TNS. Hoa Kỳ: Tiền điện toán của Trung Quốc có thể giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt

Dorothy Li

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) tham gia phiên điều trần của Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải Thượng viện Hoa Kỳ về giám sát ngành hàng không, tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Russell trên Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 15/12/2021. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Khi Nga bị ảnh hưởng bởi cơn mưa trừng phạt từ khắp nơi trên thế giới, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ muốn xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn mới để đối phó với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng tiền điện toán của đối tác thương mại hàng đầu cũng như đối tác chiến lược thân cận nhất của Moscow.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), một thành viên trong nhóm nhà lập pháp này đã giới thiệu dự luật, theo một thông cáo báo chí ngày 10/03, cho biết: “Nếu không bị kiểm soát, các công nghệ bao gồm Đồng Nhân dân tệ Điện toán của Trung Quốc sẽ trợ giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt toàn cầu liên quan đến các hệ thống như SWIFT và tạo điều kiện cho ĐCSTQ giám sát mạnh hơn và đe dọa nhiều hơn người dân của họ.”

Đạo luật [S.3784] này, được tám nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ủng hộ, nhằm điều chỉnh các chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến tiền tệ điện toán của ngân hàng trung ương Trung Quốc (CBDC) để đối phó với những lo ngại rằng đồng tiền này có thể thu thập dữ liệu cá nhân và giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt.

Nếu được thông qua, Bộ trưởng Thương mại sẽ đệ trình một báo cáo về mạng lưới dịch vụ dựa trên blockchain cũng như các hoạt động thực thi thương mại liên quan đến đồng nhân dân tệ điện toán, đồng thời Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra cảnh báo về loại tiền điện toán này.

Luật này cũng yêu cầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách phát triển các tiêu chuẩn để sử dụng và chuyển giao đồng nhân dân tệ điện toán, đồng thời yêu cầu các chính phủ ngoại quốc nhận hỗ trợ thông qua Chương trình Tài trợ Quân sự Ngoại quốc phải tiết lộ nếu họ sử dụng CBDC.

Trung Quốc đã thử nghiệm đồng tiền điện toán của mình, chính thức được gọi là e-CNY, kể từ năm 2020 tại Bắc Kinh, Thượng Hải, và một số thành phố lớn khác. Họ cũng quảng bá e-CNY cho các vận động viên ngoại quốc tại các địa điểm tổ chức Thế vận hội.

Mặc dù ngày ra mắt cuối cùng vẫn chưa được ấn định, các nhà lập pháp và nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã cảnh báo ĐCSTQ có thể sử dụng đồng tiền điện toán do nhà nước kiểm soát này để thách thức sự thống trị của đồng dollar Mỹ cũng như thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng.

Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis (Cộng Hòa-Wyoming), nhà đồng tài trợ khác của dự luật, cho biết trong một tuyên bố: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống thông qua đồng nhân dân tệ điện toán của họ, và điều này gây ra những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư đối với bất kỳ ai sử dụng nó.”

“Người dân Mỹ xứng đáng biết được sự thật về việc chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng đồng tiền điện toán này để theo dõi và thao túng người dân của họ, cũng như bất kỳ ai sử dụng nó.”

Một nhân viên tại quầy lễ tân của khách sạn Prince Ski Town kiểm tra điện thoại đằng sau tấm biển thông báo “chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY)” ở Trương Gia Khẩu, Trung Quốc hôm 04/12/2021. (Ảnh: Andrea Verdelli/Getty Images)

Ngoài ra, một báo cáo năm 2021 của Trung tâm An ninh Mới của Mỹ cho thấy các quan chức cao cấp của ĐCSTQ đã coi dự án tiền điện toán của Trung Quốc như một bức tường thành chống lại ảnh hưởng tài chính và chính trị của Hoa Kỳ trong hệ thống thanh toán quốc tế được gọi là SWIFT.

Các biện pháp trừng phạt gần đây của phương Tây đối với Nga, bao gồm việc loại nước này khỏi SWIFT, đã làm dấy lên lo ngại rằng ĐCSTQ có thể sử dụng e-CNY và Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của mình để né tránh các lệnh cấm như vậy.

Nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng Bắc Kinh có thể còn ngần ngại không muốn xuất hiện như là một trợ thủ của Nga trong bối cảnh quốc tế lên án hành động xâm lược Ukraine của nước này.

Không giống như phương Tây, chính quyền Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối gọi các hành động của Moscow là một cuộc xâm lược cũng như không công khai lên án cuộc tấn công này.

Hôm 11/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ngừng lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và lặp lại lời chỉ trích trước đó của nhà cầm quyền đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây tại một cuộc họp báo trong phần bế mạc của kỳ họp thường niên của cơ quan lập pháp bù nhìn của nước này ở Bắc Kinh.

Ông Lý đã tránh không hồi đáp một nghi vấn về việc liệu Trung Quốc có cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và kinh tế cho Nga khi nước này đối mặt với các lệnh trừng phạt hay không.

Bà Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Âu Châu.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts