NGƯỜI CON GÁI QUÉT SÂN – Khói Chiều
Trời ở Huế hôm nay lành lạnh, mưa mấy ngày bây giờ đã tạnh, những vũng nước còn đọng trên những con đường vào xóm nên mổi khi có chiếc xe hai bánh chạy ngang qua làm nước bắn tung lên, nhiều khi làm ướt những người đang đi bộ hay đang đứng bên lề đường. Có lần, tôi bị nước bùn văng lên ướt cà áo quần và cả mặt, phải đi vội về nhà để thay!
Buổi sáng, khi ngồi quanh chiếc bàn để uống trà, chị bà con nói đến việc chùa chiền và chị hỏi tôi có bao giờ đi lên thăm chùa Huyền Không chưa? tôi nói đây là lần đầu tiên tôi mới nghe đến tên chùa này. Chị nói nếu chưa đi thì nên đi cho biết, lên trên đó sẽ thấy cảnh rất đẹp, muốn điều gì thì cứ cầu nguyện và theo chị trên đó linh lắm, tháng trước khi chị lên đó thăm, khi cầu nguyện thì chị cầu trúng vé số, vì chị hay mua vé số nhưng chưa bao giờ trúng. Thế là tuần sau khi xổ số, chị trúng được vài trăm ngàn. Tôi nghĩ thầm, không biết Phật có dính dáng gì trong vụ đánh số đề không? Một chị bà con khác, chị này rất rành về những di tích lịch sử và phong tục của Huế, chị nói có tời hai chùa Huyền Không, Huyền Không 1 và Huyền Không 2. Chùa Huyền Không 1 được xây từ năm 1978. Muốn đến đó thì phải đi lên Kim Long, qua khỏi chùa Thiên Mụ khoảng 2 cây số đến chân cầu Xước Dũ, rẽ vào con đường đất đi đến cầu Bạch yến, qua khỏi cầu rẽ trái khoảng 100 mét sẽ thấy ngay cổng chùa. Còn chùa Huyền Không 2, hay chùa Huyền Không Sơn Thượng, được xây khoảng năm 1989, có Thung Lũng Treo. Chùa nằm xa thành phố Huế khoảng 14 cây số về hướng Tây, đến thôn Đông Châm thuọc xã Hương Hồ. Muốn lên đó, cũng phải đi lên ngã chùa Thiên Mụ, theo con đường dọc sông Hương đến thôn Đông Châm, Xã Hương Hồ của Huyện Hương Trà.
Tôi đang say mê nghe hai bà chị nói về hai ngôi chùa Huyền Không, thì có mấy đứa cháu đề nghị là sáng sớm mai đi xe Honda chở tôi lên đó thăm cho biết và tôi đồng ý ngay! Sáng hôm sau, chúng tôi đi lên đó bằng 3 chiếc xe Honda, tất cả là 6 người. Con đường từ trung tâm thành phố lên chùa Thiên Mụ không xa lắm. Ngồi sau chiếc xe hai bánh do người cháu trai lái, mắt tôi không rời con sông Hương! Khi lên đến gần chùa thì đường rất khó đi vì sau những trận mưa trở nên lầy lội, có những khúc, chúng tôi phải đi bộ để đẩy xe qua những vũng bùn! Khi đến được cổng chùa, mọi ngươì đều hân hoan và cảm thấy nơi này đẹp và rất yên tĩnh. Cái không khí thanh tịnh và thời tiết lành lạnh làm cho chúng tôi quên đi cái mệt nhọc của cuộc hành trình, bỗng nhiên có hai con chó hùng hổ từ bên trong chùa chạy ra sủa ầm ĩ như sắp cắn chúng tôi, lúc dó, tôi nhìn quanh xem có Thầy nào không để cầu cứu nhưng chẳng thấy ai! Mâý con chó khi chạy đến gần thì đứng lại sủa. Tôi hỏi ngườỉ chị bà con là chó ở đây có cắn không? chị bà con trả lời:” Chắc không răng mô! vì mấy con chó này ăn chay trường mà !”. Tôi hỏi là tại sao Chùa mà nuôi chó, thì chị bà con noí chắc là Chùa đề phòng ăn trộm! Ôi! cửa Thiền rộng mở đề đón tín hữu từ Thập Phương, mà mấy con chó lớn như thế sủa hù doạ làm cho tôi một phen khiếp vía. Tôi chợt nghĩ đến cô cháu gái ở Huế mới bị con chó hàng xóm cắn, phải mang vào bệnh viện chích thuốc ngừa chống bệnh chó dại nên cũng rất ngại khi con chó nào đến gần tôi!
Trên đường về lại trung tâm của thành phố, khi chạy xe đi ngang ngã ba An Hoà, tôi nhìn cầu Bạch Hổ và khúc quanh ngã ba của con đường rẽ đi ra tỉnh Quãng Trị, rồi chợt nhớ đến Khải, một người bạn cùng học ở Quốc Học năm xưa. Ngoài Thái ra, tôi có hai ngươì bạn khá thân lúc đó, là Ấm và Khải. Nhà của Ấm thì ở Kim Long, còn nhà của Khải nằm ngay ở ngả ba An Hoà, nên thỉnh thoảng vào buổi chiều cuối tuần, sau khi học bài xong, tôi hay đạp xe đạp lên thăm. Khải cũng học ban Toán, nhưng khác lớp, còn Ấm thì học cùng lớp với tôi. Tôi thân với Ấm mà Ấm thì thân với Khải, nên qua Ấm, tôi và Khải quen biết nhau. Khải tính cũng hiền và rất ít nói; vẽ mặt của Khải lúc nào cũng trầm ngâm như trong lòng đang có tâm trạng gì đó. Tóc của Khải hớt ca rê ngắn, gần như trọc, nên với vẽ mặt nghiêm nghị, Khải trông giống như một chú tiểu ở chùa!
Lần đầu tiên tôi đến nhà Khải, tôi gặp một cô gái khoảng 17 tuỗi, tóc thề , đôi mắt rất đen và to đang quét sân, tôi chào và hỏi có phải đây là nhà của Khải không thì cô nàng đáp: “em là em gái của anh Khải, em tên là Như, để em dẫn anh vào vườn sau nhà vì anh Khải đang trồng mấy cây bông đó anh”. Tôi mỉm cười và bước chân đi theo Như. Từ đằng sau, tôi nhìn mái tóc thề của Như đẹp tuyệt, lưng nàng thon thon, bước đi rất nhẹ nhàng. Tôi không ngờ anh chàng Khải như thầy tu mà có cô em gái dễ thương như vậy. Vào đến sân sau, tôi thấy Khải đang khom lưng trồng mấy cây hoa, khi nghe tiếng chân của chúng tôi thì quay lại và tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi. Như bỏ chúng tôi một mình rồi vào bếp pha trà đãi khách. Không hiều sao, những thứ Bảy cuối tuần sau đó, tôi đến thăm Khải thường xuyên và ở chơi lâu hơn và tôi thầm hỏi không biết là tôi thich cái cầu Bạch Hổ hay ngả ba An Hoà và cứ mổi lần tôi ghé thăm đều rơi vào chiều thứ Bảy, lần nào tôi cũng gặp Như đang đứng quét sân! Nhìn cái hình ảnh một cô gái mặc chiếc áo cánh tay cụt, đang quét sân, sao dễ thương lạ! hình ảnh này thật bình dị nhưng đã làm tâm hồn của một chàng thư sinh như tôi xao xuyến!