Lãnh đạo chính quyền Trung Quốc Tập Cận Bình đã biến mất một cách bí ẩn trên các trang nhất của phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc vào ngày 17 và 18/05, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường xuất hiện trên các dòng tin chính thức vào ngày 17/05.
Đáng chú ý là ba ngày trước đó, vào ngày 14/05, hai cơ quan ngôn luận lớn của ĐCSTQ đã công bố toàn văn bài diễn thuyết của ông Lý. Ông Lý đọc bài diễn văn này trước ba tuần — thông thường, chỉ có báo cáo chính phủ thường niên của ông mới được xuất bản hoàn toàn.
Những hành động này được coi là nhạy cảm và tinh vi, vì chỉ còn vài tháng nữa là Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diễn ra. Trong các bản tin gần đây của truyền thông Trung Quốc và truyền thông ngoại quốc, tại kỳ họp này, ông Tập trù hoạch nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình với tư cách là người đứng đầu ĐCSTQ. Những thay đổi này đã làm dấy lên đồn đoán về sức khỏe của ông Tập và khả năng ông Lý sẽ thay thế ông Tập làm lãnh đạo cao nhất trong kỳ đại hội sắp tới.
Một số cổng thông tin bên ngoài Trung Quốc đã đưa tin trong tháng Năm với những lời đồn thổi rằng ông Tập bị phình mạch máu não và sẽ từ chức, và ông Lý rất có khả năng sẽ thế chỗ ông Tập.
Tại Trung Quốc, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập đã về hưu của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã viết một thông điệp rất táo bạo trên tài khoản mạng xã hội Trung Quốc của mình hôm 17/05, đề nghị những người theo dõi ông hãy “nắm lấy các cơ hội mới”. Ông làm nổi bật bản tin chính thức hôm 17/05 về ông Lý bằng một khung màu đỏ, tuyên bố rằng “đây là một tín hiệu rất quan trọng” và rằng “[những người] đi theo tín hiệu này sẽ chứng tỏ được mình là … người hùng của thời đại.”
Tuy nhiên, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu giáo sư luật Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh kiêm chuyên gia về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, đã cho The Epoch Times thấy một kịch bản khác.
Ông Lý sẽ ủng hộ ông Tập để đối lấy chức Chủ tịch Cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ
“Đây là những thông điệp giả mạo được những người theo chủ nghĩa cải tổ đưa ra, những người muốn duy trì sự thống trị của ĐCSTQ ở Trung Quốc,” ông Viên nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây, “Một số người cố tình đặt kỳ vọng chống ông Tập lên ông Lý.”
Ông Viên, nguyên là một giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, nơi ông từng đảm trách chức chủ nhiệm Khoa Luật Hình sự, đã bị bỏ tù ở Trung Quốc vì thúc đẩy nền dân chủ. Ông đào thoát sang Úc vào năm 2004 và hiện đang sống ở Sydney.
Ông Viên cho biết theo thông tin tình báo mà ông có được, ông Tập và ông Lý có một giao ước.
Ông Lý sẽ hỗ trợ ông Tập trong việc có được quyền cai trị suốt đời tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Đổi lại, ông Tập sẽ giữ nguyên chức Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ông Lý, cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ, đồng thời cho ông Lý làm chủ tịch cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc (tức Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc) sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng của mình.
Ông Viên nói: “Đây là một thỏa thuận sơ bộ đạt được trong cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ ở giai đoạn hiện tại.”
“Ông Lý không được coi là một lực lượng công lý thay thế ông Tập. Nội tình hiện tại là ông Tập đã thanh trừng các đối thủ chính trị của mình trong suốt 10 năm qua và xây dựng chế độ độc tài tập quyền của mình.”
Ông Viên nói thêm rằng dù sao ông Tập cũng phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng lớn — kinh tế, chính trị, và xã hội.
Về mặt kinh tế, ông Tập muốn phá vỡ chủ nghĩa tư bản thân hữu của Đặng Tiểu Bình, vốn đã thống trị trong 30 năm qua và thiết lập một hệ thống kinh tế mới. Ông Viên nói: “Nhưng cái gọi là hệ thống mới của ông ấy thực sự đang lội ngược dòng trở về nền kinh tế kế hoạch (tư bản lũng đoạn nhà nước) dưới thời Mao Trạch Đông, vốn được chứng minh là một [chính sách] hoàn toàn thất bại.”
Về mặt chính trị, ông Viên cho biết, mặc dù những người thân tín của ông Tập nắm quyền kiểm soát các hệ thống quân sự, tuyên truyền, tư pháp, và cảnh sát của Trung Quốc, nhưng phần lớn các quan chức trong ĐCSTQ mang trong lòng nỗi bất bình sâu sắc đối với ông Tập.
Về mặt xã hội, phương pháp zero COVID của ông Tập kể từ khi đại dịch bùng phát đã gây ra sự bất bình, phẫn uất trong dân chúng, đặc biệt là ở hàng chục thành phố bị phong tỏa gần đây, bao gồm cả Thượng Hải.
Ông Hồ Tích Tiến không phải là một mối đe dọa đối với ông Tập.
Ông Viên cho hay, “Ông Hồ còn được mệnh danh là ‘Hồ Chụp Đĩa’, hay một tuyên truyền viên ngoan ngoãn, giống như một vật cưng, cố gắng hết sức để thực hiện mệnh lệnh của chủ nhân. Ngôn từ hay hành động của ông ấy giờ đây chẳng có ý nghĩa chính trị gì sau khi ông ấy giải nghệ khỏi vị trí tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu.”
Muốn cứu Trung Quốc, chỉ có hai con đường
Theo ông Viên, việc dựa vào [thông tin] ông Lý sẽ thay thế ông Tập và cứu Trung Quốc dựa vào sức của một cá nhân là một huyễn tưởng, vì chính ông Lý cũng đang dựa vào ĐCSTQ để duy trì địa vị và quyền lực của mình. Tuy nhiên, có hai con đường để cứu vãn tương lai của Trung Quốc.
Ông Viên nói, “Một là những người có lương tâm trong hệ thống này sẽ thực hiện một cuộc đảo chính. Con đường thứ hai là, đến khi thời cơ chín muồi, sẽ nổ ra một cuộc nổi dậy trên toàn quốc như cuộc nổi dậy vào tháng 06/1989. Chỉ có hai cách này mới có thể đập tan sự chuyên chế của ĐCSTQ.”
Ông Ninh Hải Chung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra nước ngoài và làm phóng viên chuyên về các vấn đề thời sự và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Cô Lạc Á là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times.
Ninh Hải Chung và Lạc Á thực hiện
Hồng Ân biên dịch