Công ty Úc có khả năng để mất mỏ lithium lớn ở Congo vào tay nhà khai thác Trung Quốc

Daniel Y. Teng

Thợ mỏ thủ công đãi cát từ sông Lukushi để tìm cassiterite ở Manono thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 17/02/2022. (Ảnh: Junior Kannah/AFP qua Getty Images)

Công ty nghiên cứu quỹ phòng hộ Boatman Capital cho biết công ty khai thác AVZ của Úc có khả năng sẽ mất quyền kiểm soát dự án mỏ lithium Manono giá trị ở Phi Châu vào tay một mạng lưới các công ty cổ phần Trung Quốc.

Hôm 20/05, Boatman đã công bố phân tích của mình về Dự án mỏ Thiếc và Lithium Manono đang gặp khó khăn ở phía nam Cộng hòa Dân chủ Congo — ước tính chứa 16.3 triệu tấn lithium carbonate, một thành phần chính của pin xe điện.

Tuy nhiên, đánh giá của họ về tình hình là rất thảm khốc đối với công ty AVZ Minerals, khi nói rằng công ty khai thác Úc này đã bị “qua mặt bởi một nhóm các nhà sản xuất pin hùng mạnh của Trung Quốc đang âm mưu nắm quyền kiểm soát dự án lithium Manono (pdf).”

Tuần trước (09-15/05), công ty AVZ có trụ sở tại Perth đã đình chỉ giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Úc sau khi bị một trong những công ty khai thác lớn nhất Trung Quốc là Zijin Mining khởi kiện lên trọng tài.

Ông Nigel Ferguson, tổng giám đốc công ty AVZ Minerals của Úc, đang xem xét mỏ lithium ở Manono thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo. Nước này giàu lithium, một khoáng chất thiết yếu cho pin xe điện, tọa lạc trong phần còn lại của thị trấn khai thác mỏ cũ Manono ở tỉnh Tanganyika, phía đông nam nước này, hôm 17/02/2022. (Ảnh: Junior Kannah/AFP qua Getty Images)

Công ty AVZ của Úc cho biết họ có 75% cổ phần sở hữu từ công ty mẹ của dự án Manono (Dathcom), 25% còn lại do công ty Cominiere thuộc sở hữu nhà nước Congo nắm giữ.

Đồng thời, AVZ đang tiến hành thỏa thuận bán 24% cổ phần của công ty mẹ cho công ty Công nghệ Năng lượng CATH Tô Châu của Trung Quốc (công ty đã có cổ phần trong AVZ) để giúp tài trợ cho sự phát triển của dự án. Điều này sẽ khiến AVZ còn có 51% quyền sở hữu Dathcom và quyền kiểm soát mỏ lithium.

Tuy nhiên, hôm 09/05, công ty Zijin của Trung Quốc đã công bố một thông báo tuyên bố rằng họ đã có 15% cổ phần trong Dathcom — một tuyên bố đã bị AVZ từ chối thẳng thừng, gọi đó là “về căn bản sai sự thật” và vô giá trị, theo một thông báo gửi các nhà đầu tư (pdf) hôm 04/05.

Công ty Zijin đã tuyên bố rằng từ tháng Bảy đến tháng Chín năm 2021, họ đã thương lượng một thỏa thuận với công ty Cominere của Congo, theo đó bên này dường như đã đồng ý chuyển 15% cổ phần cho một “công ty con” của Zijin tên là Jincheng Mining, theo một bản cập nhật (pdf).

Tháng 11/2021, Tòa án Thương mại Lubumbashi của Congo đã chấp thuận việc bán 15% cổ phần cho công ty con của Zijin và bác bỏ mọi nỗ lực kiện tụng tiếp theo của AVZ.

Nếu các tuyên bố của Zijin được giữ nguyên, thì điều đó sẽ là điềm gở cho AVZ của Úc, công ty có thể thực sự mất quyền kiểm soát mỏ này. Theo tuyên bố của công ty khai thác Trung Quốc, AVZ cũng sẽ không có quyền nắm giữ 75% cổ phần của Dathcom, và thay vào đó sẽ chỉ có 60%.

Hậu quả tổng thể của cả việc bán [cổ phần] cho CATH và sự thành công trong tuyên bố của Zijin sẽ khiến cổ phần sở hữu của AVZ giảm xuống chỉ còn 36%, để lại cho cả hai công ty Trung Quốc 39% cổ phần trong Dathcom, và do đó sau cùng có quyền kiểm soát đối với mỏ lithium này.

Công ty tư vấn Boatman cho biết họ có quyền truy cập vào các tài liệu chứng minh tuyên bố của nhà khai thác Trung Quốc đối với công ty mẹ Dathcom và AVZ đang có nguy cơ để quyền sở hữu dự án này rơi vào tay Trung Quốc.

“AVZ hẳn đã biết về những vấn đề này trong nhiều tháng, nhưng công ty này dường như không tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ tranh chấp cho đến hôm 04/05,” theo phân tích của Boatman, công ty cũng lưu ý rằng nhà khai thác này có thể sẽ dễ bị các cổ đông khởi kiện.

Thợ mỏ thủ công đãi cát từ sông Lukushi để tìm cassiterite ở Manono, Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 17/02/2022. (Ảnh: Junior Kannah/AFP qua Getty Images)

“Có một yếu tố quả báo gây thỏa mãn trong tình huống này. AVZ có thể tuyên bố rằng các tuyên bố của Zijin-Dathomir là nhiễu nhương, sai sự thật và vô giá trị, nhưng công ty này còn muốn gì nữa? AVZ được hưởng lợi từ những gì có thể là một thỏa thuận tham nhũng mà đã từng tước giấy phép của chủ sở hữu cũ của khu mỏ Manono.”

“Giờ đây, Trung Quốc và chính phủ mới [của Cộng hòa Dân chủ Congo] dường như đang âm mưu tái diễn điều tương tự. Ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm.”

Boatman cũng đã tóm lược về mạng lưới liên hệ phức tạp ràng buộc các công ty Trung Quốc với nhau.

Kiến trúc sư của thương vụ Dathcom ban đầu là một người đàn ông tên là Tùng Mậu Hòe (Simon Cong), người được cho là đứng sau việc giúp đại tập đoàn xe điện Chiết Giang Huayou Cobalt của Trung Quốc mua 6.27% cổ phần của AVZ.

Khoảng 7.29% cổ phần AVZ là của công ty Công nghệ Năng lượng CATH Tô Châu của Trung Quốc, thuộc sở hữu của Contemporary Amperex Technology Co. Limited, một trong những nhà sản xuất pin lớn nhất ở Trung Quốc và là nhà cung cấp cho Tesla và BMW.

Một người đàn ông đeo khẩu trang sau khi dịch bệnh virus corona bùng phát đi ngang qua xe sedan Tesla Model 3 và xe thể thao đa dụng Tesla Model X tại một phòng trưng bày Tesla mới ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 08/05/2020 (Ảnh: Yilei Sun/Reuters)

Chủ tịch của Contemporary tên là Tăng Dục Quần (Zeng Yuqun) — ông này cùng ông Tùng và công ty Huayou Cobalt đã cùng nhau đầu tư vào các dự án kinh doanh khác ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngoài ra, phó chủ tịch của công ty Huayou là ông Phương Khải Học (George Fang), trước đây từng là một giám đốc điều hành tại Zijin Mining — công ty hiện đang vướng vào vụ lùm xùm pháp lý với AVZ.

“Chúng tôi nghĩ rằng khả năng cao là nhiều công ty Trung Quốc đang phối hợp hành động. Và chúng tôi nghi ngờ rằng AVZ đang bị loại ra khỏi dự án Manono một cách có chủ đích,” phân tích của Boatman cho biết.

Sự tàn khốc của các thương vụ ở Phi Châu cho thấy một xu hướng đang diễn ra ở châu lục này, nơi các công ty phương Tây có nguy cơ bị lật đổ khỏi các dự án khai thác có giá trị bởi các nhóm lợi ích cạnh tranh của Trung Quốc — đặc biệt là khi sự cạnh tranh về đất hiếm có giá trị và các loại khoáng sản trọng yếu đang ngày càng gia tăng.

Tháng 12/2020, hai công ty khai thác của Úc và một công ty của Vương quốc Anh, đã khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại Cộng hòa Congo sau khi nước này tước giấy phép khai thác của ba công ty này và thay vào đó trao nó cho một công ty bí ẩn có trụ sở tại Hồng Kông tên là Sangha Mining, vốn không có lịch sử nào trước đây tại lục địa này.

Ba công ty khai thác trên đang phát triển các mỏ quặng sắt lớn bên trong Congo.

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts