Bất động sản Việt sẽ vỡ nợ giống Trung Quốc?

Ngọc Minh

Nếu những điều khoản siết van tín dụng được áp dụng, thị trường BĐS lo ngại sẽ lại đối mặt với nguy cơ trở lại thời kỳ “băng giá” của BĐS. (Ảnh: HOÀNG ĐÌNH NAM / AFP qua Getty Images)

Tháng 4 vừa qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành với lượng gấp đôi cùng kỳ 2021, nhưng không có chứng khoán bất động sản (BĐS). Thông điệp siết tín dụng BĐS của SBV và các vụ xử lý hình sự liên quan tới BĐS gần đây có thể tạo ra cú phanh gấp về dòng vốn lớn nhất chảy vào thị trường BĐS là vốn tín dụng. Cú “phanh gấp” này được đánh giá là có thể tạo ra những hậu quả khó lường, thậm chí, nguy vỡ nợ trái phiếu BĐS giống Trung Quốc rất có thể sẽ xảy ra.

Bất ngờ ‘phanh gấp’ 

Báo Tuổi trẻ gần đây đưa tin về trường hợp anh anh K. (Bình Dương) cho hay để vay tiền mua nhà từ một ngân hàng trong nhóm Big 4, anh đã ký hợp đồng thế chấp căn nhà tại TP Dĩ An. Được hẹn giải ngân vào ngày 18/4 nhưng đến ngày này, chi nhánh ngân hàng bất ngờ dừng giải ngân vì có chỉ đạo ngừng cho vay bất động sản (BĐS) từ ban lãnh đạo.

Theo thông báo khẩn, trung tâm khách hàng phía Nam của ngân hàng thông báo cho chi nhánh này dừng giải ngân từ ngày 18 đến 20/4 và chỉ tập trung thu nợ đến hạn. Trong khi đó, anh K. đã vay mượn bên ngoài trả trước hạn khoản vay ở ngân hàng cũ để vay mới tại ngân hàng này. Do vậy khi kế hoạch giải ngân bị thay đổi bất ngờ, anh K. không biết xoay xở như thế nào.

“Khi tôi phản ứng vì sao ngân hàng lại “phanh gấp” như vậy thì phía chi nhánh đưa ra tin nhắn thông báo qua điện thoại từ hội sở, trong đó nêu lý do tạm ngừng giải ngân là do cần cơ cấu lại danh mục và hệ thống cũng đã ngắt tính năng giải ngân nên chi nhánh cũng không làm gì được. Tôi rất bức xúc”, anh K. nói.

Đây không phải là ngân hàng đầu tiên bất ngờ “phanh gấp” tín dụng BĐS. Trên thực tế các ngân hàng đã hạn chế tín dụng vào BĐS hơn một tháng qua. Ngân hàng Sacombank mới đây đã thông báo tạm dừng nhận hồ sơ mới. Với các trường hợp đặc biệt phát sinh phải trình giám đốc vùng phê duyệt trước khi chuyển cho khối thẩm định.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu hạn chế tín dụng cho đầu cơ BĐS, BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng… trên địa bàn TP.HCM.

Không chỉ vậy, sau khi một số ngân hàng siết vốn cho vay BĐS, lãi suất cho vay mua, sửa chữa nhà tại các ngân hàng đã từ 0,5 – 1,5%/năm do khách hàng dồn sang vay tại những ngân hàng còn “room” cho vay BĐS.

Theo ghi nhận trên thị trường, hiện mức lãi suất cho vay BĐS được một số ngân hàng có vốn nhà nước áp dụng là 8 – 8,2%/năm cố định trong thời gian đầu ưu đãi. Sau thời gian này sẽ áp dụng bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ từ 4 – 4,5%/năm, tương đương 9,5 – 10%/năm.

Trong khi đó các ngân hàng cổ phần áp dụng mức lãi suất cao hơn và thời gian ưu đãi cũng ngắn hơn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm và thời gian ưu đãi càng dài lãi suất càng cao. Nếu cố định 6 tháng lãi suất khoảng 8%, cố định 12 tháng lãi suất lên mức 9%/năm, sau đó mức lãi suất dao động khoảng 11 – 12%/năm.

Ngoài ra, việc 4 công ty BĐS lớn bị điều tra cũng khiến NHTM không dám cho 4 công ty này vay cũng như không dám cho doanh nghiệp BĐS khác vay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA), trong tháng 4/2022, không có đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào và có 23 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 16,472 tỷ đồng. Đáng chú ý, không có doanh nghiệp BĐS nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, dòng tiền đổ vào BĐS từ tín dụng và TPDN, hai dòng tiền lớn nhất của thị trường này, đang có dấu hiệu đột ngột bị đóng băng. Cú phanh gấp tín dụng vào thị trường BĐS hồi năm 2012 – 2013 khi Ngân hàng nhà nước (SBV) tăng hệ số rủi ro với tín dụng cho vay BĐS từ 150% lên 250%. Chính sách này khiến các ngân hàng thương mại đột ngột phải dừng cho vay BĐS. Thị trường BĐS vốn 80% phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng dòng vốn đột ngột bị chặn đứng khiến thị trường đóng băng nhiều năm sau đó, chưa kể các tổn thất về nợ xấu khi dự án không thể tiếp tục triển khai. 

Cảnh báo bong bóng BĐS vì nguồn vốn ‘nợ dưới chuẩn’ ồ ạt đổ vào thị trường 

Sau thời gian tạm thời đóng băng vì dịch Covid, thị trường BĐS Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhờ dòng vốn đổ vào thị trường BĐS, cả tín dụng và TPDN. 

Năm 2021, tín dụng tăng 12,97% trong khi cung tiền M2 chỉ tăng 8,93%. Trong đó, ước tính, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS lên tới 17,14% so cùng kỳ; cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chiếm khoảng 20,11% dư nợ toàn hệ thống. BĐS là một trong những ngành kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống.

Nhưng tăng trưởng TPDN BĐS, một loại nợ dưới chuẩn trong hệ thống tài chính, thậm chí còn lớn hơn nhiều. 

Số liệu cho thấy, năm 2018, TPDN phát hành đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng. Năm 2020, TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP chỉ phát hành hơn 330.000 tỷ đồng. Năm 2021, BĐS vẫn là ngành phát hành nhiều TPDN nhất, chiếm tỷ trọng gần 40% lượng TPDN phát hành năm qua; tương đương 285,6 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2020). Đây cũng là ngành nghề có lãi suất sơ cấp bình quân cao nhất với mức lãi suất gần 9,8% (theo báo cáo của công ty chứng khoán Techcombank).

Trong số các TPDN BĐS phát hành có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu (một loại tài sản cực kỳ rủi ro khi . Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8%-13%/năm, bên cạnh đó có một vài doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5%-6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142,389 tỷ đồng, chiếm 67.33%.

Theo Báo cáo của Fiin Ratings, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các DN niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn nữa, rủi ro hơn nữa vào cuối năm 2021.

Nguyên nhân của rủi ro bất thường từ dòng vốn đổ vào BĐS

Trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết này đầu hết là phát hành riêng lẻ cho các bên mua chính là ngân hàng và CTCK; phần lớn có tài sản tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Tuy nhiên, tài sản thế chấp hay tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ, trong khi giá trị thu hồi rất thấp do tính phức tạp của các thủ tục xử lý tài sản thế chấp và thời gian kéo dài. Ngoài ra, việc thiếu vắng các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ khiến TPDN BĐS trở thành rủi ro lớn nhất trên thị trường vốn hiện nay.

Dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chiếm khoảng 20,11% dư nợ toàn hệ thống. BĐS là một trong những ngành kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống. (Ảnh minh họa: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Tính chung lại, 74% giá trị TPDN phát hành bởi các công ty BĐS được nắm giữ trong hệ thống các NHTM và CTCK có liên kết mạnh mẽ với NHTM. 

Thực tế, việc các NHTM hoặc các CTCK có liên kết với NHTM mua lại TPDN của công ty BĐS được xem như một khoản tín dụng đổ vào thị trường BĐS (theo luật hiện hành). Các định chế này cũng phải hạch toán, trích lập dự phòng và theo dõi khoản TPDN ôm giữ như một khoản tín dụng. Tuy nhiên, do chuẩn mực phát hành TPDN thấp hơn nhiều so với quy trình và yêu cầu đòi hỏi thẩm định với một khoản vay tín dụng, nên TPDN BĐS do NHTM và các công ty liên kết của họ nắm giữ nên được xem như một khoản cho vay dưới chuẩn.

