Duyệt binh, múa máy, hội hè

Nguyễn Hoàng Văn

Năm nào cũng vậy, đến “Ngày Chiến Thắng” là quân Nga duyệt binh, cực kỳ đẹp mắt, cực kỳ hoành tráng và cực kỳ oai dũng, hơn cả thơ Quang Dũng “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Thế nhưng, như đã thấy trên thực địa chiến trường kể từ tháng Ba năm nay, đoàn quân này đã hiện nguyên hình một thứ gà phải cáo, đánh đấm chẳng ra trò trống gì với cả một đối thủ dưới cơ để hệ quả là ngày lễ năm nay chúng ta chỉ thấy một buổi duyệt binh gắng gượng, và một bài diễn văn “y như là thất bại” của lãnh tụ số một dù đã cương giọng, lên gân. [1]

Dĩ nhiên là chỉ với trường hợp của Nga chúng ta không thể kết luận rằng càng duyệt binh hay bao nhiêu thì sẽ càng đánh đấm tệ bấy nhiêu. Tuy nhiên cũng một thứ quan hệ tương liên nào đó giữa “nghi lễ” này với thiết chế chính trị: thể chế càng độc tài bao nhiêu, càng không tiếc tiền đầu tư cho các cuộc duyệt binh bấy nhiêu.

Yêu chuộng hoà bình đến đâu đi nữa thì quốc gia nào cũng có nhu cầu chứng tỏ sức mạnh với bên ngoài và khích lệ tinh thần của dân chúng bên trong và những nghi thức biểu diễn sức mạnh này là một hoạt động bình thường. Tuy nhiên khi sự biểu diễn trở nên quá tải với tài nguyên quốc gia thì hành động ấy sẽ trở nên bất bình thường.

Chưa thấy nước dân chủ nào duyệt binh đẹp và hoành tráng như Nga, như Bắc Hàn và, mấy năm qua lại có thêm Trung Quốc. Mỹ có quân đội hùng mạnh vào bậc nhất và nền kinh tế cũng vào hạng nhất nhưng chúng ta hiếm khi thấy các Tổng thống Mỹ vung vít tài nguyên cho niềm tự hào chỉ tồn tại có mấy tiếng đồng hồ này!

Chuyên cần hạng nhất trong trò này thì phải nói đến Bắc Hàn. Đó là những đội ngũ công nông binh mấy vạn ngàn người thẳng tắp, người người lớp lớp điệp trùng với túm vải đủ màu trông như bó hoa trên tay: họ đưa tay này lên, cái khối đông biến thành lá cờ; họ đưa tay kia lên, khối đông hoá thành chân dung của “lãnh tụ kính yêu”; rồi họ bắt chéo tay sao đó, đám đông tự dưng hoá thành một khẩu hiệu chính trị, trông cứ như là làm xiếc. Nhưng đẹp thì đẹp, bắt mắt thì bắt mắt, cái thảm kịch mà người dân Bắc Hàn đang gánh chịu lại là điều không cần phải nhắc.

Thực chất cái dáng đi mà quân đội Bắc Hàn bỏ ra bao công lao luyện tập lại là bước đi stechschritt mà quân đội Phổ đã nặn ra từ giữa thế kỷ 18, phong cách duyệt binh tiếp nối nhau sống mãi theo ý đồ hăm dọa của những lãnh tụ độc tài bệnh hoạn, từ Adolf Hitler đến Benito Mussolini hay Joseph Stalin, từ Mao Trạch Đông đến là Kim Chính Nhật, nay tiếp nối thêm với Vladimir Putin, với Tập Cận Bình. Họ phung phí tài nguyên vào “việc múa” để hăm doạ thế giới về một thảm kịch nếu dám động đến mình.

Nhưng những thể chế độc tài tại Nga, Bắc Hàn hay Trung Quốc có kỳ công duyệt binh bao nhiêu cũng không thể tạo nên ấn tượng mạnh như Đức Quốc Xã năm nào. Có thể nói, cho tới nay vẫn chưa có quốc gia nào qua mặt được chế độ phát xít ấy với màn biểu diễn đỉnh cao của 700000 tham dự viên trong đại hội đảng tại Nuremberg năm 1934, chỉ một năm sau khi Hitler cầm quyền, được nữ đạo diễn Leni Riefenstahl ghi lại trong “kiệt tác tuyên truyền” mang tên Thắng lợi của Ý chí (Triumph of the Will).

Đó là những hàng ngũ thanh niên thiếu nữ tràn trề sức sống với phù hiệu phát xít trên vai, trên ngực và trên đầu. Đó là những biểu ngữ và biểu tượng Phát xít rợp trời, những bó đuốc tạo thành phù hiệu làm sáng cả trời đêm. Nhưng, cùng với những yếu tố khác, cái màn “múa biểu diễn sức mạnh” ấy đã biến nước Đức thời ấy thành một bộ lạc của “tông tộc vĩ nghiệp Aryan”, cái bộ lạc với mối ám ảnh dằng dặc về “không gian sinh tồn” của mình và sổ toẹt mọi lề luật phép tắc của nhân loại. Và đó là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. Cho dù duyệt binh đẹp đến đâu, phô trương sức mạnh hiệu quả đến đâu, chế độ phát xít này đã kết thúc một cách bi thảm sau 12 năm tồn tại để rồi trở thành nỗi nhục riêng của dân tộc Đức và là thảm họa vô tiền khoáng hậu của nhân loại.

Đó là Đức của năm 1945 và bây giờ, có lẽ, đang đến lượt Nga rồi sau nữa sẽ là Bắc Hàn, Trung Quốc. Chẳng chóng thì chầy, những thể chế nhẫn tâm giẫm lên khát vọng sống, khát vọng làm người của dân tộc mình, ngang ngược đạp lên những lề luật và phép tắc của nhân loại đều kết thúc trong cái hố rác của lịch sử!

II

Nhìn xa hơn một chút thì nghi lễ duyệt binh nói trên có liên quan gì đến trò múa máy của các bộ lạc xa xưa?

Mỗi lần xem tin tức trên truyền hình tôi đều lấy làm thương hại cho nữ hoàng hay thái tử nước Anh, thủ tướng của Úc hay của Tân Tây Lan, khi họ viếng thăm những cộng đồng thuộc bộ tộc Zulu ở Phi Châu, thổ dân Úc, Tân Tây Lan hay các đảo quốc Thái Bình Dương. Ấy là vì họ phải trân người ra chịu đựng cái cảnh “múa chào mừng quan khách” dài lê thê, chán ngắt. Trong thâm tâm ắt hẳn những nhân vật trịnh trọng ấy đều ngán như ngán mỡ với cái màn “múa” lôi thôi kia nhưng phải bấm bụng cười tươi bởi nghi thức là nghi thức, bởi đó là phép tắc, nếu không “bằng lòng” thì họ cũng phải thể hiện cho được sự “bằng mặt” bên ngoài, cái ý nghĩa mà người Anh gọi là political correct: có “chính trị phải đạo” như thế thì mới xây dựng nổi một thế giới hoà hợp và hoà bình.

Nhưng vấn đề là tại sao các bộ lạc này lại thích múa như thế?

Theo các nhà nhân chủng học thì múa là một trong những hình thức thông đạt, một nghi thức mà con người thời mông muội sử dụng để giao tiếp với thần linh; là hình thức ngôn ngữ thân xác có tác dụng xoá bỏ khoảng cách giữa cá nhân để từ đó đề cao tinh thần cộng đồng. Với giới lãnh tụ bộ lạc thì múa còn là một phương thức sai khiến bởi khi hoà mình vào một điệu múa, khi nhất cử nhất động tuân theo những quy tắc nhịp điệu bó buộc mang tính tập thể thì một cá nhân không còn là cá nhân nữa mà là cái đinh vít của bộ máy cộng đồng.

Một đám đông sẽ mãi mãi là một mớ lộn xộn rời rạc và ô hợp nếu không có những quan hệ gắn kết và chính những động tác múa mang tính biểu tượng cùng những giá trị tinh thần chuyển tải đã làm nên chất keo tinh thần để tạo thành bộ lạc. Như thế thì các màn “múa chào quan khách” chính là một sự tự khẳng định, một sự tự giới thiệu về mình như một cộng đồng thuần nhất, đầy sức mạnh, không phải một đám đông bát nháo.

Do đó, về bản chất, việc múa này cũng giống các nghi thức huấn nhục và diễu hành để biến người lính tân binh trở thành một phần của cỗ máy quân sự. Về bản chất, nó cũng giống như người say rượu khi bị ma men biến mình trở thành “không là mình”, một người “say múa”, khi đã hoà vào nhịp điệu chung, cũng sẽ “không còn là mình” và sẽ dễ bị sai khiến hơn. [2]

Và như thế, nếu các cộng đồng chậm tiến đóng khố cởi trần “múa chào mừng quan khách” thì những thể chế phát triển lại tiến hóa lên một mức cao hơn với nghi thức duyệt binh. Những ông tù trưởng đóng khố cởi trần sử dụng đội quân chân trần múa may để khẳng định sức mạnh với người ngoài và mê hoặc người bên trong. Còn những chính trị gia bệ vệ mặc veston – cà vạt hay lễ phục đầy huy chương thì sử dụng các cuộc duyệt binh cũng chỉ với cùng mục đích: khoe khoang với bên ngoài và mê hoặc người dân bên trong!

