Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc không giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt
Chính phủ Tổng thống Biden đang tìm cách ngăn cản chính quyền Trung Quốc hỗ trợ nước Nga hiện đang bị trừng phạt. Hôm thứ Tư (23/03), họ cảnh báo Bắc Kinh không nên tận dụng các cơ hội kinh doanh do các lệnh trừng phạt tạo ra, giúp Moscow né tránh các biện pháp kiểm soát xuất cảng hoặc giải quyết các giao dịch tài chính bị cấm.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng các nước G7 sẽ sớm công bố một phản ứng thống nhất để bảo đảm Nga không thể trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine với sự giúp đỡ của Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác.
Trình bày trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) trên đường tới Brussels, nơi Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, ông Sullivan nói, “Đó không phải là nói cụ thể về Trung Quốc, nhưng phản ứng này sẽ áp dụng cho mọi nền kinh tế quan trọng và các quyết định mà bất kỳ nền kinh tế nào trong số này sẽ thực hiện, một cách có chủ đích và tích cực, nhằm hủy hoại hoặc làm suy yếu các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã đưa ra.”
Ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã truyền tải thông điệp này tới chính quyền Trung Quốc, và “Chúng tôi mong đợi sự truyền tải tương tự từ Liên minh Âu Châu và mỗi quốc gia Âu Châu riêng lẻ.”
Bắc Kinh yêu cầu doanh nhân Trung Quốc lấp đầy khoảng trống ở thị trường Nga
Đại sứ Trung Quốc tại Nga đã kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc ở Moscow phát triển doanh nghiệp của họ bằng cách tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine, vì các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn đã làm tê liệt nền kinh tế Nga sau cuộc xâm lược.
Đại sứ Trương Hán Huy (Zhang Hanhui) đã kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc ở Moscow tận dụng tốt cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay khi ông gặp các đại diện hồi đầu tuần. Theo một bài đăng trên mạng xã hội hôm 21/03 của Hiệp hội Quảng bá Văn hóa Khổng Tử Nga, đại sứ này nói với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng đừng lãng phí thời gian và hãy “lấp đầy khoảng trống” trong nền kinh tế Nga.
Theo bài đăng nói trên, ông đã nói tại cuộc họp rằng, “Tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp. Các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt với những thách thức lớn hoặc thậm chí là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và khả năng thanh toán.”
Bản tóm tắt hội nghị không đề cập đến các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng ông Trương cho biết đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra sự khác biệt.
Hoa Kỳ chính thức cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine
Hôm thứ Tư (23/03), chính phủ Tổng thống Biden đã ra thông báo chính thức nói rằng quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và cho biết họ sẽ làm việc với các nước khác để truy tố những kẻ phạm tội, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết.
“Hôm nay, tôi có thể thông báo rằng, dựa trên thông tin hiện có, chính phủ Hoa Kỳ đánh giá rằng các quân nhân của quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine,” ông Blinken nói trong một tuyên bố đưa ra khi ông đang đi công tác khẩn cấp tới Brussels với Tổng thống Joe Biden để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO.
Ông cho biết đánh giá này dựa trên việc “xem xét kỹ lưỡng” các nguồn tin công khai và tình báo kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào Ukraine hồi tháng trước.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ chia sẻ thông tin đó với các đồng minh, đối tác, và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác phản nhân loại.
Ông lấy dẫn chứng các cuộc tấn công vào dân thường ở thành phố Mariupol bị bao vây và những nơi khác.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Anh muốn cuộc gọi chơi khăm bị kiểm duyệt trên YouTube
Hôm thứ Tư (23/03), London đã yêu cầu YouTube kiểm duyệt bất kỳ video nào về cuộc gọi giữa những kẻ chơi khăm Vovan và Lexus — giả danh Thủ tướng Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace — tuyên bố những video này là hoạt động tuyên truyền của nhà nước Nga và đã bị thao túng để thể hiện thông tin giả dối đồng thời làm suy yếu danh tiếng của Anh và tinh thần của Kyiv.
Nhà kinh tế Nga Chubais từ chức phụ tá cho Tổng thống Putin
Điện Kremlin cho biết phái viên của Tổng thống Vladimir Putin về liên lạc với các tổ chức quốc tế đã từ chức.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Anatoly Chubais đã đệ đơn từ chức.
Ông Peskov không nói liệu ông Chubais đã rời đất nước hay chưa, cho biết đó là việc riêng của ông ấy.
Ông Chubais, người kiến tạo nên chiến dịch tư nhân hóa ở Nga thời hậu Xô Viết, đã đảm nhiệm nhiều vị trí hàng đầu trong chính phủ trong suốt ba thập niên vừa qua.
Sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược hồi tháng trước (02/2022), ông Chubais đã đăng một bức ảnh của ông Boris Nemtsov, một nhân vật đối lập hàng đầu của Nga bị bắn tử vong gần Điện Kremlin vào năm 2015. Dù không có chú thích nhưng đây được coi là một tuyên bố mạnh mẽ của một người trong cuộc ở Moscow.
Liên Hiệp Quốc họp bàn để xem xét các giải pháp nhân đạo
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối cuộc xâm lược của Nga bỏ phiếu cho một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những hậu quả nhân đạo của hành động xâm lược của họ, nói rằng điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ nhằm giúp đỡ những người bị kẹt trong cuộc xung đột và chấm dứt hành động quân sự của Moscow.
Phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc phản bác rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi đang xem xét nghị quyết này, chỉ là “một chương trình chính trị chống Nga khác, lần này đặt trong bối cảnh được cho là nhân đạo” và kêu gọi 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu chống và ủng hộ một bản dự thảo nghị quyết cạnh tranh của Phi Châu chỉ tập trung vào các vấn đề nhân đạo mà không có “đánh giá chính trị”.
Ông Sergiy Kyslytsya của Ukraine và ông Vassily Nebenzia của Nga đã trình bày khai mạc phiên họp đặc biệt khẩn cấp hôm thứ Tư (23/03) của Đại hội đồng để xem xét các nghị quyết cạnh tranh về tác động nhân đạo của cuộc chiến, vốn sẽ tròn một tháng vào thứ Năm (24/03). Hôm thứ Tư, Nga cũng đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về nghị quyết nhân đạo của chính họ, vốn đã bị chỉ trích rộng rãi vì không đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Kyslytsya cho biết nghị quyết mà Ukraine đang thúc đẩy, do hai chục nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới soạn thảo và được gần 100 quốc gia ủng hộ, tập trung vào “nhu cầu cấp thiết giảm thiểu nỗi khổ đau về mặt nhân đạo tại hiện trường và lập tức chấm dứt các hành động thù địch của Liên bang Nga.”
Ông Nebenzia cảnh báo rằng việc thông qua nghị quyết đó “sẽ khiến một giải pháp cho tình hình ở Ukraine trở nên khó khăn hơn.” Đó là bởi vì nó có khả năng sẽ khuyến khích các nhà đàm phán Ukraine và “thúc đẩy họ duy trì quan điểm không thực tế hiện tại, vốn không liên quan đến tình hình thực tế tại hiện trường, cũng như nhu cầu giải quyết các nguyên nhân gốc rễ” của hành động quân sự của Nga, ông cho biết.
NATO sẽ gửi thêm quân đến các nước đồng minh, trong bối cảnh 100,000 người bị mắc kẹt ở Mariupol
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Tư (23/03), NATO có khả năng sẽ gửi thêm quân đến sườn phía đông của liên minh, gửi các nhóm chiến đấu đến Bulgaria, Hungary, Romania, và Slovakia, trong bối cảnh các quan chức Ukraine cảnh báo rằng 100,000 người đang bị mắc kẹt ở Mariupol trong cuộc xung đột với Nga.
“Tôi mong đợi các nhà lãnh đạo sẽ đồng ý củng cố vị thế của NATO trong tất cả các lĩnh vực, với sự gia tăng lớn ở sườn phía đông của liên minh trên bộ, trên không, và trên biển,” ông Stoltenberg cho biết trước hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Năm (24/03) tại Brussels.
Ông Stoltenberg cho biết thêm, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 140,000 quân trên khắp lục địa.
Đồng thời, liên minh cũng đang cân nhắc việc đóng quân vĩnh viễn dọc theo sườn phía đông, theo một quan chức NATO khác.
“NATO hiện đang trong quá trình tạm dừng và suy nghĩ nhiều hơn về sự hiện diện của lực lượng trung và dài hạn trong lãnh thổ NATO ở sườn phía đông đó,” Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith nói với một cử tọa của Hội đồng Đại Tây Dương hôm thứ Tư (23/03), cho biết hành động này sẽ gửi “một thông điệp khá rõ ràng đến Moscow.”
