Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ gây ra “nguy cơ vừa phải“ đối với y tế cộng đồng ở mức độ toàn cầu. Tuyên bố trên được WHO đưa ra hôm 29/5 vừa qua trong bối cảnh xuất hiện nhiều ca mắc tại các quốc gia thường không ghi nhận căn bệnh này.
Theo WHO, nguy cơ về y tế cộng đồng có thể tăng cao nếu virus gây bệnh đậu mùa khỉ trở thành một mầm bệnh truyền nhiễm và lây lan ở các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng như trẻ nhỏ hay người bị suy giảm miễn dịch.
Theo thống kê, tính đến ngày 26/5, tổng cộng 257 ca mắc và 120 ca nghi mắc bệnh đậu mùa tại 23 quốc gia trong đó nhiều nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Cho tới nay, chưa có báo cáo về ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này. WHO cho rằng sự xuất hiện đột ngột của loại bệnh đậu mùa khỉ cùng một thời điểm tại những nước không ghi nhận bệnh này là đặc hữu cho thấy sự lây nhiễm đã diễn ra âm thầm, không bị phát hiện trong một thời gian.
WHO cũng dự báo sẽ còn có nhiều ca mắc bệnh nữa trong bối cảnh tổ chức y tế đa phương này đang giám sát diễn biến dịch tại những nước ghi nhận và không ghi nhận căn bệnh này là đặc hữu.
Bệnh này lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong.
Cùng ngày, Nigeria thông báo nước này đã ghi nhận 21 ca mắc và 1 ca tử vong do bệnh này từ đầu năm tới nay. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nigeria cho biết trong số ca mắc, có 61 ca nghi nhiễm thì có 21 ca xác nhận mắc bệnh và 1 ca tử vong tại 9 bang và thủ đô Abuja. NCDC nhận định trong số 21 ca mắc trong năm nay, không có bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm bất thường của virus gây bệnh này cũng như sự thay đổi về biểu hiện lâm sàng.
Theo các chuyên gia về dịch bệnh Nam Phi, rằng không cần phải thực hiện các chiến dịch tiêm vắc-xin trên diện rộng để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời không cho rằng bệnh có thể bùng phát như đại dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các dịch bệnh truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi Adrian Puren nhận định rằng đến nay việc tiêm vắc-xin ngừa bệnh trên diện rộng là điều không cần thiết. Chiến dịch tiêm phòng nên ưu tiên cho những bệnh truyền nhiễm khác, có nguy cơ lây lan và tử vong cao hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý giới chức y tế cần duy trì cảnh giác trước đợt bùng phát lần này.
Phan Anh
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.