Chiến tranh Nga-Ukraina: Biến mất khỏi tâm điểm quốc tế, ĐCSTQ đang âm thầm mưu tính gì?

Cao Tùng

Sau khi Nga phát động một cuộc chiến tranh với quy mô lớn ngay trên lãnh thổ của nước láng giềng Ukraina, sau năm 2014, nước cộng hòa nằm bên bờ biển Đen này lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. 

Mặc dù vậy, không ít các chuyên gia và các nhà bình luận chính trị vẫn luôn quan tâm để mắt tới những động thái của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phần lớn trong số họ có cùng nhận định cho rằng, ĐCSTQ là phía « ngư ông đắc lợi » khi khoanh tay đứng ngoài một cuộc chiến tranh đang ngày càng được quốc tế hóa, với các biện pháp trừng phạt và cấm vận kinh tế, với việc viện trợ vũ khí cho Ukraina từ khắp các châu lục, với sự thành lập Quân đoàn Quốc tế Ukraina đến từ 52 quốc gia [1] khác nhau, dẫu cho chiến sự không rời khỏi mảnh đất vốn có tên gọi là Tiểu Nga này. 

Chẳng hạn nhà khoa học chính trị Nga Dmitri nhận định rằng cuộc đối đầu với phương Tây đã cản trở nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga ở phía Tây, và đây là cơ hội hiếm có cho Trung Quốc ở phía Đông. Ông cho biết ĐCSTQ đã bắt đầu tích cực thâm nhập vào các dự án năng lượng, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga, do đó sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất tránh được suy thoái. [2]

Hơn nữa, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Theo số liệu năm 2020 từ Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Nga khoảng 10 lần. Vì vậy, khá là dễ hiểu khi nhà phân tích địa chính trị Brandon Weichert cho rằng “Mối đe dọa từ Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài hơn. Họ mới là quốc gia có nền tảng công nghệ lớn hơn. Họ là quốc gia có nền kinh tế chỉ kém quy mô nền kinh tế của Hoa Kỳ.” [3]

Ông Anders Corr, người đứng đầu công ty tư vấn chính trị Corr Analytics thì cảnh báo “sức mạnh kinh tế đằng sau ĐCSTQ cho phép nhà cầm quyền này làm những điều mà Nga không thể. Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế đó không chỉ để xây dựng quân đội của mình. [Mà] Trung Quốc [còn] có thể sử dụng sức mạnh kinh tế đó để gây ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới.” [3]

Tuy nhiên, đâu mới là cái lợi lớn nhất mà cuộc khủng hoảng do cuộc chiến mà Nga phát động trên đất của Ukraina đem lại cho ĐCSTQ trong thời điểm này? Và ĐCSTQ đang âm thầm chuẩn bị những gì và kế hoạch tiếp theo của họ là gì? Hãy cùng chúng tôi điểm lại một số thông tin để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Biến mất khỏi tâm điểm của dư luận quốc tế

Ký giả người Ân Độ Venus Upadhayaya [4] nhấn mạnh rằng « cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang tái thu hút sự chú ý của thế giới vào thế cân bằng trong Chiến Tranh Lạnh cũ, khiến thế giới mất đi trọng tâm chính là nghị trình bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. » 

Hãy cùng chúng tôi mở rộng hơn một chút phạm vi thời gian và sự đa dạng về thông tin của bài viết tổng hợp tin tức quốc tế này, để có thể thấy rằng việc không còn là nơi hướng đến của dư luận khắp nơi trên thế giới là nỗi ám ảnh thường trực, là lợi ích cốt lõi của ĐCSTQ, đến nỗi mà dường như các đối tác làm ăn của họ đều thấu hiểu ngay cả khi ĐCSTQ chưa kịp lên tiếng.

Đầu tiên, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao bỗng nhiên trong một thời gian dài không còn ai nhắc tới một minh tinh màn ảnh, một ngôi sao bóng đá, một thần tượng thể thao, hoặc giả, không còn ai nhắc tới một khoa học gia danh tiếng, mặc dù trước đó, những phát ngôn những dòng trạng thái của họ trên mạng xã hội hay trên các kênh truyền thông còn thu hút hàng ngàn người quan tâm? 

Kế tiếp, bạn có biết giữa minh tinh màn bạc Richard Gere, ngôi sao bóng đá Mesut Ozil, ngôi sao bóng rổ Enes Kanter Freedom, và nhà bác học người Pháp Luc Montagnier chủ nhân của giải Nobel năm 2008 cho nghiên cứu về vi-rút HIV đều có một điểm chung, bạn có biết đó là điều gì không? 

Họ đều nói đến những tội ác của ĐCSTQ hoặc những điều nhạy cảm của nó, và gần như ngay lập tức, họ liền bị chính các đồng nghiệp và đối tác của mình tẩy chay, bịt miệng. 

Chỉ gần đây thôi, nhà làm phim Dinesh D’Souza [5] mới vỡ lẽ ra tại sao tài tử lịch lãm của « Người đàn bà đẹp » lại gần như biến mất trước công chúng yêu thích chiếu bóng suốt từ đầu những năm 2000 tới nay: ông Richard Gere từ lâu đã lên án « tình trạng nhân quyền khủng khiếp ở Trung Quốc, không chỉ đối với người dân của họ, mà còn đối với cả Tây Tạng.” Nhưng lỗi lớn của ông Gere là vào năm 1997 khi ông tham gia bộ phim “Red Corner” (Miền Đất Đỏ), kể câu chuyện về một luật sư Hoa Kỳ bị mắc bẫy và trải qua sự nghiệt ngã của hệ thống tư pháp hình sự Trung Quốc ». Điều này « dường như đã đưa ông ra khỏi danh sách hạng A của Hollywood ». 

Trong phóng sự điều tra có nhan đề « Sự xóa sổ của Metsut Ozil » trên New York Times, hai kí giả Smith và Pajna nhấn mạnh « một năm trước, anh là một trong những cầu thủ được trả lương cao nhất Premier League. Bây giờ, sau khi chọc giận Trung Quốc và từ chối cắt giảm lương, anh chỉ đơn giản là biến mất ». Tất cả chỉ vì một vài dòng tweet của Ozil liên quan đến việc người Duy Ngô Nhĩ bị Trung cộng bức hại tại Tân Cương [6].

Đối với trường hợp của ngôi sao bóng rổ Enes Kanter Freedom, theo Epoch Times [7], ông Bill Browder, người đứng đầu chiến dịch Công lý Magnitsky Toàn cầu, đã viết trên Twitter hôm 13/02 : “Anh Enes Kanter Freedom, cầu thủ NBA duy nhất đủ dũng cảm để lên tiếng chống lại những hành vi tàn bạo về nhân quyền của Trung Quốc đã được trao đổi từ đội Celtics qua đội Rockets và sau đó ngay lập tức đã bị từ chối (ví dụ như, bị sa thải). Một tiền lệ tai hại.” 

Tại Pháp, mới đây, nhà bác học Luc Montaigner, chủ nhân của giải Nobel Y học 2008 nhờ các nghiên cứu của ông về HIV, là một trong 11 nhà khoa học người Pháp nhận được giải Nobel từ năm 2008 tới nay, và nếu tính riêng Y khoa, ông là một trong 3 giải Nobel Y khoa duy nhất của Pháp kể từ sau năm 1980, sau tuyên bố của mình trên Pour quoi docteur [8] rằng ông và nhóm nghiên cứu của mình đã tìm ra những bằng chứng cho thấy các đoạn mã gen HIV được chèn vào SARS-CoV-2 và qua đó cho thấy nguồn gốc của vi-rút này là một phòng thí nghiệm Trung Quốc, ông ngay lập tức « bị các đồng nghiệp của mình tẩy chay ». Bằng những tuyên bố đó, « ông đã tự trục xuất mình ra khỏi cộng đồng khoa học », theo những lời tưởng niệm của AFP mà rất nhiều tờ báo khác của Pháp dẫn lại [9] để tưởng nhớ Luc Montaigner, ngay sau khi ông qua đời ở tuổi 90.

