Bởi vì nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển đến một quy mô rất to lớn, phương pháp tiếp cận kiểu chỉ huy từ trên xuống đối với các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là chính sách thương mại, đã gây mất ổn định và bắt đầu khiến một số đối tác thương mại xa lánh.
Các quốc gia đó, đặc biệt là các quốc gia Á Châu nhỏ hơn, chỉ có một phản ứng hợp lý: chịu đựng với những vấn nạn kinh tế do Bắc Kinh áp đặt trong khi tìm cách tách rời thương mại với Trung Quốc.
Mặc dù tất cả các quốc gia đều thao túng chính sách thương mại để có lợi cho mình, nhưng ĐCSTQ đã thể hiện một cách tiếp cận đặc biệt tàn nhẫn và hung hãn. Ở các quốc gia khác, có hai lý do để giảm bớt hành động như vậy. Một là nguy cơ về sự xa lánh của các đối tác thương mại quan trọng. Cựu TT Donald Trump đã dám làm với Trung Quốc trong “cuộc chiến thương mại” năm 2019 bởi vì ông và nhóm của mình nghĩ rằng Bắc Kinh đã trở nên thù địch đến hết mức rồi. Trái lại, Trung Quốc dường như không lo ngại về việc bị các quốc gia khác xa lánh.
Đối với hầu hết các quốc gia khác, tình huống áp lực trong nước là yếu tố làm giảm nhẹ khác (đối với hành động như vậy) dường như không tồn tại ở Trung Quốc. Mọi thuế quan, mọi hạn ngạch, và mọi hạn chế dưới bất kỳ hình thức nào đều tạo ra những kẻ được người mất ở trong nước. Ví dụ, một biểu thuế thép có lợi cho các nhà sản xuất thép nhưng người sử dụng thép phải trả giá. Áp lực từ những người thua cuộc này hạn chế hầu hết các quốc gia sử dụng hành vi gây hấn trong chính sách thương mại. Nhưng nền kinh tế kế hoạch từ trên xuống của Trung Quốc ít phải đối mặt với kiểu áp lực như thế, nên cho phép Bắc Kinh thực hiện chính sách thương mại mà không cần có những sự cân nhắc như vậy và một cách thường xuyên để phù hợp với nhu cầu nhất thời.
Tuy nhiên, có một cái giá phải trả cho hành vi của Bắc Kinh. Ba ví dụ gần đây minh họa cách thức cư xử của Bắc Kinh và các hành vi ấy cuối cùng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc như thế nào.
Đầu năm 2021, giá năng lượng tăng đã đẩy giá phân bón ở Trung Quốc lên cao. Trong một nền kinh tế thực sự dựa trên thị trường, việc tăng giá sẽ làm tăng nguồn cung và tìm kiếm các sản phẩm thay thế. Nhưng các nhà quy hoạch từ trên xuống của Trung Quốc ít nhạy cảm hơn với giá cả. Thay vì cho phép các nhà sản xuất điều chỉnh, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Bắc Kinh đặt ra mục tiêu giảm bớt tình trạng thiếu hụt tạm thời bằng cách ra lệnh tạm dừng bất kỳ hoạt động xuất cảng phân bón nào.
Việc chuyển hướng nguồn cung đã làm dịu đi áp lực giá ở Trung Quốc nhưng khiến các đối tác thương mại của Trung Quốc thiếu hụt và gia tăng áp lực giá lên họ. Do không có sản phẩm thay thế ngay lập tức, việc thiếu phân bón và giá cao đã buộc các đối tác thương mại này phải giảm diện tích sản xuất.
Tình trạng thiếu lương thực gia tăng vào năm 2022 với việc mất nguồn cung cấp ngũ cốc của Nga và Ukraine. Trong khi đó, việc xuất cảng phân bón của Nga bị mất trắng đã khiến tất cả các quốc gia, kể cả Trung Quốc, một lần nữa phải đối mặt với tình trạng thiếu phân bón và giá cao, tình huống này sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu Trung Quốc đã cho phép các nhà sản xuất đẩy mạnh sản xuất.
Thao túng thương mại trong ngành thép là một ví dụ khác. Sau nhiều thập niên, sản lượng thép Trung Quốc dư thừa và việc định giá để bán phá giá nhằm thúc đẩy xuất cảng, nhiều cơ sở sản xuất thép ở Âu Châu, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã phải đóng cửa.
Đến năm 2020, Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa lượng thép của thế giới. Năm đó, các nhà lập kế hoạch của Bắc Kinh đã đột ngột quyết định cắt giảm sản lượng, phần lớn là vì đại dịch nhưng bề ngoài là vì các lý do về môi trường. Giá cả tăng lên ở khắp mọi nơi. Trong khi các đối tác thương mại của Trung Quốc cố thiết lập lại sản xuất, thì các nhà hoạch định ở Bắc Kinh đã quyết định rằng biện pháp để giảm bớt áp lực giá trong nước không phải là tái sử dụng công suất nhàn rỗi mà là hạn chế xuất cảng bằng cách tăng thuế xuất cảng đối với các sản phẩm thép và nới lỏng các hạn chế trước đây đối với nhập cảng phế liệu thép.
Những biện pháp này đã ổn định giá cả ở Trung Quốc nhưng lại gia tăng tình trạng khan hiếm và áp lực giá ở những nơi khác. Trung Quốc không còn bằng hữu khi thực hiện biện pháp này ở phương Tây và các nơi khác. Thay vào đó, Trung Quốc bị coi là một nguồn cung không đáng tin cậy. Nếu Bắc Kinh một lần nữa phải tìm cách tăng xuất cảng vì bất kỳ lý do nào đó, họ có thể thấy những người mua sẽ ít nhiệt tình hơn tình huống nếu họ phớt lờ các nhà lãnh đạo của mình và, tuân theo tín hiệu thị trường, tăng sản lượng.
Câu chuyện về thịt lợn Trung Quốc bắt đầu sớm hơn một chút. Năm 2018, Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa lượng thịt lợn của thế giới, đây là một thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc. Ngoài việc tự sản xuất, Trung Quốc còn nhập cảng khoảng 17% nguồn cung toàn cầu. Khi cơn sốt dịch tả lợn Á Châu buộc Trung Quốc phải tiêu hủy khoảng 40% đàn lợn của mình, giá đã tăng vọt trên toàn cầu. Các nền kinh tế khác đã phản ứng bằng cách chuyển sang các loại thực phẩm khác và bắt đầu quá trình xây dựng đàn gia súc của họ.
Một lần nữa Trung Quốc lại quay sang chính sách thương mại. Nước này cắt giảm thuế nhập cảng thịt lợn từ 12% xuống 8%, tăng gấp đôi lượng nhập cảng nhưng trong quá trình làm chậm lại việc xây dựng lại sản xuất trong nước. Cuối cùng, Trung Quốc xây dựng lại đàn lợn của mình, tại thời điểm đó Bắc Kinh đã quay lại áp mức thuế thịt lợn là 12%.
Bất cứ đối tác thương mại nào đã đáp ứng nhu cầu tức thời của Trung Quốc đều bị tồn đọng lại thịt lợn mà họ không thể vứt bỏ đi ngoại trừ việc bán với mức giá chiết khấu và mong muốn mạnh mẽ để xem xét lại bất kỳ cam kết mới nào với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc là một nền kinh tế dựa trên thị trường, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của họ đã đưa ra các quyết định mang tính lâu dài hơn về những gì họ dám làm với các đối tác thương mại của mình. Nếu [kinh tế] Trung Quốc là một quốc gia ít mang tính chỉ huy hơn, thì Bắc Kinh sẽ cân nhắc các lợi ích trong nước khi đưa ra các quyết định chính sách. Nhưng đó là một nền kinh tế kế hoạch, từ trên xuống, mà bất kỳ ai cũng chỉ có chịu đựng chứ không có bất kỳ lời phàn nàn nào. Các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định của Trung Quốc không chú ý đến các mối quan hệ thương mại và họ cũng không xem xét đến các khiếu nại về các vấn đề lợi ích [của người dân] ở trong nước.
Nếu Trung Quốc là một nền kinh tế nhỏ như trước đây, thì việc thiếu vắng những điều tiết như vậy trong chính sách thương mại sẽ chẳng mấy ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của nước này. Nhưng Trung Quốc không phải là một nền kinh tế dựa trên thị trường và cũng không phải là một nền kinh tế nhỏ.
Những thay đổi đột ngột mà Bắc Kinh thực hiện có tác động sâu sắc đến những quốc gia khác. Nhận thức được tất cả những điều này, các nhà lãnh đạo ở hầu hết các quốc gia khác sẽ xem xét lại sự tham gia của họ vào thương mại Trung Quốc nếu họ chú ý đến các hậu quả lâu dài. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đang làm tổn hại đến triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Niên Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Vân Du biên dịch