Giáo dục con cái bắt nguồn từ giáo dục gia đình và sự tu dưỡng của cha mẹ, sự tu dưỡng của cha mẹ lại bắt nguồn từ tín ngưỡng. Nhưng ở Đại lục làm gì có tín ngưỡng, cho nên ĐCSTQ giao giáo dục con em cho phụ huynh là điều bất khả thi…
Đầu năm 2022, ĐCSTQ thực thi Luật xúc tiến giáo dục gia đình, nguyên nhân là do thiếu niên Trung Quốc thường xuyên chơi game, sống không mục đích, hay ‘nằm thẳng’ v.v. nên chính quyền cho rằng điều này là do khuyết thiếu giáo dục gia đình.
Cách giải thích này không nhắm vào đúng trọng điểm. Con cái ‘không ngoan’ vì cha mẹ giáo dục không tốt, vậy thì tại sao cha mẹ giáo dục không tốt, nguyên nhân đến từ đâu?
Là một người am hiểu về văn hoá và có kinh nghiệm trong giáo dục – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Thiên Lượng luận chính đăng ngày 14/1 đã có một số phân tích và nhận định rất thấu đáo như sau.
Đầu tiên Giáo sư Chương nói một chút về một số hiểu lầm trong giáo dục, đó là: người Trung Quốc và người dân trên thế giới có khả năng hiểu sai về 2 khái niệm: một là Giáo dục – Education, hai là Đào tạo – Training. Đây là 2 khái niệm khác nhau.
Ở nước Mỹ, nếu đi phỏng vấn xin việc, công ty cần Educational background (nền tảng giáo dục, bằng cấp) của ứng viên. Nhưng ở một số công ty như SpaceX của Musk lại không cần thứ ấy, bởi vì họ cho rằng bằng cấp không chứng minh được năng lực của bạn.
Hiện tại có những ‘bằng cấp’ về: vật lý, hoá học, xây dựng công trình v.v. Nhiều người gọi đó là Giáo dục, nhưng Giáo sư Chương cho rằng nó giống với Đào tạo hơn, bởi vì nó dạy kỹ năng cho con người.
Là người có nghiên cứu rất sâu về lịch sử văn minh đông – tây, Giáo sư Chương nhìn nhận, giáo dục chính là bồi dưỡng con người, chứ không phải đào tạo kỹ năng. Socrates từng nói câu như thế này: “Mục đích của giáo dục là bồi dưỡng phẩm chất chí thiện (hoàn thiện) cho con người”. Do đó giáo dục là bồi dưỡng con người, bồi dưỡng nhân tài.
Giáo dục ‘nhân tài’ (tài năng con người) không chỉ là bồi dưỡng mặt nổi trội nào đó, mà là bồi dưỡng một con người ‘toàn tài’, ‘thông tài’ (đa tài), tiếng Anh gọi là well rounded. Ví như thông tỏ, uyên bác về các nền văn minh khác nhau; có năng lực biện luận, viết lách; có thế giới quan đúng đắn và giá trị quan nhân văn… Đây mới là giáo dục truyền thống chân chính.
Là người làm trong ngành giáo dục, đã từng sống cả ở Đại lục và Mỹ quốc, Giáo sư Chương đánh giá: điều mà giáo dục ở Trung Quốc khuyết thiếu lớn nhất chính là giáo dục đạo đức con người.
Có người nói ĐCSTQ cũng làm giáo dục đạo đức, nhưng Giáo sư Chương lại đánh giá chính quyền này thi hành giáo dục phản đạo đức. Bởi vì giáo dục đạo đức chân chính cần một tiêu chuẩn bất biến để làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Có một câu nói trong tiếng Anh là: “I am a man of principle” (Tôi là người có nguyên tắc). Nguyên tắc này đến từ đâu? Chính là đến từ tín ngưỡng.
Tín ngưỡng là một điều khá phức tạp và trừu tượng, ví như những kinh điển Nho gia hay Đạo gia, nếu bạn đọc không hiểu thì làm thế nào? Lúc này chính là dựa vào văn hoá để liễu giải. Những phương tiện văn hoá gồm: tiểu thuyết, hý kịch, câu chuyện, kể cả những câu chuyện cha mẹ kể khi đi ngủ – bedtime story v.v.
Lúc này chúng ta sẽ phát hiện một vấn đề đó là, rất nhiều người chưa từng đi học, bao gồm người Trung Quốc thời xưa, rất nhiều người không biết chữ, nhưng họ lại phân biệt thị – phi, thiện – ác rất tốt. Tại sao? Chính là nhờ giáo dục gia đình và sức mạnh của văn hoá, nói cách khác họ có tín ngưỡng.
Còn hiện nay người Trung Quốc không phân biệt rõ tốt – xấu, thiện ác, bao gồm cả những đứa trẻ ước thúc bản thân rất kém… chính là do khuyết thiếu về mặt văn hoá và tín ngưỡng.
ĐCSTQ giáo dục đạo đức chính là dạy ‘yêu đảng’, nhưng đảng lại là một tổ chức tham ô hủ bại cực độ. Bạn nói mình ‘yêu đảng tha thiết’, nên sau này sẽ học theo nó, nhưng tổ chức này quá bại hoại, cho nên bạn sẽ là một phần trong tổ chức đó.
ĐCSTQ tham ô hủ bại, đạo đức sa đoạ cực độ… điều này là nguyên nhân quan trọng tạo thành những hiện tượng ‘loạn tính’ (loạn tình dục) trong xã hội Trung Quốc.
Cha mẹ muốn giáo dục tốt con cái, thì đầu tiên cha mẹ phải là một người tốt. Khi mỗi người đều có ước thúc bản thân, thì bầu không khí của xã hội mới tốt lên được.
Loại tự ước thúc này đến từ tín ngưỡng, trong tâm mỗi người đều có một điều gọi là ‘kính uý’ (kính sợ). Không phải là kính sợ uy quyền của ĐCSTQ mà là kính sợ Trời và Thần.
Giáo sư Chương kể về điển cố ‘Tứ tri đường’ (nhà có 4 ‘người’ biết). Trong cuốn ‘Hậu Hán thư’ có kể một câu chuyện về Dương Chấn. Ông là người có đạo đức cao thượng. Một hôm có người đem lễ vật đến tặng cho Dương Chấn nói rằng ‘ông cứ nhận đi, không ai biết đâu’. Dương Chấn đã nói một câu rất nổi tiếng như thế này: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết”.
“Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết” là 4 lực lượng biết, nên từ đó có mới có điển cố về ‘Tứ tri đường’ (四知堂).
Khi mỗi người có ước thúc trong tâm, tức là có tín ngưỡng với Thần, như vậy mới có thể làm theo tiêu chuẩn bất biến. Người xưa có câu: “Nhân gian thì thầm, trời nghe như sấm; phòng tối tâm đen, Thần nhãn như điện”. Nếu mọi người tin “mắt Thần như điện” thì họ sẽ không dám làm việc xấu.
Còn ĐCSTQ thông qua cưỡng chế bên ngoài để thay đổi giáo dục là điều không thể. Chỉ khi con người cải biến từ trong tâm, như thế có thể ước thúc bản thân, làm một người tốt, sau đó mới đem những nguyên tắc này truyền dạy cho con cái.
Nếu không khôi phục tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc, thì đạo đức vĩnh viễn không thể đề cao, cũng không thể thăng hoa thông qua pháp luật.
Giáo sư Chương còn chia sẻ một điều rất đáng lưu tâm về pháp luật, đó là phần lớn pháp luật chỉ cấm người ta làm gì, ví như không thể sát nhân, không gian dâm, không tham luyến tài vật v.v. Nhưng rất ít pháp luật cưỡng chế mọi người ‘phải làm’ việc gì đó.
Điều này nghĩa là, pháp luật quy định giới hạn đạo đức, không định ra phải làm gì để đề cao đạo đức, chính là có mối quan hệ như vậy. Còn muốn đề cao cảnh giới đạo đức thì phải có tín ngưỡng, hoặc phải tuân theo tiêu chuẩn cao hơn như là tiêu chuẩn người tu luyện thì mới có thể làm được.