Trong khi quân đội Ukraina đang chiến đấu trên tiền tuyến để ngăn chặn quân đội Nga tấn công, thì một trận chiến khác đang diễn ra trên không gian mạng của Trung Quốc.
Người Ukraina nói tiếng Quan Thoại đăng thông tin nhằm bác bỏ những tuyên truyền sai lệch của Trung Quốc về cuộc xâm lược của Nga trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, để phơi bày tình hình thực tế cho người dân Trung Quốc.
Người Ukraina đang dịch những diễn biến mới nhất của cuộc chiến sang tiếng Trung Quốc, bao gồm thông tin về thương vong và phân tích, đồng thời đăng chúng lên các tài khoản trên các mạng xã hội phổ biến như WeChat và Weibo.
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn trường hợp của cô Masha, người nổi tiếng trên mạng Ukraina, đã tham gia cuộc chiến thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc. Cô Masha đã đăng video về tình hình ở quê hương Kostiantynivka, miền đông Donetsk của cô. Sau khi rời Kiev, cô đã được đoàn tụ với cha mẹ mình ở đó.
“Ở quê tôi, khi tiếng còi báo động của cuộc không kích vang lên, mọi người cần phải ẩn náu trong những hầm trú ẩn dưới lòng đất”, cô Masha nói bằng tiếng Trung thành thạo trong một video đăng trên Weibo, TikTok và Xigua Video.
“Không có đủ bánh mì, tất cả các ngân hàng đều hết tiền mặt… Mọi người không thể mua thực phẩm nếu không có tiền mặt. Có vẻ như nơi này đang chết dần”, cô nói.
Cô Masha học tiếng Trung và văn học tại Đại học Quốc gia Taras Shevchenko ở Kiev và cũng đã dành 9 tháng ở Trung Quốc. Video “Sống trong chiến tranh” của cô đã thu hút được hơn 1 triệu lượt xem và hiện cô có hơn 600.000 người theo dõi.
Ông Ivan Semasiuk, một nhà văn, nhạc sĩ và nghệ sĩ 42 tuổi, đang viết các bài báo và phim tài liệu bằng tiếng Trung và các ngôn ngữ khác trên các nền tảng truyền thông xã hội khắp thế giới để giải thích lịch sử của Ukraina và Nga.
Phá bỏ bức tường tuyên truyền, hy vọng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga
Tờ South China Morning Post dẫn lời anh Roman Khivrenko người Ukraine (32 tuổi) cho biết, thông tin về cuộc chiến Nga-Ukraina được cung cấp bởi các nền tảng mạng xã hội và truyền thông nhà nước Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Nga.
“Chúng tôi muốn phá bỏ bức tường tuyên truyền và cho người Trung Quốc thấy điều gì đang thực sự diễn ra”, anh Khivrenko, người nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết.
Đối với những người Ukraina như anh Khivrenko, một phần của cuộc kháng chiến là chống lại tuyên truyền, anh nói rằng anh không mong đợi bất cứ điều gì từ người dân Trung Quốc, nhưng hy vọng Bắc Kinh sẽ “không ủng hộ cuộc chiến toàn lực của Nga xâm lược Ukraina”.
Trung Quốc đã từ chối lên án các hành động của Nga ở Ukraina hoặc xác định cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là xâm lược. Phương Tây ngày càng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể giúp Matxcơva vượt qua các lệnh trừng phạt và cung cấp thiết bị quân sự cho Nga. Các phương tiện truyền thông Mỹ như Washington Post, New York Times, CNN, và hãng truyền thông Anh như Financial Times… đều dẫn lời các quan chức Mỹ ngày 13/3 cho biết, kể từ khi xâm lược Ukraina, Nga đã chuyển hướng sang Trung Quốc tìm kiếm hỗ trợ thiết bị quân sự bao gồm cả máy bay không người lái. Ngoài ra, Nga cũng đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thêm về kinh tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ với ông Tập trong cuộc điện đàm gần đây rằng bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào từ Bắc Kinh dành cho Nga đều sẽ phải chịu hậu quả.
Việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để tuyên truyền thân Nga và kiểm duyệt các ngôn luận chống chiến tranh và ủng hộ Ukraina cũng đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây. Tờ New York Times cho rằng những gì cư dân mạng Trung Quốc chứng kiến là một cuộc chiến rất khác so với những gì nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến, cách tiếp cận này đang đánh lạc hướng công chúng Trung Quốc khỏi sự thật đồng thời gieo mầm mống hoang mang.
Tờ báo này cho biết, màn sương mù của thông tin sai lệch trở nên dày đặc hơn khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả cuộc chiến của Nga là nỗ lực chống phát xít. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga thông báo vào đầu tháng 3 rằng nước này sẽ tổ chức hội nghị quốc tế chống phát xít đầu tiên vào tháng 8, CCTV của Trung Quốc đã công bố một tin vắn và sau đó tạo một liên kết gắn thẻ có liên quan trên Weibo. Trong 24 giờ, liên kết gắn thẻ này đã đạt 650 triệu lượt xem và được 90 phương tiện truyền thông đại chúng sử dụng. Nhiều nhà bình luận ở Trung Quốc coi Ukraina và Mỹ là những nước phát xít.
Vào tháng 2, từng xảy ra sự kiện một nhóm giáo sư đại học nổi tiếng của Trung Quốc công bố trên WeChat bức thư chung lên án việc Nga xâm lược Ukraina, nhưng bức thư nhanh chóng bị gỡ bỏ.
Lướt mạng xã hội nước ngoài có thể thấy làn sóng phản chiến tràn ngập, chiều ngược lại là dư luận trên mạng ở Trung Quốc tỏ ra ủng hộ ông Putin. Tờ New York Times cho biết, người Trung Quốc có nhiều hơn một quan điểm về vấn đề này, mạng xã hội Trung Quốc từng trong một thời gian ngắn nổi lên xu hướng phản chiến, và một số đã trở thành “hiện tượng” của WeChat với hơn 100.000 lượt xem trong một ngày. Tuy nhiên tất cả đã nhanh chóng bị kiểm duyệt và biến mất với thông báo “404”.
Hãng tin AP cho biết, những gì chính quyền Bắc Kinh đã cho phép hiển thị trực tuyến là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn công chúng nhìn nhận cuộc chiến như thế nào.
Ông Putin đánh giá thấp sự phản kháng của người Ukraina
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc tấn công của Nga đã củng cố bản sắc dân tộc của Ukraina và thúc đẩy người dân bảo vệ đất nước của họ theo những cách khác nhau.
Tờ South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu Eagle Yin tại Viện Chiến lược Quốc tế Trung Quốc (China Foundation for International and Strategic Studies) ở Bắc Kinh cho biết: “Cuộc xâm lược của Nga đã có tác động mạnh mẽ đến việc củng cố bản sắc dân tộc của người Ukraina, và truyền cảm hứng về lòng yêu nước trong thế hệ trẻ”.
Tờ South China Morning Post cũng cho biết thêm rằng, nhà phân tích quốc phòng Lương Quốc Lượng (Liang Guoliang) có trụ sở tại Hồng Kông cũng có quan điểm như vậy. Ông Lương Quốc Lượng nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh giá thấp sự phản kháng của Ukraina được thúc đẩy bởi ý thức về bản sắc dân tộc.
Theo The Epoch Times