Chiến sự Ukraine hơn 90 ngày khốc liệt: Vì sao không bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này?

Xuân Trường

Tổng thống Putin lấy cớ bảo vệ an ninh quốc gia mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine. Joe Biden muốn kéo dài cuộc xung đột để làm “suy yếu” nước Nga, trong khi Tổng thống Zenlesky trông chờ vào sự hỗ trợ vũ khí của Mỹ để tiếp tục chiến đấu với quân xâm lược Nga. Và không bên nào chiến thắng. (Ảnh tổng hợp)

Chiến sự Ukraine đã bước sang ngày thứ 93. Có một thực tế phũ phàng là Nga đang trên đà kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, và đang dần đạt được những mục tiêu đã đề ra. Trong khi ấy, Ukraine đang có những khó khăn nhất định, với binh lực kiệt quệ và đối mặt với nguy cơ trở thành quốc gia không giáp biển. Dù vậy, chiến thắng vẫn không thuộc về một bên nào dù hẳn sẽ có một bên thua cuộc? Vì sao?

Để đạt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, lực lượng Nga đang phải đối mặt với sự phản kháng và phòng thủ của lực lượng tinh nhuệ nhất trong quân đội Ukraine. 10 lữ đoàn thiện chiến của Ukraine đã được triển khai ở phía Đông đất nước khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra vào tháng 2 năm 2022… 

Thực tế phũ phàng: Nga đang trên đà chiến thắng?

Câu chuyện phổ biến của truyền thông dòng chính phương Tây rằng, Nga đang phải đối mặt với thất bại và quân đội Ukraine đang dần “chiến thắng” đã trở nên không còn thực tế nữa, khi nhìn vào diễn biến tại Donbass, miền đông Ukraine. 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine – Oleksandr Motuzyanyk hôm 24/5 cho biết: Các trận chiến đang diễn ra ở miền đông Ukraine “có thể quyết định số phận của đất nước”, và quân đội Nga đang bước vào “giai đoạn tích cực nhất”. (Reuters)

Khu vực giao tranh ác liệt nhất được cho là trong và xung quanh vùng lân cận của thành phố Sievierodonetsk, và là thành trì lớn cuối cùng của Ukraine ở tỉnh Luhansk.

Serhiy Gaidai, Thống đốc tỉnh Luhansk thừa nhận: “Người Nga đang tiến về mọi hướng cùng lúc; họ đã gửi đến một số lượng lớn binh sĩ và thiết bị, Severodonetsk đang bị tấn công dữ dội”. 

Kiev nhìn nhận tình hình “mỗi lúc một khó khăn hơn” cho quân đội Ukraine trong khu vực, vào thời điểm Nga dồn hỏa lực dội xuống Severodonetsk và Lysyschansk 24/24 giờ. Hai thành phố được coi là “chốt chặn” còn lại của tỉnh Luhansk có nguy cơ cùng chung số phận như thành phố Mariupol. 

Severodonetsk có vị trí chiến lược quan trọng cho cả hai bên và cả Lysyschansk cũng vậy. Ước tính có khoảng 15-16 nghìn binh sĩ Ukraine được triển khai ở đây. Nếu hai thành phố này thất thủ, Nga sẽ hoàn toàn tiếp quản tỉnh Luhansk.

Nga cũng mở cuộc tấn công nhằm “kiểm soát hoàn toàn” thành phố Lyman – nơi có tuyến đường sắt quan trọng. Nếu lực lượng Nga kiểm soát Lyman, họ có thể dễ dàng nhắm tới thành phố Sloviansk gần đó và quân đội Ukraine ở phía đông nam của Lyman cũng sẽ có nguy cơ bị bao vây nhiều hơn.

Tạp chí National Interestt đã đánh giá tình hình ở Donbass như sau: 

“Trận chiến sắp tới có thể mang tính quyết định đối với tiến trình chiến dịch Donbass của Điện Kremlin. Sự kiểm soát của Nga đối với khu vực phía đông Donbass sẽ cắt Ukraine khỏi các khu vực trung tâm công nghiệp của nước này, và thực hiện mục tiêu chiến lược quan trọng của Điện Kremlin là thiết lập một hành lang nối liền an toàn tới Crimea.” 