Thị trường TPDN Việt Nam cũng có nét giống như ở Trung Quốc, rủi ro ngày càng gia tăng bởi năng lực quản lý vốn quá yếu, năng lực tài chính của các công ty phát hành nợ là ‘ẩn số’ vì thiếu minh bạch thông tin cũng như xếp hạng tín nhiệm. Năm 2023 – 2024 sẽ là hai năm mà khoản nợ dưới chuẩn, 80% được phát hành bởi những doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém (như bình luận của Fiin Ratings) sẽ đến giờ đáo hạn. 

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp càng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thu hút lượng tiền nhàn rỗi. Lý do là chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất tiền gửi đang bị găm ở mức cao, nên nhà đầu tư sẵn sàng chọn TPDN có lợi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng bất chấp các rủi ro tiềm ẩn như phân tích ở trên. 

Đối với đơn vị cần huy động vốn, việc vay tiền ngân hàng phải thỏa mãn nhiều điều tín dụng khắt khe hơn, kỳ hạn cho vay ngắn (dưới 1 năm). Lý do bởi vì các NHTM bị hạn chế bởi chính sách tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của SBV. Bởi vậy, nếu có thể phát hành TPDN thì vừa không có điều kiện thẩm định tài chính gắt gao, vừa vay dài hạn, đây hiển nhiên là nguồn vốn mơ ước của mọi công ty BĐS, đặc biệt là công ty có năng lực tài chính yếu kém, dù lãi suất có cao hơn. 

Việc thị trường TPDN tăng trưởng nhanh và dần bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) – là điều chưa từng xảy ra trước đây. Nhất là sau ngày 1/1/2021, khi nhiều quy định mới về phát hành TPDN bắt đầu triển khai và áp dụng rộng rãi thì thị trường này càng nở rộ. Đáng chú ý, phần lớn TPDN trên thị trường là trái phiếu của các DN BĐS. 

Thị trường TPDN tăng trưởng “nóng” đang dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán! Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021, có tới 94,5% lượng TPDN phát hành là trái phiếu riêng lẻ số lượng lớn. Đáng chú ý là trong số các TPDN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bằng các dự án hình thành trong tương lai, có tính biến động rất cao về giá và khó định giá chính xác, càng khó đòi tiền khi đáo hạn hoặc nếu DN vỡ nợ hay phá sản! Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp BĐS phát hành riêng lẻ đầu năm 2022 này, có tới 26 DN thua lỗ mà vẫn phát hành TPDN thành công…!

Hiện nay, trên chợ tài chính, các hội nhóm buôn bán trái phiếu, kể cả trên các diễn đàn “có tổ chức”, nhiều TPDN luôn được tự do chào bán với lãi suất trên 10%, có nơi đến 13-18% /năm với những lời cam kết hấp dẫn như: mua trái phiếu được thế chấp trái phiếu để vay lại vốn ngân hàng, được ngân hàng bảo lãnh, được mua lại bởi chính công ty phát hành, được đảm bảo bằng BĐS hoặc cổ phiếu của công ty phát hành…đã gây hỗn loạn thị trường.

Phía sau “cơn sốt” TPDN, thị trường cũng chứng kiến một số vụ sai phạm xảy ra, điển hình là Tập đoàn VsetGroup với gần 300 tỉ đồng giá trị trái phiếu riêng lẻ phát hành gây thiệt hại cho khoảng 700 nhà đầu tư.

Gần đây, Bộ Công an đã xác định trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, các công ty của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật để huy động tiền với số lượng rất lớn của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu…Theo đó, ngày 4/4/2022, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng bởi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Một trong những lý do đang làm xáo động thị trường chứng khoán hiện nay là chúng ta chưa có luật về các tiêu chí cho phép phát hành TPDN. Thậm chí tại điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế còn qui định: “…doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành” – Nghĩa là DN được quyền tự quyết với nhà đầu tư về thời hạn, số lượng, giá cả, điều kiện bảo đảm và mục tiêu phát hành TPDN…. Điều này đã tạo khe hở về cơ chế cho DN tự do huy động vốn trên TTTC vốn rất nhiều rủi ro. 

Trong khi đó, công cụ để phản ánh còn rất yếu và hẹp vì cơ sở pháp lý cho hoạt động phát hành TPDN trên TTTC còn thiếu, mờ nhạt . Vụ việc cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua chỉ là một điển hình trên bề nổi của tảng băng, bề chìm chắc chắn còn rất nhiều. 

Cú ‘phanh gấp’ khiến thị trường ‘lạnh sâu’

Hoạt động kinh doanh (cung) và cầu đầu tư, mua nhà (cầu) trên thị trường BĐS phụ thuộc 80% vào vốn vay từ hệ thống NHTM. Đặc trưng thị trường BĐS cần nguồn vốn đòn bẩy lớn, dài hạn khiến thị trường này luôn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, chất lượng và quy mô của dòng vốn tín dụng từ các NHTM, dòng vốn phát hành TPDN. 

Trên thực tế, cú phanh gấp này có thể tương đương với việc xếp tín dụng BĐS ở nhóm có trọng số rủi ro (trong việc tính toán CAR) của NHTM từ 150% lên 250% đang khiến BĐS đứng trước nguy cơ trở lại thời kỳ trì trệ của giai đoạn sau 2011.

Còn nhớ, từ giữa năm 2008, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh, toàn thị trường gần như “tê liệt” vì thiếu vắng các hoạt động vay, thuê mua nhà, khách hàng lẫn DN mất lòng tin với thị trường. Năm 2010, khi thị trường vừa khởi sắc và đang tăng tốc thì tháng 2/2011, thông tư 13 đã xếp các khoản vay của các công ty chứng khoán và các khoản vay của các công ty kinh doanh BĐS vào nhóm có hệ số rủi ro 250%, trước đó là 150%. Đồng thời, NHNN siết chặt các điều khoản vay cho kinh doanh BĐS cũng như NHNN đã xây dựng kịch bản để giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất này xuống 16% vào cuối năm. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất lên đến 20 – 24%/năm khiến nhiều doanh nghiệp BĐS, cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở phải từ bỏ ý định vay vốn ngân hàng. 

Và đó chính là thời điểm “lạnh sâu” của thị trường BĐS với hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng trăm dự án dở dang và hàng trăm ngàn người mua nhà “mắc kẹt”. 

Nhắc lại các câu chuyện trên để thấy, nếu những điều khoản siết van tín dụng được áp dụng, thị trường BĐS lo ngại sẽ lại đối mặt với nguy cơ trở lại thời kỳ “băng giá” của BĐS.

Bên cạnh đó, việc mở – đóng đột ngột với một ngành kinh tế có tính chất dài hạn như BĐS sẽ gây sốc cho thị trường. Việc điều chỉnh này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước và người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô. Động thái siết vốn sẽ ngay lập tức tác động làm tăng lượng hàng hóa tồn kho, vì người bán không đủ tiền xây tiếp, người mua không có tiền để mua, các công trình xây dựng, dự án nhà ở vẫn tiếp tục bị bỏ hoang gây lãng phí xã hội rất lớn; đồng thời đình trệ các ngành kinh tế liên quan.

Thực tế, trong 2 – 3 năm vừa qua, nếu doanh nghiệp các lĩnh vực khác được vay lãi suất từ 7 – 9%/năm thì BĐS phải trả lãi từ 11 – 13%/năm. Đó là chưa kể điều kiện để được vay vốn luôn chặt chẽ hơn rất nhiều so với phương án kinh doanh bình thường. Với việc liên tục yêu cầu hạn chế từ NHNN thì một số nhà băng cũng tiếp tục giảm hạn mức cho vay. Chẳng hạn một số dự án trước đây được cho vay khoảng 70% thì nay chỉ được duyệt khoảng 50% nhưng hồ sơ vẫn đang nằm chờ xem xét và chưa biết khi nào được thông qua.

Chưa kể, hoạt động phát hành trái phiếu của DN cũng đang bị siết lại khiến nhiều DN gặp khó trong việc huy động vốn. Không được vay mới thì dự án không có, không thể tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Tín dụng bị cắt đột ngột, nhiều dự án dở dang cũng không thể hoàn thành và bản thân DN lại không có nguồn thu, NH lại đối diện với nguy cơ nợ xấu…

Doanh nghiệp địa ốc giờ đây đối mặt với rất nhiều khó khăn đến cùng trong một bối cảnh: Lãi suất có xu hướng tăng lên; nền giá đất cao khiến giải phóng mặt bằng khó khăn; thị trường nợ gồm trái phiếu gần như đóng băng, tín dụng BĐS bị thắt chặt; thị trường vốn cũng khó khăn không kém khi các chỉ số chứng khoán đang chịu áp lực suy giảm, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp lao dốc thời gian qua.

