Ngày 11/3, Ấn Độ xác nhận họ đã vô tình phóng một tên lửa vào Pakistan do “trục trặc kỹ thuật” trong quá trình bảo dưỡng định kỳ.
Các chuyên gia quân sự trước đây từng cảnh báo về nguy cơ tai nạn hoặc tính toán sai lầm của các nước láng giềng trang bị vũ khí hạt nhân, vốn tham gia ba cuộc chiến và nhiều cuộc đụng độ vũ trang nhỏ hơn, thường là trên lãnh thổ tranh chấp Kashmir.
Căng thẳng đã giảm bớt trong những tháng gần đây và vụ việc phóng nhầm tên lửa này ngay lập tức đặt ra câu hỏi về cơ chế an toàn.
“Ngày 9/3, trong quá trình bảo dưỡng định kỳ, một trục trặc kỹ thuật đã xảy ra dẫn đến việc vô tình phóng tên lửa,” Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố ngày 11/3. “Được biết tên lửa đã rơi xuống một khu vực của Pakistan. Đây là một sự cố đáng tiếc, nhưng cũng rất may mắn là không có thiệt hại về người do vụ tai nạn.”
Bộ Quốc phòng còn cho hay, Chính phủ Ấn Độ đã “xem xét nghiêm túc vụ việc và ra lệnh cho Tòa án cấp cao tiến hành cuộc điều tra”.
Một phát ngôn viên của quân đội Pakistan thông báo trong một cuộc họp báo vào tối 10/3, một “vật thể bay tốc độ cao” có nguồn gốc từ thành phố Sirsa, miền Bắc Ấn Độ đã bị rơi gần thành phố Mian Channu, miền Đông Pakistan, cách thủ đô Islamabad khoảng 500 km
Ông nói: “Đường bay của vật thể này gây nguy hiểm cho nhiều chuyến bay của hành khách trong nước và quốc tế cả trên không phận Ấn Độ và Pakistan cũng như tính mạng và tài sản trên mặt đất.”
Một quan chức không quân Pakistan tiết lộ thêm, vật thể bay ở độ cao 40.000 feet và gấp ba lần tốc độ âm thanh, đã bay 124 km trong không phận Pakistan.
Văn phòng đối ngoại của Pakistan đã triệu tập các quan chức của Ấn Độ ở Islamabad để phản đối điều mà nước này gọi là “xâm phạm không phận của mình một cách vô cớ”, nhấn mạnh rằng vụ việc có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay của hành khách và tính mạng dân thường.
Pakistan cảnh báo Ấn Độ “cần lưu tâm đến những hậu quả không mong muốn từ sơ suất như vậy, và thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm tránh tái diễn sự cố như vậy trong tương lai”.
Bà Ayesha Siddiqa, một chuyên gia về các vấn đề quân sự và các vấn đề Nam Á đăng tweet rằng, “Ấn Độ-Pakistan nên bàn bạc về việc giảm thiểu rủi ro”.
“Cả hai quốc gia vẫn tự tin về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những vụ tai nạn như vậy xảy ra một lần nữa, và với những hậu quả nghiêm trọng hơn?”
Một quan chức an ninh cấp cao của Pakistan nói với Reuters, sự cố đã rơi vào tình trạng đáng báo động và có thể leo thang thành một “tình huống nguy cấp không đáng có”.
Quan chức này nhận định, việc thừa nhận sự cố sơ sót phóng nhầm tên lửa quả thực rất đáng quan ngại. “Điều này chẳng phải cho thấy cơ chế an toàn của họ và sức mạnh kỹ thuật của các loại vũ khí rất nguy hiểm? Cộng đồng quốc tế cần phải có cái nhìn rất sát sao về vấn đề này.”
Quan chức này lưu ý, đây có thể là tên lửa BrahMos – một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất có khả năng tấn công hạt nhân do Nga và Ấn Độ cùng phát triển.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Hoa Kỳ, tầm bắn của tên lửa này nằm trong khoảng từ 300 km đến 500 km, khiến nó có khả năng tấn công Islamabad từ một bệ phóng phía Bắc Ấn Độ.
Nhật Minh (Theo Reuters)