VOA
Ngày 19/4, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết gần đây họ đã ký thỏa thuận khung hợp tác an ninh song phương với Quần đảo Solomon. Động thái này của Bắc Kinh khiến Mỹ và các đồng minh là Úc và New Zealand đề cao cảnh giác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (19/4) rằng Ngoại trưởng Vương Nghị và Ngoại trưởng Quần đảo Solomon Jeremiah Manele đã chính thức thay mặt cho chính phủ hai nước ký thỏa thuận khung hợp tác an ninh song phương, tuy nhiên không cung cấp chi tiết về thời gian và địa điểm thỏa thuận được ký, chỉ nói rằng điều này thúc đẩy “ổn định xã hội và an ninh lâu dài” ở Quần đảo Solomon chứ không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào.
Hồi tháng Ba, Solomon cho biết họ đang thiết lập quan hệ đối tác với Bắc Kinh để giải quyết các mối đe dọa an ninh và đảm bảo môi trường đầu tư an toàn. Tập đoàn Truyền thông Úc (ABC) đưa tin, theo bản dự thảo Hiệp định Trung Quốc – Quần đảo Solomon bị rò rỉ, Bắc Kinh sẽ được phép tiếp cận các tàu hải quân và nhân viên an ninh neo đậu ở Quần đảo Solomon để bảo vệ hàng tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng của ĐCSTQ tại đảo quốc này.
Mỹ cùng Úc, New Zealand và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương đã chỉ trích động thái này là gây bất ổn cho khu vực. Sau khi bị tất cả các bên trong khu vực phản đối gay gắt, Solomon cho biết sẽ không cho phép ĐCSTQ thiết lập các căn cứ quân sự tại nước này.
Reuters đưa tin trước đó, vào hôm thứ Ba, Quốc hội Quần đảo Solomon được cho biết vào tháng tới Bắc Kinh sẽ cử quan chức tới quốc đảo Thái Bình Dương này để ký thỏa thuận hợp tác. Mặc dù trước đó Đại sứ quán ĐCSTQ và Quần đảo Solomon đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh, nhưng bộ trưởng của cả hai bên vẫn chưa ký vào thỏa thuận này.
Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế và Các vấn đề Thái Bình Dương của Úc là Zed Seselja đã đến thăm Quần đảo Solomon vào tuần trước để hội đàm với Thủ tướng Manasseh Sogavare về thỏa thuận an ninh của nước này được ký kết với Bắc Kinh vào ngày 1/4, đồng thời hy vọng ông Sogavare không ký thỏa thuận với phía ĐCSTQ.
Vào ngày quan chức Úc Zed Seselja thăm Quần đảo Solomon, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Jeremiah Manele của Solomon để thảo luận về kế hoạch mở lại Đại sứ quán của Mỹ tại thủ đô Honiara của nước này.
Nhà Trắng cho biết vào ngày 18/4 rằng Điều phối viên Kurt Campbell và quan chức hàng đầu vấn đề châu Á – Thái Bình Dương trong tuần này đã đến thăm Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea. Phái đoàn còn có các quan chức của Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID).
Reuters cho biết, vào tháng Hai năm nay Mỹ tuyên bố sẽ mở Đại sứ quán tại Quần đảo Solomon. Đây là một phần trong cam kết của Mỹ nhằm dành nhiều nguồn lực ngoại giao và an ninh hơn cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ứng phó hành động tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn của ĐCSTQ trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố không có cảng quân sự là không đáng tin cậy, đó chỉ là tuyên truyền. Ông Dutton cũng cho biết phía Trung Quốc muốn có được một chỗ đứng quân sự ở các đảo Thái Bình Dương, bao gồm một “cảng quân sự” ở Papua New Guinea.
Năm 2018, ĐCSTQ đã đề xuất tái phát triển một căn cứ hải quân ở Papua New Guinea, nhưng quốc đảo gần phía bắc của Úc sau đó đã quyết định chuyển cho Úc phát triển căn cứ này.
Vào ngày 12/4, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Samuel Paparo chỉ trích hiệp ước an ninh tiềm tàng của ĐCSTQ với Quần đảo Solomon, gọi đây là một dàn xếp “bí mật” khiến Mỹ và các đối tác lo ngại.
Hồi cuối tháng 11/2021, ở Quần đảo Solomon đã nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn do một phần người dân bất bình về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ, phải mất 3 ngày cuộc bạo loạn mới lắng xuống. Phía Úc đã cử cảnh sát đến để giúp duy trì an ninh trật tự.