Lư Ất Hân
Cùng việc dần gỡ phong tỏa, nhiều người đã chụp được ảnh số lượng lớn binh lính đang di tản khỏi Thượng Hải. Từ đó, thân phận chân thật của những nhân viên phòng chống dịch trong bộ đồ bảo hộ màu trắng cũng bị vạch trần, họ là những quân nhân hoặc cảnh sát.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Đỗ Chính (Du Zheng) đã đăng một bài viết trên Up Media Đài Loan cho biết, một số video trực tuyến cho thấy những người được gọi là “tình nguyện viên“, hay “nhân viên chống dịch mặc đồ bảo hộ màu trắng“, hay “bạch vệ binh” khi đánh người thì rất hung hãn, hình thức và thủ pháp của họ giống như quân nhân. Ông Đỗ Chính cho rằng ít nhất một bộ phận binh sĩ đã được cử đến Thượng Hải để tham gia vào việc duy trì ổn định, và họ đã đến Thượng Hải dưới ngọn cờ của nhân viên y tế quân đội.
Theo truyền thông bên ngoài Trung Quốc, hiện có rất nhiều đoạn video đã được đăng tải trên Internet, cho thấy nhiều “người mặc đồ bảo hộ trắng” chi viện Thượng Hải và dùng bạo lực đối với người dân để duy trì ổn định, là những quân nhân hoặc cảnh sát ngụy trang. Một người dùng Twitter đã đăng video và nhấn mạnh: “Quân đội đã bắt đầu rút khỏi Thượng Hải. Họ đã từng được ngụy trang là người chống dịch mặc đồ bảo hộ trắng! Đối với nhiều người dân Thượng Hải, đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất!”. Video này gồm nhiều đoạn video về một lượng lớn binh sĩ rút khỏi Thượng Hải, và nhiều video ngắn về “người mặc đồ bảo hộ trắng” xung đột với người dân hoặc đánh đập người dân một cách thô bạo.
Theo truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, một số quân nhân đã xuất ngũ cũng mặc thiết bị bảo hộ trong thời gian dịch bệnh để tham gia “phòng chống dịch”.
Ngày 29/5, tờ Báo chiều Tân Dân đưa tin, sau khi xem thông báo tuyển dụng của chính phủ, các quân nhân xuất ngũ ở thị trấn Trường Chinh, quận Phổ Đà, Thượng Hải đã tổ chức thành lập “Đội biệt kích tình nguyện dành cho quân nhân xuất ngũ”. Họ nhận chỉ thị từ chính quyền, thực hiện các công việc như đến đến các khu cộng đồng tiến hành quản lý kiểm soát phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic, di chuyển các trường hợp được xác nhận lây nhiễm.
Tuy nhiên, trong khi người dân ở Thượng Hải trở nên hỗn loạn và liên tiếp xuất hiện bi kịch do chính sách chống dịch cực đoan của chính quyền, chính quyền lại chọn cách tiếp tục phớt lờ sinh kế của người dân, và thậm chí điều động những binh lính và cảnh sát để duy trì sự ổn định, khiến cho sự oán than của người dân xuất hiện khắp nơi. Một số binh lính và nhân viên cảnh sát mặc đồ bảo hộ trắng thậm chí còn tuần tra và canh gác tại các cộng đồng địa phương và các địa điểm thử nghiệm axit nucleic với súng trong tay với ý đồ đe dọa người dân rất mạnh mẽ.
Tại nhiều khu vực ở Thượng Hải, đã có báo cáo về các cuộc đụng độ giữa “người mặc đồ bảo hộ trắng” với người dân. Có “người mặc đồ bảo hộ trắng” vì buộc người dân trong cộng đồng mở cửa, đã trèo qua cửa sổ và bị chủ nhà lên tiếng phản đối; có người thì đột nhập vào nhà cư dân để khử trùng mà không được sự đồng ý của chủ nhà, và cưỡng chế đưa người đi cách ly. Những hành động này đã khiến người dân chỉ trích giống như đột kích vào nhà lục soát thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Một số video lan truyền trên mạng cho thấy hình ảnh những “người mặc đồ bảo hộ trắng” đập phá cửa nhà một cách thô bạo và cưỡng bức cư dân đi cách ly. Ngoài ra còn có nhiều người dùng Twitter đã đăng video tiết lộ cảnh “nhân viên mặc đồ bảo hộ trắng” đánh người…
Trang tiếng Trung của “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle) đưa tin, tối ngày 7/5, một cuộc xung đột đã nổ ra giữa đám đông và “những người mặc đồ bảo hộ trắng” tại một tòa nhà thuộc khu cộng đồng Kim Thịnh, quận Mẫn Hàng, thành phố Thượng Hải. Theo đoạn video, các cư dân đã hét lên giận dữ với với những “người mặc đồ bảo hộ trắng“, và một số thậm chí hét lên “thực thi pháp luật một cách bạo lực”. Nhiều người thậm chí còn xô xát với những “người mặc đồ bảo hộ trắng”.
Theo báo cáo, những “người mặc đồ bảo hộ trắng” được gọi là những nhân viên thuộc tuyến đầu phòng chống dịch bệnh cộng đồng, đã bị nghi ngờ xâm phạm nhân quyền vì “thực thi pháp luật” một cách quá cứng rắn và không thể đưa ra lý do hoặc cung cấp bằng chứng. Vì vậy, một số cư dân mạng đã chỉ trích “người mặc đồ bảo hộ trắng” là “vệ binh trắng” trong trang phục bảo hộ.
Học giả độc lập Trung Quốc Ngô Cường (Wu Qiang) cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với “Deutsche Welle” vào tháng Tư rằng: “Tình trạng hiện tại của Thượng Hải là những người mặc đồ bảo hộ trắng đang tiếp quản toàn bộ thành phố, và các đường phố bị những người này chiếm lĩnh.”
Ông Ngô Cường cho rằng: “Mỗi một cá nhân mặc lên bộ đồ bảo hộ trắng thì có thể tùy tiện chà đạp tôn nghiêm của công dân và xâm phạm quyền lợi của công dân, họ đã không coi mọi người là công dân. Trong tình huống chưa công bố trạng thái khẩn cấp, họ đã dùng phương thức thực thi pháp luật ngoài vòng pháp luật, mặc lên bộ đồ bảo hộ trắng để thực thi pháp luật, tùy ý hạn chế tự do đi lại của mọi người.”
Lư Ất Hân, Vision Times