Bà Pelosi nên phản ứng thế nào trước các mối đe dọa từ truyền thông nhà nước Trung Quốc
Nhiều nguồn tin cho biết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và ông Gregory W. Meeks, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, dự kiến sẽ đến Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) vào ngày 10/04.
Chuyến công du dự kiến của họ là một tin tuyệt vời đối với quốc đảo dân chủ này, nơi có diện tích bằng Maryland, với 24 triệu người dân tự do. Nhiều người ở Đài Loan có thể không đánh giá cao việc bà Pelosi là người kế nhiệm thứ ba để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ nếu Tổng thống và Phó Tổng thống bị bãi nhiệm – chuyến công du này rất quan trọng.
Nhưng đã xảy ra sự cố – bà ấy được biết là đã bị nhiễm COVID-19, và chuyến công du này của bà đã bị “hoãn lại”. Đây có phải là lý do thực sự cho sự trì hoãn này không?
Trước khi thảo luận về lý do chính đáng có thể đã xảy ra, một chút thông tin nền sẽ hữu ích để hiểu bối cảnh này.
Chuyến công du dự kiến của bà Pelosi diễn ra sau một số chuyến thăm cao cấp khác của các cựu quan chức. Hôm 01/03, một phái đoàn Hoa Kỳ do cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đô đốc Michael Mullen, dẫn đầu đã đến thăm Đài Loan để thể hiện thêm sự ủng hộ của chính phủ Tổng thống Biden, vốn trước đó đã chấp thuận việc Đài Loan mua vũ khí trị giá 750 triệu USD từ Hoa Kỳ hồi tháng 08/2021.
Cựu Ngoại trưởng Michael Pompeo đã đến thăm Đài Loan trong bốn ngày bắt đầu từ ngày 02/03 và được các nhà lãnh đạo chính trị đón tiếp, gồm có Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai). Bà Thái đã trao tặng ông Pompeo Huân chương Cảnh tinh Đại thụ hạng nhất (Order of Brilliant Star with Special Grand Cordon) vì sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của ông dành cho Đài Loan.
Bà Pelosi không phải là một người mới tham gia vào các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Bà đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến với ông Lại hôm 29/01 để thảo luận về an ninh, kinh tế, và các vấn đề chung khác. Họ cũng thảo luận về các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và sự ủng hộ của bà Pelosi đối với tư cách quan sát viên của Đài Loan tại một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vị chủ tịch Hạ viện gần đây nhất đến thăm Đài Loan hồi tháng 04/1997 là thành viên Đảng Cộng Hòa Newt Gingrich, một năm sau Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ Ba (1995-1996) dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Clinton. Cuộc khủng hoảng này đặt ra bối cảnh quan trọng để hiểu mối bang giao của Hoa Kỳ với Đài Loan và Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ Ba
Năm 1995, Tổng thống Đài Loan đương thời là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) được mời đến diễn thuyết về kinh nghiệm quá trình dân chủ hóa của Đài Loan tại Đại học Cornell, ngôi trường cũ của ông. Ban đầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) từ chối cấp thị thực cho ông Lý đến thăm, và ông buộc phải qua đêm trên phi cơ của mình tại một điểm dừng chân ở Hawaii.
Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ sau đó đã buộc DOS phải cho phép ông Lý đến thăm Đại học Cornell và đọc bài diễn văn của mình vào ngày 09 và 10/06/1995.
Tức giận vì DOS đã cho phép ông Lý vào Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) phóng hỏa tiễn và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật vào mùa hè cũng như các cuộc tập trận đổ bộ vào mùa thu năm 1995. Đáp lại, Tổng thống đương thời Bill Clinton đã ra lệnh cho hai nhóm tác chiến hải quân hàng không mẫu hạm và các chiến hạm khác đến vùng biển Đài Loan như một cuộc biểu dương lực lượng vào tháng 12/1995.
Sau đó, ĐCSTQ đã cố gắng ngăn chặn việc tái tranh cử của ông Lý bằng cách yêu cầu PLA tiến hành một “cuộc tập trận” phóng hỏa tiễn, bắn ba hỏa tiễn M-9 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ đảo Hải Nam trong vòng bán kính 35 dặm (56 km) tính từ các cảng Cơ Long và Cao Hùng của Đài Loan. Một hỏa tiễn đã bay qua Đài Bắc và rơi xuống ngoài khơi cách bờ biển 19 dặm (31 km).
Một số nhà quan sát Á Châu có thể nhớ lại những hành động tương tự vào năm 1998 của nhà nước bù nhìn của ĐCSTQ, Bắc Hàn, khi quốc gia này phóng hỏa tiễn Taepodong-1 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay qua Nhật Bản.
Bắc Hàn đã thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của mình hôm 24/03 năm nay, Hwasong-17, có thể vươn tới bất kỳ nơi đâu trên lục địa Hoa Kỳ.
Cuộc chiến tuyên truyền và truyền thông
Trong cuộc chiến tuyên truyền, ĐCSTQ cho rằng Ukraine không phải là Đài Loan và không ai nên so sánh như vậy.
Tại sao?
Bởi vì ĐCSTQ muốn thế giới không có thiện cảm với một Đài Loan tự do và dân chủ.
ĐCSTQ không muốn công dân Trung Quốc nghĩ rằng Đài Loan giống như Ukraine — điều này có thể gây ra vấn đề về sĩ khí trong một cuộc xung đột (binh sĩ PLA có thể thiếu hăng hái hơn trong việc hạ sát một nạn nhân của sự xâm lược từ ĐCSTQ, như những binh sĩ Nga đã từng đối với người Ukraine).
Điều cuối cùng mà ĐCSTQ muốn là các cuộc biểu tình trong nội bộ chống lại mình trong một cuộc xâm lược Đài Loan.
Chiến tranh tâm lý và truyền thông của ĐCSTQ
Khi bà Pelosi lên kế hoạch cho chuyến công du này, bộ máy tuyên truyền và quân sự của ĐCSTQ đã hoạt động mạnh mẽ. Bắc Kinh đưa ra cảnh báo với những cụm từ như “hủy bỏ ngay lập tức” và “Trung Quốc sẽ phải đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn chưa từng có.”
Từ quan điểm của công chúng Hoa Kỳ, những cảnh báo như vậy gợi nhớ đến câu tục ngữ thời thơ ấu, “Gậy và đá có thể làm gãy xương, nhưng lời nói không bao giờ có thể gây tổn thương.”
Với việc cộng đồng thế giới tràn đầy nhiệt huyết về Ukraine, Hoa Kỳ có thể dễ dàng xoay chuyển truyền thông và tiến hành chiến tranh tâm lý chống lại ĐCSTQ bằng cách sử dụng sự đồng cảm của thế giới dành cho Ukraine hướng về Đài Loan.
Nhưng Hoa Kỳ đã không làm vậy. Tại sao?
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đe dọa một cuộc phong tỏa bằng đường hàng không
Ít được chú ý trên báo chí phương Tây là phiên bản Hoa ngữ của một bài báo hôm 07/04 được viết bởi ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của tờ báo quốc doanh khổ nhỏ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times).
Ông viết rằng chuyến công du dự kiến của bà Pelosi “sẽ là một sự cố rất nghiêm trọng, và đây sẽ là hành động khiêu khích Trung Quốc nghiêm trọng nhất của Hoa Thịnh Đốn về vấn đề Đài Loan kể từ khi ‘Tổng thống Đài Loan’ Lý Đăng Huy đến thăm Hoa Kỳ [vào năm 1995].”
Ông Hồ đã đưa ra hai lựa chọn cứng rắn để ĐCSTQ chống lại chuyến công du của bà Pelosi.
Đầu tiên, thiết lập một khu vực phong tỏa đường hàng không (khu vực cấm bay) đối với Đài Loan vào ngày mà bà Pelosi đến.
Thứ hai, nếu phi cơ của bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan, ông khuyến nghị diễn tập phi cơ quân sự của PLA trên không phận của hòn đảo này. Ông Hồ viết: “Nếu quân đội Đài Loan nổ súng vào các chiến đấu cơ của chúng ta, PLA nên bắn hạ phi cơ này hoặc thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt vào căn cứ quân sự Đài Loan nơi hỏa tiễn được phóng đi.”
Hầu như không ai nhận thấy lời đe dọa được khuyến nghị của ông về việc mở rộng các hậu quả nếu chuyến thăm của bà Pelosi xảy ra: “Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp trả đũa khác, bao gồm bán vũ khí cho Nga và tăng cường mua dầu và khí đốt của Nga. Trung Quốc phải kiên quyết trả đũa các hành động của Hoa Kỳ và để họ biết rằng không được giễu cợt Trung Quốc.”
Có lẽ ai đó ở Bộ Ngoại giao đã nhận được thông điệp từ ông Hồ và nhanh chóng chuyển đến Tòa Bạch Ốc. (Tác giả này gần đây đã thảo luận về một cuộc phong tỏa trên không và trên biển của PLA đối với Đài Loan).
