Minh Anh
Trong khi Hoa Kỳ đang bận rộn chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, ĐCSTQ đang cố gắng giành toàn quyền kiểm soát các hòn đảo chiến lược quan trọng ở Nam Thái Bình Dương.
Từ ngày 26/5 đến ngày 4/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đã bắt đầu chuyến thăm các nước khu vực Nam Thái Bình Dương và đề nghị 10 quốc đảo ký thỏa thuận hợp tác an ninh khu vực do ĐCSTQ chuẩn bị trước, bao gồm các vấn đề về cảnh sát, an ninh, thông tin số liệu, đánh bắt thuỷ hải sản và nhiều lĩnh vực khác.
Động thái này của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại cho Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, Úc và New Zealand, cũng như quốc đảo Micronesia ở Thái Bình Dương, vốn lo ngại rằng Trung Quốc có thể nắm toàn quyền kiểm soát khu vực và thay đổi “quy tắc” trong khu vực.
Ngoài ra, Fiji tiếp bước Úc và New Zealand, ngày 26/5 tuyên bố sẽ tham gia khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn đầu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tạo tiền lệ cho các quốc đảo Thái Bình Dương.
Chuyến đi của ông Vương Nghị dự kiến bao gồm cuộc gặp vào ngày 30/5 với các ngoại trưởng của 10 quốc đảo Thái Bình Dương và đề nghị họ ký một thỏa thuận an ninh đã được chuẩn bị sẵn.
Một bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc có kế hoạch hợp tác với 10 quốc đảo Thái Bình Dương trong các lĩnh vực “an ninh truyền thống và phi truyền thống”, bao gồm đào tạo sĩ quan cảnh sát, mở rộng hợp tác thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác vận hành mạng Internet của khu vực; và thành lập các Viện Khổng Tử để quảng bá văn hóa của ĐCSTQ.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ làm việc với các nước này để xây dựng kế hoạch đánh bắt thuỷ hải sản, bao gồm đánh bắt cá ngừ ở Nam Thái Bình Dương, nơi có ngành đánh bắt cá ngừ lớn nhất và sinh lợi nhất trên thế giới. Hoa Kỳ đã ký Hiệp ước Cá ngừ Nam Thái Bình Dương với Úc, New Zealand và 14 quốc đảo Thái Bình Dương vào đầu năm 1988, cho phép các tàu cá của Hoa Kỳ đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các bên ký kết khác. Nhưng hiệp ước cần được gia hạn trong năm nay.
Tuy nhiên, Micronesia đã nói rõ rằng họ không có ý định ký thỏa thuận. Nước này trước đây đã ký một hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và một hiệp ước kinh tế với Trung Quốc.
Tổng thống David Panuelo đã cảnh báo trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương rằng điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị một cách không cần thiết và đe dọa sự ổn định trong khu vực, đồng thời nói rằng thỏa thuận là “một đề nghị thay đổi quy tắc luật chơi nhiều nhất ở Thái Bình Dương mà chúng tôi từng thấy”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price hôm 26/5 nói rằng Trung Quốc có thể sử dụng thỏa thuận này để lợi dụng các quốc đảo và gây bất ổn trong khu vực.
Bộ trưởng ngoại giao mới của Úc bà Penny Wong, người đang thăm Fiji cùng thời điểm, cũng cho biết vào ngày 27/5, “Thế giới đã thay đổi, có nhiều cạnh tranh chiến lược hơn và các quy tắc quốc tế bị phá vỡ nhiều hơn”. Bà cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hậu quả của thỏa thuận an ninh Quần đảo Solomon đã ký với ĐCSTQ trong tháng trước.
Giáo sư Anne-Marie Brady, chuyên gia về Trung Quốc và Thái Bình Dương tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh New Zealand (RNZ) ngày 26/5, “Các quốc đảo Thái Bình Dương rất hữu ích đối với việc kiểm soát tuyến giao thông và liên lạc trọng yếu trên biển. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm các địa điểm trong khu vực để xây dựng cảng, sân bay và cáp thông tin liên lạc, tất cả đều nằm trong chương trình quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”.
Bà tin rằng các hoạt động của Trung Quốc tại các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ kéo toàn bộ khu vực vào một cuộc xung đột địa chính trị lớn hơn. “Cũng giống như những gì đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai, một thế lực hiểm độc đang cố gắng thay đổi trật tự hiện có, họ cần thống trị một số quốc gia chủ chốt, chỉ để bao vây và phong tỏa khu vực”, bà Brady nói.
Bà trích dẫn ví dụ về Quần đảo Solomon, nơi đã ký thỏa thuận an ninh với ĐCSTQ vào tháng trước. Khi căng thẳng và hỗn loạn trong khu vực xảy ra, “các lực lượng nước ngoài thâm độc lợi dụng cơ hội để giành quyền kiểm soát quần đảo Solomon, cũng như Papua New Guinea, New Caledonia, Kiribati và các quốc đảo khác ở Thái Bình Dương, có thể dẫn đến phong tỏa các tuyến đường biển, ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực”.
Toà Bạch Ốc đưa ra tuyên bố ngày 26/5 nói rằng họ hoan nghênh Fiji với tư cách là quốc gia sáng lập thứ 14 và là quốc đảo đầu tiên trong số các quốc đảo Thái Bình Dương tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và gọi Fiji là “đối tác thân thiết của Hoa Kỳ và là nhà lãnh đạo trong khu vực” sẽ “bổ sung giá trị và quan điểm đáng kể cho khuôn khổ”.
Bà Brady đã tweet về vấn đề này vào ngày 27/5, nói rằng, “Tôi rất vui khi thấy (Hoa Kỳ và các đồng minh) hình thành một mặt trận thống nhất để chống lại ‘mặt trận thống nhất’ của ĐCSTQ”. Cái gọi là “mặt trận thống nhất” của ĐCSTQ ám chỉ việc thu hút và sử dụng tất cả các lực lượng địa phương có thể có ở nước ngoài để thâm nhập và ảnh hưởng đến giới chính trị và kinh doanh nước ngoài.
Trong bài phát biểu ngày 20/4, bà Brady đã phân tích chi tiết cách Trung Quốc sử dụng “Vành đai và Con đường” trên biển của mình để mở rộng về phía nam, cố gắng gây ảnh hưởng và xâm nhập các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và giành quyền tiếp cận các sân bay và cảng quan trọng về quân sự của họ.
Theo The Epoch Times