« Kiểm duyệt của Trung Quốc đang mang tính toàn cầu », đúng như cách mà nhà phân tích Suzanne Nossel, CEO của PEN America, đặt tên cho bài nhận định của mình trên tờ Foreign Policy[10]. Bà cho biết : « Năm 2020, Trung Quốc đã trục xuất số lượng nhà báo nước ngoài lớn nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, bao gồm nhiều nhà báo từ New York Times, Wall Street Journal và Washington Post. Chỉ còn vài chục phóng viên Mỹ bên trong Trung Quốc, đó là một nhóm đã bị quấy rối, từng bị từ chối thị thực, giám sát và hạn chế truy cập nghiêm trọng. Năm ngoái, Bloomberg, công ty mẹ của Bloomberg News, đã cố gắng hết sức để bịt miệng các nhà báo và gia đình của họ về những nỗ lực của công ty này nhằm ngăn chặn báo cáo về tham nhũng của chính phủ Trung Quốc. » h

Qua những nhận định trên, có thể thấy, các đối tác của ĐCSTQ từ lâu đã hiểu một qui luật bất thành văn là Trung cộng hết sức dị ứng với việc họ trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế. 

Đặc biệt, thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa đông lại là thời điểm có cả một làn sóng dư luận thế giới tập trung vào ĐCSTQ. Đầu tiên là từ giới hâm mộ thể thao với câu hỏi « Bành Soái ở đâu » sau khi cô này tố cáo việc tấn công tình dục cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ [11].  Tiếp đến là sự kiện Quốc hội Pháp thông qua một nghị quyết công nhận “bản chất diệt chủng” của sự đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc vào cuối tháng Giêng năm 2022 [12]. 

Ngay sau đó, Quốc hội Pháp tiếp tục thảo luận việc « Bắc Kinh bị cáo buộc đã thể chế hóa mạng lưới giao thương khổng lồ về cấy ghép nội tạng. Được ghi nhận bởi nhiều tổ chức phi chính phủ, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng nhắm vào các tù nhân bị kết án tử hình và các học viên Pháp Luân Công », theo Le Monde [13].

Cụm từ « Olympic diệt chủng » (genocide Olympic) xuất hiện trên khắp các mặt báo trên toàn thế giới. Rất nhiều người tò mò đọc các thông tin về việc các vận động viên [14] và các phóng viên quốc tế [15] được chăm sóc chu đáo ra sao bên trong cái gọi là « bong bóng Olympic ». Thậm chí, tác giả Barbara Kay còn cảm thấy như bóng ma của Olympic 1936 do Đức Quốc xã tổ chức như lảng vảng đâu đây, bởi vì đó là « lần đầu tiên trong lịch sử Olympic một cuộc tẩy chay đã được đề xướng trên cơ sở vi phạm nhân quyền, nhưng đã không được thực hiện ».

Giữa lúc đó, thì chiến tranh tại Ukraina nổ ra, đưa ĐCSTQ ra khỏi tầm ngắm của dư luận quốc tế. Nhờ đó, ĐCSTQ khỏi phải tốn công tốn sức để làm điều mà bà Suzanne Nossel mô tả trên tờ Foreign Policy [10]: « ĐCSTQ coi triều đại tiếp tục của nó không chỉ phụ thuộc vào thực tiễn lâu dài của nó về việc hạn chế nghiêm trọng ngôn luận bên trong Trung Quốc mà còn vào việc ra lệnh cho các câu chuyện toàn cầu về Trung Quốc ». 

Vậy ĐCSTQ đang có kế hoạch gì phía sau chiến tranh Nga-Ukraina?

Làm sao để trả lời câu hỏi này, khi mà ĐCSTQ đã không còn nằm trong tâm điểm của cái radar dư luận quốc tế? Trong Luận Ngữ Đức Khổng Tử có dạy « Ôn cố nhi tri tân » mà ngày nay ai cũng có thể tạm hiểu rằng muốn thông tỏ cái mới chi bằng ta hãy ôn lại chuyện cũ. 

Vậy hãy cùng nhau ngược dòng lịch sử để xem cứ mỗi lần biến mất khỏi tâm điểm của dư luận quốc tế thì ở Trung Quốc lại xảy ra những chuyện kinh thiên động địa gì và ĐCSTQ đang thực hiện những mưu đồ trọng đại nào. Biết đâu, mỗi người trong chúng ta qua đó sẽ có được câu trả lời của riêng mình.

1- Chiến tranh Việt Nam (1955-1975) và khủng hoảng tên lửa tại Cuba (1962)

Từ năm 1955 đến 1975, tâm điểm của thế giới là chiến tranh Việt Nam, và những cuộc khủng hoảng cục bộ mang tính thời điểm nhưng cũng không kém phần gay gắt hoặc chí ít là ly kì như cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba vào năm 1962 trong cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. 

Ngoài ra, người dân phương Tây luôn luôn bận rộn với những trào lưu tư tưởng mới. Ở Mỹ, một đại hội âm nhạc mang tên Woodstock năm 1969 qui tụ hơn 400 000 thanh niên trẻ luôn được xem như cột mốc khai sinh ra dòng âm nhạc Rock. Ngoài khoảng 707 ca dùng ma túy quá liều, thì đến nay, người ta vẫn đang đặt câu hỏi có bao nhiêu « Woodstock baby », những đứa trẻ được sinh ra từ bữa tiệc của sự phóng túng của gần nửa triệu thanh niên giật dũ trong tiếng đàn ma quái của những rocker như Jimi Hendrix. [16]

Ở Pháp, thanh niên cấp tiến nhào ra đường lật đổ người mà trước đây họ coi là thần tượng vào tháng Năm năm 1968, tướng De Gaulle. Theo nghiên cứu của Bernard Préel, rất nhiều trong số họ ngày nay chiếm giữ những vị trí quan trọng trong chính trường và thương trường nước Pháp. Họ buộc tội De Gaulle về « tội ác đẫm máu » tại chiến tranh Algérie. [17]

Những thanh niên híp-pi ở Mỹ, lẫn những thanh niên thế hệ « tháng Năm 1968 » ở Pháp đều phản chiến. Và cuộc chiến tốn nhiều giấy mực nhất thời điểm đó là cuộc chiến Việt Nam.

Khi đó, ĐCSTQ hoàn toàn nằm ngoài tầm ngắm của dư luận quốc tế. Vậy rốt cuộc thì họ « âm thầm » làm những gì trong khoảng thời gian này ?

Họ thực hiện Đại nhảy vọt (1959-1962), tác nhân gây ra một nạn đói khủng khiếp. Bài “Nạn đói khủng khiếp” trong quyển Những ghi chép về lịch sử của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nói rằng “Số người chết bất bình thường và số người mới được sinh ra giảm từ năm 1959 cho đến năm 1961 được ước tính là khoảng 40 triệu… việc giảm 40 triệu người ở Trung Quốc nhiều khả năng là nạn đói khủng khiếp nhất trên thế giới trong thế kỷ này.” « Mọi người đã buộc phải ăn thịt cả những người bị chết, ăn thịt những người chạy trốn đến từ những khu vực khác, và thậm chí đã phải giết chết và ăn thịt con cái của chính minh. Nhà văn Sa Thanh đã mô tả cảnh này trong tác phẩm của ông có tên là Y Hy Đại Địa Loan (Một eo đất thưa thớt) » [18].