EU muốn thảo luận với Tổng thống Biden về khả năng bảo đảm việc cung cấp thêm khí đốt tự nhiên từ Hoa Kỳ cho khối
Người đứng đầu bộ phận điều hành của Liên minh Âu Châu cho biết bà sẽ thảo luận với Tổng thống Joe Biden về khả năng bảo đảm việc cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ cho khối 27 quốc gia này.
Trình bày tại Nghị viện Âu Châu trước chuyến thăm Âu Châu của Tổng thống Biden, bà Ursula von der Leyen cho biết bà sẽ thảo luận với ông về “cách ưu tiên vận chuyển LNG từ Hoa Kỳ đến Liên minh Âu Châu trong những tháng tới.”
EU nhập cảng 90% lượng khí đốt tự nhiên dùng trong sản xuất điện, sưởi ấm cho gia đình, và cung cấp cho lĩnh vực công nghiệp, trong đó Nga cung cấp gần 40% lượng khí đốt và ¼ lượng dầu của EU.
Khối này đang tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp. Bà von der Leyen cho biết EU đang hướng tới việc đạt được một cam kết về các nguồn cung bổ sung từ Hoa Kỳ “trong hai mùa đông tới.”
Reuters loại hãng thông tấn Nga TASS khỏi thị trường nội dung
Trong một thông điệp gửi cho nhân viên hôm thứ Tư (23/03), Reuters cho biết đã loại bỏ TASS khỏi thị trường kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) của mình, trong bối cảnh hãng thông tấn nhà nước Nga này vấp phải chỉ trích về cách họ đang đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi tin rằng việc cung cấp nội dung của TASS trên Reuters Connect không phù hợp với các Nguyên tắc Tin cậy của Thomson Reuters,” ông Matthew Keen, Giám đốc điều hành tạm thời của Reuters, viết trong một bản ghi nhớ nội bộ cho nhân viên hôm thứ Tư.
TASS từ chối đưa ra bình luận ngay lập tức.
Hãng thông tấn Nga này đã bị một số phương tiện truyền thông phương Tây và các nhóm tự do báo chí cáo buộc đã truyền bá những tuyên bố và tuyên truyền sai sự thật về cuộc chiến ở Ukraine. Kể từ cuộc xâm lược, các đại công ty công nghệ Google, Facebook, Twitter và các dịch vụ truyền hình trả tiền đã hạn chế quyền truy cập vào các hãng thông tấn nhà nước RT và Sputnik của Nga, cáo buộc Moscow đã lan truyền thông tin sai lệch. RT và Sputnik đã gọi các hạn chế do các nhà phân phối áp đặt lên họ, bao gồm cả các kho ứng dụng và các dịch vụ truyền thông xã hội khác, là sự kiểm duyệt vô cớ.
Reuters Connect cho phép người dùng, chủ yếu là các tổ chức tin tức, truy cập và chia sẻ nội dung của TASS với một khoản phí. Reuters Connect cũng cung cấp nội dung của Reuters News và khoảng 90 nhà cung cấp thuộc bên thứ ba, trong đó có Variety, USA Today, và CNBC.
Mối quan hệ đối tác của TASS với nền tảng Reuters Connect đã bắt đầu từ năm 2020. Trong một thông cáo báo chí ngày 01/06 năm đó, ông Michael Friedenberg, chủ tịch đương thời của Reuters, cho biết việc để TASS tham gia Reuters Connect là hành động “xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác đáng trân trọng của chúng tôi.” Ông Sergei Mikhailov, CEO của TASS, đã gọi thỏa thuận này “thực sự là một sự kiện quan trọng.”
Theo thông cáo báo chí trên, quan hệ đối tác của TASS với Reuters Connect cung cấp cho khách hàng “quyền truy cập vào tin tức thời sự và video độc quyền; các video về Điện Kremlin và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như các video chất lượng cao và tin tức chung.”
Tổng thống Zelensky cảm ơn Tổng thống Macron vì ‘sự lãnh đạo đích thực’ của ông
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì “sự lãnh đạo đích thực” của ông đối với cuộc chiến này trong một bài diễn văn trực tuyến từ Kyiv tới nghị viện Pháp hôm thứ Tư (23/03).
