Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (7/4) đã bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau khi có các báo cáo cáo buộc lực lượng vũ trang Nga đã phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine trong những ngày gần đây. Sau đó, một quan chức Nga đã loan báo rằng nước này sẽ rút khỏi Hội đồng.
Theo The Epoch Times, 93 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, 24 nước bỏ phiếu phản đối, 58 nước bỏ phiếu trắng. Trung Quốc, Syria, Belarus và Việt Nam nằm trong số 24 nước bỏ phiếu phản đối nghị quyết.
Như vậy, Nga bây giờ trở thành quốc gia thứ hai bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền. Năm 2011, Libya là quốc gia đầu tiên bị đình chỉ tham gia Hội đồng sau khi chính quyền Moammar Gadhafi bị cáo buộc đàn áp dã man phong trào Mùa xuân Ả Rập. Phong trào biểu tình quần chúng này sau đó đã lật đổ ông Gadhafi.
Trong bản dự thảo nghị quyết đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ghi nhận Đại hội đồng có thể “đình chỉ tư cách thành viên của một quốc gia thành viên trong Hội đồng Nhân quyền khi quốc gia đó vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và có hệ thống”.
Nghị quyết cũng nêu rõ các quốc gia thành viên đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc Nga đã “vi phạm và lạm dụng nhân quyền có hệ thống”, cũng như “vi phạm luật nhân đạo quốc tế” kể từ khi phát động chiến tranh xâm lược Ukraine hôm 24/2.
Động thái của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7/4 được tác động bởi những cáo buộc từ Ukraine cuối tuần qua cho rằng lực lượng vũ trang Nga đã hành quyết thường dân ở Bucha, thị trấn ngoại ô của thủ đô Kyiv khi họ rút khỏi khu vực này vào tuần trước. Giới chức Ukraine đã đăng tải nhiều video và hình ảnh cho thấy nhiều thường dân dường như đã bị hành quyết, một số nạn nhân đã bị trói tay ra sau lưng.
Các quan chức hàng đầu Điện Kremlin đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc trên và đổ lỗi cho Kyiv dàn dựng các hình ảnh và video, gọi đó là hành vi khiêu khích. Đồng thời, lãnh đạo Nga cũng đã tố ngược phương Tây kích động câu chuyện tiêu cực này để làm trệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Các hãng truyền thông quốc tế, trong đó có The Epoch Times của Mỹ, khi đăng tải các thông tin về thảm sát tại Bucha đều tuyên bố rằng họ chưa thể độc lập xác minh các hình ảnh và video do phía Ukraine công bố.
Trước phiên bỏ phiếu hôm 7/4, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Gennady Kuzmin đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc hãy bác bỏ nghị quyết và gọi văn bản đó là “tiền lệ nguy hiểm”.
“Hôm nay không phải là thời điểm cũng không phải là nơi cho nghệ thuật sân khấu. Bản dự thảo nghị quyết mà chúng ta đang xem xét hôm nay không có liên quan gì tới tình hình nhân quyền thực sự trên thực địa”, ông Gennady Kuzmin nói.
Sau khi Đại hội đồng bỏ phiếu thông qua nghị quyết, ông Gennady Kuzmin đã tuyên bố rằng Nga sẽ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, theo Reuters. “Với tình hình hôm nay, Hội đồng thực sự đã bị thao túng bởi một nhóm các quốc gia muốn sử dụng cơ quan này cho những mục đích ngắn hạn của họ”, ông Kuzmin nói.
Trong khi đó, Mỹ đã lập luận rằng Nga không nên có vị trí trong Hội đồng Nhân quyền bởi vì họ đang bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm 7/4 đã lập tức lên tiếng hoan nghênh động thái mới nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Ông Dmitry Kuleba viết trên Twitter: “Những kẻ tội phạm chiến tranh không có chỗ tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc vốn có mục đích bảo vệ nhân quyền. [Chúng tôi] biết ơn tất cả các quốc gia thành viên đã ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và lựa chọn đứng về bên chính nghĩa của lịch sử”.
Như Ngọc