Hoạt động kinh tế của Trung Quốc giảm mạnh khi chính sách Zero-COVID tác động mạnh đến tăng trưởng

Dorothy Li

Các công nhân mặc đồ bảo hộ di chuyển thiết bị cho một khu xét nghiệm axit nucleic tạm thời đến khu dân cư tiếp theo sau khi kết thúc quá trình xét nghiệm sàng lọc tại một khu phức hợp ở Thượng Hải hôm 14/05/2022. (Ảnh: cnsphoto qua Reuters)

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá bởi chính sách “zero-COVID” của ĐCSTQ đã đẩy hàng chục triệu người trên khắp đất nước rơi vào cảnh phải chịu phong tỏa, với doanh số bán lẻ và sản lượng nhà máy trượt xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Cục Thống kê Quốc gia hôm 16/05 đã công bố dữ liệu kinh tế của tháng Tư, cho thấy sự sụt giảm thậm chí còn sâu hơn dự kiến ​​của các nhà kinh tế.

Doanh số bán lẻ, vốn đã bắt đầu suy giảm vào tháng trước, đã giảm 11.1% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng Ba năm 2020, tồi tệ hơn so với mức giảm 6.1% mà Reuters dự báo.

Sản lượng của nhà máy giảm 2.9% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng Hai năm 2020 và đảo ngược mức tăng 5% trong tháng Ba.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong hai năm là 6.1%.

Phó Linh Huy (Fu Linghui), phát ngôn viên của cục thống kê Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (16/05): “Vào tháng Tư, dịch bệnh đã ảnh hưởng tương đối lớn đến hoạt động kinh tế.” Ông Phó nói thêm rằng tác động này là “tạm thời”.

Thế nhưng các nhà phân tích và các nhà đầu tư lại không lạc quan như vậy. Các nhà kinh tế cho biết khó có thể thoát ra khỏi cuộc suy thoái hiện tại hơn so với thời điểm bắt đầu đại dịch, vào đầu năm 2020, khi mà xuất cảng khó có thể tăng cao hơn và các nhà hoạch định chính sách bị hạn chế trong các lựa chọn kích thích kinh tế của họ.

Các nhà phân tích của Capital Economics cho biết: “Rốt cuộc là mặc dù điều tồi tệ nhất đã qua đi, nhưng chúng tôi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải vật lộn để quay được trở về xu hướng trước đại dịch.”

Mục tiêu xa vời

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Hai, doanh số bán bất động sản tính theo giá trị trong tháng Tư đã giảm 46.6% so với một năm trước đó, tốc độ giảm nhanh nhất trong vòng 16 năm. Thị trường bất động sản, một động lực của nền kinh tế nước này, đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ năm ngoái sau khi Bắc Kinh thắt chặt việc vay nợ quá mức của các nhà phát triển bất động sản.

Dữ liệu èo uột hôm thứ Hai đã thêm vào một chuỗi các dấu hiệu về sự suy thoái của nền kinh tế đất nước này vốn đã bị tác động mạnh bởi các nhà chức trách năm ngoái đã đàn áp các đại công ty công nghệ trong nước của họ, ngay sau khi một ngành công nghiệp bùng nổ tạo ra nhiều lợi ích và việc làm.

Một người dân đứng cạnh hàng rào khi một khu vực bị phong tỏa trong bối cảnh COVID bùng phát ở Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức năm 2022 lên 5.5%, mức thấp nhất trong gần ba thập niên.

Citigroup hôm thứ Hai tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo quý II xuống 1.7% và dự báo cả năm giảm từ 5.1% xuống 4.2%.

Trong khi các nhà chức trách dự kiến ​​sẽ khai triển các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế, thì các nhà phân tích cho rằng tác động là không chắc chắn do chính quyền Trung Quốc bám chặt lấy chính sách Zero-COVID của mình. Cách tiếp cận hà khắc nhằm loại bỏ bất kỳ sự lây nhiễm nào trong các cộng đồng bằng cách xét nghiệm hàng loạt và cách ly tất cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh, khiến hàng chục thành phố của Trung Quốc liên tục bị đóng cửa và mở cửa trở lại.

Ông Mitul Kotecha, nhà phân tích của TD Securities cho biết: “Dữ liệu này vẽ ra bức tranh về một nền kinh tế đang đình trệ và một nền kinh tế cần được kích thích mạnh mẽ hơn và cần được nới lỏng nhanh chóng các hạn chế COVID, cả hai điều này đều không có khả năng sẽ sớm được thực hiện.”

Người dân và các nhà phân tích vẫn còn lo ngại về khả năng phong tỏa của Bắc Kinh. Thủ đô của Trung Quốc đang xét nghiệm gần như toàn thành phố sau khi một số trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo. Hàng chục khu dân cư nữa nơi có báo cáo về các ca nhiễm mới đã bị phong tỏa hôm thứ Hai. Mặc dù các quan chức phủ nhận bất kỳ kế hoạch phong tỏa nào, nhưng họ đã từng bước tăng cường hạn chế di chuyển kể từ cuối tháng Tư.

Cũng trong hôm thứ Hai, các quan chức Thượng Hải đã đưa ra một thời gian biểu để dỡ bỏ việc phong tỏa đã kéo dài hơn bảy tuần, cho biết họ có kế hoạch mở cửa trở lại từ đầu tháng Sáu. Tuy nhiên, người dân vẫn hoài nghi sau khi các quan chức đã liên tục dập tắt hy vọng kết thúc tình trạng thống khổ này của họ. Kế hoạch phong tỏa ban đầu dự kiến ​​chỉ kéo dài tám ngày khi nó được đưa ra vào cuối tháng Ba.

Ngay cả khi trung tâm tài chính này mở cửa trở lại hoàn toàn, các nhà phân tích tại ANZ cho biết tác động của việc Thượng Hải bị phong tỏa là rất sâu rộng.

“Với tổng năng suất của nhà máy vẫn chưa bắt kịp, tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ dừng ở mức thấp trong khoảng 4.0-5.0% trong vài năm tới,” ANZ cho biết.

Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

Vân Du biên dịch

Related posts