Trên một con đường ướt đẫm nước mưa, trước văn phòng của một quan chức khu phố ở thủ đô Thượng Hải của Trung Quốc, một người phụ nữ quỳ gối khóc lóc cầu cứu cho người chồng đang hấp hối của mình đã xé toạc bầu không khí lạnh lẽo này.
“Tôi cầu xin các vị làm ơn hãy làm chút việc thiện nào đi,” người phụ nữ cầu xin trong nước mắt. “Tôi cầu xin các vị hãy cứu lấy chồng tôi.”
Mặc một chiếc áo khoác kaki và quần đen, cô đang quỳ trên mặt đất, không bận tâm đến trời giá lạnh hay ẩm ướt. Cô liên tục dập đầu sát đất để cầu xin.
Chồng của người phụ nữ này đang bị ung thư giai đoạn cuối. Nhưng không có xe cấp cứu nào có thể đưa anh ấy đến bệnh viện, cũng không có cơ sở y tế nào chịu nhận anh – chỉ vì một lý do duy nhất là cặp vợ chồng này sống trong một khu dân cư đang bị phong tỏa theo chính sách phòng ngừa virus “không khoan nhượng” của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ba tháng sau khi một thành phố ở Trung Quốc trở thành tâm điểm của một cơn bão trên mạng vì những cuộc phong tỏa hà khắc khiến nhiều người bệnh cần chăm sóc y tế bị trì hoãn và khiến một số thai phụ bị sảy thai, những tình cảnh éo le không được giúp đỡ giống như vậy đang xuất hiện trên mạng internet của Trung Quốc, khi mà đất nước này đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID tồi tệ nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên cách đây hai năm.
Trung Quốc hiện đang báo cáo hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, một sự gia tăng bùng nổ so với các cụm lây nhiễm ở mức hai con số mà họ đã từng ghi nhận trong suốt năm 2021. Theo một số chuyên gia và người dân địa phương, con số này thậm chí rất có khả năng không được báo cáo đầy đủ, dẫn đến việc chế độ cộng sản này tiến hành thông lệ trấn áp những thông tin vốn làm suy yếu hình ảnh của họ. Hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều ghi nhận có ca nhiễm, kích khởi một chuỗi ứng phó từ bộ máy hành chính quan liêu của Đảng như là một phần của chính sách “Zero Covid-19 năng động”: sa thải các quan chức địa phương, xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa các thành phố, và cách ly bất kỳ ai được cho là có tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID.
Một yếu tố luôn bị bỏ qua trong chính sách này là số người tử vong.
Cũng vào ngày 11/03, Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, đã bị phong tỏa, một bé gái bốn tuổi tử vong vì viêm thanh quản cấp tính trong khi chờ được điều trị, vốn đã bị trì hoãn do gia đình bốn người này không thể đưa ra phiếu xét nghiệm với kết quả âm tính để chứng minh rằng không ai trong số họ bị nhiễm virus.
Hôm 19/03, thành phố này đã bắt đầu đợt xét nghiệm kéo dài ba ngày cho tổng 4.5 triệu cư dân của mình, điều này cũng sẽ cấm bất kỳ ai, ngoại trừ các nhân viên y tế, được rời khỏi các khu nhà mà họ đang sống.
“Chính phủ dường như đang coi đây là một trò đùa. Họ đưa ra các thông báo không rõ ràng mà không biết bước tiếp theo sẽ là gì,” anh Tần Tuấn (Qin Jun), một cư dân địa phương ở Trường Xuân, nói với The Epoch Times.
Nỗi phẫn uất
Ở quận Nam Sơn của Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của miền nam Trung Quốc, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đã tử vong sau nhiều tuần bị phong tỏa, theo lời người hàng xóm của anh. Hiện chưa xác minh được thời gian và nguyên nhân dẫn đến sự tử vong của anh này. Các cư dân chỉ nhận ra có điều gì đó không ổn sau khi phát hiện mùi hôi bốc ra từ căn hộ của anh.
“Không ai biết anh ấy đã qua đời như thế nào. Một số người nói rằng anh ấy chết đói. Những người khác nói rằng anh ấy đã tự kết liễu mạng sống của mình,” cô Lâm Nam (Lin Nan, hóa danh) nói với The Epoch Times.
Cô nói rằng một người đàn ông sống cùng tòa nhà này đã định tự tử nhưng được những người gần đó can ngăn.
Cô Lâm cho biết, sự thất vọng của cư dân đối với các quan chức địa phương cuối cùng đã gây ra một cuộc tranh cãi vào đầu tuần này.
Một nhân viên y tế đã nói với các cư dân này trong khi đang làm xét nghiệm virus vào một buổi sáng, rằng họ đáng bị nhốt trong nhà và “tốt hơn là không nên ra ngoài trong vài tháng hoặc thậm chí một năm,” cô nói. Đáp lại, những người dân giận dữ đã xô đổ một chốt kiểm soát và hàng rào kim loại ngăn cách khu nhà này với thế giới bên ngoài, đồng thời yêu cầu các quan chức quận dỡ bỏ lệnh phong tỏa này.
Những người dân biểu tình đã giải tán vào buổi tối sau khi có ba xe cảnh sát đến để giải tán đám đông này. Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại địa phương, người đã tránh gặp mặt họ hồi đầu ngày, cũng xuất hiện sau đó, đồng thời đe dọa sẽ bắt tất cả họ nếu họ tiếp tục “làm ầm ĩ,” cô Lâm cho biết.
