Chuyên gia: Bắc Kinh có khả năng ‘đẩy nhanh’ việc quân sự hóa Quần đảo Solomon

Daniel Y. Teng

Trong tài liệu phát tay do Bộ Quốc phòng Úc cung cấp này, Tuần duyên hạm Lớp Armadale, HMAS Armidale, đi vào Cảng Honiara, Đảo Guadalcanal, Quần đảo Solomon, hôm 01/12/2021. (Ảnh: CPL Brodie Cross/Bộ Quốc phòng Úc qua Getty Images)

Theo một chuyên gia quốc phòng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nhanh chóng thiết lập một “sự hiện diện quân sự” ở Quần đảo Solomon sau khi ký kết một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi mở ra cánh cửa cho Bắc Kinh đóng quân và đặt vũ khí tại quốc gia này.

Sự xuất hiện của thỏa thuận bí mật hồi cuối tháng Ba này đã khiến các nhà lãnh đạo Úc và Hoa Kỳ mất cảnh giác, làm dấy lên một chuỗi hoạt động ngoại giao nhằm buộc Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon thay đổi quyết định.

Ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc, cảnh báo rằng ĐCSTQ “không chần chừ mà sẽ đẩy nhanh” việc lợi dụng thỏa thuận “Hợp tác An ninh giữa Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa)” được thông qua mới đây.

Theo một số trang rò rỉ từ bộ văn kiện này, về bản chất, thỏa thuận này sẽ cho phép ĐCSTQ — với sự đồng ý của chính phủ Solomon — điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí và thậm chí cả tàu hải quân [đến quần đảo này] để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon.”

Hôm 20/04, ông Jennings nói với Sky News Australia: “Trung Quốc tin tưởng vào việc tạo ra những sự thật trên thực tế. Chúng ta sẽ rất nhanh chóng chứng kiến Trung Quốc thực hiện các hành động tiếp theo để thiết lập sự hiện diện quân sự ở Honiara, và tôi nghĩ chúng ta cần nỗ lực hết sức mình để ngăn chặn điều này xảy ra — hy vọng là có sự hợp lực của lưỡng đảng”.

Sau đó, ông Jennings cũng nói với Sydney Morning Herald rằng, ông cho rằng ​​Bắc Kinh sẽ lợi dụng thời gian bầu cử của Úc (cho đến ngày 21/05) khi chính phủ này đang được đặt trong chế độ cai quản tạm thời (caretaker mode).

Úc và New Zealand từ lâu đã duy trì sự hiện diện an ninh trong khu vực.

Trong khi đó, Đảng Lao Động thuộc phe đối lập trung tả đã đặt nghi vấn về hiệu quả của việc can dự ngoại giao của Úc trong khu vực, gọi việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác An ninh này là “sai lầm ngớ ngẩn nhất trong chính sách ngoại giao.”

“Chính phủ lẽ ra phải hành động sớm hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các hoàn cảnh chiến lược mà chúng ta phải đối mặt trở nên rủi ro và không chắc chắn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc,” ông Penny Wong, phát ngôn viên ngoại giao của Đảng Lao Động, nói với Đài ABC hôm 20/04.

Tuy nhiên, ông Jennings cho rằng dù là đảng nào đang giám sát quốc gia thì kết quả cũng không có khác biệt nhiều.

“Đây không phải là vấn đề do Úc tạo ra,” ông nói. “Đó là do Thủ tướng Sogavare của Quần đảo Solomon tạo ra, người mà tôi cho rằng nhiều người cũng sẽ đồng ý, dường như đã được người Trung Quốc thu nạp.”

“Có rất nhiều đồn đoán về chính phủ Solomon rằng có rất nhiều hoạt động rửa tiền của Trung Quốc trong giới tinh hoa tại quốc gia này, và tôi không nghĩ rằng điều đó không liên quan gì đến thỏa thuận hiện đã được ký kết.”

Theo bà Erin McKee, đại sứ Hoa Kỳ tại Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Vanuatu, nạn tham nhũng đã hoành hành trong chính phủ quốc gia này. Hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2021), bà đã cảnh báo về việc lạm dụng tài trợ viện trợ sau các cuộc biểu tình bạo lực thiêu rụi khu phố Tàu ở Honiara.

“Tôi yêu cầu ngài tự quyết định loại hình phát triển và tương lai mà ngài mong muốn cho bản thân và gia đình ngài. Ngài có muốn viện trợ mang lại lợi ích cho một cá nhân, một đảng, và một tài khoản ngân hàng không?” bà nói trong một tuyên bố.

Các cuộc biểu tình này là đỉnh điểm của sự bất mãn âm ỉ đối với chính phủ của ông Sogavare về các vấn đề như cung cấp dịch vụ tồi tệ, hối lộ, và phát triển kinh tế yếu kém.

Ông Matthew Wale, lãnh đạo phe đối lập của Quần đảo Solomon trình bày: “Tài nguyên thiên nhiên bị mang ra khỏi quần đảo của chúng ta, và người dân của chúng ta nghèo hơn sau đó. Nền kinh tế bóc lột này không tạo ra được sự phát triển bền vững hữu hình nào. Thông qua việc định giá chuyển nhượng không hạn chế, được viện trợ, và được giới lãnh đạo quốc gia tiếp tay, sự thịnh vượng của quốc gia chảy sang ngoại quốc.”

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts