Francoise Sagan Nhà Văn Nữ Danh Tiếng Của Nước Pháp – Phạm Văn Tuấn

Francoise Sagan Nhà Văn Nữ Danh Tiếng Của Nước Pháp – Phạm Văn Tuấn

Francoise Sagan tên thật là Francoise Quoirez, là một nhà văn viết kịch người Pháp, kiêm tiểu thuyết gia và nhà viết truyện phim.

Francoise Sagan được Viện Sĩ Hàn Lâm Pháp Francois Mauriac ca ngợi là “một con quỷ nhỏ duyên dáng” (a charming little monster) trên trang đầu của tờ báo Le Figaro. Francoise Sagan được mọi người biết tới danh tiếng vì tác phẩm với các đề tài liên quan tới các nhân vật thuộc giai cấp tư sản đã bị vỡ mộng. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Francoise Sagan lại là tác phẩm đầu tiên của bà, có tên là “Buồn Ơi, Chào Mi” (Bonjour Tristesse = Hello Sadness).

1/ Tiểu sử của Francoise Sagan.

Francoise Sagan chào đời vào ngày 21 tháng 6 năm 1935 tại Cajarc, thuộc miền Lot, đã trải qua thời kỳ thơ ấu tại miền Lot này với các con thú vật và sự đam mê các con thú cưng đã kéo dài trong suốt cuộc đời của nhà văn này.

Francoise Sagan có tên gọi tắt là “Kiki”, là người con trẻ nhất của một gia đình tư sản. Cha của Sagan là giám đốc của một công ty và bà mẹ là con gái của một chủ đất. Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai (1939-45), gia đình Quoirez này đã sinh sống tại miền Dauphiné rồi sau đó tại miền Vercors. Ông nội của Sagan là một người Nga từ thành phố Saint Petersburg. Gia đình Quoirez đã sở hữu một căn nhà trong Quận 17 giàu có của thành phố Paris, họ đã trở lại sinh sống tại nơi đây sau Thế Chiến Thứ Hai.

Vào năm 12 tuổi (1947) Francoise Sagan vào học trường dòng Couvent des Oiseaux nhưng sau đó đã bị đuổi học vì cách sống rất phóng túng, không chịu ép mình theo kỷ luật của nhà trường, còn nhà trường thì cho rằng cô học trò này thiếu đức tin, không thể theo học được lâu dài, rồi khi theo học tại trường Louise de Bettignies, cũng bị đuổi học bởi vì đã treo cổ bức tượng Molière bằng một sợi dây.

Tới năm 1950, nàng Sagan bỏ cả một năm trời để thưởng thức nhạc Jazz tại Saint Germain des Prés, có lẽ vì thế mà nàng thi hỏng Tú Tài. Sagan thi Tú Tài lần thứ hai mới đậu, sau đó ghi tên vào trường Đại Học Sorbonne vào mùa thu năm 1952, rồi do là một sinh viên dửng dưng với công việc học vấn, Sagan đã không tốt nghiệp đại học.

Sagan yêu văn chương từ thuở nhỏ, khi còn ở lứa tuổi vị thành niên, nàng đã say mê đọc Marcel Proust, André Gide, Rimbaud… rồi tới Stendhal, Camus, Sartre, Faulkner…và cho rằng con đường mình phải theo là văn nghiệp.

Bút hiệu Sagan được tác giả mượn từ tên của nhân vật “Công Chúa Sagan” (Princesse de Sagan) trong cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” (À là recherche du temps perdu = In Search of Lost Time) của nhà văn Pháp Marcel Proust.

“Buồn Ơi, Chào Mi” (Bonjour Tristesse) là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Francoise Sagan, được phổ biến vào năm 1954 khi tác giả mới 19 tuổi và đã thành công ngay trên Văn Đàn Thế Giới. Cuốn tiểu thuyết này kể về cuộc đời của một cô gái 17 tuổi ham ăn chơi, tên là Cécile, về mối liên hệ của cô này với người bạn trai và một người đàn ông trưởng thành, ngoại tình và trác táng. Các nhân vật trong các truyện của Francoise Sagan thường là các thiếu nữ sinh sống theo ảo mộng, giống như trong các tiểu thuyết của J.D. Salinger.

Vào năm 1954, cuốn tiểu thuyết “Buồn Ơi, Chào Mi” (Bonjour Tristesse) đã ra đời giống như một quả bom nổ ra giữa bầu trời Văn Học Pháp, gây nên chấn động trong Làng Văn của nước Pháp, mà tác giả của cuốn truyện lại là một cô gái nổi loạn ở tuổi 19, vì thế tác phẩm rất được độc giả hâm mộ và mến chuộng.

Năm 1954 cũng là năm mà nước Pháp thất bại trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương và mỏi mệt vì cuộc Nội Chiến Algerie, nhất là sau cuộc thất trận tại Điện Biên Phủ ở Việt Nam, vì thế phần lớn các thanh niên Pháp có tâm trạng chán chường, họ theo lối sống buông thả, luôn cảm thấy cô đơn và thất bại trong tình trường. Trong khi đó các nhân vật trong tác phẩm của Sagan lại bất chấp luân lý, lao mình vào các cuộc tình tạm bợ để tìm ra một lối thoát, dù là tạm thời, bởi vì tâm hồn của họ đã quá mệt mỏi, ê chề. Cuốn tiểu thuyết đã ra đời đúng lúc, đáp ứng được tâm lý của độc giả nên tác phẩm nhanh chóng trở thành loại “best seller” (bán chạy nhất).

Cho tới năm 1998, Francoise Sagan đã viết ra hàng chục tác phẩm và các công trình văn học này đã được chuyển thành phim ảnh. Francoise Sagan vẫn duy trì lối văn phong khắc khổ của loại tiểu thuyết tâm lý Pháp mặc dù phong trào văn học đang thịnh hành vào thời kỳ đó là khuynh hướng tiểu thuyết mới (le nouveau roman). Các lời đối thoại của các nhân vật trong các tiểu thuyết của Francoise Sagan thường có giọng điệu hiện sinh (existential).

Ngoài các tiểu thuyết, các vở kịch và tiểu sử tự thuật, Francoise Sagan còn viết lời cho các bài ca và viết truyện phim. Vào thập niên 1960, Francoise Sagan chuyên tâm nhiều hơn về kịch, các tác phẩm này thường được khen ngợi về cách đối thoại xuất sắc nhưng các vở kịch của Sagan đã không thành công nhiều. Sau đó, Francoise Sagan chú tâm nhiều hơn vào việc viết tiểu thuyết.

2/ Đời sống riêng tư.

Francoise Sagan kết hôn 2 lần. Người chồng đầu tiên của Sagan, lập gia đình vào ngày 13/3/1958, là ông Guy Schoeller, một nhà biên tập của nhà xuất bản Hachette, ông này lớn hơn Sagan 20 tuổi và đôi uyên ương này ly dị vào tháng 6 năm 1960. Qua năm 1962, Francoise Sagan kết hôn với ông Bob Westhof, một người Mỹ trẻ tay chơi (playboy), làm nghề nặn đồ gốm (ceramicist), họ ly dị vào năm 1963 và đứa con trai của họ tên là Denis sinh vào tháng 6 năm 1963.

Trong thời gian dài, Francoise Sagan sinh sống đồng tính luyến ái với nhà tạo mẫu y phục phụ nữ Peggy Roche và cũng có một người tình trai tên là Bernard Frank, một nhà bình luận đã có gia đình, thường bị ám ảnh vì đọc truyện và ăn ngon. Francoise Sagan cũng có liên hệ đồng tính với nhà biên tập Playboy người Pháp tên là Annick Geille sau khi bà Geille tới phỏng vấn Francoise Sagan để viết ra một bài đăng báo.

Phần lớn các bạn hữu của Francoise Sagan là những nhân vật danh tiếng như nhà văn kiêm nhà triết học Jean Paul Sartre, minh tinh màn bạc Brigitte Bardot và nhất là người mê say tiểu thuyết Francois Mitterrand, sau này trở nên Tổng Thống của nước Pháp.

Francoise Sagan là con người ưa thích du lịch tại Hoa Kỳ, người ta thường thấy bà Sagan đi với nhà văn Truman Capote và nữ diễn viên điện ảnh Ava Gardner.

Cuộc sống của Francoise Sagan rất phóng túng. Để trốn chạy các nỗi buồn, bà Sagan thường lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, yêu cuồng sống vội, thức đêm cờ bạc, rượu chè, ma túy, vì thế dù cho có được số tiền nhuận bút khổng lồ, chẳng bao lâu bà Sagan không còn một xu dính túi.

Francoise Sagan rất liều lĩnh khi lái xe hơi thể thao, thường cùng với một số bạn bè phóng xe như điên, suýt chết nhiều lần mà vẫn không sợ. Vào ngày 14/4/1957, trong khi đang lái chiếc xe hơi thể thao Aston-Martin, Francoise Sagan gặp tai nạn, bị bất tỉnh trong một lúc. Bà Sagan này còn hay lái chiếc xe hơi Jaguar tới đánh bài tại Monte Carlo.

Vì lối sinh sống phóng đãng, quen tiêu tiền như rác nên Francoise Sagan thường gặp phải cảnh túng thiếu. Sagan có một ngôi nhà ở gần Biển Đen, mua bằng tiền được bạc 80 ngàn quan nhưng rồi cuối cùng đã phải bán đi vì nợ nần. Bà thiếu tiền thuế của nhà nước, bị phạt một năm tù treo. Bạn bè và các người hâm mộ Francoise Sagan đã phản đối sự lên án của chính quyền, họ cho rằng dù cho bà Sagan thiếu tiền của nhà nước, nhưng nước Pháp còn nợ Francoise Sagan nhiều hơn thế. Diễn viên danh tiếng Isabelle Adjani cho rằng chính quyền Pháp nên coi Francoise Sagan là một báu vật quốc gia và phải đặt tên tuổi của bà Sagan nằm bên ngoài sự dính líu về thuế vụ.

Trong thập niên 1990, Francoise Sagan bị truy tố vì sở hữu chất ma túy cocaine, rồi trong nhiều trường hợp, nhà văn này đã mắc nghiện một số ma túy, đã dùng các toa thuốc chứa chất cần sa, mắc nghiện rượu, thuốc phiện, cocaine và amphitamines. Khi cảnh sát tới khám nhà của Francoise Sagan, con chó Banko của chủ nhà đã chỉ cho cảnh sát chỗ cất giấu cocaine và nó cũng liếm chất ma túy này.

3/ Qua đời.

Francoise Sagan qua đời vào ngày 24/9/2004, ở tuổi 69, tại Honfleur, Calvados. Theo lời yêu cầu của nhà văn này, bà Sagan được chôn cất tại nơi sinh trưởng là Cajarc. Trong lễ truy điệu, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac đã nói: “Với sự quá vãng của Bà, nước Pháp đã mất đi một trong các nhà văn sáng lạn và nhậy cảm – một nhân vật xuất sắc của đời sống văn chương của chúng ta” (With her death, France loses one of its most brilliant and sensitive writers – an eminent figure of our literary life).

Francoise Sagan qua đời nhưng hình ảnh của bà vẫn còn in sâu trong tâm khảm của những người ái mộ. Các tác phẩm của bà Sagan đã đi sâu vào trong lòng người bởi vì đã thể hiện tình yêu mãnh liệt cùng các hoài nghi về cuộc sống chung quanh. Giới trẻ của thời đại đó đã đón chào các tác phẩm của Francoise Sagan bởi vì họ yêu thích tinh thần tự do của nhân vật Cécile và bầu không khí cực kỳ mới mẻ, họ ao ước lối sống thoải mái như Cécile bởi vì vào thời đại đó, chiến tranh còn đang tiếp diễn.

Với gần 50 tác phẩm để lại cho hậu thế, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị, Francoise Sagan xứng đáng là một nhà văn danh tiếng của nước Pháp cũng như trên Thế Giới.

Cuộc đời của nữ văn sĩ Francoise Sagan đã được bi kịch hóa trong bộ phim tiểu sử Sagan do đạo diễn Diane Kurys tại nước Pháp vào ngày 11/6/2008. Nữ diễn viên người Pháp Sylvie Testud đã thủ vai chính.

4/ Các tiểu thuyết của Francoise Sagan.

Bonjour tristesse, 1954 (Hello Sadness, dịch sang tiếng Anh vào năm 1955 = Buồn Ơi, Chào Mi).

Un certain sourire, 1955 (A Certain Smile, 1956 = Vài Nụ Cười).

Dans un mois, dans un an, 1957 (Those Without Shadows, 1957 = Trong một tháng, trong một năm).

Aimez-vous Brahms? 1959 (dịch 1960 = Anh có yêu thích Brahms không).

Les merveilleux nuages, 1961 (Wonderful Clouds, 1961 = Các Đám Mây Tuyệt Vời).

La chamade, 1965 (La Chamade, 1966 và bản dịch sau là That Mad Ache, 2009 = Kèn trống đầu hàng).

Le garde du Coeur, 1968 (The Heart Keeper, 1968 = Người canh giữ trái tim).

Un peu de soleil dans l’eau froide, 1969 (Sunlight on Cold Water, 1971 = Ánh Sáng Mặt Trời trong Nước Lạnh).

Des bleus à l’âme, 1972 (Scars on the Soul, 1974 = Vết sẹo của tâm hồn).

Un profil perdu, 1974 (Lost Profile, 1976 = Hình dạng biến mất).

Le lit defait, 1977 (The Unmade Bed, 1978 = Chiếc giường chưa trải khăn)

Le chien couchant, 1980 (Salad Days, 1984 = Con Chó ngủ).

La femme fardée, 1981 (The Painted Lady, 1983 = Người đàn bà thoa phấn).

Un orage immobile, 1983 (The Still Storm, 1984 = Trận Bão không di chuyển).

De guerre lasse, 1985 (Engagements of the Hearts, 1987 = Chán chiến tranh).

Un sang d’aquarelle, 1987 (Painting in Blood, 1991 = Vẽ bằng máu).

La laisse, 1989 (The Leash, 1991 = Dây dẫn dắt).

Les faux-fuyants, 1991 (Evasion, 1993 = Dối trá thoáng qua).

Un chagrin de passage, 1994 (A Fleeting Sorrow, 1995 = Một nỗi buồn phù du).

Le miroir égaré, 1996 (= Cái gương thất lạc).

5/ Các Vở Kịch.

Château en Suede, 1960 (Chateau in Sweden = Lâu Đài tại Thụy Điển).

Les Violons parfois, 1961 (Các cây đàn vĩ cầm).

La robe mauve de Valentine, 1963 (Chiếc áo màu hoa cà của Valentine).

Bonheur, impair et passé, 1964 (Hạnh Phúc lẻ loi và qua đi).

L’écharde, 1966 (Cái Dằm).

Le cheval évanoui, 1966 (Con ngựa biến mất).

Un piano dans l’herbe, 1970 (Cây đàn dương cầm trong đám cỏ).

Il fait beau jour et nuit, 1978 (Ngày và đêm tốt đẹp).

L’excès contraire, 1987 (Sự quá đáng trái ngược).

Ngoài ra, nhà văn Francoise Sagan còn viết rất nhiều tuyển tập truyện ngắn (short story collections), các tác phẩm tự thuật (autobiographical works)…

6/ Giai thoại về Tác Phẩm “Buồn Ơi, Chào Mi”.

Adieu tristesse!

Bonjour tristesse!

Tu es inscrite dans les lignes du plafond,

Tu es inscrite dans les yeux que j’aime.

Tu n’es pas tout à fait la misère

Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent

Par un sourire…

— Paul Eluard (La vie immédiate).

Buồn ơi! Vĩnh biệt!

Buồn ơi! Xin chào!

Tên mi viết ở trần cao,

Viết trong đôi mắt dạt dào ta yêu.

Mi đâu là nỗi khốn nghèo,

Khi môi cằn ấy cố trêu nụ cười…

Vào một buổi sáng tháng 1 năm 1954, một thiếu nữ e lệ bước vào tòa nhà số 30 trên đường Đại Học, đây là trụ sở của nhà xuất bản Julliard. Cô gái lên lầu, men theo bức tường rồi tới văn phòng của nhà xuất bản để trao một tập bản thảo tới cô Mussy, người thư ký: bản thảo đánh máy của một cuốn tiểu thuyết có nhan đề là “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi, Chào Mi). Cô thiếu nữ này tên là Francoise Sagan, rất ít nói, ra đi sau khi hỏi xem trong bao lâu thì nhận được hồi âm. Cô Mussy trả lời: – Chừng một tháng.

Chiều hôm đó, tập bản thảo “Buồn Ơi, Chào Mi” được đặt trên bàn của viên giám đốc văn học, cùng với các bản thảo khác. Viên giám đốc nhìn phớt qua các bản thảo, tới tập bản thảo của Francoise Sagan với dòng chữ ghi số tuổi của tác giả là 19 tuổi nên đã khiến cho ông tò mò, muốn biết thêm. Ông giám đốc đọc qua mấy đoạn văn, cảm thấy bàng hoàng vì lời văn mới lạ nên ông ta đã giao tập bản thảo cho một nhân viên cao niên nhất và được tôn trọng nhất trong Ban Tuyển Đọc, là cụ Francois Le Grix, 80 tuổi.

Bẩy ngày sau, vào ngày 12/1/1954, cụ Le Grix chuyển tới Ban Tuyển Đọc một bản tường trình rất nhiệt thành. Buổi chiều hôm đó, ông chủ nhà xuất bản Rénée Julliard đang dự tiệc tại nhà ông Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế, đã được tin về một bản thảo mới nên ông ta đã vội vã cáo lui với chủ nhà là phải về sớm bởi vì “dường như người ta đã khám phá ra một con chim hiếm. Tôi phải về nhà để đọc bản thảo ngay tối hôm nay”.

Bẩy giờ sáng ngày hôm sau, ông chủ nhà xuất bản đã đọc xong bản thảo, ghi chú và chấp thuận, rồi gửi một điện tín khẩn mời Francoise Sagan tới gặp. Ba ngày sau, hợp đồng được ký kết, không phải với tác giả mà với người cha của cô gái bởi vì cô Francoise Sagan còn vị thành niên (thời đó, tuổi thành niên là 21).

Trước đó, Francoise Sagan cũng gửi một bản thảo cuốn sách tới nhà xuất bản Plon và Ban Tuyển Chọn của nhà xuất bản này đã làm một bản tường trình tán thành nhiệt liệt công việc in ấn tác phẩm của Francoise Sagan, nhưng họ đã chậm chễ hơn nhà xuất bản Julliard.

Do tác phẩm “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi, Chào Mi), Francoise Sagan bất ngờ bước vào lãnh vực Văn Học của Thế Giới bởi vì đã từ lâu tại nước Pháp, chưa có một cuốn tiểu thuyết nào được mọi tầng lớp xã hội, nhất là giới trẻ Pháp, hâm mộ và rất yêu chuộng. Francoise Sagan đã viết xong cuốn “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi, Chào Mi) trong vòng 7 tuần lễ, đánh máy bản thảo bằng hai ngón tay trong một quán cà phê.

Vào tháng 3 năm 1954, cuốn tiểu thuyết “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi, Chào Mi) đã chào đời, mỗi cuốn sách có một dải băng giấy mang dòng chữ “Quỷ trong Tim” (Diable au Coeur) rồi cuốn tiểu thuyết này đã trở nên một trong những sách bán chạy nhất (best seller) sau thời kỳ chiến tranh: tháng 5 năm 1954 bán được 8,000 cuốn, tháng 9 = 45,000 cuốn, tháng 10 = 100 ngàn cuốn, tháng 12/1954 = 200 ngàn cuốn. Năm sau, người ta đã bán được 4 triệu cuốn tiểu thuyết trên khắp thế giới, với 1 triệu cuốn tại Hoa Kỳ.

Francoise Sagan chưa kịp mơ ước nhưng vinh quang đã ập tới. Cuốn tiểu thuyết này đã đoạt Giải Thưởng Critique vào tháng 5/1954 và cuốn truyện chưa tới 200 trang này đã được dịch sang 22 ngôn ngữ khác nhau. Riêng tại Việt Nam, ông Nguyễn Vỹ là người đầu tiên dịch cuốn tiểu thuyết này sang tiếng Việt vào năm 1959.

Văn phong của Francoise Sagan giản dị, dễ hiểu, thẳng thắn, bóng bẩy, không chải chuốt, chuyển tải mạnh mẽ rung cảm của tác giả sang độc giả. Cốt truyện chặt chẽ, các lớp lang nối tiếp nhau rất tự nhiên như sự thật vốn có. Tác giả không cố công tìm tòi cái mới mẻ, chỉ viết theo dòng cảm xúc tuôn trào của mình nên hấp dẫn được người đọc. Ông Serge Gavronsky, giáo sư dạy môn Văn Học Pháp tại Đại Học Barnard cho rằng cuốn tiểu thuyết “Buồn Ơi, Chào Mi” đã chuyển tải được sự nổi loạn và tính hoài nghi, yếm thế của rất nhiều người trẻ tuổi trong tầng lớp tư sản Pháp vào thời đại đó.

Nhà văn François Mauriac (1885-1970), Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Pháp (1933), Giải Nobel Văn Chương năm 1952 gọi Sagan là “tiểu quỉ duyên dáng” và ông Emile Henriot (1889-1961), Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Pháp (1945) gọi quyển “Buồn Ơi, Chào Mi” là “kiệt tác nhỏ vô sỉ, tàn ác”. Ngoài Giải Critique năm 1954, năm 1985 Francoise Sagan được Giải Prince Pierre de Monaco cho toàn bộ tác phẩm của mình.

Nguồn: Phạm Văn Tuấn – Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, các tài liệu phổ biến trên Internet.

Related posts