Hôm 24/03, The Epoch Times không thể liên lạc với văn phòng khu phố của quận này này qua điện thoại.
“Tôi chỉ muốn hỏi rằng, ‘Khi nào mới thôi phong tỏa?’” cô Lâm nói.
Thi hành cứng rắn
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến phàn nàn, nhà cầm quyền đã phản ứng dứt khoát trong việc trừng phạt bất kỳ ai không tuân theo các quy tắc của họ.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã truy tố gần 150 người kể từ hôm 07/03 vì các vi phạm liên quan đến dịch COVID như không thể quét mã sức khỏe của họ trên ứng dụng di động, vào thành phố bằng cách leo hàng rào hoặc sử dụng kết quả xét nghiệm virus giả.
Thành phố Nam Thông ở phía đông nam tỉnh Giang Tô đang khai triển 90,000 nhân viên đi từng nhà để thu thập thông tin sức khỏe của người dân địa phương.
Trong khi đó, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc không ngừng theo dõi không gian mạng internet trong thời gian thực để ngăn chặn bất kỳ thông tin nào mà họ cho là có hại cho các nỗ lực kiểm soát bùng phát dịch, trong đó cứ thỉnh thoảng lại có những lời cầu cứu từ các công dân trong khu phong tỏa.
Lo lắng về thực phẩm
Cô Lâm, ở Thâm Quyến, lo lắng cho hai đứa con nhỏ của mình, một bé mới ba tháng tuổi và bé còn lại mới hơn một tuổi. Chính quyền địa phương chỉ tiếp tế lương thực năm lần kể từ hôm 23/02, khi quận này thực hiện việc phong tỏa, cô cho biết. Trong một đợt nhận hàng, họ nhận được một hộp có sáu gói mì ăn liền, chỉ vừa đủ cho gia đình bảy người của cô.
Các viên chức địa phương đã từ chối yêu cầu của cô về một thứ gì đó bổ dưỡng hơn, chẳng hạn như thịt, nói rằng họ “không có thời gian”.
Trước khi phong tỏa, đứa con một tuổi của cô Lâm nặng chừng 22 pound (gần 10kg). Còn bây giờ cháu bé chỉ được 18 pound (8kg).
Đứa bé mới chập chững biết đi này nhìn “sút hẳn đi,” cô Lâm nói.
Xa hơn về phía bắc, lo ngại về việc phong tỏa ở Thượng Hải đã thúc đẩy một làn sóng mua hàng hoảng loạn mới cả trên mạng lẫn tại các cửa hàng. Một video lan truyền có chủ đích trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một đám đông người dân địa phương đang vét sạch những giỏ nông sản tươi mới của các siêu thị tạp hóa địa phương vào lúc gần nửa đêm. Trong khi đó, một số người trẻ hiểu biết về công nghệ thường đợi quá nửa đêm để có được đơn đặt hàng trên các ứng dụng trực tuyến của các cửa hàng, vốn chỉ trong vòng vài giây là hết hàng.
Phản ứng của chính quyền
Thượng Hải đã phủ nhận vụ phong tỏa đang diễn ra mặc dù gần đây họ đã yêu cầu những người thuê nhà phải dọn đi qua một thông báo ngắn gọn để chuyển căn hộ của họ thành khách sạn cách ly.
Tính đến hôm thứ Năm (24/03), có đến 39 bệnh viện đã cho ngừng một số hoạt động để “hợp tác với việc điều tra bùng phát dịch,” theo các quan chức y tế của thành phố này.
Một đoạn video gần đây đang được lan truyền trên mạng internet Trung Quốc cho thấy những người mặc bộ đồ khử nhiễm màu trắng đang bắt ổ khóa ở cửa một căn hộ trước khi dùng dây thép bịt lại, lúc đó hai người đàn ông trong căn hộ này cũng đứng quan sát sự việc.
Hiện vẫn còn một câu hỏi, nhà cầm quyền này sẽ tiếp tục chính sách Zero COVID trong bao lâu khi chiến đấu với biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao này, khi mà hầu hết các quốc gia đều đã lựa chọn sống chung với loại virus này và đang dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Mặc dù, hồi tuần trước, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi kiểm soát các đợt bùng phát với “tổn thất nhỏ nhất có thể,” nhưng các quan chức hàng đầu vẫn chưa chỉ ra một sự thay đổi rõ rệt nào từ các phương pháp ngăn chặn toàn diện của họ.
Nhưng ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), một bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm có trụ sở tại Thượng Hải, đã bày tỏ một cảm xúc khác vào hôm thứ Tư (23/03).
“Cuộc chiến này rất cam go,” ông viết trên trang Weibo cá nhân của mình, một trang tiểu blog nổi tiếng của Trung Quốc. Mặc dù phần lớn là tuân thủ đường lối của đảng, nhưng ông thừa nhận việc kiểm soát sự bùng phát này là “một quá trình lâu dài.”
“Chúng ta không thể nào ôm khư khư suy nghĩ tiêu diệt virus mà không cần biết liệu chúng ta có thể sống hay không,” ông nói. “Cần phải tiếp tục sống.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa
Thanh Tâm biên dịch