Khởi tố một loạt nhân vật ‘thao túng thị trường’ – Mới chạm tới ‘phần ngọn’

Trà Nguyễn

Xung đột lợi ích trên thị trường vốn Việt Nam hiện rất trầm trọng, là nguyên nhân lớn nhất khiến tệ nạn thao túng, thổi giá, lừa đảo tài chính trên thị trường bùng phát mạnh (Ảnh: chụp màn hình Internet)

Một làn sóng dọn dẹp, loại bỏ ‘tổ lái’ trên thị trường chứng khoán đang diễn ra. Đây là một tín hiệu vô cùng tốt sau hàng chục năm các ‘tổ lái’ giá cả, thông tin đã thao túng thị trường, khiến thị trường mang mầu sắc đầu cơ do thiếu minh bạch và liêm chính. Tuy nhiên, việc loại bỏ những kẻ đứng đầu ‘thao túng thị trường’ mới chỉ là sửa trị phần ngọn chứ chưa hề động chạm tới nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này…

Rúng động: Liên tục khởi tố tội danh ‘lừa đảo’ và ‘thao túng thị trường’

Như NTDVN đã đưa tin, ngày 20/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt; Công ty Cổ phần Louis Holdings; Công ty Cổ phần Louis Capital; Công ty Cổ phần Louis Land; và các đơn vị liên quan

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 cá nhân để điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings (trái) và ông Đỗ Đức Nam – Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt. (Ảnh: mps.gov.vn)

Bốn cá nhân bị khởi tố gồm:

  • Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital; Công ty Cổ phần Louis Land;
  • Trịnh Thị Thúy Linh – Giám đốc Hành chính Công ty Cổ phần Louis Holding;
  • Đỗ Đức Nam – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt;
  • Lê Thị Thùy Liên – nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong thời gian từ ngày 4/1/2021 đến 6/10/2021, Đỗ Thành Nhân đã thông đồng với Đỗ Đức Nam và các cá nhân khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty CP Louis Capital (mã TGG); Công ty CP Louis Land (mã BII); và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, các công ty chứng khoán này cũng đã chịu phạt hành chính, mức phạt từ 60 – 310 triệu đồng vì các vi phạm giao dịch trên thị trường chứng khoán. Giữa tháng 3, Công ty CP Louis Holdings bị SSC xử phạt hành chính 161,2 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong hai tháng vì mua “chui” cổ phiếu công ty con.

Trước đó 2 tuần, ngày 5/4/2022, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng (SN 1961) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về hành vilừa đảo chiếm đoạt tài sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. (Ảnh: mps.gov.vn)

Ông Dũng hiện cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt (từ năm 2015 đến nay). Bản thân ông Dũng chính là người đã đẩy giá đấu thầu mua đất ở Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỷ/m2; một mức giá kỷ lục dù Tân Hoàng Minh không có năng lực thanh toán cho mức giá này. Tân Hoàng Minh không chỉ lừa đảo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn ‘thao túng thị trường’ giá bất động sản vì những phi vụ như vậy.

Ông Trịnh Văn Quyết trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Hà Nội vào ngày 30/07/2018. (Ảnh: NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

Một tuần trước khi khởi tố CEO của Tân Hoàng Minh, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đón một tịn chấn động cỡ ‘sóng thần’ khi CEO của Tập đoàn Bất động sản FLC bị khởi tố vì tội ‘thao túng thị trường chứng khoán’. Lệnh bắt ông Trịnh Văn Quyết cũng chiểu theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bốc hơi 19 tỷ USD vốn hoá

So với thời kỳ đạt đỉnh, thị trường chứng khoán bốc hơi 19 tỷ USD. Nhưng cơn hoảng loạn của thị trường thực sự khởi động trong một tuần qua. Chỉ tính riêng một tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi 15 tỷ USD với hơn 170 mã chứng khoán giảm kịch sàn. Các nhà đầu tư tháo chay, bán tống tháo bằng mọi giá…

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (20/4), chỉ số VN-Index tiếp tục mất thêm 21,73 điểm, về mốc 1.385 điểm; giảm 5,58% chỉ trong một tuần giao dịch (theo tháng giảm tới 6,8%). Chỉ số HNX-Index giảm 13 điểm, về mức 380,04 điểm (giảm 10,28% chỉ trong một tuần và 16,32% chỉ trong một tháng).

Không chỉ nhóm chứng khoán bất động sản có liên hệ hoặc chịu tai ương từ vụ thanh lọc FLC và Tân Hoàng Minh đã quay đầu giảm hết biên độ như QCG, FCN, DRH, HHV… các mã chứng khoán ngành ngân hàng, tài chính, thép cũng lao dốc mạnh.

Ngay cả những mã chứng khoán các ngành đang có cầu hàng hoá lớn, giá cả tăng trên khắp toàn cầu như phân bón, dầu khí, nhựa… cũng đồng loạt giảm sàn trước áp lực tăng mạnh mẽ.

