Một số quan chức Hoa Kỳ vô cùng “lo ngại về mức độ mà Trung Quốc dường như đang tiến vào”. Họ nên lo ngại. Chậm mà chắc, Trung Quốc đang nhận chìm vùng Vịnh.
Tháng Một năm nay, ngoại trưởng của Bahrain, Kuwait, Oman, và Ả Rập Xê Út, cùng với ông Nayef Falah M. Al-Hajraf, Tổng thư ký của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, đã có chuyến thăm Trung Quốc.
Họ thực hiện chuyến đi vì một lý do và chỉ một lý do duy nhất: thảo luận về việc thúc đẩy hơn nữa các thỏa thuận thương mại và an ninh với Bắc Kinh. Như tờ Axios đã đưa tin vào thời điểm đó, “những chuyến thăm dồn dập của các quan chức vùng Vịnh là một phần trong việc Trung Quốc thúc đẩy can dự sâu hơn vào Trung Đông. Đối với Bắc Kinh, vùng Vịnh nói riêng là chìa khóa cho nguồn cung cấp năng lượng và ngày càng là chìa khóa cho việc gây ảnh hưởng về mặt địa chính trị của quốc gia này.”
Bài báo cho biết Trung Quốc đã phát hiện ra một cơ hội, qua việc “Hoa Thịnh Đốn tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và quan hệ Hoa Kỳ – Ả Rập Xê Út đang căng thẳng”. Hơn nữa, “các nhà lãnh đạo vùng Vịnh nhận định rằng Hoa Kỳ đang từ từ nhưng chắc chắn sẽ rút khỏi khu vực này.”
Theo Axios, một số quan chức Hoa Kỳ vô cùng “lo ngại về mức độ mà Trung Quốc dường như đang tiến vào”. Họ nên lo ngại. Chậm mà chắc, Trung Quốc đang nhận chìm vùng Vịnh. Khi Trung Quốc tiến vào, họ mong muốn sẽ đẩy Hoa Kỳ ra ngoài và củng cố thêm dấu ấn địa chính trị của mình.
Trước khi đi sâu hơn, điều quan trọng là chúng ta phải có các diễn giải theo trình tự. Về vùng Vịnh, tôi đang đề cập đến khu vực Vịnh Ba Tư, bao gồm Iran, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út, Qatar, Bahrain, Kuwait, và Iraq. Vì khu vực Vịnh Ba Tư chứa một nửa trữ lượng dầu của thế giới, nên tầm quan trọng của khu vực này có thể không được nhấn mạnh đầy đủ.
Để thực sự hiểu tầm quan trọng của ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực này, tốt nhất nên xem xét từng quốc gia trên cơ sở riêng biệt.
Như CNN đã đưa tin hồi tháng 12, Ả Rập Xê Út hiện đang tích cực sản xuất hỏa tiễn đạn đạo với sự giúp đỡ của ĐCSTQ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tại cuộc họp gần đây ở Bắc Kinh, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út đã thảo luận về việc tăng cường “hợp tác chiến lược” ở khu vực vùng Vịnh, “nơi mà sự thống trị của Hoa Kỳ đang có dấu hiệu thoái lui”.
Trong khi đó, sự quan tâm của Trung Quốc đối với UAE được nhiều người biết đến rồi. Như tạp chí Wall Street Journal đã đưa tin hồi tháng 11 năm ngoái, thì có thể hiểu được việc chính phủ TT Biden đã bị làm cho lo lắng trước các báo cáo nói rằng ĐCSTQ đang bí mật xây dựng một cơ sở quân sự tại một cảng ở các tiểu vương quốc Ả rập này.
Chúng tôi được biết Bắc Kinh “sẵn sàng hợp tác với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và tăng cường hợp tác thực tiễn trong các lĩnh vực khác nhau trong khuôn khổ chung tay xây dựng Vành đai và Con đường”. “Hợp tác thực tiễn” như vậy liên quan đến sự phát triển của “định vị vệ tinh, đường sắt cao tốc, tự động hóa, lúa biển [trồng lúa trên đất mặn], và robot thông minh.”
Với Bahrain, theo Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, “Bắc Kinh sẵn sàng trở thành một đối tác chiến lược lâu dài và đáng tin cậy” và “làm sâu sắc thêm lòng tin và tình hữu nghị lẫn nhau”. ĐCSTQ hứa “cung cấp vaccine cho Bahrain, hợp tác với quốc gia Ả Rập vùng Vịnh này để giữ cho hợp tác quốc tế chống đại dịch đi đúng hướng, và bảo đảm việc nghiên cứu về mặt khoa học và công bằng (fair) trong việc truy tìm nguồn gốc virus trên toàn cầu”.
Nếu ông Vương quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc của loại virus mới nhất đã khiến cả thế giới điêu đứng, thì tôi có một câu hỏi dành cho ông ấy: Thế còn việc thực hiện một chuyến đi đến Vũ Hán thì sao? Dường như có một phòng thí nghiệm phải chịu trách nhiệm về nghiên cứu khá thú vị nào đó nằm trong thành phố này.
ĐCSTQ đã đưa ra những lời hứa tương tự với Oman và Kuwait, ký một kế hoạch hợp tác 5 năm với Kuwait.
Tại Iraq, các công ty Trung Quốc đã đồng ý xây dựng ít nhất 1,000 trường học ở đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này. Giống như 70% các quốc gia khác trên thế giới, Irag là một thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”).
Sau đó là Iran, một quốc gia ngỗ nghịch của khu vực. Tất nhiên, người ta không thể thảo luận về Iran mà không thảo luận về vũ khí hạt nhân. Với việc chính sách Iran của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thất bại, và việc Trung Quốc tái khẳng định sự phản đối của mình đối với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, có dư lý do để lo ngại. Xét cho cùng, Iran là một quốc gia được cai trị bởi một chế độ tàn bạo, có phần điên loạn. Có lẽ điều này giải thích cho mối tình duyên của họ với Trung Quốc, một quốc gia khác được cai trị bởi một chế độ tàn bạo, có phần điên loạn. Gần đây, Trung Quốc và Iran đã hợp tác với Nga, một quốc gia khác có một nhà lãnh đạo được cho là điên rồ, để tham gia vào các trò chơi chiến tranh. Bộ ba xấu xa này có vẻ đưa Hoa Kỳ vào trong tầm ngắm của họ.
Như chúng ta có thể thấy, trên toàn bộ vùng Vịnh, người ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Bắc Kinh. Đáng lo ngại hơn, sự hiện diện của ĐCSTQ ngày càng gia tăng. Như tôi đã thảo luận trước đây, Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn lục địa Phi Châu rồi. Quốc gia này cũng kiểm soát phần lớn châu Mỹ Latinh. Giờ đây, họ đang nhận chìm khu vực Vùng Vịnh, khiến các quốc gia hùng mạnh chống lại Hoa Kỳ.
Trước khi chúng ta biết điều đó, Trung Quốc cộng sản rất có thể đã kiểm soát thế giới. Đó là kế hoạch mà người ta có thể hình dung ra được.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Yến Nhi biên dịch