Khủng hoảng Ukraine khiến 7 nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc rơi vào ngõ cụt

Văn Sơn

Tháng 2 vừa qua, giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã biến mất khỏi thế giới tin tức thời sự trong suốt một tuần. Khi mà người dân Trung Quốc đắm mình trong màn trình diễn giành huy chương vàng của các đội tuyển Olympic, thì 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đang thảo luận mọi khía cạnh của vấn đề khủng hoảng Ukraine và nước cờ sắp tới của Bắc Kinh. 

Họ hiểu vấn đề có thể ảnh hưởng đến quốc gia này như thế nào, “sai một ly có thể đi cả nghìn dặm”. Các cuộc đàm luận về giải đấu Olympic nhiều tranh cãi đã kết thúc. Nhưng câu chuyện Nga – Ukraine đã leo thang từ căng thẳng địa chính trị lên mức chiến tranh tổng lực. Hai quốc gia bây giờ đã là tử địch của nhau. 

Đương nhiên, những gì các quan chức Trung Quốc đã bàn thảo với nhau sẽ là bí mật không bao giờ được tiết lộ. Nhưng đã có những lời xì xào về bầu không khí của các cuộc tranh luận, và có nhiều điều rất đáng chú ý. Một nguồn tin Trung Quốc cho biết: “Tập thể lãnh đạo có thể đang cân nhắc lại vấn đề Ukraine”.

Kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã từng bước phá bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể do cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra vốn để ngăn chặn sự cai trị độc tôn như dưới thời Mao Trạch Đông. 

Các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc chắc sẽ có nhiều luồng ý kiến về chiến tranh Ukraine. Thậm chí, có khả năng một số thành viên Ủy ban thường vụ đang đặt câu hỏi có nên tiếp tục đứng về phía ông Putin nữa hay không. 

Một trong những tín hiệu thể hiện điều này là nhận xét của Đại sứ Liên hợp quốc Trương Quân trong phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng khai mạc hôm thứ Hai để giải quyết vấn đề Ukraine. 

“Tình hình đã tiến triển đến mức mà Trung Quốc không muốn tiếp tục nhìn nhận”, ông Trương nói trong phiên họp. “Nó không phải là lợi ích của bất kỳ bên nào.”

Nhận xét của ông đã đi xa hơn đường lối chính thức của chính phủ Trung Quốc, mặc dù chỉ là một chút. Ông ta có khả năng phản ánh sự phản đối của các cấp lãnh đạo cao nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Một tuần trước khi Putin bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, những quan ngại ở Trung Quốc đã leo thang. Cuộc chiến này đã để lại nhiều vấn đề hơn những gì mà giới lãnh đạo mong đợi.

Cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng. Có người cho rằng những gì Nga đang làm ở Ukraine tương đương với những gì Nhật Bản đã làm ở vùng đông bắc Trung Quốc vào năm 1932, khi Nhật Bản lập nên chính quyền bù nhìn Mãn Châu Quốc. Cuộc xâm lược của Nga khó có thể là bước tiến mà người Trung Quốc nên ủng hộ.

Và chuỗi các sự kiện diễn ra khiến câu chuyện như thể là Trung Quốc đang tán thành kế hoạch của Putin. Khi Tổng thống Nga đến thăm Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 2, ngày khai mạc Thế vận hội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng ông phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO.

Sau đó, Nga bắt đầu cuộc xâm lược sau khi ngọn lửa Olympic chỉ vừa mới tắt mấy ngày. “Nga tấn công nhà một người khác và sau đó nói về ‘một khu định cư hòa bình’”, một cư dân mạng khác bày tỏ ý kiến trong sự hoài nghi.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn “chưa bội tín” trong việc ủng hộ Putin. Nhưng điều đó không có nghĩa là 7 thành viên ủy ban thường vụ không thấy khó xử.

Bắc Kinh hiện đang phải trả một cái giá đắt cho lập trường ủng hộ Matxcơva, đặc biệt là đối với hình ảnh sát cánh “chung lưng đấu cật” với Nga mà nước này đã công khai ra toàn thế giới vào ngày 4 tháng 2.

Để chắc chắn, Trung Quốc cần thể hiện sự ưu ái đối với Putin, nhà lãnh đạo duy nhất của một cường quốc đến thăm Bắc Kinh dự Thế vận hội. Và ông Tập cần 1 buổi biểu diễn thể thao thành công vang dội khi ông hướng tới Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này.

Có quan điểm cho rằng vấn đề Ukraine có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Khi Putin thổi phồng căng thẳng, một số nhà lãnh đạo diều hâu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có lợi nếu Mỹ và Nga xung đột ở châu Âu. Theo lối suy nghĩ này thì Mỹ sẽ ít có khả năng triển khai sức mạnh đến châu Á-Thái Bình Dương hơn. Sau đó, Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống và vô hiệu hóa chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh và đối tác cùng chí hướng để ngăn quân đội Trung Quốc ép thống nhất với Đài Loan.

Quan điểm chủ đạo, ít nhất là giữa các quan chức an ninh Trung Quốc, là Trung Quốc sẽ không thua trong bất kỳ trường hợp nào. Một nguồn tin nói: “Nga và Trung Quốc sẽ được lợi từ vấn đề Ukraine, trong khi chỉ có Ukraine bị thiệt. Các quốc gia phương Tây cũng có thể bị giáng một đòn nghiêm trọng.”

Tuy nhiên, giờ đây, những lo ngại đang gia tăng rằng nếu Trung Quốc để mình bị kéo sâu hơn vào “chiến trường của Putin “, lợi ích quốc gia của họ sẽ bị phá hủy. Đã có sự tính toán sai lầm từ phía Trung Quốc.

Niềm tin của ông Tập cho rằng khi đối mặt với lực lượng mạnh mẽ áp đảo của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ nhanh chóng bỏ trốn. Hơn nữa, họ cho rằng quân đội Ukraine sẽ đầu hàng và giao tranh sẽ kết thúc trong vài ngày tới. Trung Quốc đưa ra nhận định như vậy dựa trên thông tin tình báo từ Nga.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng tin rằng khoảng 6.000 người Trung Quốc sống ở Ukraine sẽ có thể rời đất nước trên các chuyến bay thuê từ các sân bay dưới sự kiểm soát hoàn toàn của lực lượng Nga. Sau một cuộc xâm lược nhanh chóng, Nga sẽ giành được ưu thế trên không và một cuộc sơ tán công dân Trung Quốc có thể được thực hiện một cách an toàn vào cuối tháng Hai. Sau khi đưa ra những nhận định này, chính phủ Trung Quốc đã không khuyên công dân của mình rời khỏi Ukraine.

Đây là một lý do khiến chính phủ Trung Quốc ra thông báo yêu cầu công dân Trung Quốc muốn rời Ukraine nộp đơn tại Đại sứ quán Trung Quốc vào lúc nửa đêm ngày 27 tháng 2.

Nhưng một cuộc di tản bằng máy bay thuê đã trở nên không khả thi, và đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã đưa ra thông báo cho công dân Trung Quốc rằng sẽ giúp họ rời đi bằng đường bộ. Sinh viên Trung Quốc rời Kiev bằng xe buýt. Trong vòng vài ngày, tình hình đã thay đổi đáng kể. Người Ukraine không đầu hàng và tiếp tục chống trả các binh sĩ Nga.

Nhiều thanh niên Ukraine sống ở nước ngoài đã trở về nhà để tham gia cuộc chiến với những người đồng hương của họ. Tinh thần của họ, cùng với tinh thần của quân đội Ukraine, không có dấu hiệu suy yếu. Những diễn biến này có vẻ đã khiến đội ngũ của ông Tập bớt mặn mà với việc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực.

Liệu có khả năng rằng một Trung Quốc đang bị lôi kéo sẽ thay đổi cơ bản lập trường của mình không? Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị có thể đóng một vai trò quan trọng. Khi các thành viên của ủy ban bị chia rẽ về một vấn đề cụ thể nào đó, họ sẽ giải quyết nó bằng đa số phiếu.

Nếu kết quả hòa 3-3, thành viên cuối cùng có lá phiếu quyết định sẽ thiết lập chính sách của Trung Quốc. Đó là bản chất của một tập thể lãnh đạo, một thứ mà ông Tập đã cố gắng phá bỏ kể từ khi lên nắm quyền.

Nhưng việc chuyển đổi trở lại cơ chế lãnh đạo tập thể không phải là điều dễ dàng. Vấn đề lớn nhất là việc tăng cường quan hệ đối tác Trung-Nga có phù hợp với lập trường của ông Tập hay không.

Ông Tập thích ra quyết định từ trên xuống dưới với danh nghĩa “sự lãnh đạo tập trung và thống nhất.” Nếu ủy ban thường vụ bỏ phiếu để từ bỏ một chính sách mà ông ấy ủng hộ, thì về cơ bản nó sẽ khiến ông thất bại về mặt chính trị.

Sự thụt lùi về chính sách đối ngoại và an ninh có thể làm suy giảm quyền lực của ông Tập, nhường chỗ cho những thay đổi chính sách khác về kinh tế và các vấn đề quan trọng khác. Nếu một kịch bản như vậy diễn ra, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến chính trị trong nước đang diễn ra trước thềm đại hội toàn quốc sắp tới của đảng.

Theo Nikkei Asia
Văn Sơn biên dịch

Related posts