26-3-2022
Chính sách “bốn không” của quốc phòng VN không phải tự nhiên mà có. Đây không hề là kết quả của sáng kiến “ngọai giao cây tre” mà các lãnh đạo CSVN thường hay “nổ”.
Theo tôi, đây là sự áp đặt của TQ đối với VN như là một điều kiện để được “tái lập bang giao”, sau khi quan hệ hai bên “đóng băng” từ “cuộc chiến biên giới 1979”. Theo tôi, đây cũng là điều ước “cốt lõi” của cái gọi là “hiệp ước Thành đô 1990” (nếu có).
Nội dung chính sách quốc phòng bốn không của VN: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Nếu ta xét lại các yêu sách của Putin đối với Zelensky (để chấm dứt cuộc xâm lược), điều quan trọng cốt lõi là Ukraine phải tuyên bố “trung lập” và không được gia nhập NATO.
Tức là Putin muốn Ukraine trở thành một thứ Việt Nam ở cạnh bên TQ.
Thời tổng thống tiền nhiệm Petro Poroshenko, năm 2019 Ukraine thông qua bản sửa đổi hiến pháp, coi việc Ukraine trở thành thành viên NATO là mục tiêu chiến lược của đất nước. Cả quốc hội Ukraine và Poroshenko đều ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.
Mục tiêu gia nhập NATO của Ukraine, dưới mắt Putin, trở thành một “đe dọa chiến lược” cho Nga.
Có nhiều lý do Putin mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”, cách nói khác của cuộc xâm lược Ukraine. (Kiểu jus ad bellum trong chiến tranh).
Putin vịn vào các quyền:
1/ Quyền “tự vệ chính đáng”;
2/ Quyền “tự vệ tập thể chính đáng” (điều 51 Hiến chương LHQ) – (vì Ukraine có xung đột với hai cộng hòa “tự phong” Donetsk và Luhansk);
3/ Quyền “can thiệp vì lý do nhân đạo” để bảo vệ kiều dân Nga bị thảm sát ở vùng Donbass.
Các “quyền” mà Putin nại ra không có “quyền” nào hợp lý và hợp pháp. Đại đa số các quốc gia thành viên LHQ hôm 2 tháng 3 biểu quyết “lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự”.
Tức là nguyên nhân Putin đưa đến quyết định xâm lược Ukraine là vì Ukraine muốn gia nhập NATO.
Nói thêm một chút khái niệm về “chủ quyền” của quốc gia trong vấn đề an ninh quốc gia.
Chủ quyền quốc gia về quốc phòng có ý nghĩa như là quốc gia hoàn toàn độc lập trong những quyết định liên quan đến an ninh quốc gia, như gia nhập một liên minh phòng thủ (kiểu NATO), quyền được mua các loại vũ khí tự vệ v.v… Quốc gia có “quyền” làm mọi thứ để bảo vệ an ninh quốc gia, miễn là các việc này không vi phạm luật lệ hay tập quán quốc tế.
Chủ trương “bốn không” trong quốc phòng VN là VN đã từ bỏ các quyền cơ bản của quốc gia nhằm tự vệ chính đáng.
VN đã lệ thuộc và TQ từ năm 1990.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga hiên nay cho ta thấy viễn ảnh một “cuộc chiến tranh lạnh” mới. Ngay cả khi Nga rút quân, không có gì cho thấy các biện pháp “trừng phạt” của Mỹ và EU lên Nga sẽ được giỡ bỏ. Cũng không có gì ngăn cản ta nghĩ đến việc Mỹ và đồng minh Tây Âu, cùng các quốc gia dân chủ tự do Đông Á… sẽ đặt “bức màn sắt” bao vây cả TQ, Nga và các xứ độc tài. Cuộc “cách mạng dân chủ” kỳ này do Mỹ cầm đầu, được các quốc gia dân chủ tự do ủng hộ. Sẽ không có trận “sống mái” nào giữa bên dân chủ với bên độc tài. Huyết mạch kinh tế bị tắc nghẽn khiến Nga sẽ kiệt quệ và “quốc gia” Nga sẽ “giải thể”. TQ cũng có thể có cùng chung tương lai với Nga, ngoại trừ khi Đài Loan dành thế thượng phong “dân chủ hóa lục địa”.
VN sẽ ra sao? Nếu đảng CSVN biết đâu là lợi ích đích thực của quốc gia họ phải sớm “dân chủ hóa chế độ”. VN sẽ đứng về “bên thắng trận”. Tương lai quốc gia VN sẽ sáng sủa. Còn nếu đảng CSVN đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích quốc gia, chắc chắn VN sẽ đứng về phía TQ và Nga. Không có con đường thứ ba. VN sẽ “tiêu tùng”, như Nga hay TQ.