Khi chính quyền Trung Quốc dùng đến các biện pháp cưỡng ép kinh tế và chính trị để trừng phạt Lithuania vì đã rời bỏ một nhóm các quốc gia tự nguyện do Trung Quốc lãnh đạo và bồi đắp mối bang giao của họ với Đài Loan, Lithuania đã không lùi bước và kiên định trước áp lực đó với sự hỗ trợ của khối Âu Châu và các nước khác.
Bà Diana Mickevičienė, đại sứ hiện tại của Lithuania tại Trung Quốc, đã thông báo cho chính quyền Trung Quốc hồi tháng 02/2021 về quyết định rút khỏi khuôn khổ “17+1”.
Giống như các quốc gia khác tham gia khuôn khổ này, Lithuania rất kỳ vọng thúc đẩy xuất cảng của họ sang Trung Quốc, bà Mickevičienė nói với The Epoch Times. “Trung Quốc đã được định vị là một thị trường rất tiềm năng cho [một số] sản phẩm của Lithuania.”
Đại sứ nói: Kể từ khi thành lập nền tảng “16+1” vào năm 2012, các chính phủ kế nhiệm sau đó của Lithuania đã nỗ lực rất nhiều trong việc hiện thực hóa tiềm năng đó với hy vọng đạt được một bước đột phá lớn trong xuất cảng sang Trung Quốc nhưng những con số tăng rất chậm.
Diễn đàn “16+1” – Hợp tác Trung Quốc-Các nước Trung và Đông Âu (China-CEEC) – là một sáng kiến do Trung Quốc đứng đầu nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ và văn hóa giữa Trung Quốc và các nước tham gia ở Trung và Đông Âu.
Năm 2019, Hy Lạp, một quốc gia thành viên E.U., đã gia nhập diễn đàn này khiến nó trở thành “17+1” nhưng sau khi Lithuania rút lại, nền tảng này lại trở thành “16+1”.
Bà Mickevičienė giải thích, mặc dù có tiềm năng như vậy nhưng Lithuania không thể thực sự thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, bất luận các nỗ lực của nước này và trong một thập niên qua, họ đã đàm phán với Trung Quốc về những điểm bất đồng.
Theo dữ liệu của United Nations Comtrade, xuất cảng hàng hóa của Lithuania sang Trung Quốc đã tăng từ gần 86 triệu USD vào năm 2012 lên gần 358 triệu USD vào năm 2020, trong khi nhập cảng của nước này từ Trung Quốc đã tăng từ gần 682 triệu USD lên 1.3 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian đó.
Đại sứ cho biết quốc gia Baltic này đã lên kế hoạch bán lúa mì chất lượng cao của mình trên thị trường Trung Quốc nhưng nỗ lực thúc đẩy xuất cảng lúa mì của họ đã gặp trở ngại. Đơn cử, vào đầu năm 2020, một số container lúa mì của Lithuania đã bị chính quyền Trung Quốc tạm dừng nhập cảng do bị cáo buộc nhiễm một loại nấm không tồn tại ở Lithuania. Bà Mickevičienė nói rằng với tư cách là một đại sứ, bà đã cố gắng giải quyết vấn đề nhưng vô ích.
Bà Mickevičienė cho biết bà tin rằng lúa mì có thể đã bị chặn để trả đũa cho đề nghị trước đó của nước này liên quan đến Đài Loan do Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania đương thời đưa ra trong cuộc trò chuyện với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp toàn thể của tổ chức này.
Bà Mickevičienė nói rằng có rất nhiều rào cản ngăn Lithuania thâm nhập thị trường Trung Quốc “đã được bãi bỏ quá chậm hoặc gần như không được bãi bỏ”, do đó nước này tiếp tục thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Đối thoại song phương của Lithuania với Trung Quốc bắt đầu chuyển thành các cuộc thảo luận với tất cả những thành viên tham gia diễn đàn, điều này đã trở thành lý do thứ hai khiến Lithuania rút khỏi diễn đàn này, bà Mickevičienė cho hay.
“Chúng tôi đã có các vấn đề song phương của mình, nhưng chúng tôi buộc phải thảo luận về chúng theo quan điểm của tất cả 17 quốc gia, điều mà chúng tôi nghĩ là không hợp lý vì sự hợp tác song phương vẫn là hướng chính và mọi quốc gia có chủ quyền đều muốn có mối hợp tác song phương.”
Hơn nữa, trong những năm qua, Lithuania đã chứng kiến một số nỗ lực trá hình của Trung Quốc nhằm cung cấp “cà rốt” cho các quốc gia riêng biệt hoặc một nhóm quốc gia, mà theo quan điểm của bà Mickevičienė, hành vi này đang phá hoại thị trường E.U.
“Ở khối EU, chúng tôi có một thị trường chung và chúng tôi có một khu vực giao dịch chung.” Các sản phẩm của Trung Quốc được tiếp nhận vào một thị trường chung của E.U. bằng một tập hợp các nguyên tắc và tiêu chuẩn,” bà giải thích.
“Chúng tôi đã thấy những nỗ lực nhất định khiến chúng tôi đấu với nhau [và] chống lại Brussels.”
Trong số những nước tham gia nền tảng “17+1” có 12 các quốc gia thành viên E.U. từ Trung và Đông Âu và năm quốc gia Balkan là những ứng cử viên tiềm năng cho Liên minh này.
Theo trang web của Ủy ban Âu Châu, thị trường chung EU là một tổ chức cho phép sự di chuyển tự do của con người, dịch vụ, hàng hóa và vốn trên khắp các lãnh thổ của tất cả các quốc gia tham gia.
Theo The Baltic Times, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với BNS (Baltic News Service) khi việc rút lui của Lithuania được công bố rằng “17+1” là một “diễn đàn gây chia rẽ.”
“Tôi sẽ kêu gọi tất cả các các quốc gia thành viên E.U. tìm kiếm một tinh thần 27+1 và hợp tác hiệu quả hơn với Trung Quốc. Sự hợp nhất của Âu Châu là điều làm cho nó trở nên mạnh mẽ và có ảnh hưởng,” ông Landsbergis đề cập đến 27 thành viên của Liên minh Âu Châu.
Lithuania cũng đã hy vọng có thể thu hút một số tàu đến từ Trung Quốc do vị trí địa lý thuận lợi của quốc gia Baltic này, bà Mickevičienė nói. “Đúng là chúng tôi nằm giữa các giao lộ.”
Đại sứ cho biết Trung Quốc cũng quan tâm đến cảng biển duy nhất của Lithuania nhưng quốc gia Baltic này có các luật sàng lọc đầu tư ngoại quốc rất nghiêm ngặt, hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước đối với các thành viên của NATO, EU và OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Bà nói thêm rằng, theo định nghĩa, quy tắc này tự động loại trừ Trung Quốc.
Rời khỏi Diễn đàn ‘17+1 ’
Bà Mickevičienė tiết lộ rằng phía Trung Quốc dường như hiểu được quyết định rời bỏ diễn đàn “17+1” của Lithuania nhưng yêu cầu nước này không công khai việc này và Lithuania đã đồng ý.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mời các đại diện của nước này tham gia các cuộc họp “17+1” và treo cờ Lithuania trong các cuộc họp này mà không có sự cho phép của Lithuania, bà nói. Bà cho biết thêm, chính quyền Trung Quốc đã không tôn trọng cam kết của mình rằng việc tham gia vào “17+1” là tự nguyện.
Đại sứ cho biết: Chính phủ Lithuania không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công khai quyết định của mình và đã công bố điều đó hồi tháng 05/2021.
Sau khi thông báo, đại sứ quán Lithuania ngay lập tức bắt đầu cảm nhận được hậu quả, vì các dự án văn hóa của họ đã bị đình trệ, bà Mickevičienė nói, và cho biết thêm rằng bên Trung Quốc bắt đầu từ chối các cuộc gặp của bà.
Bà cho biết, các sinh viên Trung Quốc đang học tiếng Lithuania đã bị ngăn cản tham dự các sự kiện văn hóa do Đại sứ quán tổ chức, với nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như các hạn chế COVID-19. Đại sứ nói rằng các phòng trưng bày và bảo tàng tư nhân đã từ chối làm việc với Đại sứ quán, nói rằng họ đã được thông báo về việc Lithuania nằm trong danh sách các quốc gia không thân thiện và vì sự an toàn của chính họ, họ quyết định tránh bất kỳ sự hợp tác nào.
Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan
Hai tháng sau, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) tuyên bố mở văn phòng đại diện tại Lithuania với tên gọi “Văn phòng đại diện Đài Loan”, kích động cơn thịnh nộ của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Mặc dù Đài Loan có các văn phòng thương mại và văn hóa ở nhiều nước Âu Châu nhưng không có văn phòng nào được gọi là “Văn phòng Đại diện Đài Loan”. Họ mang tên “Đài Bắc”, thủ đô của Đài Loan để tuân thủ “chính sách Một Trung Quốc”.
“Chính sách Một Trung Quốc” là nguyên lý của chính sách ngoại giao của nhà cầm quyền Trung Quốc khẳng định rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và chỉ có một quốc gia có chủ quyền với tên gọi “Trung Quốc”. Chính sách này yêu cầu các nước khác không thiết lập mối quan hệ với Đài Loan.
Chỉ có một số quốc gia trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và Vatican là quốc gia duy nhất ở Âu Châu.
Không có lý do cụ thể nào cho việc đặt tên văn phòng đại diện là “Đài Loan”, bà Mickevičienė giải thích. “Đó là một nguyên tắc của bên thành lập văn phòng — đó là việc chọn tên. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc đó.”
Bà nói thêm rằng chính phủ Lithuania đã có kế hoạch thắt chặt quan hệ với Đài Loan từ vài năm trước để đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế của nước này nhưng kế hoạch đó đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi cảm thấy Đài Loan là một nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng là nền kinh tế thị trường có thể dự đoán được và có tính chất dân chủ [nên quốc đảo này] có thể là một trong những đối tác để đa dạng hóa.” Ngoài ra, sự tập trung của Đài Loan vào lĩnh vực công nghệ cao phù hợp với sự tập trung truyền thống của Lithuania vào các ngành công nghiệp công nghệ sinh học và laser mà nước này dự định phát triển, bà Mickevičienė cho hay.
Kinh nghiệm của một số quốc gia Trung Âu cho thấy sự hợp tác của họ với hòn đảo tự trị này đã mang lại các khoản đầu tư của Đài Loan cho quốc gia của họ, từ đó tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân của họ, bà Mickevičienė nói.
Bà giải thích rằng các cơ quan đại diện của Đài Loan tại các quốc gia đó đóng một vai trò quan trọng trong sự hợp tác này, vì vậy việc mở văn phòng Đài Loan tại Lithuania cũng có thể giúp Lithuania, một quốc gia nhỏ và ít hiện diện ở Á Châu, tăng cường quan hệ đối tác với Đài Loan.
Ý tưởng về một văn phòng Đài Loan đã được thảo luận trước với Bắc Kinh nhưng phản hồi của họ là: “những quốc gia khác đã phạm sai lầm [khi cho phép mở văn phòng Đài Loan ở nước họ], nhưng phía Trung Quốc sẽ không cho phép [Lithuania] mắc sai lầm tương tự,” bà Mickevičienė nói .
Bà nói: “Chính phủ của tôi rất nghiêm túc nhìn nhận việc này như một hành động đang hạn chế khả năng hoạt động của chúng tôi với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.”
Đại sứ cho biết Lithuania cũng bị cáo buộc vi phạm chính sách một Trung Quốc đã cam kết khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tuy nhiên văn phòng do Đài Loan mở ra không được trao bất kỳ tư cách ngoại giao nào, vì vậy thỏa thuận một Trung Quốc không bị vi phạm, bà giải thích. “Đây không phải là một đại sứ quán hay bán đại sứ quán.”
“Ngay cả chính phía Trung Quốc cũng thừa nhận trong các liên lạc bằng văn bản và bằng lời rằng chúng tôi đã vi phạm tinh thần đó, nhưng không phải trong thư cam kết”.
Khai trương Văn phòng Đài Loan
Sau thông báo này, một số lượng lớn các doanh nghiệp Lithuania xuất cảng sản phẩm sang Trung Quốc đã gặp phải sự cản trở từ phía đại lục, và thậm chí một chuyến tàu trực tiếp từ một thành phố của Trung Quốc đến Lithuania đã bị hủy bỏ, đại sứ cho biết.
Khi văn phòng Đài Loan được mở vài tháng sau đó, chính quyền Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania xuống cấp đại biện, thấp hơn cấp đại sứ một bậc, và đơn phương đổi tên cả hai đại sứ quán thành văn phòng đại biện. Cả hai đại sứ đều đã bị chính phủ của họ triệu hồi trước đó nên các đại sứ quán có thể do các đại biện đứng đầu nhưng cả luật quốc tế và luật trong nước Lithuania đều không có quy định nào cho “văn phòng của đại biện”, bà Mickevičienė giải thích.
Bà nói thêm, tên “Đại sứ quán Lithuania” đã bị xóa khỏi hệ thống định vị, hải quan Trung Quốc đã từ chối giao dịch với hàng hóa, ngân hàng và các tổ chức khác được thông báo rằng Đại sứ quán Lithuania không còn tồn tại.
Các nhân viên đại sứ quán có bảy ngày để giao nộp thẻ công nhận ngoại giao, vốn là cơ sở pháp lý duy nhất để họ ở lại Trung Quốc, đại sứ nói, khi cho biết thêm rằng họ không có thị thực Trung Quốc trên các hộ chiếu do một thỏa thuận miễn thị thực cho nhân viên ngoại giao.
Sau đó, chính phủ Lithuania đã quyết định di tản tất cả đại sứ quán trở lại Lithuania trên chuyến bay đầu tiên mà họ có được, bà nói. “Quý vị không thể mạo hiểm với sức khỏe của nhân viên của mình.”
“Việc tước bỏ địa vị, tên, và giấy tờ tùy thân của đại sứ quán hiện có là điều chưa từng có tiền lệ. Và tôi nghĩ đó là… sự vi phạm trầm trọng các thỏa thuận quốc tế.”
Đại sứ cho biết, kể từ đó, Đại sứ quán Lithuania tại Trung Quốc hoạt động từ Lithuania như một đại sứ quán trực tuyến và chỉ có thể thực hiện một số phần công việc của mình.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã chặn hàng nhập cảng từ Lithuania một cách hiệu quả bằng cách xóa tên nước này khỏi hệ thống hải quan của họ, bà Mickevičienė cho hay. Bà nói rằng một hoặc hai ngày sau, tên này xuất hiện trở lại nhưng hệ thống không giải quyết bất kỳ yêu cầu nào nếu quốc gia xuất xứ là Lithuania.
Hơn nữa, áp lực lên chuỗi cung ứng và các công ty quốc tế giao dịch với Trung Quốc buộc phải loại bỏ các linh kiện từ Lithuania trong sản phẩm của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, bà Mickevičienė nói.
Theo Viện Gatestone, mặc dù xuất cảng của Lithuania sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất cảng của cả nước, nhưng quốc gia này là nơi có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các linh kiện được các công ty quốc tế sử dụng để sản xuất các sản phẩm cho thị trường Trung Quốc.
Bà Mickevičienė cho biết, Liên minh Âu Châu đã thu thập bằng chứng để đệ trình một vụ kiện trước Tổ chức Thương mại Thế giới chống lại Trung Quốc vì hành vi cưỡng ép kinh tế đối với Lithuania, đồng thời cho biết thêm rằng đất nước của bà đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ E.U. và các quốc gia riêng lẻ bao gồm cả Hoa Kỳ.
“Sự phản kháng chung ít nhiều cũng đã dẫn đến việc các công ty đa quốc gia, các chuỗi cung ứng toàn cầu được yên ổn, nhưng một lần nữa, tình hình vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng và chấm dứt.”
Hồi tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã áp đặt một lệnh cấm chính thức nhập cảng một số sản phẩm của Lithuania như sữa, thịt bò và bia, với lý do các vấn đề về tuân thủ vệ sinh mà bà Mickevičienė đã bác bỏ. Bà nói thêm, để giảm thiểu tác động, chính phủ Lithuania đã cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển hướng hàng hóa đã được lên kế hoạch xuất cảng cho thị trường Trung Quốc sang các nước khác.
Lithuania đã nhận được sự hỗ trợ chính trị từ Hoa Kỳ ngay từ những ngày đầu đứng lên chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc và nước này cũng tăng cường hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ, bà Mickevičienė nói. “Xuất cảng của chúng tôi sang Hoa Kỳ đã tăng theo cấp số nhân vào năm ngoái. Vì vậy, chúng tôi có thể đang đánh mất thị trường Trung Quốc nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã mở ra rất nhiều cơ hội vào thị trường Hoa Kỳ [cũng như] các thị trường khác”.
Bà Mickevičienė nói: “Chúng tôi có thể là một quốc gia nhỏ nhưng chúng tôi rất tự hào về chủ quyền của mình, chúng tôi đã chiến đấu hết mình để trở thành một quốc gia có chủ quyền vì vậy chúng tôi không thể làm tổn hại các quyết định có chủ quyền của chúng tôi.”
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York, chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang biên dịch