Giang Phong
Hai báo cáo uy tín về người giàu ở Trung Quốc được công bố gần đây cho thấy, tổng tài sản của các hộ gia đình giàu có ở Trung Quốc đã cao lên tới gấp 1,6 lần GDP của Trung Quốc. Theo đó, 2% nhóm người trên cùng của kim tự tháp chiếm 80% của cải của xã hội.
Hôm 14/4 vừa qua, Viện nghiên cứu Hurun (Trung Quốc) công bố “Báo cáo Hurun về tài sản” cho thấy, tính đến ngày 1/1/2021, các gia đình giàu có ở Trung Quốc (có tài sản trên 6 triệu RMB, tương đương 942.000 USD) có tổng tài sản lên đến 160.000 tỷ RMB (25.100 tỷ USD), gấp 1,57 lần tổng GDP của Trung Quốc vào năm 2020. Hơn nữa, tài sản của người giàu Trung Quốc tăng 9,6% so với năm 2020, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 là 2,2%.
Trong số các hộ gia đình giàu có này, số “hộ gia đình có giá trị ròng cao” với tổng tài sản 10 triệu RMB (1,57 triệu USD) là 2,06 triệu hộ (tăng 2% so với năm trước), số “hộ gia đình có giá trị ròng cực cao” với tổng tài sản 100 triệu RMB (16 triệu USD) là 133.000 hộ (tăng 2,5% so với năm trước).
Trong đó “gia đình có giá trị tài sản ròng cao” ở 3 tỉnh Quảng Đông, Bắc Kinh và Thượng Hải chiếm 42% tổng số toàn quốc, lần lượt là 300.000, 298.000 và 262.000 hộ gia đình.
Tương tự, “Báo cáo thường niên Ngân hàng Thương gia Trung Quốc (China Merchants Bank)” được công bố vào tháng Ba năm nay cho thấy, những người giàu có Trung Quốc (có tài sản hơn 10 triệu RMB, tương đương 1,569 triệu USD) chiếm 0,07% (tính theo 1,4 tỷ người là khoảng 980.000 người), nắm giữ 31,54% tài sản Trung Quốc, lượng tài sản bình quân đầu người là khoảng 27,8 triệu RMB (khoảng 4,36 triệu USD).
Tầng lớp trung lưu (có tài sản hơn 500.000 RMB, tương đương 78.000 USD) chiếm 2,05% và nắm giữ 50,58% tài sản, với tài sản bình quân đầu người là 1.533.100 RMB (240.000 USD).
Người bình thường (với tài sản dưới 500.000 RMB, tương đương 78.000 USD) chiếm 97,88% và chỉ nắm giữ 17,87% tổng tài sản Trung Quốc, bình quân đầu người chỉ là 11.400 RMB (1.800 USD).
Trung Quốc thuộc nhóm cao nhất thế giới về khoảng cách giàu nghèo
Trước đó năm 2014 có nghiên cứu của Đại học Michigan cho thấy, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Năm 2010, hệ số Gini về thu nhập hộ gia đình ở Trung Quốc là 0,55, trong khi ở Mỹ là 0,45.
Vào tháng 9/2021, Cục trưởng Cục Thống kê Trung Quốc là Ning Jizhe tuyên bố rằng hệ số Gini của Trung Quốc Đại Lục vào năm 2020 sẽ là 0,468. Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, hệ số Gini 0,4 là “lằn ranh đỏ” của khoảng cách phân phối thu nhập.
Cái gọi là hệ số Gini (Gini coefficient) là một chỉ số để đánh giá tính công bằng của phân phối thu nhập hàng năm được xác định bởi học giả người Ý Corrado Gini vào đầu thế kỷ 20 dựa trên đường cong Lorenz.
Theo tiêu chuẩn do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đưa ra, chỉ số Gini lớn hơn 0,4 có nghĩa là xảy ra thực trạng phân cực giàu nghèo.
Tháng 5/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc là 30.000 RMB (4.700 USD), “nhưng 600 triệu người chỉ kiếm được 1000 RMB (156,9 USD) một tháng, số tiền 1000 RMB khó có thể thuê phòng ở một thành phố cỡ trung tại Trung Quốc”.
Nguyên nhân chính gây khoảng cách giàu nghèo quá lệch ở Trung Quốc là vấn đề quan chức tham nhũng. Ngay từ năm 2010, Phó Giám đốc Wang Xiaolu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia thuộc Quỹ Cải cách Trung Quốc, đã thừa nhận rằng các giao dịch tiền bạc – quyền lực và sử dụng quyền lực để trục lợi là phổ biến ở Trung Quốc, theo đó vấn đề “thu nhập ngầm” rất lớn.
Ông Wang Xiaolu đã tiết lộ vào thời điểm đó rằng hệ số Gini mà cơ quan chức năng công bố là chưa kể số lượng lớn “thu nhập ngầm” không biết nên không phản ánh chính xác khoảng cách thu nhập. Nếu tính đến “thu nhập ngầm” thì thu nhập bình quân đầu người thực tế của nhóm hộ gia đình thành thị có thu nhập cao nhất Trung Quốc năm 2008 cao gấp 26 lần nhóm thu nhập thấp nhất, cao hơn nhiều so với mức 9 lần được công bố chính thức; còn thu nhập bình quân đầu người thực tế của nhóm hộ gia đình thành thị có thu nhập cao nhất gấp tới 65 lần nhóm hộ gia đình nông thôn có thu nhập thấp nhất, cao hơn nhiều lần so với mức công bố chính thức là 23 lần.
Một nghiên cứu năm 2015 của các nhà nghiên cứu Liu Qiongzhi và Luo Qin thuộc Viện Kinh tế và Quản lý – Đại học Vũ Hán chỉ ra, nếu tính đến thu nhập ngầm thì hệ số Gini về thu nhập năm 2011 của Trung Quốc sẽ đạt 0,53, cao hơn đáng kể so với con số 0,477 được cơ quan chức năng công bố.
Một thực tế khác mà các học giả Trung Quốc Đại Lục không dám công khai là vấn đề giới “thái tử Đảng” sử dụng quyền lực gia đình và quan hệ bám váy quyền lực để kiểm soát huyết mạch kinh tế đất nước và phân chia tài sản công. Năm 2014, Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phát hiện ra rằng gần 22.000 khách hàng từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông đang che giấu tài sản của họ tại các trung tâm tài chính nước ngoài, trong đó có ít nhất 5 người thân của các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm.
Giang Phong, Epoch Times