Thủ tướng Úc: Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Solomon sẽ vượt ‘lằn ranh đỏ’

Daniel Y. Teng

Tuần duyên hạm Lớp Armadale, HMAS Armidale, đi vào Cảng Honiara, Đảo Guadalcanal, Quần đảo Solomon, hôm 01/12/2021. (Ảnh: CPL Brodie Cross/Bộ Quốc phòng Úc qua Getty Images) Đông Dương

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ký kết một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon có thể mở ra một cánh cửa cho Bắc Kinh đồn trú quân đội cũng như đặt vũ khí trong khu vực này. Đáp lại thông tin mới xuất hiện này, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố, việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đảo quốc Thái Bình Dương này sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Úc.

Phát ngôn của ông Morrison được đưa ra sau khi một phái đoàn của Hoa Kỳ, do Điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Kurt Campbell dẫn đầu, đã tổ chức một cuộc họp với Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Tại đó hai bên đã tiến hành một “buổi thảo luận quan trọng” về những tác động của hiệp ước này. 

Sau đó Tòa Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ “đáp trả thích đáng” nếu Bắc Kinh định thiết lập một sự hiện diện quân sự ở Quần đảo Solomon. Phái đoàn này cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và các thành viên chủ chốt trong phe đối lập chính trị, những người bày tỏ lo ngại về thỏa thuận này. 

Ông Morrison cho biết hôm 24/04 rằng thỏa thuận chính trị này là một “mối lo ngại chung” của các chính phủ [trong khu vực]. 

“Trong quá trình làm việc với các đối tác của chúng tôi ở New Zealand, và tất nhiên tôi cũng như Hoa Kỳ đều có chung lằn ranh đỏ mà Hoa Kỳ sẽ đưa ra khi vấn đề này xảy đến,” ông nói với phóng viên. 

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã thẳng thắn hơn trong lời đánh giá của mình về tình hình này, cho biết rằng cách duy nhất để gìn giữ hòa bình là phải “chuẩn bị cho chiến tranh”. 

“Đó là thực tế. Chúng ta là một quốc gia với một di sản đáng tự hào mà chúng ta tưởng nhớ hôm nay, ngày đáng nhớ nhất trên tờ lịch của chúng ta,” ông Dutton nói mới Nine Network vào Ngày ANZAC, một ngày lễ kỷ niệm để tưởng nhớ những quân nhân của Úc và New Zealand đã phụng sự trong Đệ nhất Thế chiến. “Chúng ta quyết tâm bảo đảm rằng đất nước sẽ có được hòa bình.”

Đảng Lao Động đối lập trung tả Úc tiếp tục công kích liên minh chính phủ đương nhiệm, tuyên bố rằng chính phủ đã không chuẩn bị cho những hoàn cảnh chiến lược phức tạp mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang vướng mắc vào. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (bên phải) và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare duyệt đội danh dự trong một lễ đón tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, thứ Tư, ngày 09/10/2019. Hoa Kỳ tuyên bố hôm 18/04/2022, rằng nước này đang gửi hai quan chức cao cấp đến Quần đảo Solomon theo sau chuyến thăm tuần trước bởi Thượng nghị sĩ Úc trước các mối lo ngại Trung Quốc có thể thiết lập sự hiện diện quân sự ở đảo quốc Nam Thái Bình Dương này. (Ảnh: AP Photo/Mark Schiefelbein, Ảnh tư liệu)

“Đây là một chính phủ đang đấm ngực thể hiện mình giận dữ, nhưng khi cần thực sự ra tay giúp đỡ hay làm những gì cần phải làm, thì đây lại là một chính phủ lần nào cũng thất bại,” Phó Lãnh đạo Đảng Lao Động Richard Marles nói với các phóng viên ở Darwin hôm 25/04. “Lời nói là một chuyện, hành động mới là điều quan trọng và đây là một chính phủ thất bại liên hồi, như [sự thất bại] trong việc quản lý các mối bang giao của họ ở Thái Bình Dương.” 

Tuy nhiên, phát ngôn viên về các vấn đề quốc phòng của Đảng Lao Động Brendan O’Connor thừa nhận rằng việc hối lộ các quan chức ở Quần đảo Solomon có thể đã góp phần trong việc Bắc Kinh đạt được thỏa thuận đi quá giới hạn cho phép này. 

“Cũng có thể có trường hợp họ đã hành xử một cách không đứng đắn để thuyết phục Quần đảo Solomon tham gia vào một thỏa thuận như vậy,” ông nói với Đài phát thanh Quốc gia ABC.

Hiệp ước an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc được ký tuần trước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh rằng Bắc Kinh có thể sử dụng hiệp ước này để thiết lập sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực và gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Theo một bản dự thảo bị rò rỉ của hiệp ước này, Bắc Kinh sẽ có thể điều động cảnh sát, binh lính, vũ khí, hay thậm chí là chiến hạm hải quân — với sự đồng ý của Solomon – để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon.” 

Quần đảo Solomon nằm ở vị trí trọng yếu và là nơi diễn ra các cuộc giao chiến lớn trong Đệ nhị Thế chiến bởi tầm ảnh hưởng của quốc đảo này đối với các tuyến đường biển. Thỏa thuận an ninh này sẽ khuếch trương tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra ngoài Biển Đông cách thành phố Cairns ở phía bắc nước Úc trong phạm vi 1,700 km (1,060 dặm). 

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts