Nga-Ukraine: ‘Cùng chung vận mệnh’, sao lại huynh đệ tương tàn?

Cao Tùng

Ảnh: Freepik.

Trừ phi bom đạn Nga có mắt để tránh khỏi những công trình cơ sở hạ tầng được ĐCSTQ đầu tư vào, thật khó có thể giải thích việc các nhà đầu tư Trung cộng vẫn giữ thái độ thờ ơ, không có bất kì động thái gì muốn tham gia hòa giải hai bên Nga và Ukraina để tránh cho những khoản đầu tư trị giá hàng chục tỉ la mỗi năm trên mảnh đất Đông Âu này không biến thành đống tro tàn…

Nga và Ukraine có lịch sử gắn bó lâu đời với nhau, ít nhất cũng đã cả nghìn năm có lẻ. Ngày nay, cả hai dân tộc này đều đang bị cuốn vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà lý do, phải chăng là vì để đặt định ra một trật tự thế giới mới, theo đúng như lời của kí giả người Pháp, bà Christine Bierre [1], viết cho Học viện nghiên cứu địa chính trị Paris, ngay từ những ngày đầu năm 2016 khi mà cuộc chiến toàn diện hiện nay của Nga ngay trên lãnh thổ Ukraine còn chưa diễn ra?

Hòa bình ở Ukraine nhất định phải đi qua con đường tơ lụa mới. Điều này có nghĩa là không có cách nào khác để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này mà không có sự thay đổi sâu sắc trong trật tự thế giới.” Và “một trong những lối thoát khả dĩ nhất được đưa ra chính thông qua đề xuất từ phía Trung Quốc của Tập Cận Bình về việc tái tạo một phiên bản hiện đại của con đường tơ lụa cổ đại nối Trung Quốc với châu Âu, qua Nga, Trung Á, Tây Á, khôi phục các con đường lục địa, nhưng với các hành lang của cơ sở hạ tầng hiện đại về giao thông, thông tin liên lạc, đường ống, dự án nước và năng lượng”.

Như vậy đối với những trí thức như vị chủ bút của tờ Nouvelle Solidarité này, ngay từ trước khi cuộc chiến Nga-Ukraine chưa diễn ra, họ đã biết trước rằng cuộc xung đột này nằm trong việc tạo lập ra một trật tự thế giới mới. Và trật tự thế giới đó, chính là con đường tơ lụa mới mà ĐCSTQ đề xướng từ hằng bấy lâu nay, hay còn có tên là “vành đai và con đường”. Hơn thế nữa, kí giả Christine Bierre còn khẳng định chắc chắn rằng cuộc chiến này chỉ có thể chấm dứt khi mà trật tự thế giới mới này được thiết lập ra.

Theo nhiều nghiên cứu về địa chính trị, chẳng hạn như nghiên cứu xuất bản năm 2021 của Raoul Bunskoek và Chih-yu Shih [2], thì đại dự án “vành đai và con đường” không có gì khác chính là việc xây dựng cái gọi là “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mà ĐCSTQ dày công vun đắp.

Hãy cùng chúng tôi điểm lại một số sự kiện và dữ liệu, để thấy rằng trong mấy năm gần đây cả Nga lẫn Ukraine đều ngày một bước chân vững chắc hơn lên cái boong tàu kì vĩ mang tên ‘vành đai và con đường’ của ĐCSTQ. Để rồi trả lời cho câu hỏi, tại vì sao mà, mặc dù đều “cùng chung vận mệnh” như vậy, nhưng cả Nga và Ukraine đều đang phải chịu cảnh chiến tranh với những tổn hại rất lớn cả về sinh mệnh con người lần tài sản hạ tầng.

Ukraine – đối tác ngày càng quan trọng và điểm đến trọng yếu trên lộ trình “Vành đai và con đường” của ĐCSTQ

Vượt qua những nước như Ba Lan, Đức và Nga, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine bắt đầu từ năm 2019, “theo dữ liệu được thu thập bởi công ty luật Crane IP của Ukraine. Các nhà phân tích ước tính thương mại hai chiều ngày nay từ 10 tỷ đến 20 tỷ đô la hàng năm”, tờ VOA [3] cho hay.

Theo báo cáo của nhà nghiên cứu người Pháp Nicolas Tenzer [4], người có thâm niên gần 20 năm giảng dạy tại ngôi trường danh tiếng Viện nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po Paris), thì chính quyền của Tổng thống Zelensky đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc và qua đó tham gia Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’. Điều này phù hợp với nhận định mà tiến sỹ Łukasz Wojcieszak [5] nêu rõ trong nghiên cứu của mình, rằng, “ở cấp độ kinh tế, cả hai nước [Trung Quốc và Ukraine] đều chia sẻ sự phụ thuộc lẫn nhau một cách toàn diện, như trường hợp của các quốc gia khác dọc theo con đường tơ lụa mới.”

Theo Nicolas Tenzer [4], cùng với việc kí kết hiệp định hợp tác toàn diện và tham gia vào “vành đai và con đường”, chính quyền của Tổng thống Zelensky còn tham gia vào “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mà ĐCSTQ khởi xướng bằng những quyết định quyết định rút lại sự lên án của Ukraine đối với các tội ác của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như bằng việc chính phủ của ông công nhận chủ quyền của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Łukasz Wojcieszak [5], quan hệ thương mại giữa Trung cộng và Ukraine ngày càng trở nên sâu đậm hơn kể từ năm 2008, và trên rất nhiều lĩnh vực. Điều thu hút ĐCSTQ ở Ukraine là vị trí địa chính trị cực kì trọng yếu, khi nước này vừa là cửa ngõ của cả Châu Âu lẫn khu vực Trung Á rộng lớn. Trước khi sáp nhập vào Nga, thì Crimea đã trở thành một cảng biển quan trọng, “chủ yếu là nhờ vào những khoản đầu tư lên tới 13 tỉ đô la của Trung Quốc”, theo số liệu năm 2013. Thậm chí, kể cả sau khi Crimea bị sát nhập vào Nga, các khoản tiền đầu tư khổng lồ của Trung cộng vẫn tiếp tục dồn cho các cảng biển của Ukraine, là Odessa và Mykolaiv, những nơi mà Tiến sĩ Wojcieszak mô tả là “lối vào của Biển Đen và có tầm quan trọng rất lớn với những kế hoạch của Trung Quốc”.

Trong các lĩnh vực hợp tác giữa ĐCSTQ và Ukraine mà nghiên cứu của ông Wojcieszak nhắc tới, đáng chú ý nhất là các lĩnh vực công nghệ, khai khoáng, quân sự và an ninh lương thực.

Đặc biệt là về mặt quân sự, thừa hưởng ngành kĩ nghệ quân sự chất lượng cao từ Liên Xô, Ukraine đã có những đóng góp hết sức quan trọng tới sức mạnh của quân đội Trung cộng, PLA, đúng như tờ The Diplomat [6] mới đây vừa có một báo cáo tóm lược: “Trung Quốc đã dựa vào các chuyên gia Ukraine trong việc hiện đại hóa tàu sân bay Varyag, được mua bởi một doanh nhân Hồng Kông từ Ukraine. Sau đó, con tàu được đổi tên thành Liêu Ninh, trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và là niềm tự hào của đất nước này.

“Theo một báo cáo do New Europe Center công bố vào năm 2020, Ukraine là một trong những nhà cung cấp vũ khí của Trung Quốc, ngay cả trong bối cảnh mà mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ ngày càng căng thẳng. Báo cáo còn chỉ ra chi tiết rằng các nguồn cung cấp [từ Ukraine cho ĐCSTQ] bao gồm các động cơ phản lực, các động cơ diesel và tuabin khí”.

Hơn nữa, với sự giúp đỡ của các kỹ sư Ukraine, Bắc Kinh đã tiến hành kỹ thuật đảo ngược trên máy bay chiến đấu Su-27 của Nga và biến nó thành máy bay chiến đấu J-11 của riêng mình. Trên thực tế, sau “chính sách giới thiệu kép” – một nỗ lực để giới thiệu cả công nghệ và tài năng từ các nước SNG sau sự sụp đổ của Liên Xô – chỉ riêng năm 2006, Trung Quốc đã có thể mời các nhà khoa học Ukraine đến thăm Trung Quốc hơn 2.000 lần, bởi vì Ukraine là trọng tâm của dự án này. Có Ukraine như một đối tác quân sự thay thế làm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga – đối tác không phải là một đồng minh chính thức của Trung Quốc”. [Chú thích: SNG là tên viết tắt của các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ)

Trong lĩnh vực an ninh lương thực, với vai trò là một trong những vựa lúa mỳ của thế giới, Ukraine có những đóng góp về phương diện này cho ĐCSTQ một cách cũng không kém phần quan trọng, theo báo cáo của Nicolas Tenzer [4]: “Năm 2012, Ngân hàng Exim của Trung Quốc đã gia hạn khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD cho tập đoàn ngũ cốc và thực phẩm nhà nước Ukraine (GPZKU), đổi lại GPZKU đã đồng ý ký hợp đồng xuất khẩu ngũ cốc cho một công ty Trung Quốc.

