Theo dữ liệu do Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 05/05, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chạm mức cao nhất trong 20 năm vào tháng Tư khi nước này tiếp tục đương đầu với lãi suất gia tăng, vốn trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Lạm phát giá tiêu dùng tăng vọt lên 69.97% mỗi năm vào tháng Tư và 7.25% hàng tháng, do giá năng lượng toàn cầu tăng cao và đồng lira suy yếu.
Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo lạm phát giá tiêu dùng hàng năm là 68% và hàng tháng là 6%.
Dữ liệu cho thấy, giá tiêu dùng tăng mạnh là do chi phí đi lại tăng 105.9% hàng năm, và giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 89.1%, trong khi đồ nội thất và thiết bị gia dụng tăng 77.64%.
Theo dữ liệu này, các mặt hàng truyền thông, quần áo và giày dép, giáo dục và y tế có mức tăng thấp nhất, mặc dù mức tăng vẫn còn ở các thành phố lớn như Istanbul, nơi nhiều người hiện đang chuyển sang các chợ giảm giá địa phương để mua hàng may mặc rẻ hơn.
Giá thực phẩm và đồ uống không cồn theo tháng tăng cao nhất ở mức 13.38% do các siêu thị liên tục bị buộc phải thay đổi giá gần như hàng tuần, trong khi giá nhà tăng 7.43%.
Trong những tháng gần đây, bất động sản ở các khu vực ít giàu có hơn của Istanbul đã tăng giá đáng kể, và nhiều người, bao gồm cả cộng đồng người ngoại quốc rộng lớn hơn trong thành phố này, thay vào đó đã phải cho thuê các phòng trong các ngôi nhà sử dụng chung.
Các căn hộ trước đây đã được cho người thuê thuê với giá khoảng 4,000 lira Thổ Nhĩ Kỳ (270 USD) vào thời điểm này năm ngoái thì hiện giờ đã lên tới hơn 9,000 lira (605 USD), có nghĩa là nhiều căn hộ trong số đó vẫn trống dù nhu cầu tăng lên.
Theo Bloomberg, trong khi đó, lạm phát năng lượng hàng năm tăng lên 118.2% từ 102.9% trong tháng Ba.
Trong một diễn biến khác vào thứ Năm, dữ liệu chính thức cho thấy chỉ số giá sản xuất trong nước đã tăng 7.67% theo tháng trong tháng Tư với mức tăng hàng năm là 121.82%.
Mặc dù người Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy áp lực khi đất nước chạm mức lạm phát cao nhất kể từ đầu năm 2002, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng cầm quyền của ông đã tiếp tục gây áp lực lên ngân hàng trung ương để cắt giảm lãi suất nhiều lần và sa thải những người chống đối, do đó đồng lira càng suy yếu hơn.
Ông Erdogan, một người kiên quyết phản đối lãi suất cao, cho biết lạm phát sẽ giảm theo một chương trình kinh tế mới, ưu tiên lãi suất thấp để thúc đẩy đầu tư, sản xuất, xuất cảng và việc làm, nhằm đạt được thặng dư tài khoản vãng lai.
Tuy nhiên, những người phản đối và các nhà kinh tế cho rằng việc giảm lãi suất sẽ chỉ dẫn đến lạm phát cao hơn, và do nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào hàng hóa nhập cảng trong nhiều lĩnh vực như năng lượng và nguyên liệu thô, chính sách của ông Erdogan đã tạo thêm áp lực lên giá tiêu dùng, bất chấp việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa căn bản và trợ cấp của chính phủ cho những thứ như hóa đơn tiền điện.
Tuần trước, Thống đốc ngân hàng trung ương Sahap Kavcioglu cho biết lạm phát hàng năm sẽ đạt đỉnh điểm tại mức khoảng 70% vào tháng Sáu trước khi giảm xuống gần 43% vào cuối năm và một con số vào cuối năm 2024.
Ông Kavcioglu nói: Giảm phát sẽ bắt đầu trong vài tháng tới “nhờ sự không khớp giữa cung cầu và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giảm dần, bên cạnh kết quả của các bước thực hiện nhằm ổn định giá cả.”
Thống đốc ngân hàng trung ương cũng lưu ý rằng lạm phát ngày càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và việc thắt chặt các hạn chế COVID-19 ở Trung Quốc, điều này đã tác động thêm đến chuỗi cung ứng, đồng thời tuyên bố rằng lạm phát sẽ giảm dần theo chính sách tiền tệ và sự phục hồi của “hòa bình thế giới.”
Ông cũng nói rằng hoạt động du lịch dự kiến sẽ tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay. Du khách đến từ Nga và Ukraine là những du khách phổ biến nhất mỗi năm đến Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên NATO, quốc gia có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga ở Biển Đen.
Ông Erdogan, người đã phản đối nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow vì cuộc xâm lược, đã kêu gọi cả hai bên đi đến một thỏa thuận liên quan đến một lệnh ngừng bắn.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch