quân sự và dân sự”.
ĐCSTQ khoe khoang trước cộng đồng quốc tế về hệ thống hiến tạng tự nguyện quy mô nhất ở châu Á. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng người Trung Quốc xưa nay theo quan niệm truyền thống vốn không tự nguyện hiến tạng, và con số chính thức 10.000 ca ghép mỗi năm là báo cáo “khống so với số lượng thực” – khoảng 60.000–100.000 ca mỗi năm, con số được các nhà nghiên cứu đảm bảo.
Fox News bổ sung rằng, “Theo COHRC, [có những kẻ] đã kiếm được hàng núi tiền. Dữ liệu từ năm 2007 cho thấy các bệnh viện tính phí hơn 65.000USD cho một ca ghép thận, 130.000USD cho một ca ghép gan và hơn 150.000USD cho ghép phổi hoặc tim. Những bệnh nhân nguy kịch có thể phải trả mức giá cao hơn để nhận nội tạng “được hiến” nhanh chóng nhất”.
Một sự im lặng đáng sợ
Quay trở lại câu chuyện gần đây của Yang, người mẹ tâm thần ở Từ Châu, người ta đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc liệu bà có bằng lòng sinh 8 đứa con hay đã bị lạm dụng như một “máy đẻ”. Cư dân mạng bị kích động tới mức phẫn nộ bởi cách mà người chồng đối xử với bà và sự làm ngơ của chính quyền trong suốt thời gian dài.
Trong một đoạn video được lan truyền gần đây trên Internet, La Tường (Luo Xiang), một giáo sư luật Trung Quốc, đã giải thích những lỗ hổng pháp lý trong xét xử tội buôn người ở Trung Quốc. Ví dụ, theo luật pháp Trung Quốc, việc mua trái phép một con vẹt có mức án tối đa là năm năm tù, trong khi mua phi pháp một người phụ nữ chỉ có mức án tù tối đa là ba năm.
Một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng Điều 241 Bộ luật Hình sự của Trung Quốc: “hình sự hóa việc mua bán phụ nữ hoặc trẻ em bị bắt cóc và quy định mức phạt tối đa là ba năm tù, giam giữ ngắn hạn hoặc trả tự do có kiểm soát”.
“Các hình phạt theo quy định này không đủ nghiêm ngặt; tuy nhiên, Điều 241 cũng quy định rằng nếu một cá nhân mua bán một phụ nữ hoặc trẻ em bị bắt cóc và sau đó ‘cưỡng ép quan hệ tình dục’, cá nhân đó sẽ phải đối mặt với các hình phạt bổ sung theo quy định về tội hiếp dâm của bộ luật hình sự”.
Sự tồn tại của luật pháp ở một mức độ nào đó có tác dụng khắc chế và trừng phạt tội phạm, song luật pháp cũng phải bó tay nếu tội phạm không bị phát hiện hoặc không bị lên án.
Vào năm 2011, Vương Duyệt, một bé gái hai tuổi người Trung Quốc, khi đang chập chững đi trên một con phố hẹp của Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông, đã bị một xe hơi loại bảy chỗ tông phải và cán lên phần gần đầu của bé, khiến máu chảy lênh láng. Tài xế cho xe dừng lại vài giây rồi thản nhiên cho xe chạy tiếp và bánh xe sau lại nghiến nát một phần thân thể bé. Vài phút sau, một chiếc xe tải nhỏ tiếp tục cán nát đôi chân của Vương Duyệt. Đoạn video an ninh ghi lại cho thấy gần 20 người đang đi bộ hoặc lái xe qua bé gái vào thời điểm đó, một số hiếu kỳ nhìn chằm chằm cô bé trước khi bỏ đi. May thay, một phụ nữ nhặt rác đã nghe được tiếng kêu cứu của bé Duyệt và đưa bé vào bên đường. Đến lúc này, mẹ của bé, một công nhân nhập cư, mới phát hiện con mình gặp nạn.
Trong video, có thể thấy dường như Duyệt Duyệt đã gào khóc, ôm đầu, khẽ cử động tay chân và chảy rất nhiều máu. Mặc dù đã được đưa đến bệnh viện để điều trị nhưng bé đã bị thương quá nặng và qua đời sau hơn một tuần.
Theo Reuters đưa tin, cả hai tài xế nghiến qua bé gái đều đã bị bắt giữ, nhưng người dùng Internet cũng không ngừng chỉ trích sự vô tâm của những người đã bỏ mặc cô bé.
“Con người thời nay quá ích kỷ. Có rất nhiều người đi qua nhưng không ai giúp bé gái vì họ không muốn gặp phải rắc rối”, Yang Yaying, một cư dân Bắc Kinh, 21 tuổi, bình luận.
Câu chuyện thương tâm của Vương Duyệt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đạo đức đang xuống cấp trầm trọng trong xã hội Trung Quốc. Ở xã hội Trung Quốc cổ đại, “ngũ thường” (Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín) do Khổng Tử đề xướng là nền tảng cho đạo đức cá nhân và xã hội. Những nguyên tắc này đã giúp duy trì một nền văn hóa truyền thống với lòng trung thực, nhân ái, hòa hợp và khoan dung, những điều mà gần như đã bị mai một trong xã hội cai trị bởi ĐCSTQ hiện nay.
Truyền thống phương Đông coi con người là anh linh của vạn vật và là một trong Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân). Các tôn giáo phương Tây cũng cho rằng Thượng đế đã tạo ra con người phỏng theo hình tượng của mình. Do vậy, sinh mệnh của con người được ưu ái với những giá trị, mục đích và phẩm giá cao hơn muôn loài. Ở Trung Quốc cổ đại, các gia đình đông con được coi là có phúc lớn.
Ngược lại, trong con mắt của những người theo chủ nghĩa vô thần và thuyết duy vật, sinh mệnh của con người không có những phẩm chất độc đáo như vậy. Ăng-ghen, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, đã viết, “Sinh mệnh là một hình thức tồn tại của protein”. Theo quan điểm này, sinh mệnh của con người bất quá cũng chỉ là một hình thức của protein, chẳng khác gì lắm so với động vật và thực vật.
ĐCSTQ cho rằng “lịch sử của tất cả xã hội tồn tại cho đến nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp”. Kể từ khi lên nắm quyền, với các cuộc vận động chính trị liên miên và các vụ giết người hàng loạt trong Cách mạng Văn hóa và Thảm sát Thiên An Môn, ĐCSTQ đã cướp đi mạng sống, chôn vùi văn hóa truyền thống và kích động lòng thù hận trong quần chúng. Dưới thời ĐCSTQ, hàng xóm có thể trở thành những người xa lạ và các thành viên trong gia đình thậm chí có thể biến thành kẻ thù.
Trang Minghui.org từng đưa tin về trường hợp của cô Dương Lệ Vinh, 34 tuổi, ở phố Bắc Môn, thành phố Định Châu, quận Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. “Gia đình cô thường xuyên bị công an quấy rầy và đe dọa chỉ bởi vì cô tập Pháp Luân Công. Vào ngày 8 tháng 2 năm 2002, sau khi bị công an đột kích bất ngờ vào ban đêm, chồng cô Dương, là một người lái xe cho Phòng Tiêu chuẩn và Khí tượng, bị khủng hoảng tinh thần và sợ bị mất việc làm. Anh không thể chịu được những áp lực nặng nề từ phía chính quyền. Sáng sớm hôm sau, lợi dụng lúc cha mẹ già đi ra khỏi nhà, anh ta đã bóp cổ vợ mình cho đến chết. Cô Dương chết một cách bi thảm, bỏ lại một đứa con trai 10 tuổi.
Ngay sau đó, chồng cô đi báo cáo sự việc với chính quyền, và công an lập tức đến hiện trường để khám nghiệm tử thi cô Dương, lúc đó vẫn còn ấm. Chúng mổ và lấy nhiều nội tạng ra khỏi thân thể cô, trong khi các bộ phận nội tạng vẫn còn nóng ấm và máu vẫn phun ra. Một nhân viên Sở Công an Định Châu nói “Đây không phải là khám nghiệm tử thi, mà là mổ sống!”.
Bủa vây quần chúng bằng những cuộc giết chóc liên miên nhằm duy trì sự cai trị độc tài của mình, ĐCSTQ đã khiến cho người dân vì quá sợ hãi mà dần dần trở nên lãnh đạm, vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Bi kịch của bé Vương Duyệt hai tuổi có lẽ đã cho thấy rõ điều này.
Buôn người, phá thai để lựa chọn giới tính, giết trẻ sơ sinh và mổ cướp nội tạng tràn lan ở Trung Quốc là những vấn đề đáng báo động của một xã hội hiện đại đang dần mất đi linh hồn.
Chỉ khi ĐCSTQ không còn tồn tại, người dân Trung Hoa mới có thể khôi phục lại các giá trị đạo đức truyền thống và huy hoàng trong lịch sử. Chỉ khi ĐCSTQ không còn tồn tại, thì Trung Quốc mới có hy vọng.
Theo Teresa Jones – The BL
Thanh Tâm biên dịch