Tại miền nam Ukraine, việc thành phố cảng Mariupol rơi vào tay quân đội Nga được coi là một bước ngoặt. Hiện Nga đã thông được hành lang đất liền từ Mariupol tới Crimea, chấm dứt việc Ukraine phong tỏa nguồn nước và năng lượng của bán đảo này. 

Kênh nước ngọt nối sông Dnepr với bán đảo Crimea khô cằn giờ đã nằm trong quyền kiểm soát của Nga. Nhà máy điện hạt nhân ở phía bắc bán đảo cũng vậy, chưa kể lưới điện ở đông nam Ukraine hiện có thể được kết nối với Nga. Có thể nói, đây là những lợi ích chiến lược đối với Nga. 

Như vậy sau hơn 90 ngày giao tranh, có thể nói Nga đã đạt được “mục tiêu” thiết lập một hành lang trên bộ nối liền với bán đảo Crimea thông qua Mariupol, phong tỏa hoàn toàn tuyến đường ra biển Azov của Ukraine, và tiến tới khả năng biến Ukraine thành một quốc gia không giáp biển.  

Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu trên, Nga đã phải hứng chịu tổn thất khá nặng nề về nhân mạng, khí tài…, cũng như phải trả một cái giá quá đắt với hàng nghìn lệnh trừng phạt của thế giới.

Nga tổn thất binh sĩ ở Ukraine tương đương với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam?

Có quá nhiều thông tin từ cả Ukraine (bao gồm truyền thông dòng chính phương Tây) và Nga, và mọi thông số đều chỉ là ước tính, phỏng đoán khó có cách nào để biết chính xác. Tuy nhiên, các dữ liệu đưa ra cũng phản ánh phần nào chiến sự tại Ukraine quả là khốc liệt.

Tìm kiếm qua Google, có thể thấy truyền thông dòng chính phương Tây đã đưa ra rất nhiều con số về binh sĩ Nga thiệt mạng, dao động từ 10.000 cho đến 40.000 người. (Nationalreview; Forbes, Theguardian, Euronews..).

Tuy nhiên tính đến ngày 25/4 (sau 2 tháng giao tranh), Bộ Quốc phòng Nga công bố con số binh sĩ thiệt mạng của nước này tại Ukraine là 1.744 người. Nếu chiến sự ngày càng leo thang và kéo dài (ví dụ trong 12 tháng), thiệt hại của Nga có thể lên tới bao nhiêu người? Câu trả lời là: Có thể  khoảng 10.000 binh sĩ (con số này chỉ là giả định).

Các binh sĩ Nga trên một chiếc xe tăng ở quận Volnovakha thuộc Donetsk do phe ly khai thân Nga kiểm soát, ở Ukraine vào ngày 26/3/2022. (Ảnh: Cơ quan Sefa Karacan/Getty Images)

Ngày 23/5 Forbes cho biết, Bộ Quốc phòng Anh ước tính Nga mất khoảng 15.000 lính, và trong 3 tháng giao tranh số binh sĩ Nga thiệt mạng nhiều tương đương quân đội Liên Xô đã tổn thất trong 9 năm chiến tranh ở Afghanistan kể từ năm 1979”. 

Theo Wikipedia, quân đội Liên Xô đã mất khoảng 14.453 người trong 10 năm ở Afghanistan (1979-1989), và nếu chia trung bình thì Liên Xô tổn thất khoảng 1.400 người/năm. Như vậy tỷ lệ tổn thất của Nga trong 2 tháng ở Ukraine cao gấp 10 lần ở Afghanistan.

Marko Marjanović – nhà bình luận, phân tích chuyên về địa chính trị Đông Âu cho biết: Tổn thất nhân mạng của Nga tại Ukraine có thể so sánh với Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Năm 1968 được coi là năm tồi tệ nhất mà Mỹ phải hứng chịu với 16.900 binh sĩ tử trận. Như vậy trung bình mỗi tháng trong năm này, Mỹ mất khoảng 1.400 binh sĩ. Riêng cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân từ ngày 30/1/1968, hơn 4.000 lính Mỹ đã thiệt mạng chỉ sau 2 tháng giao tranh. (en.wikipedia).

Nhóm Hải quân chuyển thi hài của Trung sĩ Tham mưu Quân đội. Ryan C. Knauss, 23 tuổi, ở Corryton, Tennessee, và đưa ra khỏi máy bay quân sựtại Căn cứ Không quân Dover ở Dover, Delaware, 29/8/2021. (SAUL LOEB / AFP qua Getty Images)

Trong những năm tồi tệ thứ hai và thứ ba (1969 và 1967), Mỹ lần lượt mất 11.800 và 11.400 binh sĩ. Như vậy, tổn thất của Nga công bố vào cuối tháng 4 vừa qua, ngang với mức mà Mỹ phải gánh chịu trong chiến tranh Việt Nam.

Nga chi tiêu kỷ lục: 300 triệu đô la/ngày tại chiến trường Ukraine

Theo trang tin độc lập Moscow Times, Nga đã chi hơn 300 triệu USD mỗi ngày cho quốc phòng vào tháng 4, tăng hơn gấp đôi chi tiêu quốc phòng trước khi chiến tranh bùng nổ.  

Tờ này cho biết, chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 2 là 369 tỷ rúp (5,4 tỷ USD), tháng 3 tăng lên 450 tỷ rúp (6,6 tỷ USD) và tháng 4 là tháng đắt đỏ nhất với 628 tỷ rúp (9,2 tỷ USD), chia trung bình là 308 triệu đô la/ngày.

Chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 4 (628 tỷ rúp tương đương 9,2 tỷ USD),  cao hơn gấp đôi so với tháng 1 (233,7 tỷ rúp, tương đương 3,4 tỷ USD). 

Từ tháng 1 đến cuối tháng 4 năm 2022, Nga đã chi tiêu cho quân sự là 1.681 nghìn tỷ rúp (24,6 tỷ USD). Con số này cao gấp 3 lần số tiền chi cho giáo dục, hơn gấp đôi số tiền chi cho y tế, và gấp 10 lần số tiền chi cho quản lý và bảo vệ môi trường.

Nga hứng chịu số lệnh trừng phạt lớn chưa từng có trong lịch sử: 6.400 lệnh

Mikhail Khodarenok – một đại tá quân đội Nga nghỉ hưu đã thẳng thắn trao đổi về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trên Russia-1, kênh truyền hình lớn thuộc sở hữu của Nhà nước Nga. Đây cũng là tiếng nói hiếm hoi chỉ trích công khai chính quyền của Tổng thống Putin. 

Theo BBC, ông Khodarenok đề cập đến tình hình địa chính trị bấp bênh của Nga tại Ukraine, khiến đất nước ông trở thành “kẻ xấu” trong con mắt dân chúng toàn cầu. Ông đã có những phát biểu như sau: 

  • “Tình hình của Nga sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Ukraine nhận được hỗ trợ quân sự bổ sung từ phương Tây”. 
  •  “Vấn đề lớn nhất đối với tình hình quân sự và chính trị của chúng ta là chúng ta đang bị cô lập hoàn toàn về địa chính trị”. 
  • “Tình hình không thể được coi là bình thường khi liên minh 42 quốc gia đang chống lại chúng ta, và khi các nguồn lực của chúng ta bao gồm quân sự-chính trị -kỹ thuật là có hạn”.

Ông Mikhail Khodarenoki kêu gọi chấm dứt chiến tranh khi tuyên bố: “Một cuộc xung đột vũ trang với Ukraine không nằm trong lợi ích quốc gia của nước Nga”.

Có thể nói cho tới nay, Nga là quốc gia phải hứng chịu số lệnh trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 6.400 lệnh (ở thời điểm trung tuần tháng 3), và khả năng con số này còn cao hơn nếu tính ở thời điểm hiện tại. Các biện pháp trừng phạt Nga cũng đang gia tăng từng ngày, bao trùm mọi lĩnh vực tài chính, năng lượng, giao thông, thương mại, y tế, văn hóa, thể thao… (Newsstance) 

Trong đó hơn 1.000 công ty quốc tế đã tạm ngừng giao dịch tại Nga hoặc rút lui hoàn toàn, bao gồm các tập đoàn Apple, McDonalds, Coca-Cola, Starbucks, Marks & Spencer… (BBC)

Thêm nữa, cuộc chiến hiện đang diễn ra tại Ukraine không còn phải là giữa Nga và quốc gia láng giềng nữa, mà là giữa Nga với NATO, EU do Mỹ đứng đầu theo cách của một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm”. 

