Đại sứ Nga tại Anh, Andrei Kelin, trong cuộc phỏng vấn của BBC được phát sóng hôm Chủ nhật (29/5) cho biết việc đất nước ông sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ diễn ra khi sự tồn tại của Nga bị đe dọa.
“Nó không liên quan gì đến hoạt động hiện tại,” ông Kelin nói, đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine mà Moscow gọi là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Vladimir Putin có cân nhắc tấn công Anh bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chiến tranh mở rộng hay không, đại sứ đã bác bỏ điều này.
Tuy vậy, điều này và các kịch bản khác đã được thảo luận công khai trên kênh truyền hình nhà nước Nga vài tuần trước.
Khi được cho xem các bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine, ông Kelin liên tục phủ nhận trách nhiệm của Moscow.
“Không có gì xảy ra cả, không có thi thể nào trên đường phố”, ông nói khi được hỏi về những hành động tàn bạo đã xảy ra ở ngoại ô Bucha, nơi hàng trăm thi thể được tìm thấy sau khi quân đội Nga rút đi vào đầu tháng Tư.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đó là điều bịa đặt,” ông Kelin nói.
Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Nga cũng nhiều lần cáo buộc Ukraine giết hại dân thường ở khu vực phía đông Donbass.
Trước đó, vào ngày Chủ nhật, tình báo Anh cho biết Nga đang bịa ra các bài tường thuật về cuộc chiến ở Ukraine để che đậy và làm sai lệch nhận biết của công chúng trong nước về cuộc xung đột.
Moscow đã “tận dụng vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cho mục đích chính trị của mình và sau đó … đổ lỗi cho phương Tây”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo Ukraine hàng ngày vào Chủ nhật.
Bộ này trích dẫn việc cách đây vài ngày Nga đã kêu gọi Ukraine tiến hành phá dỡ cảng Odesa trên Biển Đen để các tàu chở lương thực có thể đi qua an toàn. Tuy nhiên, chính Nga đã ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.
Theo London, vụ việc là “nguyên lý cốt lõi của chiến lược thông tin sai lệch hiện đại của Nga.”
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, Bộ Quốc phòng Anh đã thường xuyên công bố các bản cập nhật tình báo.
Moscow đã cáo buộc London tiến hành một chiến dịch thông tin sai lệch có mục tiêu.
Trong khi đó, các chuyên gia tỏ ra bi quan về các cuộc đàm phán nhằm sớm kết thúc chiến tranh. Theo chuyên gia quốc phòng Đức Carlo Masala, hiện không có lý do gì để ông Putin đàm phán với Ukraine.
Ông Masala cho biết nhà lãnh đạo Nga sẽ chỉ bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc khi ông ấy lo sợ rằng mình sẽ mất nhiều hơn những gì mình đạt được khi tiếp tục chiến tranh.
Hiện tại, Nga đã đạt được một số thành công ở Donbass do phía Ukraine thiếu vũ khí hạng nặng, ông nói và cho biết để cải thiện tình hình, đất nước này cần có vũ khí hạng nặng.
Vị chuyên gia tin rằng các cuộc đàm phán sẽ vô cùng khó khăn, “bởi vì Ukraine không muốn mất lãnh thổ và người Nga không muốn rút khỏi Ukraine”.
Lê Vy (theo DPA)