Với kênh trái phiếu doanh nghiệp, lưu ý rằng phần lớn các mã TPDN sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022-2024. Việc thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán gốc lãi đúng hạn cho trái chủ, trong bối cảnh khan hiếm tiền như hiện nay, là thách thức không nhỏ đối với các nhà phát hành, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Theo số liệu của Fiin Ratings, có 33,6 nghìn tỷ TPDN BĐS sẽ đáo hạn trong năm nay, 39,5 nghìn tỷ năm 2023 và đỉnh điểm là 64,9 nghìn tỷ đồng năm 2024. Giai đoạn 2025-2026 sẽ giảm dần về còn 28,8 nghìn tỷ đồng và 13,8 nghìn tỷ đồng.

Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn trong giai đoạn 2022-2024. Nguồn: Fiin Ratings

Như vậy, các TPDN BĐS đáo hạn năm 2023 và 2024 không có khả năng trả nợ đúng hạn và hậu quả kéo theo có thể sẽ rất khủng khiếp: Vỡ nợ trái phiếu BĐS giống Trung Quốc sẽ xảy ra.

Vỡ nợ trái phiếu BĐS giống Trung Quốc sẽ xảy ra?

Liên quan đến nguồn vốn cho BĐS, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch CTCP Tập đoàn BĐS Lan Hưng, bày tỏ thêm: “Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi khẳng định thị trường BĐS đang rất khó. Nếu không gỡ vướng được về vốn cho thị trường thì từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều khó khăn, hệ lụy. Các dự án BĐS lớn, nhỏ đều sẽ dừng triển khai, thị trường bị tắc nghẽn, thậm chí có thể đi đến bờ vực”.

Theo thống kê của Fiin Ratings, 9 tháng năm 2021, lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết lên đến 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần doanh nghiệp niêm yết. Đáng lưu ý, hệ số nợ vay ròng/EBITDA của nhóm nhà phát hành này lên đến hơn 8 lần (nghĩa là nếu dùng dòng tiền hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp mất hơn 8 năm mới trả được nợ).

Tỷ lệ này còn cao hơn tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại Evergrande (tập đoàn BĐS lớn của Trung Quốc) trước khi phát nổ bom nợ TPDN hơn 300 tỷ USD, thì rõ ràng, nguy cơ vỡ nợ của nhóm doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết ở Việt Nam là rất lớn. 

“Doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính lớn trong khi tình hình kinh doanh có vấn đề, dẫn đến rủi ro thanh toán nghĩa vụ tài chính. Vì vậy, đang có những rủi ro nhất định liên quan nếu nhà đầu tư mua phải trái phiếu của một đơn vị phát hành có sức khỏe tài chính yếu”, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Phó trưởng phòng Phân tích rủi ro tín dụng, Fiin Ratings cảnh báo.

Việc TPDN phát triển quá nóng khiến nhiều cơ quan quản lý phải lo lắng. Mới đây, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết chặt hoạt động mua TPDN của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trong quá trình điều tra các doanh nghiệp không có vốn mà phát hành, đơn vị phát hành trái phiếu sai quy định, thậm chí, không phải công ty đại chúng mà phát hành ra công chúng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu là có thật. Chính vì vậy, việc dọn TPDN “rác” và minh bạch thông tin thị trường là rất cần thiết. 

PGS – TS Ngô Trí Long cho biết, đối với quy định dự kiến siết điều kiện phát hành gồm: yêu cầu công ty không được lỗ lũy kế năm trước khi phát hành, phải là công ty đại chúng, có tài sản đảm bảo mới được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nếu áp dụng chắc chắn sẽ khiến 80% doanh nghiệp đang phát hành hiện nay (khoảng 383 doanh nghiệp) bị loại ra khỏi cuộc chơi.

“Thị trường quốc tế trái phiếu là trái phiếu. Từ Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đều bắt buộc minh bạch, công khai. Khuôn khổ kê khai thông tin của họ rất chuẩn mực, như cáo bạch chứng khoán.

Mình thì phát hành riêng lẻ gửi mỗi công bố lên Sở giao dịch HNX, báo cáo tài chính cũng không thấy. Khung về công bố thông tin để mọi người biết rõ và tự quyết định. Cho nên, chỉ có minh bạch mới là giải pháp căn cơ nhất”, chuyên gia này kiến nghị.

Ngọc Minh

Related posts