Vì sao Trung Quốc không thể cứu vãn nền kinh tế của Putin?

Nguồn: Paul Krugman, Why China Can’t Bail Out Putin’s Economy, New York Times, 07/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Khi quyết định xâm lược Ukraine, rõ ràng Vladimir Putin đã đánh giá sai mọi thứ. Ông đã phóng đại sức mạnh quân sự của quốc gia mình; điều mà tôi từng viết vào tuần trước, rằng Nga là một “siêu cường giả”, có sức mạnh kém hơn nhiều so với những gì chúng ta quan sát thấy, bây giờ lại càng đúng hơn nữa. Putin đánh giá thấp tinh thần và sức mạnh quân sự của Ukraine, cũng không lường trước được quyết tâm của các chính phủ dân chủ, nhất là chính quyền Biden, vốn đã làm được nhiều việc đáng chú ý trên tất cả mọi lĩnh vực, từ trang bị vũ khí cho Ukraine, đến tập hợp phương Tây ủng hộ các biện pháp trừng phạt tài chính.

Tôi không thể thêm bất cứ điều gì vào thảo luận về bản thân cuộc chiến, nhưng tôi muốn lưu ý rằng nhiều bài bình luận tôi đọc đều nói rằng các lực lượng Nga sẽ tái tập hợp, và sẽ tiếp tục các bước tiến quy mô lớn trong một hoặc hai ngày tới – nhưng người ta đã nhắc đi nhắc lại điều ấy, ngày này qua ngày khác, suốt hơn một tuần.

Tuy nhiên, điều tôi có thể bổ sung là một phân tích về tác động của các lệnh trừng phạt, và đặc biệt là câu trả lời cho một câu hỏi mà tôi vẫn luôn nhận được: Liệu Trung Quốc, bằng cách trở thành đối tác thương mại thay thế của Nga, có thể cứu vớt nền kinh tế của Putin không?

Câu trả lời là: Không, không thể.

Trước hết hãy nói về tác động của các lệnh trừng phạt đó.

Một điều mà phương Tây chưa làm là cố gắng chặn Nga bán dầu và khí đốt – những mặt hàng xuất khẩu chính của nước này (Lưu ý: ngày 8/3, Mỹ và Anh đã cấm vận dầu khí Nga – NBT). Vâng, Mỹ có thể cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng đó chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng: Dầu được giao dịch trên thị trường toàn cầu, vì vậy hành động này sẽ chỉ làm xáo trộn các trao đổi thương mại chút ít, và hơn nữa, xuất khẩu dầu sang Mỹ của Nga chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng của nước này.

Tuy nhiên, phương Tây đã cắt phần lớn quyền tiếp cận của Nga với hệ thống ngân hàng thế giới, đây là một vấn đề rất lớn. Các nhà xuất khẩu của Nga vẫn có thể đưa hàng hóa của họ ra khỏi đất nước, nhưng giờ rất khó để nhận được tiền. Quan trọng hơn, rất khó để Nga thanh toán tiền hàng nhập khẩu – xin lỗi, nhưng anh không thể tiến hành các giao dịch thương mại quốc tế hiện đại với những chiếc ca táp chứa đầy những tờ 100 đô la. Trên thực tế, ngay cả các hoạt động thương mại còn được cho phép của Nga dường như cũng đang yếu dần, khi các công ty phương Tây – lo sợ việc tăng cường các hạn chế và một làn sóng phản đối chính trị – đã tham gia vào việc “tự trừng phạt” Nga.

Điều này quan trọng đến mức nào? Giới tinh hoa Nga có thể sống thiếu túi xách Prada, nhưng dược phẩm phương Tây lại là một vấn đề khác. Trong mọi trường hợp, hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng một phần ba hàng nhập khẩu của Nga. Phần còn lại là tư liệu sản xuất, hàng hóa trung gian – các thành phần được sử dụng để sản xuất các hàng hóa khác – và nguyên liệu thô. Đây là những thứ mà Nga cần để duy trì nền kinh tế, và thiếu chúng có thể khiến các lĩnh vực quan trọng phải ngừng hoạt động. Chẳng hạn, đã có những ý kiến cho rằng việc cắt giảm phụ tùng thay thế và dịch vụ bảo dưỡng có thể nhanh chóng làm tê liệt hàng không nội địa của Nga, một vấn đề nghiêm trọng ở một quốc gia rộng lớn.

Nhưng liệu Trung Quốc có thể trở thành giải pháp kinh tế cho Putin? Tôi sẽ nói là không, vì bốn lý do.

Thứ nhất, Trung Quốc, mặc dù là một cường quốc kinh tế, nhưng không có khả năng cung cấp một số thứ mà Nga cần, ví dụ như phụ tùng cho máy bay và chip bán dẫn cao cấp do phương Tây sản xuất.

Thứ hai, mặc dù bản thân Trung Quốc không tham gia vào các lệnh trừng phạt, nhưng nước này đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp khác, tương tự như các tập đoàn phương Tây, có thể tham gia vào việc tự trừng phạt Nga – nghĩa là họ sẽ không dám giao dịch với Nga, vì sợ phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng và cơ quan quản lý ở các thị trường quan trọng hơn.

Thứ ba, Trung Quốc và Nga thực ra xa cách nhau về mặt địa lý. Đúng, họ có chung đường biên giới. Nhưng phần lớn nền kinh tế Nga nằm ở phía tây dãy Ural, trong khi phần lớn nền kinh tế Trung Quốc nằm gần bờ biển phía đông của nước này. Bắc Kinh cách Moscow tận 3.500 dặm, và cách duy nhất để vận chuyển mọi thứ đi qua khoảng cách rộng lớn đó là bằng những tuyến tàu hỏa vốn đã quá tải.

Cuối cùng, một điểm mà tôi nghĩ đã nhiều người chưa nói tới nhiều, là sự khác biệt lớn về sức mạnh kinh tế giữa Nga và Trung Quốc.

Một số chính trị gia đang cảnh báo về một “vòng cung chuyên chế” (arc of autocracy) có thể gợi nhớ đến phe Trục trong Thế chiến 2 – và với những hành động tàn bạo đang diễn ra, đó không phải là một sự so sánh vô căn cứ. Tuy nhiên, quan hệ đối tác trong bất kỳ một vòng cung nào như vậy cũng sẽ rất bất bình đẳng.

Putin có thể mơ ước khôi phục lại sự vĩ đại thời Liên Xô, nhưng nền kinh tế Trung Quốc, vốn có quy mô gần bằng nền kinh tế Nga cách đây 30 năm, giờ đã lớn gấp 10 lần. Để so sánh, tổng sản phẩm quốc nội của Đức chỉ gấp hai lần rưỡi của Ý khi phe Trục ban đầu được hình thành.

Vì vậy, nếu chúng ta thử tưởng tượng sự ra đời của một liên minh tân phát xít nào đó – và một lần nữa, xin nhắc lại điều đó giờ có vẻ như không còn là ngôn ngữ cực đoan – thì đó sẽ là một liên minh nơi Nga là đối tác cấp dưới, gần như là một quốc gia phụ thuộc (client state) của Trung Quốc. Có lẽ đó không phải là điều mà Putin, với những giấc mơ đế quốc của mình, muốn nghĩ đến.

Do đó, Trung Quốc không thể bảo vệ Nga trước hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine. Đúng là sức ép kinh tế đối với Nga sẽ còn mạnh hơn, nếu Trung Quốc gia nhập cùng thế giới dân chủ trừng phạt hành vi xâm lược. Nhưng sức ép có lẽ đã rất lớn rồi ngay cả khi không có sự tham gia của Trung Quốc. Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt, bằng tiền và bằng máu, cho ảo tưởng quyền lực của Putin.

Paul Krugman là chuyên gia bình luận của New York Times từ năm 2000, đồng thời là giáo sư tại Viện Cao học Đại học Thành phố New York. Ông giành Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 cho công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.

Related posts