Ông Zelensky đã sử dụng cuộc họp với các nghị sĩ Pháp qua liên kết video này để kêu gọi sự ủng hộ của Âu Châu hơn nữa đối với những nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Ông kêu gọi Pháp hỗ trợ vũ khí, thiết bị, và nhiều phi cơ hơn nữa “để nền tự do không vuột khỏi tầm tay”, theo bản dịch tiếng Pháp của bài diễn văn dài 20 phút.
Bài diễn văn được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn tiềm năng.
Tổng thư ký NATO: Việc sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine sẽ ‘làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột’
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc Nga sử dụng vũ khí hóa học sẽ “làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột” ở Ukraine.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng việc sử dụng những vũ khí như vậy sẽ là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và gây ra những hậu quả sâu rộng.” Ông không cung cấp thông tin chi tiết.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào ngày 24/02, không có báo cáo hoặc bằng chứng nào cho thấy Moscow sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các quan chức hàng đầu của phương Tây liên tục tuyên bố rằng Nga đang hướng tới điều đó trong tương lai gần, mặc dù chưa có bằng chứng nào được đưa ra.
Trước thềm một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông tin là “có một mối đe dọa thực sự” rằng Nga sẽ sử dụng loại vũ khí này. Trong khi đó, các quan chức Nga cáo buộc rằng Kyiv đang tìm cách sử dụng hoặc phát triển vũ khí hóa học hoặc sinh học chống lại Nga.
Tổng thống Putin muốn các quốc gia ‘không thân thiện’ thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng rúp
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại một cuộc họp với chính phủ hôm thứ Tư (23/03) rằng đối với “các quốc gia không thân thiện”, Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền xuất cảng khí đốt bằng đồng rúp.
Ông Putin giải thích rằng Nga có kế hoạch từ bỏ tất cả các loại tiền tệ “bị thỏa hiệp” trong các giao dịch thanh toán. Ông nói thêm rằng các quyết định bất hợp pháp của một số quốc gia phương Tây nhằm phong tỏa tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin của Nga vào đồng tiền của họ.
Tổng thống Biden: Hỏa tiễn siêu thanh của Nga ‘gây hậu quả lớn’ và ‘gần như không thể ngăn chặn’
Tổng thống Joe Biden coi việc Nga được cho là đã bắn hỏa tiễn siêu thanh trong cuộc xung đột Ukraine hồi đầu tuần là một hành động “gây hậu quả lớn”.
“Nếu quý vị để ý, họ vừa phóng hỏa tiễn siêu thanh của mình [ở Ukraine], bởi vì đó là thứ duy nhất mà họ có thể hoàn thành một cách tuyệt đối chắc chắn. Đó là — như tất cả quý vị đều biết, đó là một vũ khí gây hậu quả lớn,” ông Biden nhận xét trong tuần này, đồng thời nói thêm rằng “hầu như không thể ngăn chặn vũ khí này. Họ sử dụng loại vũ khí này là có lý do.”
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội của họ đã sử dụng hỏa tiễn siêu thanh nhằm vào một kho đạn và kho nhiên liệu ở Ukraine, đây có thể là lần đầu tiên vũ khí loại này được sử dụng trong chiến đấu cho đến nay.
Tuy nhiên, các quan chức Tòa Bạch Ốc khác đã hạ thấp hành động này như một chiến thuật nghi binh.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một quan chức đại sứ quán đã đến thăm ngôi sao WNBA Brittney Griner
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đến thăm ngôi sao WNBA Brittney Griner, người vẫn bị giam giữ gần Moscow, để kiểm tra tình trạng của cô.
Hôm thứ Tư (23/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với CNN rằng viên chức sứ quán nhận thấy cô Griner “đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt.” Ông Price không nêu tên vị quan chức đã được cấp quyền tiếp cận lãnh sự với cô Griner. Tiếp cận lãnh sự là điều mà Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga.
Cô Griner đã bị bắt giữ sau khi đến phi trường ở Moscow. Vụ việc được cho là xảy ra hồi giữa tháng Hai, sau khi các nhà chức trách Nga cho biết họ đã khám xét hành lý của cô và tìm thấy các hộp vape được cho là có chứa tinh dầu chiết xuất từ cần sa, vốn có thể bị phạt tối đa 10 năm tù.