Ngoài lý do tâm lý, việc thanh lọc thị trường có thể đã khiến dòng vốn đầu cơ tháo chạy, điều này cũng tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu đầu cơ. Tuy nhiên, tâm lý thị trường có thể đã lây lan sang các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Thanh lọc thị trường chứng khoán: Muộn còn hơn không

Đây là đầu tiên thị trường chứng khoán mạnh tay xử lý các ‘tổ lái’ vốn đã thao túng thị trường trong hai thập kỷ qua. Lỗ hổng pháp lý, cơ chế giám sát đã tạo ra nên sự ‘đồng thuận ngầm’ giữa cơ quan quản lý với tội phạm tài chính công khai. Trong hơn 2 thập kỷ thị trường chứng khoán hoạt động, câu hỏi của nhà đầu tư và chuyên gia là bao giờ thì thị trường làm sạch một cách nghiêm khắc hành vi thao túng thị trường như vậy.

Sự phẫn nộ của thị trường lên tới đỉnh điểm khi CEO của Tập đoàn FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC thu về gần 1.500 tỷ đồng vào ngày 10/1/2022. Sau đó, ông Quyết chỉ chịu phạt cho hành động bán chui này 1,5 tỷ đồng; tương đương với 0,1% giá trị thu lời từ thương vụ thao túng này. Uỷ ban chứng khoán nhà nước sau đó đã phải huỷ bỏ tất cả các giao dịch bán chui của FLC. Tuy nhiên, thiệt hại của nhà đầu tư đã cầm giữ cổ phiếu FLC là không thể đong đếm hay vãn hồi. Hiện tại, cổ phiếu FLC về mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu; gần như lao dốc không phanh.

Cái giá rẻ mạt của hành vi thao túng thị trường suốt hai thập kỷ

Vấn đề ở chỗ, hoạt động thao túng thị trường không phải mới diễn ra gần đây. Nó là vấn đề nhức nhối suốt 2 thập kỷ qua; chỉ là tình trạng ‘tổ lái’ hay thao túng ngày một công khai, quy mô ngày một lớn đến mức huỷ hoại uy tín của nền tài chính quốc gia thì lúc này việc thanh lọc thị trường mới được tính tới như chúng ta đang chứng kiến.

Trước lần thanh lọc này, các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đều chỉ phải trả một cái giá cực rẻ mạt.

Ví dụ như trường hợp của FLC, ông Quyết nổi danh là bán chui cổ phiếu, thổi giá cổ phiếu, kiếm lời bất chính cả thập kỷ. Ông Quyết và FLC chỉ phải trả một cái giá cực rẻ cho các lần thổi giá và bán chui kiếm lời hàng trăm tỷ này. Vụ việc luôn chìm đi, kỷ cương trên thị trường tài chính sau mỗi lần thất bại như vậy không hề thay đổi.

Năm 2015, FLC đã thực hiện bán chui 5,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF – công ty có liên quan tới FLC – khi cổ phiếu KLF lao dốc từ mức đỉnh 15.000 VND/cổ phiếu xuống còn 4.000 VND/cổ phiếu sau 10 tháng. Sau vụ việc, FLC thu về khoảng 60 tỷ đồng.

Từ 28/01 – 09/02/2015, công ty KLF đã bán hơn 8,5 triệu cổ phiếu, chiếm 24,5% vốn tại HAI (Công ty Cổ phần Nông dược HAI) mà không hề công bố thông tin. KLF bị xử phạt 85 triệu đồng. Vốn hoá trên thị trường chứng khoán bốc hơi 19 tỷ USD, 170 mã giảm sàn trong ngày 20/4/2022, Vnindex xuyên thủng mốc 1.385 điểm. Trong bối cảnh này, khối ngoại mua ròng tới 1.370 tỷ đồng từ đầu tháng 4 tới nay (Ảnh: chụp màn hình bảng giá chứng khoán ngày 20/4/2022)

Vốn hoá trên thị trường chứng khoán bốc hơi 19 tỷ USD, 170 mã giảm sàn trong ngày 20/4/2022, Vnindex xuyên thủng mốc 1.385 điểm. Trong bối cảnh này, khối ngoại mua ròng tới 1.370 tỷ đồng từ đầu tháng 4 tới nay (Ảnh: chụp màn hình bảng giá chứng khoán ngày 20/4/2022)

Ông Lê Thành Vinh – thành viên Hội đồng quản trị HAI, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị FLC, cũng từng có hành vi tương tự. Ông Vinh đã bán hơn 3,93 triệu cổ phiếu HAI, chiếm tỷ lệ gần 11,3% từ 12/1 – 14/02/2015, và 6,86 triệu cổ phiếu HAI, chiếm tỷ lệ 22,59% từ ngày 15/1 – 22/02/2015. Chỉ riêng KLF và ông Vinh thời điểm đó đã nắm đến hơn 49% vốn của HAI. KLF và ông Vinh đã lén bán thoát hàng ở ngưỡng quanh 12.000 – 13.000 VND/cổ phiếu trước khi HAI trên đà lao dốc về dưới mệnh giá.