“Một năm sau, Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương của Trung Quốc được cho là đã thuê “5% diện tích của toàn bộ Ukraine”, một khu vực gần bằng diện tích của cả nước Bỉ, để trồng trọt và chăn nuôi ở Dnipropetrovsk; đổi lại Ukraine nhận được thiết bị nông nghiệp, phân bón và hạt giống của Trung Quốc và [các hợp đồng xuất khẩu] sang Trung Quốc”.

Điều kì lạ, và thật là ngẫu nhiên, khu vực Dnipropetrovsk cho đến tận ngày hôm nay khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang có dấu hiệu hạ nhiệt, vẫn hoàn toàn nằm ngoài vùng chiến sự.

Một điều trùng hợp có vẻ ngẫu nhiên khác, và cũng là kì lạ không kém là đối với trường hợp của Crimea, nơi mà ĐCSTQ sau khi đã đầu tư vào hơn chục tỉ đô-la, sau khi nó bị sáp nhập vào Nga, Trung cộng không hề ca than, không hề phản đối đối với hành động cưỡng chế này của Nga. Trái lại, theo tiến sĩ  Łukasz Wojcieszak [5], cả nhà cầm quyền lẫn xã hội Trung cộng lại bảy tỏ những sự cảm thông đối với hành động của Nga tại Crimea vào năm 2014.

Nga có những lựa chọn chiến lược khiến họ ngày càng rơi vào quĩ đạo “cộng đồng cùng chung vận mệnh” của ĐCSTQ

Ngay trước thềm Thế vận hội Mùa đông 2022, và trước khi Nga đưa một lượng lớn quân đội của họ vào lãnh thổ Ukraine, Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ và kí kết những giao ước rất quan trọng, để thúc đẩy mối quan hệ giữa ĐCSTQ và chính quyền của Tổng thống Putin lên một mức “cao chưa từng có”, theo như lời của Tổng thống Nga, được thuật lại bởi BBC [7]. Còn theo như lời của ông Tập Cận Bình thì đó là một mối quan hệ “tin cậy lẫn nhau về chính trị và chiến lược ngày càng tăng. Các bên vẫn cam kết với các mục tiêu ban đầu, nỗ lực không ngừng vì sự phát triển bền vững của quan hệ song phương”.

Theo François Godement của Tổ chức ThinkTank nước Pháp, Institut Montaigne, mối quan hệ song phương Nga – Trung cộng thực sự đã có một lịch sử phát triển lâu dài, và liên tục đạt được một sự “hội tụ rất mạnh mẽ về mặt chiến lược. [Trong khi] Nga [thông qua đó mà] có được [sự đảm bảo đến từ] 640 tỷ đô la dự trữ ngoại hối dựa trên các hợp đồng cung cấp năng lượng, thì phía Trung Quốc của Tập Cận Bình [qua đó] kiểm soát được rủi ro của mình đối với nợ trong nước. [Cả hai bên, Nga và Trung cộng đều tích cực trong] việc tạo ra các hệ thống thanh toán quốc tế thay thế cho SWIFT (ngay cả khi hệ thống của Trung Quốc phụ thuộc đáng kể vào nó), trong khi Nga tăng cường kiểm soát các nhà tài phiệt Nga, thì Trung cộng cũng gia tăng chế tài lên trên các doanh nhân lớn của Trung Quốc, cả hai đều tận dụng các thiên đường thuế ngoài khơi và sự thiếu minh bạch của những nơi này, v.v. Tất cả điều này là phổ biến đối với cả hai chế độ”.

Không chỉ như vậy, Nga còn đóng vai trò rất quan trọng trong một đại dự án khác của ĐCSTQ, lại cũng là một “vành đai và con đường”, nhưng lần này là ở phía Bắc Cực. Theo nhà nghiên cứu Ali Haider Saleem [8] của Viện Nghiên cứu Chiến lược Islamabad (ISSI), “‘Vành đai và con đường’ bao gồm hai dự án lớn để phục vụ mục đích này là cảng Gwadar ở Tây Nam Pakistan và Con đường tơ lụa vùng cực qua Khu vực Bắc Cực.”