III

Ngoài nghi thức “múa” mang tính cộng đồng, để chào mừng hay để biểu diễn, còn một thứ “việc múa” khác mang tính chất tiêu khiển cá nhân mà chúng ta quen gọi là “khiêu vũ”. Tuy nhiên trò tiêu khiển cá nhân này lại thường đi đôi với một tập tục cộng đồng là hội hè: những dân tộc khiêu vũ giỏi, thích múa may, cũng là những dân tộc ưa hội hè mà, đáng nói hơn, lại thường là những dân tộc chậm tiến, hay, nói một cách khác, những dân tộc phát triển không nổi!

Có thể thấy rõ điều này qua cách biệt Bắc – Nam trong sự phát triển của Châu Mỹ.

Cùng có một lịch sử khai phá như nhau, cũng dồi dào tài nguyên như nhau, tại sao phần đất gọi là Châu Mỹ La Tinh lại tụt hậu khá xa với Mỹ và Canada? Mexico, chẳng hạn, còn được khai phá sớm hơn và tiểu bang với nền kinh tế lớn nhất nước Mỹ là California từng là phần đất của Mexico mà dấu vết ngày nay vẫn còn đó với những thành phố mang tên thánh như là San và Santa. Vậy thì tại sao ngày hôm nay người Mexico lại phải liều chết vượt biên giới chạy về vùng đất cũ của mình chỉ để làm thuê cho người Mỹ? Rồi Brazil, Argentina, những nước cũng rộng lớn, cũng giàu tài nguyên, cũng có một lịch sử khai phá tương tự và cũng những câu hỏi tại sao, tại sao tương tự? Họ thua trong “việc nước” nhưng nếu chuyển sang “việc múa” thì cán cân sẽ quay ngoắt 180 độ bởi không có nơi nào trên thế giới này mà con người lại sáng tạo và bốc lửa trên sàn nhảy như là người Mỹ La Tinh.

Nhà xã hội học Đức Max Weber đã kiến giải điều này bằng yếu tố “Văn hoá Tin Lành”, trình bày trong tuyển tập tiểu luận Đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản (The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism), khởi viết từ năm 1904, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 1930, khi Weber đã qua đời.

Giáo lý Tin Lành dựa trên tư tưởng thần học cải cách của John Calvin, theo đó thì các con chiên ngoan đạo không nhất thiết phải xa rời những lợi ích phù thế bởi những hoạt động mang lại lợi ích kinh tế cũng hàm chứa một ý nghĩa đạo đức và tâm linh tích cực. Theo Weber thì chính tư tưởng “thế tục hoá” này, cùng các yếu tố khác, đã thúc đẩy những cải cách xã hội và kinh tế mang tinh thần tư bản tại Bắc Âu và Bắc Mỹ và cách nói này chỉ là một hình thức tối giản hoá những phân tích của Weber. Ở đây chúng ta có thể đơn giản hoá kiến giải này qua hình tượng cụ thể của hai cái nhà thờ. Những nhà thờ Tin Lành của các nước Bắc Âu hay Bắc Mỹ và thường là những nhà thờ giản dị trong khi những nhà thờ nào của Giáo hội Công giáo tại Châu Mỹ La Tinh cũng đồ sộ và nguy nga. Một bên thì có sự cân bằng giữa hoạt động kinh tế và tâm linh nên, bên cạnh việc đóng góp để xây dựng những nơi thờ phượng giản dị, con người đã đầu tư phần lớn vốn liếng vào những hoạt động sinh lợi. Một bên thì bao nhiêu vốn liếng chạy vào những nhà thờ lộng lẫy và hậu quả là việc đầu tư kinh tế trở nên èo uột.

Nhưng “việc múa” thì sao? Chẳng lẽ vì “lo múa – không lo làm ăn” mà vùng đất này giỏi giang trong việc múa? Đến đây có lẽ chúng ta phải lắng nghe Peter Lovatt, nhà khoa bảng xuất thân vũ sư, giảng viên môn tâm lý biểu diễn nghệ thuật tại Đại học Hertfordshire ở Anh, nổi tiếng với biệt danh “Doctor Dance” qua công trình nghiên cứu được xem là công phu nhất về “tâm lý khiêu vũ”. [3]

Theo Lovatt thì sinh hoạt khiêu vũ lôi cuốn con người qua hai chức năng kết giao xã hội và chọn lựa bạn tình, theo đó thì “cách hay nhất để lôi cuốn một bạn tình thích hợp là thả người một cách thoải mái và tự nhiên theo nhịp điệu”. Quan trọng hơn, bằng thực nghiệm, Lovatt đã khám phá rằng khi say mê thả mình trên sàn nhảy thì chúng ta sẽ, vô hình trung, bộc lộ “bộ gien di truyền” của con người mình trong ý nghĩa “hướng đến bạn tình”. Những phụ nữ đẹp, cân đối thường có khuynh hướng chọn lựa những người đàn ông có “bộ gien” tương tự. Và, thật tài tình, chỉ cần quan sát những bước chân khiêu vũ trên phim thôi, không cần nhìn thấy mặt, các bà các cô vẫn có thể lọc lựa những “ứng viên” thích hợp nhất với mình. Lovatt còn đưa ra khái niệm “Dance Confidence” (DC), tức chỉ số tự tin để phân biệt một người run chân ngồi lỳ trên ghế không dám ra sàn và một người có nhạc là nhảy và nhận ra sự thay đổi của chỉ số DC này theo giới tính, tuổi tác và cùng yếu tố di truyền: nam tăng thì nữ giảm, nữ giảm thì nam tăng.

Thật là khó để áp dụng những khám phá “tâm lý học khiêu vũ” của Lovatt vào vấn đề kinh tế của Châu Mỹ La Tinh. Đây là vùng đất của những cô gái với thân hình rực lửa và, phải chăng, đó là chất xúc tác để “chỉ số DC” của nam giới xứ này hơn hẳn các vùng đất còn lại của trái đất? Lovatt cho rằng “khiêu vũ là cách hay nhất để chọn lựa bạn tình” nhưng, trên thực tế, những lứa đôi đâu chỉ thành từ sàn nhảy mà còn từ môi trường học tập, làm việc, kinh doanh, nghiên cứu. Phải chăng Châu Mỹ La Tinh là nơi mà sàn nhảy đã trở thành nơi mối mai chủ đạo của xã hội và do đó, các môi trường khác cũng “èo uột” hơn?

Muốn trả lời các câu hỏi trên thì phải tiến hành một cuộc khảo sát rộng lớn và đề tài này hoàn toàn nằm ngoài phạm vi mà tôi muốn đề cập đến.

Tôi đã đề cập đến những màn “múa biểu diễn sức mạnh” qua nghi lễ duyệt binh, trong những hình thái bất bình thường nhất, như là là dấu hiệu của não trạng độc tài bệnh hoạn. Tôi đã cập đến “múa chào mừng quan khách”, như là dấu hiệu của não trạng bộ lạc. Và tôi đã nói đến múa, như hình thức tiêu khiển cá nhân, luôn gắn liền với tính chất hội hè.

Tôi đề cập đến điều này vì cái chính sách “lễ hội hóa” nền văn hóa Việt Nam hiện tại, theo lối “phát động phong trào”. Việt Nam ngày nay là xứ mà đi đâu cũng thấy lễ hội, đến địa phương nào, vào bất cứ mùa nào cũng có lễ hội nhưng hội nào cũng như hội nào, cũng đều nhạt nhẽo, vô vị, như thể nếm một tô canh mà hoàn toàn không nhận ra chút xíu nào của vị thịt, vị cá hay vị nấm, chỉ thấy vị bột ngọt giả tạo, cùng một mớ hương liệu nhân tạo rẻ tiền.

“Xây dựng” hay bảo vệ “bản sắc văn hóa” bằng con đường lễ hội hóa rất ư giả tạo này thì, không khéo, lại càng đưa đất nước đi vào con đường của các “quốc gia thất bại” như Mexico hay Brazil, cho dù đó là những quốc gia không thiếu nhân tài và thừa mứa tài nguyên.

Tham khảo:

[1] https://www.thedailybeast.com/putin-sounded-like-a-loser-in-his-victory-day-speech

[2] Gayle Kassing (2007), History of Dance, Human Kinetics Publishers.

[2] Lucy Tobin (2009_, “Why do people dance?”, The Guardian, Dec15th,

Related posts