Hồi tuần trước (14-20/03), hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin rằng một tòa án đã gia hạn thời gian tạm giam trước khi xét xử đối với cô Griner đến ngày 19/05.
Ông Price cho biết Hoa Kỳ “sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng cô được đối xử công bằng trong quãng thời gian khó khăn này.”
Một thành viên của nhóm giám sát nhà tù do nhà nước Nga hậu thuẫn đã đến thăm cô Griner vào tuần trước tại cơ sở giam giữ tiền xét xử bên ngoài Moscow nơi cô đang bị giam giữ, và cho biết ngôi sao của đội Phoenix Mercury vẫn đang khỏe mạnh sau song sắt.
Tổng thống Zelensky sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp Pháp
Trong bài diễn văn mới nhất của mình trước một nghị viện ngoại quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp Pháp vào thứ Tư (23/03).
Bài diễn văn qua liên kết video từ văn phòng của Tổng thống Zelensky ở thủ đô Kyiv của Ukraine được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm với ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin về các điều khoản cho một lệnh ngừng bắn tiềm năng.
Mặc dù họ không đạt được thỏa thuận nào, nhưng theo văn phòng tổng thống Pháp, ông Macron “vẫn tin tưởng vào sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực của mình” và ông “sát cánh cùng Ukraine.”
Ông Zelensky gần đây đã diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ cũng như Nghị viện Đức và Nghị viện Nhật Bản, cùng những quốc hội của các nước khác, để thu hút sự trợ giúp của quốc tế.
Tổng thống Serbia cáo buộc phương Tây có tiêu chuẩn kép
Tổng thống Serbia đang cáo buộc phương Tây có tiêu chuẩn kép khi so sánh các cuộc tấn công của Moscow chống lại Ukraine với cuộc ném bom của NATO vào Serbia năm 1999.
Liên minh quân sự phương Tây này đã tiến hành một cuộc không chiến kéo dài 78 ngày chống lại Serbia hồi tháng 03/1999 để ngăn chặn một cuộc đàn áp của các lực lượng vũ trang Serbia nhằm vào người Albania chiếm đa số ở tỉnh Kosovo đang đòi độc lập.
Quân đội Serbia buộc phải rời khỏi tỉnh cũ đã tuyên bố độc lập này vào năm 2008, điều mà cả Belgrade và Moscow đều không công nhận.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng nếu phương Tây quả cảm và có đạo đức như vậy, thì “tại sao các vị không phản công Nga … tại sao các vị không bảo vệ Ukraine (về mặt quân sự)?” ông nói trên đài truyền hình Pink TV do nhà nước kiểm soát.
“Đạo đức là một phạm trù quan trọng trong chính trị, nhưng các vị không thể gắn bó với nó trong một ngày rồi đến ngày hôm sau lại lãng quên.”
Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine nhưng là quốc gia Âu Châu duy nhất từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Điện Kremlin.
Tổng thống Biden: Khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học là ‘mối đe dọa thực sự’
Tổng thống Joe Biden đã rời Tòa Bạch Ốc để thực hiện chuyến công du bốn ngày tới Âu Châu, nơi ông sẽ gặp gỡ các đồng minh chủ chốt để thảo luận về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Trước khi khởi hành hôm thứ Tư (23/03), ông Biden nói với các phóng viên rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Ukraine là một “mối đe dọa thực sự.”
Ông cho hay ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo vào thứ Năm (24/03) và sẽ thảo luận nhiều hơn về vấn đề này.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ các cáo buộc về việc sử dụng các cuộc tấn công hóa học.
Belarus trục xuất các nhà ngoại giao Ukraine
Belarus — đồng minh của Nga cho biết họ đang trục xuất các nhà ngoại giao Ukraine và đóng cửa một lãnh sự quán.
Hôm thứ Tư (23/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz không nói rõ có bao nhiêu nhà ngoại giao sẽ phải rời đi mà chỉ cho biết tối đa năm nhà ngoại giao có thể ở lại nước này.
Ông Glaz nói, “Hành động này nhằm mục đích chấm dứt các hoạt động phi ngoại giao của một số nhân viên trong phái bộ ngoại giao của Ukraine.”
Belarus đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình như một khu vực tạo điều kiện cho các lực lượng của họ xâm lược Ukraine.
Thông báo này được đưa ra cùng ngày khi Ba Lan trục xuất các nhà ngoại giao Nga.