Ban đầu, Nga đã phản đối việc Trung Quốc tham gia diễn đàn [kinh tế mang tên Arctic Council] giữa các nước chia sẻ tài nguyên giàu có và ít được khai thác ở Bắc Băng Dương, [bởi vì] họ luôn tìm cách thể hiện sự thống trị của mình trong khu vực [này]. Moscow luôn miễn cưỡng đưa các quốc gia không thuộc Bắc Cực vào Arctic Council; và việc có một cường quốc lớn như Trung Quốc trên bàn cờ dường như là mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích của Nga. Tuy nhiên mối quan hệ kinh tế ngày càng xấu đi giữa Nga và phương Tây đã làm thay mọi thứ cho chiến lược hợp tác giữa Nga và Trung cộng ở Bắc Cực, khi mà công nghệ và dòng tiền đầu tư của Trung Quốc ngày trở nên quan trọng hơn đối với Nga.”

Thật vậy, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine từ những năm 2014 tới nay, vẫn theo ông Saleem, chính là tác nhân khiến cho ĐCSTQ ngày càng trở nên là đối tác không thể thiếu được của Nga, khi mà quan hệ của họ và phương Tây ngày càng trở nên xấu đi.

Cho đến ngày nay, ngay trước khi Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine, thì mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung cộng đã trở thành “không có giới hạn”, đúng như thông cáo chung giữa hai bên vào ngày 4 tháng Hai năm nay. Dòng vận động của những sự kiện và những quyến định mang tính chiến lược của chính quyền Tổng thổng Putin ngày càng khiến cho Nga đi vào quĩ đạo “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mà ĐCSTQ đã manh nha và dựng lập kể từ những năm 2007, khi mà cụm từ này lần đầu tiên xuất hiện tại Đại hội lần thứ 17 của ĐCSTQ [9].

Cùng chung vận mệnh” nhưng khoanh tay đứng nhìn huynh đệ người ta tương tàn?

Theo những tin tức tổng hợp ở trên đây thì có thể thấy là cả Nga lẫn Ukraine đều là những điểm đến, những đối tác chiến lược của ĐCSTQ. Đặc biệt là mảnh đất Ukraine chính là nơi được xác định là mắt xích quan trọng của đại dự án “Vành đai và con đường” mà Trung cộng dày công vun đắp. Hoặc nói theo tiêu đề của bài nghiên cứu về địa chính trị của Leonid Kyianytsia [10] “Sáng kiến vành đai và con đường như một con đường tơ lụa mới: vị trí triển vọng của Ukraine”.

Trong bối cảnh đó, nổi bật lên một điều dường như là nghịch lý rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài suốt từ những năm 2014 tới nay không hề làm giảm đi dòng đầu tư khổng lồ của Trung cộng lên Ukraine. 13 tỉ đô la của ĐCSTQ đổ lên Crimea tính đến năm 2013, khi mà bán đảo này vẫn còn thuộc Ukraine, như đã nói ở trên, có vẻ như không là mất trắng khi Crimea bị sáp nhập vào Nga.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine từ hơn 8 năm nay, đủ để làm một người thông thạo tình hình và địa thế Ukraine là ông Phạm Nhật Vượng [11] đưa ra lời khuyên “không nên đầu tư vào Ukraine” từ 6 năm trước. Nhưng Trung cộng dường như có cách nghĩ khác. Ngược lại, Trung cộng tiếp tục đổ tiền đầu tư vào Odessa và Mykolaiv, theo tiến sĩ  Łukasz Wojcieszak [5], là những thành phố cảng ở gần với các điểm nóng của cuộc xung đột Nga – Ukraine suốt từ năm 2014 tới nay như Donbass hay Crimea.

Trừ phi bom đạn Nga có mắt để tránh khỏi những công trình cơ sở hạ tầng được ĐCSTQ đầu tư vào, thật khó có thể giải thích việc các nhà đầu tư Trung cộng vẫn giữ thái độ thờ ơ không có bất kì động thái gì muốn tham gia hòa giải hai bên Nga và Ukraina để tránh cho những khoản đầu tư trị giá hàng chục tỉ la mỗi năm trên mảnh đất Đông Âu này không biến thành đống tro tàn.

Vẫn có không ít nhà bình luận ví như ông Stephen Roach [12], thông qua một bài viết hồi giữa tháng 3, hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ đóng vai trò tác nhân hòa giải hòa bình cho chiến tranh Ukraine-Nga như là lực lượng lãnh đạo của cả thế giới. Ông nêu 3 lý do cho niềm tin này. Một là ĐCSTQ sẽ dùng vai trò thành viên G20 của mình để giúp phương Tây kết nối đàm phán với Nga, hai là có thể mở cửa biên giới Trung Quốc đón người Ukraine sang lánh nạn bom đạn nhất là trẻ em, ba là thông qua “vành đai và con đường” để giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh.

Như vậy, rõ ràng là với vai trò một đối tác chiến lược của cả Ukraine lẫn Nga, ĐCSTQ hoàn toàn có thể dùng ảnh hưởng của mình đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng, trái ngược với những gì ông Roach mong muốn, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu cho đến nay, ĐCSTQ không những không hề có dấu hiệu tích cực làm tác nhân khiến cho các bên tham chiến ngồi vào đàm phán hoà bình, cũng không tham gia cứu trợ nhân đạo nhân dân Ukraine, mà còn có dấu hiệu sẵn sàng hỗ trợ cho Nga về mặt khí tài quân sự nếu được yêu cầu, theo như những hãng tin lớn nhất của phương Tây như CNN [13]. Không chỉ phản đối việc loại bỏ tư cách thành viên G20 của Nga, theo tờ The Guardian, ĐCSTQ còn đã viện trợ kinh tế cho Nga qua đó giúp chính phủ của ông Putin giảm thiểu tổn thất từ các đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây [14].

Nếu như ĐCSTQ không thương xót sự hy sinh của hàng chục ngàn sinh mạng, cảnh thương tâm của hàng triệu người Ukraine phải bỏ nhà bỏ cửa di tản khắp nơi, thì chí ít họ cũng phải biết tiếc nuối hoặc chí ít cũng tỏ ra sốt ruột trước cảnh hàng chục tỉ USD mỗi năm một nhiều mà họ bấy lâu nay đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Ukraine có nguy cơ bị tiêu hủy chứ? Trái lại, trong cuộc gặp gần nhất với ngoại trưởng Nga, ngoại trưởng của ĐCSTQ đã có những phát ngôn nếu như không phải để khuyến khích Nga tiếp tục nỗ lực quân sự của mình, thì cũng cho thấy họ hoàn toàn bình thản khoanh tay đứng ngoài cuộc mà nhìn. Thậm chí tuyên bố “Nga và Trung Quốc đang dẫn dắt một trật tự thế giới mới”, theo đúng tiêu đề một bản tin của Forbes [15].

Vậy giải thích cho điều có vẻ vô lý này như thế nào đây? Đối với những ai đã từng tìm hiểu một chút về lịch sử phát triển quyền lực của ĐCSTQ, có lẽ, nó lại không phải là một bất ngờ quá lớn. Quả vậy, suốt từ những năm 50 của thế kỉ trước tới nay, sự hình thành và phát triển về mặt quyền lực của ĐCSTQ, kể cả về đối nội lẫn đối ngoại, gắn liền với việc kích động hận thù gây ra mâu thuẫn hỗn loạn để rồi bắt cá hai tay, từ đó trục lợi hoặc bành trướng. Nói ngắn gọn, đó là tạo ra hỗn loạn hận thù, từ trong hỗn loạn hận thù mà liên tục thiết lập ra trật tự quyền lực mới, mà ở đó ĐCSTQ là duy ngã độc tôn.

Về mặt đối nội, lịch sử hình thành và phát triển quyền lực của ĐCSTQ là một lịch sử của những thủ đoạn kinh điển liên tiếp của việc xúi bẩy cừu hận giữa một nhóm người dân này với một nhóm người dân khác. Khi Trung Quốc còn chịu ách xâm lược của Đế quốc Nhật Bản, thay vì đánh Nhật, họ công kích rằng chính phủ Quốc Dân Đảng bán nước không đánh Nhật, ngay lúc đất nước lâm nguy, xúi bẩy nhân dân chống lại Quốc Dân Đảng. Sau khi lên nắm quyền, ĐCSTQ hô hào nông dân chống phú nông địa chủ để rồi tước đoạt tài sản, vừa cướp vừa giết. Cùng một thủ đoạn đó, trong Cải cách Công Thương ĐCSTQ đã sử dụng giai cấp công nhân để lật đổ những nhà tư sản để cướp tài sản. Còn trong cuộc vận động chống cánh hữu ĐCSTQ đã kích động hận thù để tiêu diệt tất cả những nhà trí thức có quan điểm đối lập, từ đó mà nô dịch hóa tầng lớp trí thức.