Sau Đại nhảy vọt, người dân thiện lương và cơ cực Trung Quốc chưa kịp định lại tinh thần thì Mao Trạch Đông phát động Cách mạng văn hóa (1966-1976). « Sự thực về các chiến dịch chính trị sau khi thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa viết rằng, “Vào tháng 5 năm 1984, sau 31 tháng tập trung điều tra, thẩm tra và tính toán lại bởi Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, các con số liên quan đến Cách mạng Văn hóa là: hơn 4,2 triệu người đã bị giam giữ và điều tra; hơn 1.728.000 người đã bị chết bất thường; hơn 135.000 người đã bị dán nhãn hiệu là phản cách mạng và bị tử hình; hơn 237.000 người đã bị chết và hơn 7,03 triệu người đã bị tàn phế trong các cuộc tấn công vũ trang; và 71.200 gia đình đã bị tiêu diệt.” Thống kê tổng hợp từ những ghi chép lịch sử của các huyện đã cho thấy rằng 7,73 triệu người đã bị chết bất thường trong Cách mạng Văn hóa » [18].

Ví như con người ta có hai cái tai, thì một tai người ta chỉ nghe được tiếng bom đạn ùng oàng ở Việt Nam, tai còn lại là những âm thanh quyến rũ từ những chiếc đàn ghi-ta điện tử hoặc những chiếc đĩa than mới ra của The Beatles. Người ta hoàn toàn không nghe nổi bất kì tiếng vọng nào dù là nhỏ nhất của những tiếng khóc than thấu tận trời xanh của hàng chục triệu người dân lành bên Trung Quốc.

2- Sự sụp đổ của bức tường Berlin (1989)

Trong một nhận định gần đây, kí giả người Pháp Jean Robin [19] cho rằng, sự kiện chấn động dư luận quốc tế đó là sự sụp đổ của bức tường Berlin và tiếp theo đó là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, « diễn ra chỉ vài tháng sau vụ thảm sát Thiên An Môn, để chuyển hướng sự chú ý của thế giới khỏi Trung Quốc ». Điều này không khỏi làm giật mình nhiều người, chí ít, cũng là ở sự trùng hợp như là ngẫu nhiên trong lịch trình của hai sự kiện.

Thảm sát Thiên An Môn vào tháng Sáu 1989 « là lần đầu tiên quân đội của ĐCSTQ công khai tàn sát dân thường để đàn áp sự phản đối của nhân dân đối với các tệ nạn biển thủ, tham nhũng và thông đồng giữa các quan chức chính quyền và các nhà doanh nghiệp, và đòi hỏi của họ đối với các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp ». [18].

Theo Edward Timperlake [20], có khoảng 4000 đến 6000 người dân thường bị giết. Các chính phủ Mỹ và Pháp có các biện pháp trừng phạt ĐCSTQ. Tuy vậy, các cuộc biểu tình nổ ra trên thế giới đều là các cuộc biểu tình của người Hoa tại hải ngoại. Bắc Hàn, Cuba, Tiệp Khắc và Đông Đức phản đối các cuộc biểu tình này. 

Chỉ vài tháng sau đó, như là một sự tình cờ của lịch sử, bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1989. ĐCSTQ lại một lần nữa biến mất khỏi tâm điểm của dư luận quốc tế.

3- Thảm họa tháp đôi WTC New York (11 tháng 9 năm 2001)

Năm 2001 mở đầu với ĐCSTQ bằng vụ dàn dựng cảnh tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng Giêng năm 2001. Đây là âm mưu của Giang Trạch Dân và đồng bọn trong những nỗ lực của chúng nhằm bức hại môn tu luyện cổ xưa đã có tới khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu học viên tại Trung Quốc – Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công. Sở dĩ phải dày công dàn dựng như vậy, là vì kế hoạch triệt phá Pháp Luân Công « trong vòng 3 tháng » kể từ tháng 7 năm 1999 của họ Giang và đồng bọn hoàn toàn không dập tắt nổi đức tin của những người tu luyện pháp môn này.

Một lý do khác nữa là từ năm 1999 tới năm 2001 cũng là lúc ĐCSTQ tiến hành một cuộc vận động hành lang trên chính trường quốc tế với qui mô chưa từng có để Trung Quốc được gia nhập WTO. Cũng chính vì lẽ đó, mà Giang Trạch Dân tìm mọi cách dập tắt nhanh nhất có thể phong trào rèn luyện sức khỏe và tu tập tâm tính của những học viên Pháp Luân Công trước khi dư luận quốc tế chú ý đến. Và khi tiến độ không đạt được mong đợi, thì ông ta tìm cách đánh lừa truyền thông thế giới, bằng cách tạo hình ảnh bôi nhọ Pháp Luân Công.

Vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn, quả vậy, ngay lập tức thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Nhưng, theo cách hoàn toàn ngược lại với sự trông đợi của bè lũ Giang Trạch Dân. Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) ở Anh khẳng định: “Không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh người ‘tự thiêu’ là người của Pháp Luân Công.” Hãng tin Reuters thì cho hay: “Bắc Kinh đang lợi dụng hình tượng thân thể bị thiêu cháy đáng sợ làm vũ khí mới nhất trong cuộc chiến truyền thông với Pháp Luân Công.” [21]

Đặc biệt, sau loạt bài từ tháng 1 năm 2001, phỏng vấn các nhân chứng trong vụ tự thiêu ở Thiên An Môn, 7 tháng sau, vào tháng 8 năm 2001, kí giả danh tiếng Philip Pan cùng cộng sự Pomfret của Washington Post có một bài điều tra công phu [22] về các loại hình tra tấn từ thể chất tới tinh thần nhắm vào các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Trong đó có dẫn lời của học viên Ouyang : « Trong hai năm qua, tôi đã chứng kiến những điều xấu xa nhất về những gì con người có thể làm. Chúng tôi bị đối xử như thể là những động vật tồi tệ nhất trên trái đất vậy. » Và của học viên Hsu : « Thật đau lòng. Họ bắt chúng tôi phải nói dối. Chúng tôi biết Pháp Luân Công là tốt, nhưng họ buộc chúng tôi phải nói rằng đó là điều ác.”

Vẫn tháng 8 năm 2001, tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) đã thông báo công khai tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc rằng: “Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy chính quyền ĐCSTQ thật sự đã dàn dựng vụ tự thiêu và giết những người này để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được một video phân tích vụ tự thiêu cho thấy rõ ràng rằng chế độ ĐCSTQ đã chỉ đạo và dàn dựng toàn bộ sự việc.” [21]

Thật là ngẫu nhiên, ngày 11 tháng 9 năm 2001 cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng sụp đổ trong lửa và bụi của tòa tháp đôi WTC tại New York. ĐCSTQ lại một lần nữa biến mất khỏi tâm điểm của dư luận quốc tế. 

Tháng 12 cùng năm, WTO âm thầm kết nạp Trung Quốc làm thành viên mới. Kể từ sau đó, hàng loạt các nhà máy sản xuất, các trung tâm nghiên cứu phát triển từ phương Tây mọc lên như nấm tại Trung Quốc. Chủ nghĩa toàn cầu hóa, vô tình thay, chính là Trung Quốc hóa nền sản xuất nhu yếu phẩm của thế giới. 

Cho đến tận ngày nay, vẫn còn có những người phương Tây, như thị trưởng thành phố Avon của Pháp [23], bàng hoàng nhận ra sau “hơn hai thập kỷ, Pháp Luân Công đã bị chính quyền đương thời buộc tội một cách bất công. Chính quyền hàng ngày đều dùng phỉ báng, ngược đãi, tra tấn, và biến những lý do giả tạo thành hiện thực nhằm nhổ tận gốc phong trào tu luyện. Tôi ủng hộ đồng bào của các bạn ở Trung Quốc, những người đã phải chịu sự tàn bạo và ngược đãi thảm khốc nhất mà con người khó có thể chịu đựng nổi trong 22 năm qua.”

4- Chiến tranh Nga-Ukraina (24 tháng 2 năm 2022 tới nay) : 

Như đã nói từ đầu bài phân tổng hợp tin tức lần này của chúng tôi, Trung Quốc thoát khỏi tầm ngắm của dư luận quốc tế, khi mà tâm điểm của nó là Ukraina nơi cuộc chiến mà Nga phát động một cách toàn diện đang diễn ra. Vậy ĐCSTQ, ngoài việc từ chối tham gia trừng phạt Nga để phản đối chiến tranh và kí kết những hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỉ Mỹ kim với Nga, đang âm thầm làm những gì ?

Theo như quan sát mới đây của chuyên gia Anders Corr [24], « Trung Quốc đang tích lũy ngày càng nhiều nguyên liệu thô, chẳng hạn như dầu, khí đốt, quặng sắt, lúa mì, lúa mạch, ngô và vàng ». « Trung Quốc, chiếm khoảng 18% dân số thế giới, đã dự trữ hơn một nửa lượng ngũ cốc của thế giới, làm tăng giá đến mức “đẩy nhiều quốc gia vào nạn đói”, theo Nikkei. »

Điều này trái ngược với tình cảnh thiếu thốn lương thực của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraina. « Nga và Ukraine cộng lại chiếm khoảng 80% xuất cảng dầu hướng dương toàn cầu, 29% xuất cảng lúa mì của thế giới, và 19% nguồn cung ngô toàn cầu. Tình trạng thiếu lúa mì và ngô sẽ đặc biệt là vấn đề vì đây là những thực phẩm chủ yếu ở nhiều quốc gia » [25].

Điều này cũng hoàn toàn trái ngược với tình cảnh của người dân của chính Trung Quốc, ví dụ ở những thành phố đang bị cách ly tới mức cực đoan như Thâm Quyến, theo như báo cáo của Epoch Times [26]: « Thâm Quyến áp dụng chính sách zero COVID, người dân chật vật tìm thực phẩm. Vào tối ngày 28/02, một người đã cố gắng nhảy khỏi tòa nhà này từ căn hộ của mình. Những người hàng xóm khác nói với tôi rằng anh ta bị trầm cảm và đã không ăn gì trong hai ngày. Anh ấy đã mất hết hy vọng và tìm cách nhảy lầu tự tử ».

Chuyên gia Ross Kennedy, người sáng lập Fortis Analysis [27], đã phát hiện ra một sự thay đổi hết sức bất thường trong chiến lược giao thương hàng hóa của ĐCSTQ đối với Nga kể từ ba tháng trước khi xảy ra chiến tranh tại Ukraina. « khoảng tháng 11 hoặc tháng 12, Trung Quốc bắt đầu mua tất cả các lô hàng có nguồn gốc từ Nga – ngũ cốc, dầu thô và hóa dầu – theo điều khoản F.O.B (Free On Board – Người bán có trách nhiệm giao hàng lên boong tàu và sẽ chuyển rủi ro cho người mua khi hàng đã lên tàu). Nói cách khác, Trung Quốc giờ đây có thể yêu cầu hàng hóa ngay khi chúng được đưa lên tàu. [F.O.B] là một lựa chọn bất thường khi nói đến thương mại quốc tế. »

Bất thường, nhưng sự thay đổi điều khoản giao thương này từ cách đây ba tháng lại đang giúp Trung cộng tiếp tục nhập khẩu nhu yếu phẩm từ Nga bất chấp lệnh cấm vận đối với nước này của phần còn lại của thế giới, vẫn theo Ross Kennedy [27].

Tất cả những điều này để chuẩn bị cho kế hoạch gì? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời; nhưng dẫu kế hoạch đó là gì, bài học lịch sử để lại dường như luôn nhắc nhở thế giới rằng đừng bao giờ lơ là cảnh giác với chính quyền ĐCSTQ.

***

Tài liệu tham khảo:

[1] https://etviet.com/nga-kich-no-chien-tranh-the-gioi-an-hinh-tinh-nguyen-vien-tu-52-quoc-gia-gia-nhap-quan-doi-ukraine_275262.html

[2] https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-bac-kinh-dang-loi-dung-su-doi-dau-cua-nga-voi-phuong-tay-de-tiep-can-cac-nguon-tai-nguyen-cua-nga.html

[3] https://etviet.com/moi-de-doa-tu-trung-quoc-ngay-cang-tang-trong-boi-canh-cuoc-chien-tai-ukraine_274817.html

