Tin vui rớt nước mắt

Lưu Trọng Văn

9-4-2022

Báo chí nhà nước đưa tin và gọi là “Tin vui với người lao động”:

“Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 đã khống chế khung làm thêm 200 giờ mỗi năm, và nới số giờ tối đa trong tháng lên đến 40 giờ. Tuy nhiên, dựa vào “nhu cầu thực tế,” tại phiên họp thứ 9, chiều ngày 23/3, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí thông qua Quy định người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm.

Về số giờ làm thêm trong một tháng, Nghị quyết nêu rõ trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong một năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động, được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong một tháng.”

Cựu chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng khi nghe tin vui trên đã lập tức viết trên facebook của mình với tít: TIN VUI MÀ RƠI NƯỚC MẮT.

Nghe xong, tôi rụng rời cả tay chân. Không hiểu sao cả.

Thành quả cuộc đấu tranh của công nhân toàn thế giới, của những người lao động toàn thế giới mới có được ngày làm việc 8g, thế mà ở đất nước này các ông chủ lại được QH trao cho quyền được sử dụng lao động của thợ thuyền thêm 60giờ/tháng. (tức là mỗi ngày ông chủ có thể sử dụng sức lao động của người lao động thêm 2 giờ hoặc người lao động không có cả ngày nghỉ chủ nhật nữa).

Ôi các vị đại biểu Quốc hội ơi, các vị hãy đặt mình là người lao động: Các vị có đồng ý làm việc tất cả ngày thứ 7 trong tuần? Có đồng ý mỗi năm làm tăng thêm 300 giờ như người lao động vì mưu sinh và lợi nhuận của các ông chủ đang làm?

Các vị có biết mỗi năm trượt giá bao nhiêu? Và mấy năm rồi lương tối thiểu của người lao động không được tăng? Việc này đồng nghĩa với giảm lương, lương trả cho nld quá thấp, không đủ sống. Các vị có biết cuộc sống khốn khó của người lao động trong các khu công nghiệp trên cả nước đang trải qua mùa đại dịch này?

Các vị nói đây là tin vui đối với người lao động, nhưng đúng là “tin vui rơi nước mắt”.

Theo cựu chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN thì vấn đề bảo đảm cuộc sống của người lao động là phải tăng phúc lợi xã hội, tăng giá trị lao động mỗi giờ chứ không phải bù đắp trượt giá bằng tăng giờ lao động.

Tôi trân trọng phản ứng và giọt nước mắt của ông Tùng, người gã biết khi là thủ lĩnh công đoàn luôn đứng về quyền lợi của người lao động, tôi xin góp thêm lời: Xu thế giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ ngơi, xum vầy gia đình đang là xu thế chung của thế giới. Rất tiếc, thực ra là quá đau lòng khi ở VN đang đi ngược lại xu thế đó.

Related posts