Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm (21/4), trong bài phát biểu qua video tới Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022, đã tái khẳng định sự phản đối của Trung Quốc đối với các chế tài đơn phương và “thẩm quyền nối dài”. Tuy vậy, ông Tập không đề cập trực tiếp đến các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã đang áp áp lên Nga do nước này phát động chiến tranh xâm lược Ukraine.
Trong bài phát biểu qua video tới Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên đang được tổ chức tại đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng các chiến thuật “chia tách” và gây áp lực kinh tế, chẳng hạn như cắt đứt các chuỗi cung ứng sẽ không có hiệu quả.
“Trung Quốc muốn thúc đẩy sáng kiến an ninh toàn cầu” mà sẽ duy trì “quy tắc bất khả phân trong vấn đề an ninh”, ông Tập nói.
“Chúng ta nên duy trì nguyên tắc bất khả phân về an ninh, xây dựng kiến trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và lâu dài, và phản đối xây dựng an ninh quốc gia dựa trên sự mất an ninh của các nước khác”, ông Tập nói thêm.
Trung Quốc đã từng nhiều lần chỉ trích các chế tài của phương Tây, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế áp lên Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã cẩn trọng không cung cấp sự hỗ trợ cho Moscow, hành động mà có thể dẫn tới họ cũng bị trừng phạt.
Nga đã từng khẳng định rằng các chính phủ phương Tây phải tôn trọng thỏa thuận 1999 dựa trên nguyên tắc “an ninh bất khả phân”, có nghĩa rằng không quốc gia nào có thể củng cố an ninh của mình trên cơ sở gây tổn hại cho an ninh của các nước khác.
Trung Quốc và Nga thời gian qua đang ngày càng gia tăng mối quan hệ gần gũi. Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hành động mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”. Trung Quốc thậm chí đổ lỗi cuộc khủng hoảng Ukraine cho sự mở rộng về phía đông của liên minh quân sự NATO.
Ông Tập trong bài phát hiểu hôm 21/4 một mặt nói rằng những nỗ lực để ổn định các chuỗi cung ứng toàn cần là cần thiết, nhưng mặt khác ông cũng nhấn mạnh nền kinh tế Trung Quốc là kiên cường và rằng xu hướng dài hạn của nền kinh tế này là không thay đổi.
Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với “những con gió nước” từ tác động của các nỗ lực cực đoan nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, đặc biệt là tại trung tâm kinh tế Thượng Hải. Trong toàn bộ bài phát biểu với Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022, ông Tập đã không đề cập đến cuộc khủng hoảng COVID-19 mà Trung Quốc đang gặp phải.
Xuân Thành (Theo Reuters)