Để làm những điều này, họ coi các giai cấp nông dân và công nhân như những công cụ, mà khi dùng xong thì với thì đối đãi một cách vô nhân tính: hàng chục triệu người chết đói trong Đại nhảy vọt mà ĐCSTQ phát động. Những người còn sống sót thì tiếp tục hứng chịu thảm kịch về nhân tính trong cách mạng văn hoá, nơi mà ĐCSTQ đã giết chết hàng triệu người, làm tan vỡ nền tảng luân lý của biết bao nhiêu gia đình, biến không biết là bao nhiêu trẻ em thanh niên thành lưu manh côn đồ.

Về mặt đối ngoại, chiến tranh Nga-Ukraine không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ có những mối quan hệ lợi ích hoặc là bắt cá hai tay với cả hai bên tham chiến trong một cuộc chiến, và rồi sau đó thu lợi bất chấp thảm cảnh của các bên.

Ví như vào thời của những tao loạn tại Campuchia những năm 1975, ĐCSTQ vừa đào tạo và dựng nên chính quyền Khmer Đỏ, lại vừa giang tay cưu mang ông hoàng bị lật ngôi và lưu vong là Sihanouk. Theo BBC [16] thuật lại, bà Andrew Mertha, tác giả cuốn “Brothers in Arms: China’s Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979” từng cho biết 90% viện trợ nước ngoài mà Khmer Đỏ nhận được đã đến từ Trung Quốc. Các khoản này bao gồm cả xe tăng, máy bay, pháo. “Trong khi chính quyền đang giết dân của họ thì kỹ sư và cố vấn quân sự Trung Quốc vẫn tiếp tục huấn luyện“. Còn ông Mertha, từ ĐH Cornell, tin rằng “nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại được quá một tuần“.

Ngày nay, Campuchia luôn không đứng về phía các nước láng giềng ASEAN trong các nỗ lực ra tuyên bố chung bác bỏ đường lưỡi bò phi pháp của ĐCSTQ. Chính quyền của ông Hunsen còn làm được nhiều hơn chính quyền của ông Zelensky đối với vấn đề người Duy Ngô Nhĩ: họ trao trả những người Duy Ngô Nhĩ trốn chạy khỏi quê hương của họ để đặt chân lên đất Campuchia cho ĐCSTQ.

Để thưởng thức một màn bắt cá hai tay kinh điển khác của ĐCSTQ, hãy thử nhìn lại chiến tranh Việt Nam (1955-1975): một cách hết sức trùng hợp, thời điểm quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam năm 1972 cũng là ngay khi Nixon và Kissigner bắt đuợc liên lạc và có những cái bắt tay nồng ấm với chính quyền của Mao Trạch Đông.

ĐCSTQ không chỉ khoanh tay đứng ngoài mà bơm dầu vào lửa cho cuộc chiến này, mà còn trục được những món lợi khổng lồ. Thật vậy, không chỉ là việc lợi dụng lúc tình thế của Việt Nam Cộng Hoà suy yếu, ĐCSTQ xua quân chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam, mà sự kiện Mao bắt tay với Nixon có thể nói là sự kiện then chốt để làm nên một Trung cộng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu như ngày hôm nay. Như chính Nixon đã từng than thở, sau khi chỉ trong một tuần thăm Trung Quốc đã bán rẻ các đồng minh gồm cả Đài Loan lẫn Việt Nam Cộng Hòa, trong những hồi ức của ông ta, rằng mình lo sợ đã “tạo ra một con quái vật Frankenstein” chỉ bằng những cú bắt tay với Mao Trạch Đông [17].

Những ví dụ trên đây và cả nỗ lực liên lạc với Dương Văn Minh cuối tháng Tư năm 1975 của ĐCSTQ [18] nhằm tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tại Việt Nam là những ví dụ điển hình cho hai việc: Một là, ĐCSTQ không hề mong muốn chấm dứt một cuộc chiến mà họ không tham gia, mà chính là trái lại, cứ muốn nó kéo dài mãi ra, để mình là nguời duy nhất thao túng, và an nhàn khoanh tay đứng ngoài hưởng những món lợi lớn nhất. Và hai là, trong chiến tranh từ trong hỗn loạn và chà đạp trên đau khổ xương máu của người khác mà ĐCSTQ liên tục thiết lập một trật tự quyền lực mới.

Chính vì nhận định rằng cú bắt tay của Mao với Nixon là một trong những bước ngoặt lớn nhất trên bản đồ chính trị thế giới, mà tác giả Margaret MacMillan đã đặt tiêu đề cho cuốn sách của mình là “Nixon và Mao: một tuần làm thay đổi thế giới”.

Kể từ đó, kì lạ thay, Liên Xô ngày càng suy yếu và tan rã. Hàng chục năm nay, các cuộc chiến tranh cục bộ, những tiếng bom rơi đạn nổ những cảnh khủng bố liên tục xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng cứ như thể chúng có mắt có chân, biết tránh xa lãnh thổ mà ĐCSTQ cai trị, trừ phi là do chính họ phát động.

Có lẽ, bao nhiêu đây cũng đã đủ để lý giải vì sao ĐCSTQ không hề có động thái nào thúc giục những đối tác mà theo năm tháng ngày càng rơi sâu hơn vào cái quỹ đạo “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mà ĐCSTQ thêu dệt, giờ đây lại đang huynh đệ tương tàn, để họ ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Khiến cho, người ta khó có thể không tự hỏi, cái “vận mệnh” mà ĐCSTQ lấy ra vận động thương hiệu ấy nó là cái “vận mệnh” gì?!

Vận mệnh” ấy là vận mệnh gì?

Hàng chục triệu người trên mảnh đất của Đế quốc Nga xưa cũ nay đang phải chịu cảnh nhà tan cửa nát tha hương xa xứ hoặc sống trong lửa đạn, hàng chục ngàn người cả dân lẫn quân mất đi sự sống. Cái vận mệnh ấy, phải chăng là cái vận mệnh tang thương mà bất cứ nước nào có những mối quan hệ lợi ích sâu đậm với ĐCSTQ bất chấp lịch sử và hiện thực vô cùng bất hảo của nó, hình như, kì lạ thay, cũng đều đã và đang gặp phải?

Không là trùng hợp một cách kì lạ sao được khi ta thử nhìn lại trường hợp của nước Châu Âu đầu tiên và cũng là nước chịu sự tàn phá nặng nề nhất trên lục địa già về hậu quả của nạn dịch COVID-19: đó là Italy.

Tháng 3 năm 2019, hoàng loạt tờ báo lớn của Châu Âu bàng hoàng giật tít : “Italy là con ngựa thành Troa của Châu Âu?“, hoặc là mỉa mai chơi chữ “Nước Ý nằm bẹp duới gót ủng của Trung Quốc“. Đó chính là thời điểm họ giật mình thảng thốt nhận ra, cùng một lúc, 4 cảng trọng yếu của nước Ý là Ravenna, Palermo, Triste và Genoa, đồng thời rơi vào quỹ đạo “Vành đai và con đuờng” của ĐCSTQ [19].

Để rồi chỉ chưa đầy một năm sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Châu Âu mà xuất phát điểm chính là Italy, vào tháng 2 năm 2020. Chưa đầy hai tháng sau, tháng 4 năm 2020, đã có tới 160.000 người Ý qua đời trong đại dịch, với mức thiệt hại nặng nề nhất Châu Âu thời điểm đó, khiến người ta phải bàng hoàng phỏng vấn cả những chuyên gia về chính trị như Giáo sư Marc Lazar “là vì đâu mà nên nỗi ?” cho một vấn đề dịch tễ [20].

Vì sao “cùng chung vận mệnh” với ĐCSTQ lại đồng nghĩa với việc gánh chịu những thảm hoạ như thiên tai dịch bệnh (ví dụ của nước Ý) hoặc là chiến tranh huynh đệ tương tàn (như là ví dụ của Nga và Ukraine)? Điều này có phải lại cũng là một ngẫu nhiên khó giải thích nữa hay không?

Nhưng nếu bạn hỏi những người biểu tình Hồng Kông kỉ niệm ngày 1 tháng 10 năm 2019, nơi mà bên cạnh khẩu hiệu “không có quốc khánh chỉ có quốc tang”, là khẩu hiệu “Trời diệt Trung cộng”, thì họ có thể sẽ hỏi ngược lại ba câu hỏi rằng, trong lịch sử nhân loại đã từng có triều đại nào dù là vĩ đại đến mấy kéo dài mãi mãi không? Với ngần nấy tội ác phản nhân loại và diệt chủng suốt từ khi thành lập cho đến tận ngày nay, liệu ông Trời có không diệt Trung cộng hay không? Và nếu bạn bước chân lên boong của một con tàu đang chìm dần xuống đáy nước và cam kết cùng chung vận mệnh với nó, thì tương lai của bạn là gì?

Vậy giải pháp nào cho cả Nga lẫn Ukraine?

Xin hãy hỏi gần 400 triệu người Trung Quốc, những người vẫn còn tin vào Thần Phật, vào “thiện hữu hiện báo, ác hữu ác báo”, những người mặc dù vẫn đang sống dưới ách cai trị của ĐCSTQ, đã đủ tỉnh táo lý trí lẫn dũng cảm rời bỏ tất cả các tổ chức thuộc ĐCSTQ, theo thống kê của Trung tâm Thoái đảng Toàn cầu [21]. Có thể họ sẽ đều cho bạn cùng một câu trả lời: hãy rời xa ĐCSTQ, để không phải cùng chung vận mệnh với nó, một khi “Trời diệt Trung cộng.”

Đó không chỉ là giải pháp cho riêng Nga và Ukraine, mà là cho bất cứ ai. Hãy “phản bổn quy chân”, nhận ra thiện ác, minh định được đâu là nơi khởi nguồn của tất cả những thiên tai nhân họa trên Trái Đất này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.academiedegeopolitiquedeparis.com/en/la-paix-en-ukraine-passe-par-la-nouvelle-route-de-la-soie/

[2] Raoul Bunskoek and Chih-yu Shih, “‘Community of Common Destiny’ as Post-Western Regionalism: Rethinking China’s Belt and Road Initiative from a Confucian Perspective”, Uluslararasi Iliskiler, Vol. 18, No. 70, 2021, pp. 85-101, DOI: 10.33458/uidergisi.954744

[3] https://www.voanews.com/a/war-puts-billions-of-dollars-in-ukraine-china-trade-at-risk-/6459878.html

[4] https://euobserver.com/opinion/153301

[5] Wojcieszak, Łukasz. “Economic expansion of China in Ukraine. Can the New Silk Road project support Ukrainian statehood?” Review of Nationalities, vol.8, no.1, 2018, pp.237-249. https://doi.org/10.2478/pn-2018-0015

[6] https://thediplomat.com/2022/03/china-cannot-condone-russias-aggression-in-ukraine/

[7] https://www.bbc.com/vietnamese/world-60271562

[8] https://www.globalvillagespace.com/how-russia-ukraine-conflict-helps-chinas-polar-silk-road/

[9] https://en.wikipedia.org/wiki/Community_of_Common_Destiny

[10] http://dx.doi.org/10.29202/up/4/3

[11] https://tieudung24g.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-lan-dau-he-lo-triet-ly-kinh-doanh-933-a8id.html

[12] https://www.financialexpress.com/opinion/peacemaker-how-china-can-end-the-war-in-ukraine/2464360/

[13] https://edition.cnn.com/2022/03/14/politics/us-china-russia-ukraine/index.html

[14] https://www.theguardian.com/world/2022/mar/15/china-has-already-decided-to-send-economic-aid-to-russia-in-ukraine-conflict-us-officials-fear

[15] https://www.forbes.com/sites/dereksaul/2022/03/30/russia-and-china-are-leading-a-new-world-order-russian-foreign-minister-says/

[16] https://www.bbc.com/vietnamese/world-46234452

[17] https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3094769/china-wests-frankensteins-monster

[18] Nguyễn Hữu Thái. Hồi ức “Dương Văn Minh và tôi” năm 2008.

[19] https://www.letemps.ch/economie/litalie-botte-pekin

[20] https://www.sciencespo.fr/ceri/fr/content/la-situation-en-italie-entretien-avec-marc-lazar

[21] https://global.tuidang.org/ [22] https://endccp.com/vi/

[22] https://www.youtube.com/embed/jvJ2y2z8XnM?list=PLCLVeSJGgraaBXuXSicouJLBwWQmuOkFZ

Related posts