Một xã hội sụp đổ như thế nào?
Theo ông Joseph Tainter, một nhà nhân chủng học nổi tiếng, các xã hội sụp đổ khi diễn ra sự mất mát sâu sắc của tính phức hợp về chính trị xã hội.
Nhưng, tôi lập luận là, có một lý do khác khiến các xã hội sụp đổ; lý do này liên quan đến khả năng tự lực, hoặc sự thiếu thốn. Một quốc gia càng dựa vào một quốc gia khác để được hỗ trợ, thì khả năng sụp đổ càng lớn. Sự tự thân bền vững là chìa khóa để tiến bộ. Điều này nghe có vẻ là một điều hiển nhiên, nhưng đó là một điểm mà nhiều quốc gia trên thế giới đã nhiều lần không để ý, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Ngày nay, từ Nam Mỹ đến Đông Nam Á, sự phụ thuộc vào nhập cảng chiếm ưu thế tối cao. “Phụ thuộc” đang là từ có hiệu lực. Lấy ví dụ như Nepal, một đất nước mà tôi đã từng ở rất nhiều thời gian (vợ sắp cưới của tôi đến từ thủ đô Kathmandu). Nền kinh tế Nepal phụ thuộc nhiều vào nhập cảng các nguyên liệu cơ bản, bao gồm than bánh và than trứng, cũng như nhiều loại nhiên liệu rắn khác. Quốc gia ở khu vực Himalaya này nhập cảng 73% lượng than của mình. Nepal cũng nhập cảng một lượng lớn vật liệu xây dựng và kim loại.
Nông nghiệp cung cấp sinh kế cho 68% trong tổng số 30 triệu công dân Nepal. Ngành nông nghiệp chủ yếu dựa vào việc sử dụng phân bón hóa học nhập cảng từ nước ngoài. Hiện nay, trên cả nước đang tồn tại tình trạng thiếu phân bón hóa học trầm trọng. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt này có thể kéo dài trong thời gian còn lại của năm nay. Sự thiếu hụt này sẽ làm tăng chi phí lương thực và cũng dẫn đến năng suất cây trồng giảm sâu, sau đó sẽ khiến giá cả tăng cao hơn nữa.
Trung Quốc là nước xuất cảng phân hóa học chính sang Nepal. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc tỏ ra khá miễn cưỡng trong việc xuất cảng thêm bất kỳ loại phân bón hóa học nào cho quốc gia bạn bè của mình. An ninh lương thực đã là một vấn đề trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ chối bán thêm bất kỳ loại phân bón hóa học nào cho Nepal.
Một cuộc khủng hoảng đang diễn ra
Tại Nam Mỹ, như tờ Wall Street đã đưa tin gần đây, giá phân bón cao đang đè nặng lên tâm trí của người nông dân trên khắp lục địa.
Các nước Nam Mỹ sản xuất nhiều bơ, ngô, và cà phê trên thế giới. Thiếu khả năng tiếp cận với phân bón “làm cho việc trồng trọt các loại cây này trở nên tốn kém hơn rất nhiều”. Trên thực tế, việc thiếu phân bón này đang buộc nhiều nông dân phải ngừng sản xuất hoàn toàn.
Tất nhiên, những gì đang xảy ra ở Nam Mỹ sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu. Như tờ Wall Street cảnh báo, kỳ vọng hóa đơn hàng tạp hóa sẽ “tăng hơn nữa vào năm 2022, sau một năm mà giá thực phẩm toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ.”
Hơn nữa, sự gia tăng giá thực phẩm này có vẻ sẽ “làm trầm trọng thêm nạn đói – vốn đã trầm trọng ở một số nơi trên thế giới do mất việc làm liên quan đến đại dịch – và cản trở nỗ lực của các chính trị gia và chủ ngân hàng trung ương nhằm giảm lạm phát.”
Theo các báo cáo đáng tin cậy, 70% lượng phân bón xuất cảng của Trung Quốc đến các quốc gia ở Nam Mỹ.
