Huyền Anh
Nga tuyên bố luôn sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine, trong khi đó, Kyiv khẳng định lập trường không nhượng bộ về lãnh thổ trong bất cứ cuộc đàm phán nào.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Belarus ONT ngày 22/5, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết: “Về phần mình, chúng tôi luôn sẵn sàng nối lại đàm phán. Đóng băng đàm phán hoàn toàn là do Ukraine”.
Nga sẵn sàng nối lại đàm phán
Ông Medinsky một lần nữa nhấn mạnh: “Nga không bao giờ từ chối đàm phán, kể cả đàm phán cấp cao. Vấn đề là cần có sự chuẩn bị nghiêm túc cho một cuộc gặp cấp cao giữa hai tổng thống”, theo truyền thông nhà nước Nga TASS. Cố vấn tổng thống Nga và trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky (thứ ba bên phải), cùng với đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov (thứ tư bên phải) và Leonid Slutsky (đầu tiên bên phải), người đứng đầu ủy ban các vấn đề quốc tế của Quốc hội Nga, phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc hội đàm với các nhà đàm phán Ukraine tại vùng Brest của Belarus vào ngày 2/3/2022, sau khi Nga xâm lược Ukraine. Ảnh của MAXIM GUCHEK/Getty Images)
Theo ông, trước khi một cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ Nga và Ukraine có thể diễn ra, hai bên đã phải có sẵn một dự thảo hiệp ước. “Hai nguyên thủ khi đó sẽ chỉ gặp nhau để đạt được thỏa thuận cuối cùng, ký kết thỏa thuận, chứ không chỉ đơn thuần để chụp ảnh”, ông Medinsky nói.
Ông Medinsky cho biết, cách đây một tháng, phía Nga đã chuyển cho Ukraine một dự thảo thỏa thuận và hai bên đã nhất trí một số lập trường chính. “Chúng tôi muốn mọi thứ thuận buồm, xuôi gió. Tuy nhiên, kể từ đó chúng tôi không thấy dấu hiệu Ukraine sẵn sàng tiếp tục đàm phán. Do vậy, các nhà đàm phán của chúng tôi phải tạm dừng”.
Ông nói thêm: “Có vẻ như họ (Ukraine) đang vội vàng. Bóng đang ở trong sân của họ”, theo TASS.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng với tuyên bố nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” quốc gia láng giềng. Trong các cuộc hòa đàm, Moscow đề nghị Kyiv cam kết trung lập, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho vùng ly khai Donbass. Tuy vậy, đến nay, Kyiv vẫn kiên quyết với lập trường không nhượng bộ lãnh thổ.
Giao tranh căng thẳng
Ukraine đã từ chối lệnh ngừng bắn hoặc bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào đối với Moscow trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công ở miền đông và miền nam của đất nước này bằng các cuộc không kích và pháo kích, theo Reuters.
Lập trường của Kyiv ngày càng trở nên không khoan nhượng trong những tuần gần đây khi Nga gặp thất bại về mặt quân sự trong khi các quan chức Ukraine lo ngại họ có thể bị áp lực phải hy sinh đất đai cho một thỏa thuận hòa bình.
“Chiến tranh phải kết thúc với việc khôi phục toàn bộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm Chủ nhật.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề nghị sự ủng hộ của Warsaw, nói với các nhà lập pháp ở Kyiv hôm Chủ nhật (22/5) rằng cộng đồng quốc tế phải yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và việc hy sinh bất kỳ lãnh thổ nào sẽ là một “đòn giáng mạnh” đối với toàn bộ phương Tây. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay trong cuộc họp báo bên lề lễ kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tử thần Auschwitz của Đức Quốc xã ở Oswiecim, Ba Lan, vào ngày 27/1/2020. (Ảnh: Janek Skarzynski/Getty Images)
“Những tiếng nói lo lắng đã xuất hiện và nói rằng Ukraine nên nhượng bộ (Tổng thống Vladimir) Putin”, ông Duda nói, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp phát biểu trước Quốc hội Ukraine kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga.
Ông khẳng định: “Chỉ Ukraine mới có quyền quyết định về tương lai của mình”.
Cũng trong phiên họp quốc hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tái kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn đối với Moscow.
Ông nói: “Không nên sử dụng các biện pháp nửa vời và hành động gây hấn nên dừng lại”.
Ông Zelenskiy cho biết trong một cuộc họp báo với ông Duda rằng, khoảng 50 đến 100 người Ukraine thiệt mạng mỗi ngày ở mặt trận phía đông của cuộc chiến.
Nga đang tiến hành một cuộc tấn công lớn ở Luhansk, một trong hai tỉnh ở Donbas, sau khi kết thúc nhiều tuần kháng cự bởi Tiểu đoàn Azov tại cảng Mariupol chiến lược về phía đông nam.
Cố vấn Bộ Nội vụ Vadym Denysenko nói với đài truyền hình Ukraine hôm Chủ nhật rằng, cuộc giao tranh nặng nề nhất tập trung xung quanh hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk.
Các cuộc pháo kích của Nga và “giao tranh ác liệt” gần Sievierodonetsk vẫn tiếp tục, một tuyên bố của quân đội Ukraine cho biết.
Vào tối Chủ nhật, nhiều tiếng nổ đã được nghe thấy khắp thành phố Mykolaiv, Thị trưởng Oleksandr Senkevich cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Reuters đã không thể xác minh một cách độc lập các báo cáo chiến trường đó.
Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã kiểm soát các phần của Luhansk và nước láng giềng Donetsk trước cuộc xâm lược, nhưng Moscow muốn chiếm phần lãnh thổ còn lại do Ukraine nắm giữ trong khu vực.
Quân đội Ukraine cho biết 7 dân thường đã thiệt mạng và 8 người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga ở Donetsk hôm Chủ nhật. Con số thương vong của Luhansk không được tiết lộ.
Ukraine quyết không nhượng bộ
Cố vấn của Tổng thống Zelenskiy Mykhailo Podolyak bác bỏ việc đồng ý ngừng bắn và cho biết, Kyiv sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Moscow liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ. Việc nhượng bộ sẽ phản tác dụng đối với Ukraine, vì Nga sẽ đáp trả mạnh hơn sau các cuộc giao tranh, ông nhận định.
Ông Podolyak, nhà đàm phán chính của Ukraine, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng tổng thống Ukraine được bảo vệ nghiêm ngặt: “Cuộc chiến sẽ không dừng lại (sau khi nhượng bộ). Nó sẽ chỉ tạm dừng một thời gian”. “Họ sẽ bắt đầu một cuộc tấn công mới, thậm chí đẫm máu hơn với quy mô lớn hơn nhiều”.
“Các lực lượng (Nga) phải rời khỏi đất nước và sau đó có thể nối lại tiến trình hòa bình”, ông Podolyak nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Bảy, đề cập đến các lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức là “rất kỳ lạ”.
Kết thúc cuộc giao tranh ở Mariupol, thành phố lớn nhất mà Nga chiếm được, mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một chiến thắng hiếm hoi sau một loạt thất bại trong gần ba tháng chiến đấu. Quang cảnh thành phố Mariupol vào ngày 10/5/2022, trong bối cảnh ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga đang diễn ra ở Ukraine. (Ảnh: Stringer/Getty Images)
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những người lính Ukraine cuối cùng ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal rộng lớn của Mariupol đã ra đầu hàng. Ukraine chưa xác nhận diễn biến đó, nhưng một chỉ huy của một trong các đơn vị trong nhà máy cho biết trong một đoạn video rằng quân đội đã nhận được lệnh ngừng bắn.
Việc kiểm soát toàn bộ Mariupol trao cho Nga quyền chỉ huy tuyến đường bộ nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga và các khu vực phía đông Ukraine do phe ly khai thân Nga nắm giữ. Đây là tuyến đường mà Moscow chiếm giữ vào năm 2014.
Cùng với các lệnh trừng phạt, các quốc gia phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí và các khoản viện trợ khác cho Ukraine, bao gồm cả gói 40 tỷ USD mới từ Mỹ.
Moscow cho rằng các biện pháp trừng phạt và viện trợ của phương Tây dành cho Kyiv giống như một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” của Washington và các đồng minh.
Ông Putin gọi cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và loại bỏ nó những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Nga. Ukraine và các đồng minh của họ đã bác bỏ đó là lý do vô căn cứ cho cuộc chiến đã khiến hàng nghìn người ở Ukraine thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản.
Huyền Anh
Theo Reuters