Khói bốc lên từ một chiếc xe tăng của Nga bị quân Ukraine phá hủy bên lề đường ở Rusaniv, gần Kyiv, Ukraine vào ngày 26/2/2022. (Ảnh: Genya Savilov/Getty Images)

Có thể nói, hiện Nga đang phải căng sức đấu lại với một ‘tập thể phương Tây’ đang áp dụng “học thuyết” tẩy chay trên mọi mặt chính trị – kinh tế và quân sự theo Chủ nghĩa toàn cầu, gồm: Ào ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine và tăng cường các lệnh trừng phạt Nga.

Vậy Ukraine – quốc gia đang nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất của thế giới thì thế nào? 

Ukraine: Một số phận nghiệt ngã

Rõ ràng, trong những tuần gần đây, châu Âu dường như tỏ ra mệt mỏi vì cuộc chiến tại Ukraine, và có vẻ chỉ quan tâm đến việc kết thúc chiến tranh hơn là ai sẽ giành chiến thắng. Đặc biệt là Đức – quốc gia dường như ủng hộ việc quay về trạng thái trước chiến tranh. 

Điều đáng nói là Đức không đơn độc trong vấn đề này. Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rằng, tương lai hòa bình ở Đông Âu không nên bao gồm những động thái gây hấn không cần thiết với Nga, và có thể bao gồm một số nhượng bộ với Moscow về lãnh thổ. (WSJ) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, tại Phủ thủ tướng ở Berlin, Đức, vào ngày 9/5/2022. (Ảnh: Stefanie Loos/Getty Images)

Sau khi thông qua 5 gói trừng phạt Nga với sự đồng thuận cao từ các thành viên, giờ đây EU đã đi đến giới hạn tận cùng, khi gói trừng phạt thứ 6 (gồm cấm vận dầu mỏ) đang thử thách sự đoàn kết của khối này. Hungary tuyên bố sẽ ngăn chặn bất kỳ đề xuất trừng phạt nào bao gồm nhằm vào năng lượng Nga, và gọi đó là “lằn ranh đỏ”. Khả năng trì hoãn trong các lệnh trừng phạt dầu mỏ của EU có thể sẽ gây ra hiệu ứng domino với Czech, Bulgari, Áo…

Trong khi ấy Đức, Pháp, Ý cùng các quốc gia EU khác đã đồng ý với chế độ thanh toán mới (bằng đồng rúp) khi mua khí đốt của Nga. (Reuters)

Trong những tuần gần đây, đã có một loạt các ý tưởng kêu gọi đàm phán giữa Nga và Ukraine của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi. 

Nói một cách dễ hiểu hơn, ba quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu đang cùng chung quan điểm muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng, và đưa mọi thứ “trở lại bình thường” càng sớm càng tốt. Điều đáng nói là, xu hướng này đang đi ngược lại với mục tiêu kéo dài chiến tranh nhằm “làm suy yếu nước Nga” của Mỹ, Anh và các nước vùng Balkan trong đó có Ba Lan.

Rõ ràng là Ukraine cảm nhận rất rõ điều này, khi Ngoại trưởng Ukraine là ông Dmytro Kuleba phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 25/5 rằng, NATO “thực sự không làm gì cả”. 

Trong khi ấy, Tổng thống Zelensky chỉ trích phương Tây thiếu đoàn kết khi đối phó chiến dịch quân sự của Nga: “Sự đoàn kết được thể hiện bằng vũ khí. Câu hỏi của tôi là, sự đoàn kết này có được thể hiện trên thực tế không? Tôi không thấy điều đó. Chúng ta chỉ có lợi thế to lớn trước Nga nếu chúng ta thực sự đoàn kết”.

Từ đầu cuộc chiến, sự ủng hộ của EU dành cho Ukraine không mạnh mẽ như Anh và Mỹ. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, chỉ tính riêng trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Mỹ đã cung cấp 4,4 tỷ USD cùng các hỗ trợ khác cho Ukraine, gấp 2 lần EU và các nước thành viên của liên minh này. Ukraine hiện nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất từ Mỹ, Anh và một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan.  (WSJ)

Có điều, hàng tấn vũ khí và tài chính liên tục đổ vào “hố đen” Ukraine đã không thể đảo ngược được tình thế trên chiến trường: Mariupol thất thủ và Nga đang dần kiểm soát hoàn toàn miền Đông Ukraine.

Nếu Ukraine chiếm ưu thế, tại sao Mỹ yêu cầu Nga ngừng bắn?

Ngày 13/5, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin đã gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoygu kêu gọi Nga ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc.(defense.gov)

Đây là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo quân đội Mỹ và Nga kể từ ngày 18/2, trước khi Nga mở chiến dịch “quân sự đặc biệt” vào Ukraine (24/2). 

Điều lưu ý là chỉ trước đó 2 tuần, ngày 26/4, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng công khai nói rằng, mục tiêu của chính quyền Joe Biden là ‘làm suy yếu nước Nga”. (CNN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái) và Ngoại trưởng Blinken (phải) đến thủ đô Kiyv để gặp Tổng thống Ukraine. (Ảnh: Getty Images)

Hầu hết truyền thông dòng chính đều đưa tin rằng, Ukraine đang đà chiến thắng, và rằng quân đội Ukraine do Mỹ, NATO huấn luyện sẽ sớm đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi biên giới.  

Bản thân Tổng thống Zelensky gần đây thừa nhận rằng tình hình ở Donbass như địa ngục. Ông tuyên bố: “Ở Donbass, lực lượng chiếm đóng đang cố gắng gia tăng sức ép. Đó là cảnh địa ngục, không phải cường điệu hóa.” (Business-standard)

Phải chăng Lầu Năm Góc biết tất cả điều này, và đó có phải là lý do khiến Bộ trưởng Austin gọi điện yêu cầu Nga ngừng bắn?

Tổn thất trên chiến trường là các lực lượng tinh nhuệ Ukraine

Về mặt quân sự, hầu hết các khí tài của Ukraine đã bị xóa sổ ngay trong tuần đầu tiên của chiến sự. Các thiết bị vũ khí mới được phương Tây chuyển giao  thông thường là các vũ khí đời cũ của Liên Xô, hoặc vũ khí mới hiện đại của Mỹ có một số không “phù hợp” trên chiến trường. (Dailytelegraph)

Các lô vũ khí mà chính quyền Biden cùng NATO, EU cung cấp cho Ukraine đã không đủ để duy trì thế trận, khi Nga liên tiếp phá hủy ngay từ khi còn chưa kịp tiếp viện tới chiến trường giao tranh. 

Điển hình là ngày 23/5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tập kích vào nhà ga Malin ở tỉnh Zhytomyr, phá hủy vũ khí và thiết bị quân sự của lữ đoàn sơn cước số 10 Ukraine, khi lô hàng này đang được chuyển từ tỉnh Ivano-Frankivsk tới Donbass. 

Cho tới thời điểm này vẫn chưa có con số cụ thể về tổng số thương vong của phía Ukraine. Ngày 16/4, Tổng thống Zelenskiy xác nhận Ukraine mất khoảng 3.000 binh sĩ kể từ khi Tổng thống Putin ra lệnh tấn công Ukraine. (Guardian)

Tuy nhiên với sự khốc liệt trên chiến trường khi Ukraine liên tiếp mất các khu vực chiến lược vào tay lực lượng Nga, thì con số thương vong của Ukraine tính đến thời điểm này có lẽ không dừng ở đó. 

Chính tờ Le Monde thừa nhận rằng: Trong khi con số binh lính Nga chết hoặc bị thương được đưa tin rộng rãi, thì về phía Ukraine gần như không có gì. Đây là một thực tế được phương Tây cố ý tạo ra, nhằm tránh cho quân đội (Ukraine) sa sút tinh thần, hoặc tránh cho người Nga biết một con số quá chính xác”.

