Nguồn: “One Hundred Years of Solitude” is published, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này 1967, Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn) của Gabriel Garcia Márquez đã được xuất bản lần đầu tiên. Thường được coi là một tác phẩm tiêu biểu của văn học Mỹ Latinh, cuốn sách đã đưa Márquez trở thành ứng viên hàng đầu cho Giải Nobel Văn học, mà sau này ông đã được trao tặng vào năm 1982.
Trăm năm cô đơn viết về bảy thế hệ nhà Buendía, những người sáng lập hư cấu của thị trấn hư cấu Macondo ở Colombia, quê hương của Márquez. Trong phần lớn tiểu thuyết, thị trấn và dòng họ này gần như hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, thế nhưng những công nghệ mới, những biến động chính trị, và các công ty nước ngoài (Công ty American Fruit trong cuốn sách rõ ràng đang ám chỉ đến Tập đoàn United Fruit ngoài đời thực) đã chen vào cuộc sống của họ và định hình nên cốt truyện.
Một số sự kiện trong tiểu thuyết, chẳng hạn như Cuộc chiến Ngàn ngày, đã thực sự xảy ra, trong khi những sự kiện khác, chẳng hạn như vụ thảm sát công nhân đình công, lấy cảm hứng từ những khoảnh khắc có thật trong lịch sử Colombia. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm nổi bật của cuốn sách là chủ nghĩa hiện thực huyền diệu của Marquez. Những điều kỳ lạ xảy ra rất thường xuyên, nhưng lại được tác giả cũng như các nhân vật của ông xem là hoàn toàn bình thường. Một trong những thành viên của nhà Buendías đã hóa điên, và những năm cuối đời đã bị gia đình mình trói vào một cái cây. Một người khác có đến tận 17 đứa con trai ngoài giá thú, và trên trán đứa nào cũng có dấu tích vĩnh viễn của Ngày Lễ Tro mà không thể giải thích được. Một người khác lại bay lên trời ngay khi đang gấp quần áo. Xu hướng coi những sự kiện này là vụn vặt, bình thường của Marquez chính là dấu hiệu của chủ nghĩa hiện thực huyền diệu, một phong cách kể chuyện kỳ ảo rất phổ biến trong lứa tác giả Mỹ Latinh cùng thế hệ với ông.
Trăm năm cô đơn đã đạt được thành công ngay lập tức và về lâu dài. Nhiều nhà phê bình đã nhìn thấy sự xuất hiện của một phong cách Mỹ Latinh đặc trưng trong thuyết định mệnh (fatalism) và quan điểm lịch sử quay vòng của Marquez. Tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của William Faulkner và Vladimir Nabokov, trong khi nhà thơ người Chile Pablo Neruda gọi nó là “khải huyền vĩ đại nhất của ngôn ngữ Tây Ban Nha kể từ thời Don Quijote.” Khi nhận giải Nobel, Marquez đã giải thích một cách hùng hồn về ý nghĩa của chủ nghĩa hiện thực huyền diệu đối với cá nhân ông: “Tôi dám nghĩ rằng chính thứ hiện thực xa vời này, chứ không chỉ riêng cách diễn đạt văn học của nó, mới đáng được Viện Hàn lâm Thụy Điển chú ý đến. Một hiện thực không nằm trên trang giấy, mà là một hiện thực sống trong chúng ta … đầy đau thương và đẹp đẽ, mà Colombia luôn biến đổi và hoài cổ này chỉ là một đại diện khác mà thôi.”