Dương Minh
Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ giảm hoạt động quân sự quanh thủ đô của Ukraine sau khi cuộc đàm phán hòa bình kết thúc và đạt kết quả tích cực.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin ngày 29/3 thông báo quân đội sẽ giảm mạnh hoạt động quân sự quanh Kyiv và Chernihiv trong khi hai bên đàm phán về một thỏa thuận về tình trạng trung lập, phi hạt nhân của Ukraine cũng như những đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Quyết định được thực hiện nhằm tạo ra lòng tin lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho đối thoại thêm giữa hai nước và đạt mục tiêu cuối cùng là ký thỏa thuận hòa bình tại Ukraine, theo Sputnik.
“Nhằm tăng cường tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo cũng như đạt mục tiêu cuối cùng là ký kết một thỏa thuận, chúng tôi đã quyết định giảm mạnh hoạt động quân sự ở các khu vực Kiev và Chernihiv”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói sau cuộc đàm phán hôm 29/3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine trước đó cũng thông báo một số đơn vị của Nga đang rút khỏi mặt trận Kyiv và Chernihiv.
Hãng tin CNN dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết họ quan sát thấy lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi các khu vực quanh thủ đô Kyiv, gọi đây là “chuyển biến lớn về chiến lược”.
Kết quả đàm phán Nga – Ukraine
Cuộc đàm phán kéo dài 4 giờ tại Istanbul ngày 29/3 là lần gặp trực tiếp đầu tiên của hai bên sau hơn 2 tuần, theo hãng tin AFP.
Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết cuộc đối thoại với Ukraine diễn ra trên tinh thần xây dựng và Nga đang thực hiện 2 bước để xuống thang xung đột.
Các nhà đàm phán Ukraine cho hay trong cuộc thảo luận hôm nay, họ đã đề xuất Ukraine áp dụng trạng thái trung lập để đổi lấy các đảm bảo an ninh, đồng nghĩa Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ trên lãnh thổ.
Trưởng đoàn Nga Medinsky nói hai bên đã có “cuộc thảo luận ý nghĩa” và các đề xuất của Ukraine sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Sau cuộc thảo luận hôm nay, chúng tôi đã nhất trí và đề xuất một giải pháp, theo đó cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước có thể diễn ra đồng thời với cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng về thỏa thuận”, Medinsky nói. “Khi nỗ lực xây dựng thỏa thuận và tìm kiếm thỏa hiệp được thúc đẩy, khả năng đạt được hòa bình sẽ gần hơn nhiều”.
Chia sẻ với báo chí sau cuộc thảo luận với Nga, David Arakhamia, thành viên phái đoàn Ukraine, nói Kiev muốn có một “cơ chế quốc tế về các đảm bảo an ninh”, trong đó các nước đảm bảo sẽ hành động “tương tự Điều 5 của NATO và thậm chí chắc chắn hơn thế”.
Theo Arakhamia, Ukraine muốn các quốc gia đứng ra đảm bảo an ninh gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ba Lan và Israel.
Oleksandr Chaly, một thành viên khác trong đoàn đàm phán Ukraine, cho hay Kiev sẽ không gia nhập “bất cứ liên minh chính trị, quân sự nào”, cũng không cho phép quốc gia nào lập căn cứ trên lãnh thổ. Nga từng tuyên bố mối đe dọa từ việc NATO mở rộng tới Ukraine là một trong những lý do để phát động chiến dịch quân sự tại nước này.
Tổng thống Nga và Ukraine có thể sẽ gặp nhau
Trong cuộc đàm phán, phía Ukraine đề nghị “tạm thời gác lại” vấn đề Crimea và các vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass để các biện pháp đảm bảo an ninh có thể nhanh chóng có hiệu lực, theo Arakhamia. Nhà đàm phán Podolyak nói thêm rằng Kiev đề xuất trao đổi trong 15 năm để giải quyết vấn đề Crimea.
Các nhà đàm phán của Ukraine cho biết Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin có thể sẽ gặp nhau sau cuộc đàm phán ở Istanbul, nhưng không nêu thêm chi tiết.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay cuộc trao đổi lần này giữa phái đoàn Ukraine và Nga đánh dấu “bước tiến quan trọng nhất” trong các vòng đàm phán cho đến nay.