Việc mất thành trì chủ chốt Mariupol, trong đó có biểu tượng nhà máy thép Azovstal và tiểu đoàn Azov, có khả năng giáng một đòn mạnh vào tinh thần của lực lượng Ukraine đang chiến dấu ở Donbass.  Các binh sĩ Ukraine đang được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine vào ngày 17/5/2022 (Ảnh chụp màn hình lấy từ video của Bộ Quốc phòng Nga/Getty Images)

Phần lớn quân đội chính quy Ukraine lên tới 44.000 binh sĩ đã tập trung ở Donbass, đang bị quân đội Nga bao vây. Cần lưu ý tổng số quân chính quy của Ukraine chỉ có hơn 200.000 người, và trong đó những binh sĩ tinh nhuệ trong số này chủ yếu rải rác ở chiến trường Ukraine. Nếu những đội quân này bị thương vong hoặc đầu hàng, thì lực lượng chiến đấu của Ukraine sẽ khó lòng đảo ngược tình thế với Nga.. 

Và có vẻ như sự đầu hàng của các tiểu đoàn ‘thiện chiến’ Azov ở Mariupol đã làm giảm tinh thần của quân đội Ukraine đang chiến đấu chống lại người Nga trên các mặt trận khác, đặc biệt là ở Donbass…

Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Tình báo Ukraine ngày 24/5 nói rằng, khí tài hạng nặng của phương Tây sẽ đến tay binh sĩ Ukraine vào tháng 8, và sẽ giúp Ukraine đảo ngược đà tiến công hiện nay của lực lượng Nga vào cuối năm nay. (Yahoo)

Nhưng cùng ngày, chính Tổng thống Zelensky nói rằng, Ukraine không còn nhiều thời gian, rằng cuộc xâm lược của Nga đã đạt đến một “bước ngoặt”, và các lực lượng Ukraine cần thêm sự trợ giúp quân sự. (Axios)

Câu hỏi đặt ra là: Một cuộc phản công lớn của Ukraine vào cuối năm nay, được hỗ trợ bởi vũ khí hạng nặng của Mỹ, phải chăng là quá muộn, khi Nga đang dồn lực để kiểm soát Donbass? Và cho dù có nhiều vũ khí tân tiến, quân đội Ukraine có thể không còn đủ nhân lực để vận hành chúng khi đã bị tiêu hao binh sĩ quá nhiều. 

Ukraine cũng gần như cạn kiệt xăng và dầu diesel bởi các cuộc tấn công của Nga vào nhà máy lọc dầu Kremenchuk – nơi cung cấp 50% dầu diesel và toàn bộ xăng cho Ukraine. Điều này cũng ảnh hưởng khá lớn tới khâu hậu cần vận chuyển khí tài và các loại xe chiến đấu của Ukraine hoạt động trên chiến trường. (WSJ)

Một quân nhân Ukraine đứng trước một nhà kho đang bốc cháy sau trận pháo kích ở Kyiv vào ngày 17/3/2022. (Ảnh Getty Images)

Kinh tế tê liệt và khả năng lâm nợ nần

Mỹ và EU đã áp dụng các lệnh trừng phạt chưa từng có vào Nga, đặc biệt ở các ngành chủ chốt như năng lượng nhằm cắt đứt “huyết mạch” tài chính, làm cạn kiệt tiềm lực kinh tế và quân sự của Nga. 

Nhưng thực tế cho thấy, các đòn trừng phạt lại đang tác động ngược lại Mỹ và EU, và Ukraine cũng không ngoại lệ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Ukraine có thể giảm tới 45% vào cuối năm 2022. (Worldbank) 

Việc quốc hội Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ bổ sung 40 tỷ USD cho Ukraine có thể được coi là một “động lực” nâng cao tinh thần cho lực lượng chiến đấu của nước này. Kể từ đầu cuộc chiến đến nay, viện trợ quân sự của chính quyền Joe Biden dành cho Ukraine hiện ở mức 53,7 tỷ USD, chiếm khoảng 81% ngân sách quốc phòng năm 2021 của Nga. (usatoday)

Nhưng người phương Tây có câu rằng: “Không có bữa trưa nào là miễn phí”. Đạo luật cho vay-thuê quốc phòng Ukraine năm 2022 do Tổng thống Biden ký hôm 9/5, dựa trên đạo luật được sử dụng trong Thế chiến Thứ hai để “bán, nhượng, trao đổi, cho thuê hoặc cung cấp” vũ khí cho các nước đồng minh bị phát xít Đức đe dọa. Thực chất, gói viện trợ này lại là những khoản nợ mà người dân Ukraine sau này sẽ phải oằn lưng hoàn trả. (defense.gov) 

Trong số 40 tỷ USD ấy, bao gồm những khoản gì? 

