Thanh Đoàn
Cuộc họp lưỡng hội, nơi tụ tập mọi thành phần kinh tế, xã hội và 9 đảng phái chính trị, được xem là nơi thống nhất ý trí toàn dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); nơi các chỉ đạo được Đảng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ các thành phần ngoài đảng. Tuy nhiên, các đảng phái chính trị khác ở Trung Quốc, các thành phần ngoài đảng ở cuộc họp này lại do ĐCSTQ lựa chọn. Vì thế, khi các tài phiệt không còn xuất hiện ở kỳ họp lưỡng hội, một dấu hiệu cho thấy họ không còn là người của ĐCSTQ chọn nữa…
Được tham dự cuộc họp lưỡng hội mà ĐCSTQ lựa chọn là một phần quan trọng với các doanh nhân. Đây như một dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của họ được sự ủng hộ của ĐCSTQ, sự nghiệp chính trị của họ, thứ họ không thể thiếu trong sự nghiệp kinh doanh đang được nâng đỡ.
Việc xuất hiện ở kỳ họp lưỡng hội là một phần quan trọng trong sự gắn bó chính trị của các doanh nhân đại lục. Cuộc họp lưỡng hội cũng đồng thời là nơi các doanh nhân tụ hội. Nhưng trong những năm gần đây, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã vắng mặt, trong đó đáng chú ý nhất là Hứa Gia Ấn, CEO của Tập đoàn bất động sản Evergrande, nơi đang phải xử lý khoản nợ xấu lên tới 300 tỷ USD. Ông Hứa Gia Ấn là thành viên Uỷ ban Thường vụ Toàn quốc Hôi nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã bị Uỷ ban này từ chối và loại ra khỏi sân chơi chính trị.
Cái chết chính trị của các doanh nhân Trung Quốc
Khác với bất kỳ nền kinh tế nào khác trên thế giới, các doanh nhân Trung Quốc không thể kinh doanh thành công nếu không gắn bó sự nghiệp và danh tiếng của họ với hệ thống chính trị độc tài của ĐCSTQ. Sự có mặt của họ trong hệ thống như một sự bảo kê của đảng cho các hoạt động kinh doanh của họ; bù lại, các doanh nhân này phải trung thành, tận tâm với mọi chính sách của ĐCSTQ, ví dụ như đóng góp hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho chính sách ‘thịnh vượng chung’ của ông Tập Cận Bình.
Ông Hứa Gia Ấn sinh tháng 10/1958, chức danh là “Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 13, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Bí thư Đảng uỷ Tập đoàn Evergrande”.
CEO của Evergrande được bầu vào Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc năm 2008 và sau đó đã phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Trước đó, ông Hứa đã tham gia hai kỳ họp thường niên.
Ngày 3/3/2012, Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã khai mạc, ông Hứa Gia Ấn đến muộn và bị các phóng viên vây quanh. Hình ảnh ông Hứa chạy lon ton với nụ cười trên môi. Chiếc thắt lưng Hermes vàng đặc biệt bắt mắt. Thắt lưng Hermes đã trở thành chủ đề chính của hai phiên họp năm đó.
Bloomberg đưa tin vào ngày 6/3/2022, khác với niềm hạnh phúc cách đây 10 năm, ông Hứa Gia Ấn đã nộp đơn lên Uỷ ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc xin nghỉ phép và không tham dự các cuộc họp của Hội nghị hiệp thương. Lý do trong đơn xin nghỉ phép là “công ty đang cố gắng hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.”
Truyền thông Hong Kong dẫn các nguồn tin cho biết lý do thực sự là ông Hứa Gia Ấn đã nhận được thông báo là không được tham gia. Cư dân mạng trên Weibo thẳng thừng đưa ra lời lẽ: “Hứa Gia Ấn đã bị đuổi khỏi nhóm chat!”
Vào năm 2021, Tập đoàn Evergrande đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu vì không có khả năng trả khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Theo báo cáo, từ ngày 1/7/2021 đến giữa tháng 11, ông Hứa Gia Ấn đã huy động vốn bằng cách bán tài sản cá nhân hoặc phần vốn ông nắm giữ tại Evergrande, bơm thêm 7 tỷ nhân dân tệ tiền mặt vào xử lý khủng hoảng.
Một số nhà bình luận chỉ ra rằng thuật ngữ “cái chết xã hội” đã trở nên phổ biến trên Internet Trung Quốc trong những năm gần đây. Việc không tham gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc toàn quốc, không chỉ là “cái chết xã hội”, mà giống như “cái chết chính trị”.
Sự nghiệp kinh doanh của ông Hứa Gia Ấn đã thăng hoa dưới thời của Giang Trạch Dân, đối thủ chính trị số một của ông Tập Cận Bình. Bản thân ông Hứa Gia Ấn có mối quan hệ khá mật thiết với các tài phiệt Hong Kong, những tài phiệt tài chính được cho là thuộc phe của tập đoàn quyền lực Giang Trạch Dân.
Những nhà tài phiệt nào đã bị loại khỏi sân chơi chính trị này của ĐCSTQ?
Ông Hứa Gia Ấn không phải là nhà tài phiệt đại lục đầu tiên không tham gia vào cuộc họp lưỡng hội.