Lời khuyên cho phản ứng ban đầu của bà Pelosi
Để đối phó với lời đe dọa quân sự của ĐCSTQ đối với chuyến công du của mình, bà Pelosi nên hứa ủng hộ một chương trình viện trợ quân sự lớn của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan — ít nhất là tương đương với giá trị của khoản viện trợ mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine tính đến nay (1.7 tỷ USD) hoặc lý tưởng là tương đương với số tiền mà Hoa Kỳ cung cấp cho Israel (3.8 tỷ USD mỗi năm từ 2019 đến 2028) để duy trì Lợi thế Quân sự Định tính (QME).
Trên thực tế, Thượng viện Hoa Kỳ có hai dự luật đang chờ được thông qua vốn ủng hộ ý tưởng cung cấp viện trợ quân sự để cải thiện QME của Đài Loan: Đạo luật Răn đe Đài Loan (TDA) và Đạo luật Vũ khí Đài Loan năm 2021 (ATA). TDA tìm kiếm sự chấp thuận đối với 2 tỷ USD mỗi năm từ chương trình Tài trợ Quân sự Ngoại quốc (FMF) cho Đài Loan từ năm 2023 đến 2032 hoặc 20 tỷ USD trong thời gian 10 năm. ATA yêu cầu việc chấp thuận chi 3 tỷ USD mỗi năm từ 2023 đến 2027 hoặc 15 tỷ USD trong 5 năm. Quốc hội và tổng thống nên nhanh chóng thông qua một trong hai gói viện trợ này.
Tổng cộng có 46 dự luật Hạ viện và 38 dự luật Thượng viện liên quan đến Đài Loan đang chờ được giải quyết. Gần đây, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã đệ trình một dự luật (S.4035) mà nếu được thông qua, sẽ “‘đẩy nhanh cung cấp vũ khí cho Đài Loan’ bằng cách đẩy nhanh sự chấp thuận của Quốc hội và loại bỏ các trở ngại hành chính.” Tất cả các dự luật nên mau chóng được thông qua.
Cung cấp vũ khí gì cho Đài Loan để răn đe ĐCSTQ?
Việc Nga xâm lược Ukraine cho thấy các hệ thống vũ khí phòng thủ cho Đài Loan nên bao gồm các hệ thống vũ khí sau đây cùng với hỗ trợ huấn luyện và bảo dưỡng: các hệ thống phòng không (Stinger, PATRIOT), hệ thống chống thiết giáp (Javelin), hệ thống chống hạm (Harpoon) và các hệ thống chống hỏa tiễn (THAAD, AEGIS, nhiều PATRIOT hơn nữa, và thậm chí có thể là một trong hai khẩu đội Vòm Sắt mà Hoa Kỳ mua).
Ngoài các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ, các thành viên khác của liên minh chống Nga có thể cung cấp cho Đài Loan các hệ thống phòng không, chống thiết giáp, chống hạm, và chống hỏa tiễn tương đương của họ.
Hoa Kỳ có đang làm hết sức để hỗ trợ Đài Loan?
Tóm lại, chuyến công du của bà Pelosi đến Đài Loan có thể là một lợi ích to lớn để thể hiện sự ủng hộ đối với quốc gia dân chủ năng động này.
Trước những lời đe dọa từ truyền thông nhà nước Trung Quốc chống lại chuyến công du của bà và việc chuyến công du của bà bị hủy bỏ, hy vọng rằng bà Pelosi, Quốc hội, chính phủ Tổng thống Biden, và người dân Mỹ sẽ có những hành động vượt quá mong đợi bằng cách giúp Đài Loan ngăn chặn ĐCSTQ xâm phạm một hình mẫu về một nền dân chủ hoàn toàn sử dụng Hoa ngữ và hỗ trợ cho Đài Loan ít nhất 2.5 tỷ USD.
Người ta cũng hy vọng chuyến công du bị hủy bỏ của bà Pelosi không lặp lại sự dửng dưng của thế giới khi ĐCSTQ đè bẹp nền dân chủ Hồng Kông.
Ông Guermantes Lailari là một sĩ quan khu vực đối ngoại của Không quân Hoa Kỳ đã về hưu chuyên về Trung Đông và Âu Châu cũng như chống khủng bố, chiến tranh bất thường, và phòng thủ hỏa tiễn. Ông đã học tập, làm việc, và phục vụ ở Trung Đông và Bắc Phi trong hơn 14 năm và ở Âu Châu trong sáu năm. Ông từng là Tùy viên Không quân tại Trung Đông, phục vụ tại Iraq, và có bằng cấp cao về quan hệ quốc tế và tình báo chiến lược. Ông nghiên cứu các chế độ độc tài và toàn trị đe dọa các nền dân chủ. Ông sẽ là học giả được Đài Loan tài trợ tại Đài Bắc vào năm 2022.
Nguyễn Lê biên dịch