  • 19 tỉ USD hỗ trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine
  •  3,9 tỉ USD để duy trì các lực lượng Mỹ được triển khai tới châu Âu. 
  • 16 tỉ USD trong gói viện trợ sẽ được chi hỗ trợ kinh tế cho Ukraine, cứu trợ nhân đạo và một loạt các chương trình quốc tế khác. 
  • 2 tỉ USD sẽ được chi hỗ trợ lâu dài cho các đồng minh NATO và củng cố, hiện đại hoá kho vũ khí của Mỹ.

​​Theo CSIS, riêng gói 19 tỉ USD viện trợ quân sự sẽ được chi cho 3 hạng mục, bao gồm: 

  1. Chi 6 tỉ USD cho Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI): Cung cấp các chương trình đào tạo, vũ khí, hậu cần, lương, duy trì, hỗ trợ tình báo cho Ukraine,…  USAI giống như một tài khoản chuyển tiền, có nghĩa là sau này Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ quyết định số tiền sẽ đi đâu, trong khi Ukraine không có thẩm quyền với số tiền đó.
  1. Chi 9 tỉ USD bổ sung kho vũ khí cho Mỹ. Theo đó, khoản tiền này cung cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ để thay thế các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự đã và đang được gửi đến Ukraine. 
  2. Chi 4 tỉ USD cho Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý, cho phép Ukraine và các quốc gia khác mua thiết bị quân sự mới chứ không chỉ lấy các mặt hàng từ kho hiện có của Mỹ. Tuy nhiên, đây là một nỗ lực lâu dài vì việc mua các hệ thống vũ khí lớn có thể kéo dài trong nhiều năm. 

Vậy phải chăng người dân Ukraine chỉ có thể “nhìn thấy” số tiền 40 tỷ chứ không có thẩm quyền “quyết định” nó? 

Các lô vũ khí Mỹ đã chuyển cho Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. (Ảnh: Lục quân Hoa Kỳ)

Khoản viện trợ này của chính quyền Joe Biden hàm ý là để hỗ trợ cho Ukraine chống lại quân đội Nga, nhưng cũng đồng nghĩa với việc kéo dài chiến tranh gây thêm đau khổ cho quốc gia đông Âu này. Trong khi ấy, 19 tỉ trong tổng số 40 tỷ đô la có khả năng sẽ “giúp” cho các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ có thêm nhiều hợp đồng béo bở, đồng nghĩa binh sĩ hai bên sẽ phải đánh đổi bằng xương máu trên chiến trường.

Đường vào EU và NATO  ngày càng mù mịt

Một trong số nhiều lý do dẫn đến cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay có lẽ xuất phát từ việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông, cùng với nguyện vọng gia nhập khối này của chính quyền Tổng thống Zenleski. Tuy nhiên, Nga luôn coi xu hướng này của NATO là mối đe dọa an ninh, và xem việc nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh là lằn ranh đỏ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO hoan nghênh việc Ukraine trở thành thành viên, và đồng ý nước này có thể trở thành thành viên nếu đáp ứng được một số yêu cầu. Và điều đó có lẽ đã khiến Ukraine “nuôi” hy vọng. Tuy nhiên, NATO cũng cho biết các quốc gia muốn gia nhập cần phải đáp ứng “các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự nhất định”. 

Stanley Sloan, chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Đại học Middlebury hé lộ: “Có rất nhiều tiêu chí để trở thành thành viên NATO. Ukraine thực sự không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào trong số đó, mặc dù nước này đang trong quá trình đạt được những điều đó”. Tuy nhiên Sloan giải thích rằng, có một lý do bất thành văn khiến Ukraine không được phép gia nhập NATO là do các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với Nga. (Miamiherald)

Điều đó có nghĩa gì? Phải chăng ngay từ đầu,  NATO đã xác định Ukraine khó có thể gia nhập liên minh, nhưng vẫn cho Ukraine một hy vọng ‘mơ hồ’ suốt 14 năm, kể từ 2008 cho tới tháng 2/2022? 

Ngược lại, NATO lại nhanh chóng chào đón cả Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối này với thời gian ngắn kỷ lục: Có thể vài tuần (nếu không tính Thổ Nhĩ Kỳ phản đối). 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong buổi lễ đánh dấu việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập liên minh NATO tại Brussels, vào ngày 18/5/2022. (Ảnh: Johanna Geron/ Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News tối 7/3, Tổng thống Zelensky từng trả lời rằng, ông không còn tha thiết gia nhập NATO nữa: “Tôi đã trở nên kém mặn mà với vấn đề này sau khi nhận ra rằng NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine.” (france24) 

Cũng vậy, con đường gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Ukraine cũng chông gai không kém. Ngày 8/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cam kết sẽ đẩy nhanh nỗ lực trở thành thành viên EU của Ukraine. (Guardian)

Ukraine cũng đã hoàn tất trả lời bộ câu hỏi cần thiết để EC khuyến nghị lên Hội đồng EU để  thảo luận về khả năng kết nạp Ukraine làm thành viên. Trước đó, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU theo thủ tục khẩn cấp, và hy vọng rằng dựa trên thông tin cung cấp cho EC, Ukraine sẽ có tư cách trở thành thành viên EU vào tháng 6 tới. 

(Từ trái sang) Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộ họp báo sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU để thảo luận về hậu quả của cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, tại Cung điện Versailles, gần Paris, vào ngày 11/3/2022. (Ảnh Getty Images)

Tuy nhiên ngày 10/5, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố rằng sẽ mất “vài năm, có thể là vài thập kỷ” để Ukraine gia nhập EU, “trừ khi chúng tôi quyết định hạ thấp các tiêu chuẩn để gia nhập”. (bbc)

Trong khi ấy, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp là ông Clément Beaune cảnh báo:  “Cần phải trung thực rằng, nếu nói Ukraine có thể gia nhập EU trong 6 tháng, 1 hoặc 2 năm tới thì sẽ là nói dối. Điều này là không đúng bởi để gia nhập EU chắc chắn sẽ cần 15 hoặc 20 năm. Tôi không muốn Ukraine ảo tưởng hay bị lừa dối”. (rfi.fr)

Đáp lại, Tổng thống Zelensky thất vọng nói: “Sự gia nhập của chúng tôi chỉ có thể củng cố cho EU… Chúng tôi không thể ở trong tình huống không chắc chắn này mãi mãi. Thật không công bằng”.(Le Monde)

Phải chăng Tổng thống Zelensky nhận ra vấn đề thì đã quá muộn? Ukraine đã trở thành chiến trường tang thương.

Kết:

Có thể nói, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine là một cuộc chiến kỳ lạ, và sẽ không có kẻ thắng người thua trong “canh bạc” này. Nếu xung đột tiếp tục gia tăng và tình hình tiếp tục xấu đi, liệu Thế chiến thứ ba có xảy ra? 

Tổng thống Putin lấy cớ bảo vệ an ninh quốc gia khi NATO tiến sát biên giới Nga để mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine. Việc Nga tấn công Ukraine là hoàn toàn sai trái, và tổn thất nhân mạng ở cả hai bên thật là khủng khiếp.

Trong khi ấy, chính quyền Joe Biden đang muốn kéo dài cuộc xung đột tại Ukraine để làm “suy yếu” nước Nga. Còn chính quyền Tổng thống Zenlesky trông chờ vào sự hỗ trợ vũ khí của Mỹ để tiếp tục chiến đấu với quân xâm lược Nga.

Nhưng có một điều chắc chắn không thể phủ nhận: Là hai dân tộc Nga và Ukraine có mối quan lâu đời. Ukraine là vùng lân cận của Nga, trong khi cách Mỹ tới hơn 10.000 cây số. 

Có câu rằng: “Nước xa không cứu được lửa gần”, có lẽ đang đúng với hoàn cảnh của Ukraine lúc này. 

Related posts