Tại hai phiên họp vào tháng 3/2018, ông Liu Qiangdong, Chủ tịch Tập đoàn Jingdong, người lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã ra mắt và đưa ra ba đề xuất. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8 cùng năm, Liu Qiangdong dính vào vụ án tấn công tình dục ở Mỹ, danh tiếng cá nhân bị mất uy tín, điều này cũng mang lại ảnh hưởng tiêu cực lớn cho tập đoàn Jingdong. Liu Qiangdong, bởi vậy, đã bị buộc vắng mặt trong hai phiên họp trong năm 2019. Vào tháng 11 năm đó, Liu Qiangdong từ chức thành viên của Uỷ ban này.
Trong những năm gần đây, ông Wang Jianlin, chủ tịch tập đoàn Wanda, cũng đã vắng mặt trong cuộc họp lưỡng hội. Từ năm 2008 đến 2012, Wang Jianlin tham gia cuộc họp lưỡng hội hàng năm và đưa ra nhiều đề xuất về sự phát triển của ngành bất động sản, nhưng Wang Jianlin đã rút lui khỏi hai phiên họp sau năm 2012.
Ngoài ra, các doanh nhân công nghệ và Internet như Ma Huateng, Robin Li, Lei Jun, Yang Yuanqing, … đã thu hút nhiều sự chú ý trong hai phiên họp trong nhiều năm qua, nhưng Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, là người được đánh giá cao trong ngành công nghệ, cũng đã không còn xuất hiện trong cuộc họp lưỡng hội trong thời gian khá lâu.
Thực tế, Jack Ma có tham gia kỳ họp lưỡng hội, nhưng ở cấp địa phương chứ không phải là cấp toàn quốc. Vào ngày 4/1/2008, Jack Ma đã trở thành thành viên của Uỷ ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 10 của Uỷ ban tỉnh Chiết Giang. Ông Jack Ma đã phục vụ ở Uỷ ban này cho tới hết năm 2012. Kể từ đó, ông Jack Ma không hề xuất hiện trong thành phần đại biểu của Uỷ ban này ở cấp tỉnh hay toàn quốc.
Vào tháng 10/2020, trước thềm sự kiện “IPO lớn nhất trong lịch sử” (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group), CEO của tập đoàn cung cấp nền tảng công nghệ ngành tài chính lớn nhất Trung Quốc đã khiến dư luận dậy sóng khi phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Thượng Hải rằng ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi “tư duy của tiệm cầm đồ”. Bài phát biểu ngầm chỉ trích ngành tài chính – ngân hàng Trung Quốc không đổi mới kịp với xu thế toàn cầu; một lời chỉ trích được cho là nhắm vào quan chức hàng đầu của ngành tài chính – ngân hàng, Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn.
Sau phát biểu ‘tai tiếng’ này, các quan chức quản lý nhà nước của Bắc Kinh đã cho dừng hoạt động IPO của Ant Group. Các nhà quản lý cũng ra lệnh cho Ant Group phải tái cấu trúc lại tập đoàn, mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào tập đoàn này. Jack Ma im hơi lặng tiếng kể từ đó cho tới tận ngày nay.
Nhiều người bình luận rằng, Jack Ma gặp tai nạn do lỡ lời. Nhưng nhìn vào lịch sử tham dự cuộc họp lưỡng hội các cấp cho thấy Jack Ma không phải người được đảng chọn; nói cách khác là không phải doanh nhân mà ông Tập muốn dùng. Sự nghiệp chính trị của Jack Ma mờ nhạt kể từ khi ông Tập nắm quyền lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.
3 Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vắng mặt trong kỳ họp lưỡng hội toàn quốc
Ngoài các nhà tài phiệt khu vực kinh tế tư nhân, nhiều quan chức cấp cao cũng vắng mặt hai kỳ họp năm nay. Theo một báo cáo của công chúng hải ngoại “Duoweiwang” vào ngày 5/3, số người vắng mặt trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của ĐCSTQ năm nay là cao nhất trong lịch sử, với 330 người. Trong đó, 161 đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vắng mặt, và 169 thành viên của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc vắng mặt.
Tờ Minh Báo của Hong Kong ngày 8/3 tiết lộ rằng tại buổi khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của Ủy ban Toàn quốc, 3 trong số 24 Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vắng mặt; trong đó có Giám đốc Văn phòng Vương Chính Vệ. Hai người còn lại bao gồm Tung Chee-hwa của Hong Kong và Yang Chuantang, bí thư đảng Bộ Truyền thông.
Ông Tung Chee-hwa (1937) là một doanh nhân và chính trị gia người Hong Kong gốc Thượng Hải. Ông là Giám đốc điều hành đầu tiên của Hồng Kông sau khi chuyển giao chủ quyền vào ngày 1/7/1997 đến ngày 12/3/2005. Ông hiện là phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Yang Chuantang, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, năm nay 68 tuổi, và ông đã không hoạt động công khai hơn 8 tháng. Là một quan chức cấp phó nhà nước, hiếm khi Yang Chuantang “mất tích” lâu như vậy, có tin đồn cho rằng sức khỏe của ông không tốt, cũng có người đồn đoán rằng đã có chuyện xảy ra.
Một thành viên khác của Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vắng mặt là Wang Zhengwei (người Hồi), Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, không rõ lý do.
Thanh Đoàn
(Theo Secret China)