Một số công ty phân bón lớn nhất của Trung Quốc cho biết họ đang cấm xuất cảng phốt phát—thành phần quan trọng trong phân bón thương mại— cho đến ít nhất là tháng Sáu.
Tại sao vậy?
Hai lý do: để đảm bảo cung cấp phân bón tại quốc gia họ; và để đảm bảo sản xuất lương thực của đất nước họ.
Trung Quốc là nhà sản xuất phân bón lớn nhất trên thế giới, sản xuất nhiều hơn Hoa Kỳ và Ấn Độ cộng lại. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng là nước xuất cảng phân bón lớn nhất thế giới. Quý vị có thể không thích cách ĐCSTQ kinh doanh (và quý vị thực sự không nên), nhưng cách mà Trung Quốc kiểm soát nguồn cung hàng hóa có giá trị của thế giới thì đáng sợ đến mức ấn tượng.
Trên khắp Âu Châu, nông dân cũng đang cảm thấy khó khăn. Như các ký giả Yuliya Fedorinova, Megan Durisin, và Veronika Gulyas của Bloomberg gần đây đã báo cáo, với việc nông dân ở các nước như Pháp và Đức chuẩn bị rải phân bón trên các cánh đồng, “giá dinh dưỡng cao ngất ngưởng đang khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng ít [phân bón] hơn và cố gắng chuyển chi phí sang chuỗi thực phẩm.”
Còn Hoa Kỳ, một trong những nước nhập cảng phân bón hàng đầu thế giới thì sao? Có lý do để lo lắng không? Trong ngắn hạn là có. Trung Quốc là nhà cung cấp phân bón lớn nhất của Hoa Kỳ. Hoặc ít nhất là như vậy, trước khi ĐCSTQ quyết định hạn chế xuất cảng.
Như Food Business News đã cảnh báo, ở Hoa Kỳ, từ “phân bón” đã trở thành đồng nghĩa với một từ khác, “Giúp đỡ”, “do nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng vọt”. Theo các tác giả, nguồn cung cấp, hoặc thiếu nguồn cung cấp, sẽ chỉ thúc đẩy “chi phí sản xuất cây trồng tăng lên”. Hơn nữa, sự gia tăng chi phí sản xuất có thể có tác động tiêu cực đặc biệt đến năng suất ngô, vì loại cây trồng này có “nhu cầu phân bón (nitơ) cao và điểm hòa vốn cao.”
Tại Hoa Kỳ, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ngô là loại ngũ cốc chủ yếu, chiếm “hơn 95% tổng sản lượng và mức sử dụng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi.” Cùng với các quốc gia sản xuất chủ chốt, như Trung Quốc, việc hạn chế sản xuất và xuất cảng phân bón, chi phí vận chuyển hàng hóa cao ngất ngưởng và các vấn đề hậu cần càng trở nên phức tạp hơn.
Mọi thứ thật tệ. Rất tệ. Mọi thứ đã bị ảnh hưởng rất tồi tệ. Như tác giả Michael Syder đã cảnh báo gần đây, “chi phí phân bón tăng mạnh” đang khiến nhiều nông dân Mỹ không thể kiếm sống.
Hoa Kỳ, giống như Nepal, phụ thuộc vào nhập cảng. Trên thực tế, sự phụ thuộc của nó có thể so sánh với một số quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba. Quý vị biết những thứ khác mà quý vị liên hệ với các nước thuộc Thế giới Thứ ba không? Thiếu lương thực, khủng hoảng mùa màng, và nạn đói lan rộng. Hoa Kỳ đã trải qua cả ba [vấn đề này]. Hãy dự tính cho việc mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đáng kể trước khi chúng trở nên tốt hơn.
Khả năng tự cung tự cấp, thứ mà Hoa Kỳ cần, đang thiếu rất nhiều. Tình hình đã như vậy trong nhiều năm. Đáng buồn thay, những người Mỹ trung bình lại là những người phải trả tiền và trả giá đắt nhất.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Vân Du biên dịch