Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Thụy Điển và Phần Lan vào NATO

Huyền Anh

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Thụy Điển và Phần Lan vào NATO
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự cuộc họp báo với Tổng thống Ba Lan tại Dinh thự Cankaya ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 16/3 /2022. (Ảnh: Adem Altan/Getty Images)

Quá trình vào NATO của Thụy Điển và Phần Lan thêm phần khó khăn khi thành viên của liên minh quân sự này là Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không chấp thuận một trong 2 đơn xin gia nhập.

Tại cuộc họp báo hôm 16/5, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, Thụy Điển và Phần Lan không nên bận tâm về việc cử phái đoàn tới nước này để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đơn xin gia nhập của họ.

“Trên hết, chúng tôi sẽ không nói ‘đồng ý’ để những nước đang áp đặt chế tài lên Thổ Nhĩ Kỳ được gia nhập NATO, một tổ chức an ninh, trong quá trình này”, ông Erdogan cho biết hôm thứ Hai (16/5), theo hãng tin nhà nước Anadolu.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO?

“Cả hai quốc gia này đều không có thái độ rõ ràng. Họ cởi mở đối với các tổ chức khủng bố”, Reuters dẫn lời ông Erdogan cho hay. “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng họ?”

Ông gọi Thụy Điển là nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố. Đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến là nhóm chiến binh Đảng Công nhân Kurd (PKK), tổ chức mà nước này coi là khủng bố. PKK được chính phủ Thụy Điển ủng hộ.

PKK (Đảng Công nhân Kurd) đã tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984.

Cả Thụy Điển và Phần Lan hầu như vẫn giữ thái độ trung lập kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24/2 đã buộc các nhà lãnh đạo của cả hai nước này phải chấm dứt chính sách không liên kết sau khi đứng ngoài liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu trong Chiến tranh Lạnh.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên sáng lập NATO, phản đối cả hai nước này gia nhập liên minh vì bị cáo buộc là nơi cư trú của các cá nhân người Kurd được mô tả là thành viên của các nhóm khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp những người có liên hệ với nhóm Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và những người ủng hộ Fethullah Gulen, người mà nước này cáo buộc đã dàn dựng âm mưu đảo chính năm 2016.

Thụy Điển đã đình chỉ việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ ba năm trước, sau khi nước này can thiệp quân sự vào Syria. Và theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, cả Phần Lan và Thụy Điển đã từ chối hàng chục yêu cầu dẫn độ các tay súng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là khủng bố.

“Họ nói rằng họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Hai (16/5). Họ sẽ đến để thuyết phục chúng tôi chăng? Xin lỗi, nhưng tốt hơn hết là họ không nên làm phiền chúng tôi”, ông Erdogan nói với các phóng viên.

Theo tờ Anadolu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm Chủ nhật cũng nhận xét: “Các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố không nên là đồng minh trong NATO”.

Phản ứng của phương Tây

“Chúng tôi sẽ thông báo cho NATO rằng chúng tôi muốn trở thành thành viên của liên minh”, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói với các nhà lập pháp trong một bài phát biểu hôm thứ Hai. “Thụy Điển cần các đảm bảo an ninh chính thức đi kèm với tư cách thành viên NATO”.

Thụy Điển đã nhận được đảm bảo hỗ trợ an ninh từ Mỹ, Vương quốc Anh, Đức và Pháp nhưng không phải ràng buộc pháp lý về viện trợ quân sự. Trong tuyên bố chung hôm 16/5, các nước láng giềng Bắc Âu là Đan Mạch, Na Uy và Iceland cũng cam kết hỗ trợ.

“NATO sẽ củng cố Thụy Điển, Thụy Điển sẽ củng cố NATO”, bà nói, đồng thời nhấn mạnh Thụy Điển không muốn căn cứ quân sự hoặc vũ khí hạt nhân của NATO thường trực trên lãnh thổ sau khi liên minh chấp thuận tư cách thành viên của họ.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hôm Chủ nhật (15/5) rằng, bà sẽ không bị nhụt chí trước những lời đe dọa của Nga, đồng thời tuyên bố về nỗ lực gia nhập liên minh của đất nước bà.

“Tôi nghĩ rằng NATO sẽ mang lại cho chúng tôi sự an toàn khi nói đến hạt nhân, bởi vì NATO cũng có vũ khí hạt nhân”, bà nói trong một cuộc họp báo.

Từ lâu, Nga đã coi NATO là một mối đe dọa, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 nói rằng nước này phải thực hiện “một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vì sự mở rộng của NATO. Trong những năm qua, ông Putin đã nói rằng NATO không chỉ đơn thuần là một liên minh phòng thủ, mà tổ chức này đang cố gắng gây sức ép lên Moscow.

Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết ông tin tưởng rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ tham gia Nato, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell nói rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ là “những bổ sung quan trọng” cho NATO.

Ông McConnell hôm Chủ nhật đã trao đổi với các phóng viên từ Stockholm, nơi ông dẫn đầu một phái đoàn gồm các thượng nghị sĩ Cộng hòa để thể hiện sự ủng hộ chống lại sự xâm lược của Nga.

Phản ứng của ông Putin

Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn trấn an thế giới, khi vừa tuyên bố hôm 16/5 rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với Nga.

Nhưng ông nói rằng “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào các nước này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi”.

“Đối với việc mở rộng NATO, bao gồm cả việc thông qua các thành viên mới của liên minh là Phần Lan, Thụy Điển – Nga không có vấn đề gì với các quốc gia này,” ông Putin nói trong khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Moscow hôm thứ Hai.

“Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét những mối đe dọa nào sẽ được tạo ra cho chúng tôi”.

Thụy Điển và Phần Lan đã xác nhận họ sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.

NATO có 30 thành viên hiện nay, và chỉ cần một thành viên phủ quyết thì đơn xin gia nhập sẽ bị bác bỏ, theo nguyên tắc phải đồng thuận 100%.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã tuyên bố họ không hài lòng trước đơn của Thụy Điển và Phần Lan.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts