Hôm 30/03, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình thương mại của chính phủ Tổng thống Biden là thiết lập lại quan hệ thương mại Mỹ-Trung nhằm đưa nông dân và các nhà xuất cảng Mỹ vào một sân chơi bình đẳng với các đối tác Trung Quốc.
Trong một tuyên bố được chuẩn bị từ trước trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, bà Tai đã chỉ trích vai trò nổi bật của các doanh nghiệp nhà nước đối với xuất nhập cảng của Trung Quốc cũng như “việc đàn áp quyền lao động, một cơ chế môi trường yếu kém, [và] những sự bóp méo khác khiến các tác nhân tham gia theo định hướng thị trường không thể kinh doanh.”
Bà cũng lưu ý việc Bắc Kinh không đáp ứng các cam kết mua hàng theo hiệp định thương mại “giai đoạn một” được ký kết vào tháng Một năm 2020. Các hiệp định mua hàng đó quy định rằng Trung Quốc sẽ nhập cảng hàng hóa và sản phẩm của Hoa Kỳ trong năm 2020-2021 nhiều hơn ít nhất 200 triệu USD so với số lượng hàng hóa và sản phẩm mà nước này đã mua trong năm 2017.
Bà Tai nói trong phiên điều trần, “Chúng ta nhất thiết phải thực thi tất cả các thỏa thuận của mình, bao gồm cả thỏa thuận giai đoạn một, và đó là lý do tại sao chúng tôi đã dành nhiều tháng qua để đấu tranh cho những người nông dân của chúng ta, những người chịu nhiều rủi ro trong những thỏa thuận mua hàng này.”
Hồi tháng Mười năm 2021, những lo ngại của Hoa Kỳ về các hành vi lạm dụng thương mại của Bắc Kinh đã khiến bà Tai và nhóm của bà bắt đầu một vòng đối thoại với chính quyền Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp ứng các nghĩa vụ của thỏa thuận giai đoạn một, bà nói trong tuyên bố.
Nhưng với Hoa Thịnh Đốn, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng rằng Bắc Kinh không coi thỏa thuận đó là ràng buộc và chỉ đáp ứng những cam kết mà nhà cầm quyền này cảm thấy phục vụ cho lợi ích của chính mình, tuyên bố cho biết. Bà Tai gọi hành động kén cá chọn canh trong việc hoàn thành nghĩa vụ này là một “khuôn mẫu quen thuộc” mà các quan chức Hoa Kỳ gặp phải khi giao dịch với các quan chức của chính quyền Trung Quốc, cho dù trong bối cảnh của Tổ chức Thương mại Thế giới hay các cuộc đàm phán song phương.
Bà nói, mặc dù những trải nghiệm này đã không hoàn toàn khiến Hoa Thịnh Đốn không có khả năng đối thoại với Bắc Kinh, nhưng rõ ràng là bản thân cách tiếp cận cũ là không đủ.
Vì thế, bà Tai kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật CẠNH TRANH của Mỹ, một dự luật nhằm mở rộng sản xuất vi mạch bán dẫn ở Hoa Kỳ và hạn chế sự phụ thuộc vào các sản phẩm và bí quyết của Trung Quốc.
Quan chức thương mại này cũng nhấn mạnh rằng chính phủ ông Biden đã mạnh mẽ chứng minh cho chính quyền Trung Quốc quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc thực thi Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ, đạo luật cấm nhập cảng tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương của Trung Quốc vì lo ngại tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Bà Tai nói với các nhà lập pháp: “Thách thức mà chúng ta phải đối mặt từ Trung Quốc là rất lớn và tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta làm thế nào để Hoa Kỳ tiếp tục cạnh tranh và có các ngành công nghiệp phát triển mạnh.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Chánh Tín biên dịch