Huyền Anh
Hôm 10/5, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức quy vụ tấn công mạng vào các hệ thống của Viasat- một nhà cung cấp dịch vụ mạng internet vệ tinh là do Nga thực hiện, và buộc nước này phải chịu trách nhiệm.
Hội đồng Liên minh châu Âu cho biết, cuộc tấn công kỹ thuật số nhằm vào mạng internet vệ tinh KA-SAT của Viasat hồi cuối tháng 2 diễn ra ngay khi thiết giáp của Nga được đưa vào Ukraine. Vụ việc được cho là chủ yếu nhắm vào những người dùng quân sự Ukraine của mạng Viasat KA-SAT. Tuy nhiên, nó cũng gây ra tình trạng ngừng cung cấp dịch vụ cho hàng nghìn người dùng ở Ukraine và làm gián đoạn dịch vụ ở một số quốc gia Trung Âu khác.
“Cuộc tấn công mạng này có tác động đáng kể gây ra tình trạng mất liên lạc và gián đoạn với một số cơ quan công quyền, doanh nghiệp và người dùng ở Ukraine, cũng như ảnh hưởng đến một số quốc gia thành viên EU. Cuộc tấn công mạng không thể chấp nhận được này là một ví dụ khác về hành vi của Nga trong không gian mạng, cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc tấn công Ukraine”, tuyên bố cho biết.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss gọi vụ tấn công mạng internet vệ tinh này là “cố ý và độc hại” và Hội đồng EU cho biết, nó cũng đã gây ra “tình trạng mất liên lạc” ở Ukraine và một số nước thành viên EU. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng chỉ trích các hành vi ác độc và hành vi gây hấn vô cớ của Nga trên đất liền, trên biển và không gian mạng, đồng thời đảm bảo nước này phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng”, Liz Truss khẳng định.
Ông Josep Borrell, đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết: “Cuộc tấn công mạng không thể chấp nhận được này là một ví dụ khác cho thấy Nga tiếp tục có những hành vi vô trách nhiệm trong không gian mạng, vốn cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc xâm lược Ukraine bất hợp pháp và phi lý. Hành vi như vậy đi ngược lại với kỳ vọng của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong khi đó Liên bang Nga cũng là quốc gia thành viên”.
Người phát ngôn Josep Borrell còn cho biết: “Các cuộc tấn công mạng nhắm vào Ukraine, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng quan trọng, có thể tràn sang các quốc gia khác và gây ra các tác động hệ thống khiến an ninh của công dân châu Âu gặp nguy hiểm”.
Liên minh châu Âu hiện cũng đang làm việc chặt chẽ với các đối tác của mình, đang xem xét các bước tiếp theo để ngăn chặn, ngăn cản, răn đe và ứng phó với các hành vi độc hại như vậy trong không gian mạng. Liên minh châu Âu cũng sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ phối hợp về chính trị, tài chính và vật chất cho Ukraine để tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng. Josep Borrell nói thêm: “Nga phải chấm dứt cuộc chiến này và chấm dứt sự đau khổ vô nghĩa cho con người”.
Có thể thấy, sự cố ngừng hoạt động của Viasat vẫn là cuộc tấn công mạng công khai nhất được thực hiện kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, một phần vì vụ tấn công này gây ra hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức cho người dùng internet vệ tinh trên khắp châu Âu và vì các modem bị tê liệt thường phải được thay thế thủ công.
Giám đốc An ninh mạng Rob Joyce của Cơ quan An ninh mạng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói với tờ Reuters bên lề một hội nghị an ninh mạng hôm 10/5 rằng: “Hậu quả chính xác của vụ tấn công mạng trên chiến trường Ukraine chưa được công khai, nhưng các hợp đồng của chính phủ cho thấy KA-SAT đã cung cấp kết nối internet cho các đơn vị quân đội và cảnh sát Ukraine. Và vụ phá hoại modem vệ tinh đã gây ra “tổn thất lớn về thông tin liên lạc trong giai đoạn đầu chiến tranh”.
Các cơ quan tình báo phương Tây, bao gồm Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, tổ chức an ninh mạng ANSSI của chính phủ Pháp và tình báo Ukraine điều tra vai trò tiềm tàng của Nga trong vụ tấn công vài ngày sau đó.
“Đây là bằng chứng rõ ràng và gây sốc về một cuộc tấn công có chủ ý của Nga nhắm vào Ukraine gây hậu quả đáng kể với người dân và doanh nghiệp ở Ukraine cũng như trên toàn châu Âu”, Ngoại trưởng Anh – Liz Truss cho biết.
Viasat cho biết trong một tuyên bố rằng họ “công nhận” các công bố này từ các quan chức phương Tây và sẽ tiếp tục làm việc với các quan chức chính phủ để điều tra vụ việc này. Tuy nhiên, công ty đã không cung cấp cập nhật về bình luận của một quan chức Viasat cho Reuters vào cuối tháng 3 rằng, các tin tặc vẫn đang cố gắng can thiệp vào hoạt động của công ty, mặc dù hiệu lực của động thái này hoàn toàn bị hạn chế.
Vụ tấn công mạng internet vệ tinh phá hoại modem vẫn là vụ tấn công dễ thấy nhất trong cuộc chiến, nhưng nhiều vụ khác đã diễn ra kể từ đó và không phải tất cả chúng đều được công khai. Giám đốc An ninh mạng Rob Joyce nói: “Đó là sự kiện đơn lẻ lớn nhất. Chiến sự này cho thấy đang có một hình thức tấn công mới lạ, nhưng đã có nhiều cuộc tấn công ăn theo sau đó nhưng chưa được phát hiện hoặc công khai”.
Trong một tweet vào hôm thứ Bảy (ngày 26/2), người sáng lập SpaceX, tỷ phú Elon Musk, tuyên bố ông đã cho phép Ukraine truy cập dịch vụ Internet vệ tinh Starlink.
Elon Musk cho biết, dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink của công ty ông, có sẵn ở Ukraine, đã chống lại các nỗ lực gây nhiễu và tấn công mạng của Nga, mặc dù nói thêm trong một bài đăng trên Twitter: “Họ đang tăng cường nỗ lực của mình”.
Starlink đã cung cấp thông tin cho những vùng đất đen tối của đất nước bị chiến tranh tàn phá, gồm hàng trăm bệnh viện và trạm y tế. Nó cho phép máy bay không người lái của quân đội Ukraine nhắm mục tiêu chính xác vào xe tăng và vị trí của Nga một cách hiệu quả.
Starlink của SpaceX là một mạng lưới vệ tinh tư nhân đang được triển khai, bay lơ lửng trên quỹ đạo thấp nhằm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên khắp thế giới. Hiện có hơn 1.500 vệ tinh Starlink đang hoạt động.
Huyền Anh
Theo Reuters