Trung Quốc là nước hưởng lợi chính từ các lệnh trừng phạt đối với Nga

Tshung Chang

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi lễ của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh vào ngày 26/04/2019. (Ảnh: Kenzaburo Fukuhara/Pool/Getty Images)

Với việc Hoa Kỳ và nhiều nước Liên minh Âu Châu áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga và cấm nhập cảng dầu của Nga, đây là thời điểm để có thể thấy ai là người thắng, kẻ thua trong lệnh cấm này.

Như tôi đã viết trước đây, các biện pháp trừng phạt thương mại hiếm khi gây tổn hại cho quốc gia bị áp đặt vì họ có thể tìm được người mua thay thế cho các sản phẩm và hàng hóa có giá trị của họ. Trong trường hợp dầu của Nga, quý vị thậm chí có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu không áp đặt lệnh cấm.

Hãy để tôi chỉ cho quý vị.

Nga hiện sản xuất khoảng 11.3 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất cảng 7.1 triệu thùng. Các nước nhập cảng 4.8 triệu thùng đã áp đặt các lệnh cấm, trong khi các nước nhập cảng 2.3 ​​triệu thùng còn lại không áp đặt lệnh cấm và vẫn tiến hành giao thương như thường lệ.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu cân nhắc việc cấm nhập cảng dầu của Nga.

Trên thực tế, vào thời kỳ đỉnh cao, giá dầu toàn cầu đã tăng mạnh khoảng 60% kể từ đầu năm 2022, và tất cả chúng ta đều cảm thấy điều đó tại trạm xăng. Kể từ đó, giá dầu đã giảm mạnh trở lại, nhưng vẫn chưa thể giúp giảm bớt áp lực lên túi tiền của chúng ta khi giá xăng dầu tiếp tục tăng cao ngất ngưởng.

Những kẻ thua cuộc

Nhu cầu về dầu vẫn ở mức cao chủ yếu do “ba chữ E” — những nhóm này là những người thua thiệt chính trong các lệnh trừng phạt:

Kinh tế (Economy): sản xuất kinh tế cần dầu mỏ, và mọi người cần di chuyển để làm việc.

Giáo dục (Education): trẻ em cần đến các cơ sở giáo dục.

Người cao tuổi (Elderly): người cao tuổi cần đi đến các cuộc hẹn khám bệnh.

Người chiến thắng

4.8 triệu thùng nhập cảng từ Nga có thể đến từ các nguồn khác không? Câu trả lời ngắn gọn là không.

Chúng ta không chỉ được cho là đã đạt sản lượng dầu ở mức đỉnh điểm hồi năm 2006, mà các quốc gia có thể sản xuất nhiều hơn sẽ không làm như vậy.

Hãy xem Ả Rập Xê Út, nhà sản xuất lớn thứ hai với sản lượng 10.1 triệu thùng/ngày, còn được gọi là Ngân hàng Trung ương Dầu mỏ. Ả Rập Xê Út có thể sản xuất thêm 2 đến 2.5 triệu thùng mỗi ngày do công suất dư thừa của họ, nhưng họ sẽ không sản xuất thêm.

Họ sẽ không làm như vậy vì điều đó sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của họ và khiến đối tác liên minh độc quyền (cartel) OPEC của họ là Nga khó chịu.

Đây là lý do khiến Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman từ chối một cuộc điện đàm từ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Một nguồn tiềm năng khác là Iran, nhà sản xuất lớn thứ tư với sản lượng 4.5 triệu thùng/ngày. Iran cũng có công suất dư, nhưng cũng giống như Ả Rập Xê Út, việc sản xuất nhiều hơn sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của họ.

Không chỉ vậy, Iran sẽ yêu cầu Hoa Kỳ và EU dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran, bao gồm khả năng có được vũ khí hạt nhân. Đây là điều mà cả Hoa Kỳ và EU sẽ chống lại bằng mọi giá.

Dầu chỉ có thể được vận chuyển qua đường ống hoặc tàu chở dầu (đường bộ hoặc đường biển). Trong số 19 quốc gia có chung biên giới trên bộ hoặc trên biển với Nga, thì chỉ có Trung Quốc mới có đủ khả năng và năng lực nhập cảng thêm 4.8 triệu thùng này và xuất cảng đi.