Chỉ hai năm sau, năm 2017, ông Quyết bị xử phạt 65 triệu đồng do bán chui 57 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian 20-24/10/2017, chiếm 8,94% vốn điều lệ FLC. Con số xử phạt không đáng là bao so với số tiền hơn 400 tỷ đồng chảy vào túi ông Quyết từ giao dịch trên. Điều đáng nói là, tại Đại hội cổ đông bất thường 2017 (diễn ra vào ngày 23/10), ông Quyết còn tuyên bố trước các nhà đầu tư là sẽ mua tối đa 50 triệu cổ phiếu FLC từ lúc ấy cho tới cuối năm. Ngay sau đó, như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Quyết đã đăng ký mua 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 20/11-19/12/2017.

Cùng thời điểm 20-24/10/2017, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Mã ROS) đã bán 13,65 triệu cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group mà không công bố thông tin. Lượng cổ phần này chiếm đến 21,06% vốn của AMD, một con số rất lớn. Sau khi thoái vốn tại AMD thì tới ngày 30/10, ROS mới công bố việc bán cổ phiếu AMD. Động thái này đã khiến nhiều cổ đông nháo nhào và nghi ngờ có sự lầm lẫn khi ROS bất ngờ thoái vốn tại AMD mà không hề có thông tin trước đó.

Xử lý hình sự cá nhân phạm tội: giải quyết ngọn mà chưa chạm tới gốc

Mặc dù thị trường phải trả giá khi cơ quan chức năng khép tội hình sự xử lý các doanh nghiệp, cá nhân, công ty chứng khoán làm giá, thao túng, kiếm lời bất chính, nhưng đây là dấu hiệu hết sức tích cực, kỳ vọng một thị trường chứng khoán minh bạch hơn, kỷ cương tài chính chặt chẽ hơn.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của thị trường, các hành vi gian lận tài chính kiếm lời được xử lý thích đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây, có vẻ như cơ quan chức năng chỉ xử lý ngọn mà chưa chạm tới gốc của vấn đề. Nếu thể chế về quản lý, giám sát trên thị trường chứng khoán không được đổi mới nhân sự kiện này thì các hành vi như vậy sẽ tiếp tục lặp lại.

Tại sao lại chưa chạm tới gốc? Bởi vì các xung đột lợi ích cơ bản không hề được các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm, ít nhất trên bề mặt truyền thông: (i) mối kiên kết chặt chẽ giữa công ty chứng khoán với các ngân hàng thương mại; (ii) Các công ty chứng khoán vừa tự kinh doanh lại vừa đóng vai trò môi giới, vừa cho tự xác định tỷ lệ margin cho nhà đầu tư nhỏ lẻ vay, họ cũng quản lý và có quyền can thiệp vào tài khoản của các nhà đầu tư nhỏ; (iii) chưa hết, các công ty chứng khoán còn đóng vai trò định giá tài sản đảm bảo, quản lý tài sản đảm bảo, tư vấn phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), thậm chí xếp hạng cho các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường vốn.

Nói không quá lời, công ty chứng khoán không chỉ vừa là người chơi bóng, vừa thổi còi còn là ban tổ chức giải đấu được quyền chọn người chơi nữa. Nếu các công ty chứng khoán thông đồng với nhau, việc cùng nhau thổi giá một vài mã chứng khoán hoặc việc làm một mã chứng khoán biến mất trên thị trường là không hề khó khăn. Họ có thể làm điều đó mà khó lòng phát hiện ra họ vi phạm pháp luật.

Hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang bị đánh giá là có tới 80% là trái phiếu rác (theo Fiin Trading) cũng chính là do các xung đột lợi ích này tạo nên một thị trường như vậy. Trong khi đó, các chế tài xử phạt hành vi thông đồng, thao túng thị trường, thổi giá lại quá nhẹ (như đề cập ở trên). So sánh chi phí và lợi ích, hành vi thao túng thị trường là đương nhiên.

Hiện tại, chế tài khởi tố theo Luật hình sự là cần thiết. Nhưng nếu các quan chức quản lý nhà nước của Việt Nam không quan tâm tới việc giải quyết triệt để các mâu thuẫn lợi ích trên thị trường chứng khoán của họ thì các vụ xử lý hình sự mãi mãi chỉ là giải quyết hậu quả của thị trường mà thôi. Phí tổn cho việc giải quyết hậu quả luôn đắt đỏ hơn rất nhiều so với nỗ lực cải cách thể chế. Như đề cập ở trên, phí tổn giải quyết hậu quả ‘thao túng thị trường chứng khoán’ lần này lên tới 19 tỷ USD cho tới ngày hôm nay.

Trà Nguyễn

Related posts