Tự tử đã trở thành nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở thanh thiếu niên

Vĩnh Long

Trên thế giới, tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong 10 năm qua. Kể từ năm 2014 đến nay, tự tử đã trở thành nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho nhóm tuổi này, sau tai nạn giao thông. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trẻ hóa độ tuổi tự tử.

Ruy-băng Vàng, một biểu tượng của Ngày Thế giới Phòng chống Tự tử (ngày 10/9 hàng năm). (Ảnh minh họa: Jo Panuwat D/Shutterstock)

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và Thanh thiếu niên”, do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức vào sáng 4/5.

Nhận định về khái niệm hành vi tự tử, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết tự tử là lựa chọn có chủ tâm, suy nghĩ thận trọng, cố ý tự làm hại bản thân với mong muốn được chết. Ý tưởng tự tử thường xuất hiện thoáng qua trong suy nghĩ của cá nhân rơi vào vô vọng, bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, hàng năm có khoảng gần 800.000 người chết vì tự sát mỗi năm (tương đương cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử).

Năm 2004, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em từ 10-14 tuổi, thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi, thanh niên 20 – 24 tuổi. Từ năm 2014 đến nay, tự tử đã là nguyên nhân thứ 2 gây ra tình trạng trên, chỉ sau tai nạn giao thông. Đáng lưu ý, tình trạng tự tử ở thanh niên 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong 10 năm qua.

Theo số liệu thống kê, thực trạng tự tử ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng; năm 2019 chiếm 7,5% dân số. Trên thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.

“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 [viêm phổi Vũ Hán] từ năm 2020 – 2022, tự tử lại càng đáng báo động khi tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng 3 – 5 lần so với bình thường khi theo khảo sát của WHO ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 khu vực cho thấy số ca tăng đáng kể, số người khám sàng lọc đáp ứng trầm cảm tăng 535%. Cũng theo đó trong giai đoạn này, nhóm tuổi từ 11-17 tuổi có tỷ lệ tự tử cao nhất”, ông Nam cho hay.

11% số vụ trẻ tự tử do bắt chước

Ông Nam cho hay gia đình gặp khủng hoảng tài chính, trẻ em và thanh thiếu niên bị cắt giảm chi tiêu hoặc bị đối xử hà khắc thường đi đến quyết định tự tử.

Đáng lưu ý, trong số các vụ tự tử thành công ở trẻ em và thanh thiếu niên, hành vi bắt chước từ vụ tự tử trước đó chiếm 11%. “Truyền thông đưa tin về tự tử càng chi tiết, rộng rãi, người tự tử càng nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội càng làm gia tăng số vụ tự tử do bắt chước trong tương lai”, ông Nam cho hay.

Ông Nam cho biết cách thức tự tử phổ biến ở trẻ em dưới 15 tuổi là nhảy từ các tòa nhà cao tầng hoặc chạy vào dòng xe cộ. Trẻ trên 15 tuổi thường tự tử bằng ma túy hoặc treo cổ.

Trong số các vụ tự tử được ghi nhận, 73% trường hợp tự tử xảy ra ở nhà, 12% xảy ra ở khu vực công cộng. 87% nạn nhân khi tự sát vẫn có ai đó ở bên cạnh nhưng không được cảnh báo và ngăn cản kịp thời.

Ông Nam nói thêm trầm cảm đóng vai trò chính dẫn đến vấn nạn tự tử hiện nay; do tác động về tâm lý, khi gia đình có một thành viên tự tử, khả năng một thành viên khác tự tử cao đến 70%.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng – khoa Công tác xã hội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay theo nghiên cứu của tổ chức Blum, năm 2012, tại Hà Nội, tỷ lệ tự sát và toan tự sát ở nhóm tuổi 15-24 là 2,3%. Tỷ lệ này lên tới hơn 20-24% ở nhóm tuổi 15-19.

Bà Tùng nhận định có nhiều yếu tố tác động đến hành vi tự sát ở trẻ. Theo đó, về mặt cá nhân, hầu hết trẻ em đều sử dụng mạng xã hội ảo để làm quen, nói chuyện với bạn bè. Khi gặp vấn đề cần sự hỗ trợ, chia sẻ trực tiếp, trẻ không có ai bên cạnh, dẫn đến dễ có hành vi tự sát. Ngoài ra, các vấn đề như bạo lực học đường, đặc biệt là hình thức bắt nạt trực tuyến cũng đẩy trẻ em vào nguy cơ tự sát. Trong thời gian nghỉ học do dịch COVID-19, trẻ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau nên dễ dàng bắt chước các hành vi tự sát trên mạng xã hội.

Một nguyên nhân khác là khi thay đổi hoàn cảnh sống, trẻ có chỉ số thích nghi xã hội thấp thường cảm thấy chông chênh, không thể đối mặt với khó khăn và chọn cách tự kết liễu.

Về phía gia đình, bố mẹ tất bật lo cho cuộc sống, thiếu sự giao tiếp với con cái, không phát hiện những thay đổi về mặt tâm sinh lý của con hoặc kỳ vọng vào trẻ gây nên áp lực về điểm số là nhiều lý do khiến trẻ nghĩ đến ý muốn được giải thoát.


Làm thế nào để giúp đỡ một người có khả năng tự gây tổn thương?

Để hỗ trợ cho người có khả năng đang tìm cách tự tử, ông Nam cho biết trước hết cần phải nhận diện được ý định tự tử, khi chủ thể có những câu nói “có vấn đề” như: “Sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu”, “Chả còn gì quan trọng cả”, “Thôi, mọi việc đều vô ích thôi”, “Chả còn gặp ai nữa đâu mà nói”…

Ngoài ra, trẻ có ý định tự sát cũng có những hành động bất thường như: bỗng dưng sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký cho người này món này, người kia món kia mà mình yêu thích, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, có hành động trả ơn bố mẹ…

Một kiểu biểu hiện khác là hành vi tự làm đau bản thân, như tự cắt tay, có nhiều hành vi mạo hiểm… để giải tỏa áp lực khi gặp khó khăn. “Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau để cảnh báo tự tử”, chuyên gia nói.

Mặc dù vậy, theo ông Nam, người tự tử thường có mong muốn mãnh liệt là được chết, nhưng cũng có mong muốn được sống. “Nên ở cạnh người có dấu hiệu muốn tự tử, không nên để họ một mình”,ông Nam chia sẻ. Người thân nên loại bỏ các vật dụng giúp họ tự tử như dao, kéo, dây thừng, thuốc…; cố gắng thuyết phục hoặc đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc tới bệnh viện gần nhất vì người có hành vi, ý định tự sát phải được sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp…

ThS.BS CKI Giang Ngọc Thụy Vy – Trưởng khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng sự quan tâm của gia đình và xã hội chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi tự sát. Bác sĩ Vy cho hay có 3 bước để phòng ngừa hành vi tự tử. Bước 1 là phát hiện ý tưởng và mưu toan tự sát. Bước 2 là ngăn chặn các hành vi tự sát. Bước 3 là ngăn ngừa tự sát tái diễn. Qua đó, người thân có thể giúp người có ý định tự tử thoát khỏi cuộc khủng hoảng nguy hiểm này.

Đề cập đến giải pháp giảm thiểu vấn nạn tự tử ở trẻ em, Ths Nguyễn Thị Thanh Tùng cho biết hầu hết thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang thiếu cơ sở hỗ trợ về sức khỏe tinh thần, chuyên gia có chuyên môn tâm lý.

“Mọi người thường coi trọng sức khỏe thể chất hơn sức khỏe tinh thần. Các phòng tham vấn tâm lý học đường và phòng công tác xã hội ở trường học hầu như chỉ hoạt động cầm chừng, cho có, chất lượng không đảm bảo. Chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng, số lượng ở các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý”, bà Tùng nói.

Ông Nam cho rằng cần xây dựng và phố biến các đường dây nóng tư vấn về vấn đề tự tử, việc này cũng sẽ có những hiệu quả nhất định trong việc hạn chế vấn đề tự tử ở trẻ.

TS tâm lý học Lê Nguyên Phương cho hay để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tự tử cần có những biện pháp toàn diện, đánh giá toàn diện, gồm: đánh giá khả năng trẻ em có thể tự tử, đánh giá các yếu tố nguy cơ (về môi trường, gia đình, xã hội) và đánh giá các yếu tố bảo vệ (những yếu tố tích cực như: có bạn bè, thích tập thể thao, nghệ thuật…).

“Yếu tố bảo vệ trẻ đầu tiên là cha mẹ, thông qua sự thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ con. Cha mẹ phải theo dõi xem con đang quan tâm vấn đề gì, đọc gì, xem gì và thảo luận với con về nội dung đó, sau đó cùng con đưa ra những kết luận tích cực cho cuộc sống”, ông Phương lưu ý.

Vĩnh Long

Related posts