Trung Quốc đã nhập cảng 1.6 triệu thùng mỗi ngày từ Nga, và việc tăng gấp 3 lần công suất nhập cảng có thể được thực hiện trong vài tháng với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của họ.

Ả Rập Xê Út đã hoảng sợ trước viễn cảnh mất vị thế “nhà cung cấp dầu số một cho Trung Quốc” vào tay Nga hoặc một ngày nào đó Trung Quốc có thể không cần dầu của họ nữa. Gần đây, chi nhánh xăng dầu của Ả Rập Xê Út, Saudi Aramco, đã đề nghị xây dựng cho Trung Quốc một cơ sở lọc dầu mới ở Trung Quốc với công suất 300,000 thùng/ngày, miễn là nước này để Ả Rập Xê Út cung cấp dầu.

Bất chấp việc Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẽ “chắc chắn” phải đối mặt với hậu quả nếu giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt sâu rộng vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng họ đã không quan tâm. Trung Quốc hài lòng khi mua dầu của Nga với một mức chiết khấu và thu lợi nhuận bằng cách bán hoặc sử dụng nguồn dầu này cho tham vọng sản xuất toàn cầu của họ.

Xét cho cùng, bản thân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng rất hiểu biết về buôn lậu dầu bởi ông từng chủ trì vụ buôn lậu dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc khi còn là tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến hồi năm 1999.

Vụ bê bối buôn lậu trị giá 10 tỷ USD ở Hạ Môn được đưa ra ánh sáng sau khi Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) nhận thấy điều đáng ngạc nhiên là doanh thu thuế tiêu thụ đặc biệt nhiên liệu của Trung Quốc không tăng theo mức tăng trưởng GDP bùng nổ mà Trung Quốc đã đạt được vào cuối những năm 90.

Ông Chu đã mở ngay một cuộc điều tra và tuyên bố rằng bất kỳ công ty xăng dầu ngoại quốc nào nhập cảng xăng dầu trái phép và không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ bị cấm vĩnh viễn trong bất kỳ giao dịch nào với Trung Quốc.

Hình ảnh mê cung của các ống và van dầu thô trong một chuyến tham quan của Bộ Năng lượng tại Khu Dự trữ Dầu khí Chiến lược ở Freeport, Texas,  vào ngày 09/06/2016. (Ảnh: Richard Carson/Reuters)

Trước sự ngạc nhiên lớn của ông Chu, thủ phạm của vụ gian lận này là doanh nhân địa phương Lại Xương Tinh (Lai Changxing). Ông Chu có nhận xét nổi tiếng rằng “hành quyết anh ta ba lần cũng không đủ.”

Điều này là do ông Lại đã được hàng trăm quan chức chính quyền Trung Quốc, gồm cả hải quan và chấp pháp, tiếp tay trong các hoạt động của ông ta.

Vụ bê bối này đã dẫn đến 14 án tử hình, 11 án tù chung thân, và 58 người khác nhận án tù nhẹ hơn.

Tiết lộ gây phẫn nộ nhất là kho tiếp nhận dầu này do các kỹ sư của Quân đội Giải phóng Nhân dân xây dựng.

Mặc dù Tỉnh trưởng Tập khi đó, hiện là Tổng Bí thư Tập, không phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào, nhưng ông có quyền miễn tội cho tất cả những kẻ buôn lậu có tội này trong nỗ lực vận chuyển dầu từ Nga của mình.

Trong khi tất cả các nhà sản xuất dầu đều được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của Nga, thì người hưởng lợi chính ở đây là Trung Quốc.

Ông Tshung Chang là giám đốc một công ty có nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ tài chính ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Ông thông thạo tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Anh, và tiếng Bahasa. Ông Chang đã viết và nói nhiều về các hoạt động can thiệp và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Úc. Ông Chang là một người đóng góp cho cuốn sách “Ông Trump, COVID, và Thế Giới” (Ấn bản Úc).

Chánh Tín biên dịch

Related posts