Minh An
Vụ máy bay hãng hàng không Malaysia MH30 mất tích đến nay vẫn là một bí ẩn, đã có rất nhiều giả thuyết đưa ra, mà vẫn chưa xác thực được. Gần đây, một ký giả chuyên về hàng không đã bỏ công sức nghiên cứu, và đưa ra giả thuyết khá logic gây chấn động.
Vụ án máy bay mất tích bí ẩn
Máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích bí ẩn được coi là ẩn đố lớn nhất trong lịch sử hàng không. Nhiều quốc gia đã cùng tham gia vào cuộc tìm kiếm cứu nạn với quy mô lớn trong lịch sử, nhưng không có kết quả gì. Vì vậy, hàng loạt những phỏng đoán thi nhau xuất hiện như: thuyết thảm họa, người ngoài hành tinh bắt cóc, thậm chí có thuyết đường hầm thời không Bermuda.
Gần đây còn có người tuyên bố, đã tìm thấy MH370 ở rừng Campuchia qua google map. Ngoài những cách giải thích đầy trí tưởng tượng khác nhau này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một giả thuyết khá tin cậy, nhưng đồng thời cũng khiến mọi người rất kinh ngạc
Phóng viên điều tra độc lập Jeff Wise là nhân vật chính trong câu chuyện này. Ông là một ký giả khoa học chuyên viết về hàng không.
MH 370 mất tích và quá trình tìm kiếm
Vào 0h41 ngày 8/3/2014, máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines khởi hành từ sân bay Kuala Lumpur, và địa điểm đến của chiếc Boeing 777 tân tiến nhất này là Bắc Kinh. 27 phút sau, máy bay đã ở trên không với độ cao trên 10.000m, tốc độ 870km/h. Khi đó, may bay vừa băng qua bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia, sắp vượt khỏi rìa vùng kiểm soát không lưu của Malaysia, và sẽ vào không phận Việt Nam.
Thông thường, khi máy bay ra khỏi vùng kiểm soát không lưu, kiểm soát viên không lưu sẽ cung cấp cho phi công tên và tần số vô tuyến của vùng trời được kiểm soát tiếp theo. Vì vậy sau khi máy bay cất cánh 38 phút, kiểm soát không lưu của Malaysia đã liên lạc và báo thông tin cho đội trưởng chuyến bay MH370. Khi đó, máy bay vẫn bình thường, thời tiết rất tốt, 6 tiếng nữa mặt trời mới xuất hiện, một cơn gió ấm thổi trên bề mặt Biển Đông.
Hai phút sau cuộc nói chuyện với kiểm soát viên Kuala Lumpur, MH370 vừa bay qua điểm cuối cùng ở Malaysia, và hướng đến điểm đầu tiên trên không phận Việt Nam. 5 phút sau, trên màn hình của kiểm soát viên Kuala Lumpur, tín hiệu radar của MH370 đã biến mất.
Trong đài quan sát của sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, các nhân viên kiểm soát không lưu đang đợi MH370 tiến vào không phận họ kiểm soát. Thời gian địa phương lúc đó là vào 1h21 phút sáng, nhưng 1 phút qua đi, máy bay đã không còn xuất hiện trên màn hình radar.
Điều này thật kỳ quái, bởi vì máy bay thương mại hiện đại có định vị vệ tinh, máy tính điều khiển chuyến bay và đồng hồ nguyên tử. Kế hoạch lộ trình và thời gian bay có độ chính xác rất cao. Hệ thống điện tử của máy bay MH370 cần liên tục truyền tin liên quan của máy bay đến trung tâm kiểm soát mặt đất. Nhưng sau khi nó rời không phận Malaysia liền rơi vào im lặng.
Lại 18 phút qua đi, vào 1h39 phút sáng, một nhân viên kiểm soát không lưu của Sài Gòn nhận cuộc gọi từ đài kiểm soát Kuala Lumpur, cả hai bên đều nói không nhìn thấy MH370. Sự hoảng sợ bao trùm lên họ.
Trong 20 phút sau đó, cả phía Kuala Lumpur và Việt Nam đều cố gắng dùng radio gọi MH370, nhưng không có bất kỳ phản hồi nào.
Hơn 5h sáng, sân bay thủ đô Bắc Kinh, người thân, bạn bè của hành khách đến đón họ nhận được tin dữ MH370 mất tích. Công tác tìm kiếm và cứu hộ lập tức triển khai. Tin tức này cũng ngay lập tức làm chấn động thế giới. 227 hành khách và 12 thành viên tổ bay, cộng với chiếc máy bay Boeing 777 an toàn nhất, hiện đại nhất, lại có thể biến mất trước mắt mọi người.
Các kênh truyền thông ra sức đưa tin. CNN còn tổ chức một nhóm đưa tin, và ký giả Jeff Wise là một thành viên trong đó. Điều tra bước đầu của ông Wise phát hiện rằng, sau khi MH370 đi qua điểm cuối cùng thuộc không phận Malaysia, mặc dù nó đã biến mất khỏi màn hình radar của kiểm soát viên hàng không dân dụng, nhưng lại xuất hiện trên màn hình radar quân sự thêm hơn 1 tiếng.
Radar quân sự đã ghi lại một loạt các hành vi kỳ lạ của MH370. Đầu tiên là nó một lần quay đầu 180 độ, sau đó bay lên và tăng tốc cực đại, bay qua bán đảo Malaysia, sau đó rẽ về phía tây bắc, dọc theo giữa eo biển Malacca về phía quần đảo Andaman. Thời gian địa phương của Malaysia lúc đó là 2h22 phút sáng, nó bay 111 km về phía bắc mũi phía tây của Sumatra thì tín hiệu biến mất, bởi vì khu vực này nằm ngoài phạm vi tra xét của radar quân sự.
Chính quyền Malaysia nhận ra có người đã bắt cóc máy bay, và điều này rất rõ ràng, bởi vì 5 phút sau khi máy bay rời khỏi không phận kiểm soát của Malaysia thì biến mất, chọn đúng lỗ hổng của khu vực kiểm soát hàng không giữa Malaysia và Tp. HCM mà biết mất khỏi radar. Hành động quay đầu 180 độ với lực rất mạnh, khẳng định là thao tác bằng tay, không phải là một số lỗi cơ học đi chệch hướng. Sau đó nó nhanh chóng rời đi.
Đây không phải hành vi tuỳ tiện mà là người kiểm soát máy bay đã có âm mưu từ trước, về thời gian và địa điểm gây án, đều có tính toán chính xác. Trước tiên thoát khỏi kiểm soát của radar hàng không dân dụng, và trước khi các bên kịp phản ứng thì nó đã thoát khỏi phạm vi giám sát của radar quân sự. Rõ ràng kẻ đang thao túng máy bay không phải là tội phạm cướp máy bay bình thường, mà là kẻ rất thông thạo nghiệp vụ hàng không. Vì vậy, ban đầu chính quyền chủ yếu nghi ngờ người trong tổ bay gây ra vụ việc. Sau khi MH370 thoát ra khỏi sự giám sát của radar, nó đã đi đâu?
MH370 đã đi đâu?
Trong 6 tiếng sau khi rời khỏi trường quan sát của radar, MH370 đã gửi tín hiệu 7 lần tới vệ tinh địa tĩnh số 3F-1, chứ nó không hoàn toàn biến mất không tung tích. Sau khi MH370 ra khỏi tầm nhìn của radar, nó còn bay thêm hơn 6 tiếng. Vậy điểm cuối cùng nó rơi xuống là ở đâu. Công ty vệ tinh đã cung cấp tất cả số liệu cho đoàn điều tra.
Căn cứ vào dữ liệu các chuyên gia phỏng đoán, sau khi rời Eo biển Malacca, MH370 hướng về phía nam, sau đó nhiên liệu cạn kiệt và rơi xuống Ấn Độ Dương ngoài khơi Úc. Theo manh mối này, Uỷ ban An toàn vận tải Úc (ATSB) đã đứng ra hợp tác với 14 quốc gia, tiến hành tìm kiếm diện rộng ở nam Ấn Độ Dương. Đây là cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử, với phạm vi khu vực biển rộng 50 km, dài 926 km và tiêu tốn 150 triệu USD. Ba năm sau ATSB xuất bản báo cáo tổng kết dài 440 trang với tiêu đề “Hoạt động tìm kiếm MH370”, và nội dung chính là không tìm thấy dấu vết nào.
Ký giả Jeff nghiên cứu kỹ từng trang báo cáo và trong tâm nghi ngờ máy bay rơi xuống biển liệu có phải là quả bom khói hay không. Mặc dù dữ liệu vệ tinh ủng hộ lập luận máy bay bay về phía nam và rơi xuống này, nhưng nếu dữ liệu vệ tinh hoàn toàn sai, chúng ta chẳng phải sẽ lạc hướng sao?
Thực ra cách thức vệ tinh lấy dữ liệu về MH370 có khó khăn. Ngày 26/6/2014, ATSB từng công bố một báo cáo đề cập tới việc trong quá trình bay của MH370, đơn vị dữ liệu vệ tinh máy bay (SDU) đã bị 2 lần mất kết nối, và đã gửi yêu cầu đăng nhập lại tới vệ tinh, và đây là điều bất thường. Nếu xảy ra sự việc này, có thể là do hệ thống mất điện, hoặc sự cố phần mềm. Kết luận của ATSB là hệ thống phải khởi động lại do mất điện.
Đọc tới đây, ký giả Jeff băn khoăn tại sao một không tặc kinh nghiệm, có thể khiến máy bay biến mất khỏi tầm nhìn của radar, thay vì đăng xuất khỏi vệ tinh lại đăng nhập lại 2 lần, chủ động để lộ vị trí của nó?
Sau khi suy nghĩ, Jeff đã tìm ra câu trả lời: kẻ không tặc xảo quyệt có thể cố ý để đội điều tra nhắm vào tình tiết đó. Hắn thâm nhập vào hệ thống SDU để máy bay lưu lại một loạt các ghi chép điện tử sai, khiến đoàn cứu hộ đi sai hướng về phía nam Ấn Độ Dương xa xôi, nhưng thực ra máy bay lại đi theo hướng khác.
Rất nhanh chóng sau đó ký giả Jeff phát hiện rằng, mình không phải là người duy nhất có những suy nghĩ trên. Kỹ sư hệ thống thông tin vệ tinh inmarsat – ông Alan Schuster Bruce, khi trả lời phỏng vấn của BBC đã cho biết, sau khi ông cùng các cộng sự hoàn thành phân tích lần đầu về MH370, họ đã nghi ngờ có người can thiệp vào vệ tinh. Máy bay bay về phía nam rất có thể là một cái bẫy.
Ngay cả chuyên gia cũng có suy nghĩ như vậy. Hơn nữa việc tìm kiếm về phía nam không mang lại kết quả gì, đã càng nâng cao độ đáng tin cho các suy luận về hacker.
Chúng ta hãy xem MH370 có thể bay theo tuyến đường nào. Ngoài việc bay về phía nam, một hướng khác có khả năng là phía bắc. Nó hơi rẽ sang phải, đi qua đảo Andaman, tiến gần vùng Kolkata của Ấn Độ, băng qua Ấn Độ Dương, sau đó qua rặng núi Himalaya của phía tây Nepal, vòng quanh biên giới Ấn Độ và Trung Quốc, rồi lại bay qua Kyrgyzstan, cuối cùng tiến vào Kazakhstan.
Máy bay đi về phía bắc là một phỏng đoán, nó căn cứ vào dữ liệu vệ tinh rồi tìm góc chết của vùng phủ sóng radar các nước, sau đó ghép nối các thông tin lại với nhau. Jeff rất quan tâm.
Cuối cùng, vào năm 2018, Jeff đọc được báo cáo phân tích của công ty Boeing. Báo cáo ngắn chỉ vẻn vẹn trong 8 trang với tựa đề “Phân tích tính năng bay”. Các chuyên gia Boeing đã phân tích về tốc độ, cách bay và cao độ của MH370. Kết quả phù hợp nhất với dữ liệu vệ tinh là máy bay đi qua eo biển Malacca, đã quành một góc nhỏ với hướng là một khúc cua nhỏ bên phải, hướng tây bắc, đến Ấn Độ, góc 15 độ, chứ không phải góc bên trái, về phía đông nam đến Úc như rất nhiều người nghĩ.
Xem ra, rất nhiều phân tích chuyên nghiệp đều ủng hộ quan điểm này. MH370 thực ra bay về phía bắc. Vấn đề là, nếu cuối cùng MH370 bay tới Kazakhstan, vậy động cơ của tên không tặc là gì? Rõ ràng không phải là tống tiền, càng không phải gây tiếng tăm. Vì thời gian đã trôi qua vài năm, không có một ai hay tổ chức nào lên tiếng chịu trách nhiệm về việc MH370 mất tích, nó dường bị một lỗ đen khổng lồ nuốt chửng, biến mất trước mắt mọi người. Còn đội không tặc thành thục kia từ đâu tới?
Suy luận gây sốc
Tháng 2 năm 2014, Nga quyết định sát nhập bán đảo Crimea, chiến tranh miền đông Ukraine cũng xảy ra sau đó, khiến cả thế giới kinh hãi. Ngày 6/3, tổng thống Mỹ Obama thực hiện hành động trừng phạt, đã ký lệnh chế tài chính trị với Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lập tức đáp trả rằng, chế tài chắc chắn sẽ đánh trở lại Mỹ như một chiếc boomerang. Kết quả, ngày hôm sau MH370 mất tích.
Trung tâm đưa tin truyền thông quốc tế lập tức chuyển tập trung từ khủng hoảng Nga-Ukraine sang sự kiện mất tích bí ẩn này.
Bốn tháng sau, vào ngày 16/7, Obama công bố chế tài mới đối với Nga. Lại đến ngày hôm sau, 17/7, nổ ra tin tức gây sốc, máy bay hành khách Boeing 777 khác của Malaysia Airlines là MH17 rơi xuống phía đông Ukraine. Phần lớn các tổ chức quốc tế nhận định rằng máy bay đã bị phiến quân Ukraine do Nga hậu thuẫn bắn hạ bằng tên lửa đất đối không Tri-Buk.
Nỗi hoảng sợ bao trùm khắp toàn cầu. Hãng hàng không Malaysia lẽ nào gặp vận đen, trong 4 tháng có 2 máy bay bị rơi, điều này chưa từng thấy. Vấn đề là tai nạn hàng không đều rơi vào hãng hàng không Malaysia, vào đúng thời điểm ngay sau ngày phương Tây ra chế tài trừng phạt Nga do khủng hoảng Nga-Ukraine. Lẽ nào đó là sự trùng hợp?
Vụ máy bay MH17 rơi vào ngày 17/7 có khả năng cao là do phần tử vũ trang được Nga hậu thuẫn gây ra. Liên kết một cách tương quan, vụ mất tích MH370 trước đó liệu có liên quan tới Nga không?
Ký giả Jeff đã đưa ra một suy luận táo bạo. Ông cho rằng vụ cướp máy bay là hành động trả thù của Putin đối với chế tài của phương Tây, đồng thời thể hiện sức mạnh thực lực của mình, cảnh cáo chính phủ phương Tây.
Thoạt nghe suy luận này có thể cho rằng nó cực kỳ đen tối, là thuyết âm mưu. Người thông thường dựa vào trực giác chắc chắn sẽ lắc đầu, không tin, làm sao Putin có thể ngông cuồng như thế.
Cơ sở suy luận của phóng viên Jeff dựa trên việc ông Putin từng là điệp viên KGB kỳ cựu. Trong nhiệm kỳ của ông nắm quyền, liên tiếp có các vụ ám sát các thủ lĩnh phe đối lập để đe dọa các đối thủ trong nước. Vậy thì với quan hệ quốc tế ông Putin làm hệt như vậy, cũng đe dọa chính phủ nước ngoài. Xét về mặt logic, dường như điều này có thể xảy ra.
Giới tình báo có thuật ngữ chuyên môn đối với hành động này gọi là ‘black ops’ hay còn gọi ‘chiến tranh không giới hạn’ – nghĩa là các hoạt động quân sự do cơ quan chính phủ ra lệnh, nhưng phủ nhận đối với bên ngoài, đặc biệt là các hành động bất hợp pháp.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov đã xuất bản cuốn ‘Giáo trình quân sự Gerasimov’. Nó là cuốn chỉ nam hướng dẫn xây dựng quân đội thế kỷ 21 cho quân đội Nga, trong đó cổ xuý chiến tranh không giới hạn. Nó bù đắp cho bất lợi về thiếu hụt quỹ quân sự, kỹ thuật lạc hậu của Nga, đạt mục tiêu khuất phục quân địch mà không cần chiến đấu.
Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, răn đe quân sự thông thường và răn đe hạt nhân, chiến tranh không giới hạn là một phương tiện răn đe quốc tế khác. Đây là thủ đoạn đen tối bất thường, được Putin sử dụng trong tình huống ba biện pháp răn đe đầu tiên chưa đủ sức mạnh.
Chúng ta nhìn lại lịch sử một chút. Nga có nhiều lần rắp tâm bắn hạ máy bay dân dụng. Theo thống kê không đầy đủ, năm 1940 có hãng hàng không Finland là Kaleva bị rơi. Năm 1978 hãng Korean Airlines có máy bay 902 phải hạ cánh khẩn cấp sau khi bị thương. Năm 1981, tai nạn hàng không của máy bay chở hàng CL-44 của Canada khi đâm phải máy bay quân sự của Xô Viết tại Azerbaijan. Còn có sự kiện năm 1983, phần lớn mọi người đều biết, máy bay South Koerean số hiệu 007 bị bắn rơi. Và gần đây nhất là máy bay MH17 vào tháng 7/2014, nghi là bị phiến quân Ukraine do Nga hậu thuẫn bắn rơi.
Khi chúng ta liên kết các manh mối trên lại, sẽ phát hiện rằng suy luận thoạt nghe có vẻ gây sốc của Jeff không quá khó tin.
Nhưng câu hỏi là vì sao sau khi không tặc cướp được MH370 lại muốn bay tới Kazakhstan?
Jeff cho rằng ở đó có đất thuê của Nga, hơn nữa Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev là đồng minh trung thành của Putin. Ngoài ra, còn nguyên nhân nữa là nhiên liệu của máy bay đi xa nhất chỉ có thể tới đây. Một nguyên nhân quan trọng khác là tuyến đường bay này rất ít được dùng. Radar quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc đều giám sát có tính chọn lọc, nó không giám sát 24 giờ một ngày nên dễ đánh lạc hướng.
Ngoài việc nghi ngờ Nga có động cơ phạm tội, Jeff còn phát hiện ra một manh mối quan trọng khác.
Manh mối quan trọng
Vào tháng 7 năm 2015, một đội dọn vệ sinh đang dọn dẹp dọc theo một bãi biển đầy sỏi trên bờ biển phía đông bắc của Reunion thuộc Pháp, Tây Ấn Độ Dương, họ chợt phát hiện một vật thể rất kỳ quái, đại khái là một hình dạng dài dài khoảng 180 cm. Nó trông giống cánh máy bay, trên bề mặt của nó đầy các sinh vật biển, qua giám định phát hiện ra, nó là cánh phụ của máy bay (flaperon). Chuyên gia giám định kết luận, đây là mảnh vỡ của máy bay Boeing 777 – cùng mô hình với MH370. Điều này cũng là một trong những chứng cứ để các nhân viên điều tra xác nhận, máy bay cuối cùng đã bị rơi ở nam Ấn Độ Dương.
Nhưng chuyên gia thuộc tổ nghiên cứu của Pháp đã nhìn ra điều kỳ lạ, đó là các sinh vật biển ở trên mảnh vỡ của máy bay là Lepas barnacles. Sinh vật này có đầu rất nhỏ, tuổi dự đoán của chúng chỉ khoảng 30 ngày. Nếu cho rằng mảnh vỡ này bị rơi xuống biển vào ngày 8/3/2014, bị ngâm trong nước biển 15 tháng, thì sinh vật Lepas trên mảnh vỡ kia không thể nào chỉ mới có 30 ngày tuổi. Còn điểm nghi vấn nữa là thí nghiệm mô phỏng cho thấy nếu như mảnh vỡ từ khu vực rơi trôi dạt tới nơi nó được phát hiện, thì phần lớn bộ phận của nó nổi trên mặt nước, nhưng hiện sinh vật Lepas lại phủ kín gần hết toàn bộ mảnh vỡ. Điều này cho thấy rõ là mảnh vỡ bị ngập hoàn toàn trong nước.
Ký giả Jeff cho rằng, cách giải thích duy nhất, đó là nhóm không tặc cố ý tạo ra chứng cứ giả, gây nhầm lẫn. Mảnh vỡ được tìm thấy kia mới được thả xuống biển gần đây. Ông đưa ra bằng chứng rằng, năm 1983, trên biển Nhật Bản, sau khi bắn hạ máy bay 007 của Korean Air, Liên Xô đã đặt máy phát âm thanh giả dưới đáy đại dương để ngăn trở việc tìm kiếm cứu hộ của Mỹ. Còn trong giai đoạn đầu tìm kiếm cứu hộ MH370, nhóm tìm kiếm cũng bị máy phát âm thanh giả gây can nhiễu.
Sự việc này lặp lại, vậy liệu có phải có người cố ý tái diễn sự việc? MH370 có nằm trong tay của Nga không? Nếu có, thì tin tốt là hành khách người Trung Quốc trên chuyến bay có thể còn sống. Tuy nhiên, sau bức rèm sắt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt có vai trò của hai nước Trung Quốc và Nga, những con người nhỏ bé liệu có cơ hội được đoàn tụ với người thân không. Chúng ta chỉ có thể hy vọng người nhà của các hành khách trên MH370 vẫn có cơ hội được gặp lại thân nhân của họ.
Minh An
Theo Wenzhaostudio