[4] https://etviet.com/cuoc-xam-luoc-ukraine-chuyen-huong-chu-y-cua-phuong-tay-vao-chien-tranh-lanh-voi-nga-thay-vi-voi-trung-quoc_273303.html

[5] https://etviet.com/tay-chay-richard-gere_273021.html?fbclid=IwAR2_3PTtP–BVTUOEAK9bg0fyfW0H4YJWfjavC9nTJjw_Q9DkkEIZ8yFCOw

[6] https://www.nytimes.com/2020/10/26/sports/soccer/mesut-ozil-arsenal-china.html

[7] https://etviet.com/cau-thu-enes-kanter-freedom-duoc-de-cu-giai-nobel-hoa-binh-nam-2022_271884.html

[8] https://www.pourquoidocteur.fr/Articles/Question-d-actu/32192-Revelations-l-origine-SARS-CoV-2-Luc-Montagnier-Nobel-marginal-habitue-polemiques

[9] https://www.france24.com/fr/info-en-continu/20220210-luc-montagnier-nobel-de-m%C3%A9decine-est-mort-discr%C3%A9dit%C3%A9-par-ses-pairs

[10] https://foreignpolicy.com/2021/10/26/chinese-censorship-enes-kanter-celtics-browder-is-going-global/

[11] https://etviet.com/truyen-thong-ngoai-quoc-ram-ro-phanh-phui-chuyen-xau-cua-truong-cao-le_256083.html

[12] https://www.lemonde.fr/societe/article/2022/01/20/l-assemblee-nationale-adopte-une-resolution-reconnaissant-le-caractere-genocidaire-des-violences-contre-les-ouigours-en-chine_6110251_3224.html

[13] https://www.lemonde.fr/international/article/2022/02/04/l-assemblee-francaise-debat-du-trafic-d-organes-organise-par-la-chine_6112359_3210.html

[14] https://etviet.com/cac-van-dong-vien-olympic-ca-than-ve-dieu-kien-cach-ly-ngheo-nan-tai-khach-san-o-bac-kinh_268003.html

[15] https://etviet.com/phong-vien-ha-lan-bi-an-ninh-trung-quoc-loi-di-khi-dang-dua-tin-ve-olympic_267835.html

[16] https://www.cbsnews.com/news/happy-40th-woodstock-baby/

[17] https://www.cairn.info/le-choc-des-generations–9782707129499-page-85.htm

[18] https://9binh.com/cuu-binh/cuu-binh-7-dcstq-mot-lich-su-day-giet-choc.html

[19] https://dkn.news/the-gioi/chuyen-gia-nga-khong-tu-minh-quyet-dinh-gi-ma-khong-co-trung-quoc-o-phia-sau-va-nguoc-lai.html

[20] Edward Timperlake, Red Dragon Rising, Regnery Publishing, 1999

[21] https://trithucvn.org/trung-quoc/vach-tran-vu-tu-thieu-gia-mao-tai-thien-mon.html

[22] https://www.washingtonpost.com/archive/politics/2001/08/05/torture-is-breaking-falun-gong/ea6c5341-c7a7-47c9-9674-053049b7323d/

[23] https://vn.minghui.org/news/227688-phap-thi-truong-cam-on-cac-hoc-vien-phap-luan-dai-phap-da-mang-su-hoa-ai-den-cho-cong-dong.html

[24] https://www.epochtimes.fr/la-chine-accumule-toujours-plus-de-matieres-premieres-1974221.html

[25] https://etviet.com/khung-hoang-nga-ukraine-de-doa-nguon-cung-cap-luong-thuc-toan-cau-du-doan-truoc-ve-gian-doan-cung-cap-lua-mi-ngo_272374.html

[26] https://etviet.com/tham-quyen-ap-dung-chinh-sach-zero-covid-nguoi-dan-chat-vat-tim-thuc-an_275032.html

[27] https://www.epochtimes.fr/trois-mois-avant-linvasion-lukraine-chine-modifie-strategie-dapprovisionnement-avec-russie-tres-probablement-prevision-guerre-1973089.html [28] https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4454192

Related posts